Suy nghĩ trước Ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4/2012

Một năm sau Quyết định của Thủ tướng Chính phủ – lấy ngày truyền thống của Hội KTS Việt Nam (27/4) là Ngày Kiến trúc Việt Nam, dường như những suy nghĩ về nghề kiến trúc trở nên trăn trở hơn đối với không chỉ những KTS mà còn nhiều tấm lòng tâm huyết với nền kiến trúc nước nhà. Trước dịp Ngày Kiến trúc Việt Nam được tổ chức lần thứ hai, Tạp chí Kiến trúc đã ghi nhận những tâm sự của các KTS, những nhà nghiên cứu xã hội học… Tất cả đều đau đáu hướng tới sự phát triển bền vững của nền kiến trúc Việt.
Hội Kiến trúc sư Đà Nẵng Với lễ Kỹ niệm ngày Kiến trúc Việt Nam 
KTS Nguyễn Hồng Hà (Hội KTS Gia Lai): “KTS đừng chạy theo hợp đồng mà quên lương tâm nghề nghiệp!”
Ngày Kiến trúc Việt Nam năm nay, Hội KTS Gia Lai dự định tổ chức Lễ kỷ niệm một cách giản dị nhưng ấm cúng, chủ yếu là ôn lại truyền thống của Hội và hành trình của Hội KTS Gia Lai từ khi thành lập (năm 1996) đến nay. Nhân dịp này, Hội sẽ vận động anh chị em hội viên tích cực tham gia Cuộc tuyển chọn công trình Kiến trúc Xanh 2012 và Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2012. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng: vấn đề dự giải đối với các KTS địa phương còn nhiều e ngại. Hội KTS Gia Lai sẽ kết hợp với Sở Xây dựng để thực hiện việc này.
Ngày vui của giới kiến trúc Việt Nam mà lại khiến nhiều người phải chạnh lòng nghĩ: không biết khi nào nghề kiến trúc mới thực sự được xã hội công nhận và tôn vinh như nghề thầy thuốc, thầy giáo… Anh em vẫn đặt hy vọng vào thời điểm Luật KTS được thông qua và  áp dụng trong thực tế. Thêm nữa, Ngày Kiến trúc Việt Nam cũng mới được công nhận gần đây nên còn ít người biết. Chính vì thế, các Hội KTS từ Trung ương đến cơ sở phải tích cực tuyên truyền và tổ chức sao cho ý nghĩa, trở thành ngày truyền thống toàn dân ghi nhớ.
Mặt khác, điều luôn cần nhắn nhủ tới những KTS hành nghề bây giờ: phải thực sự có tâm, có tài, thiết kế cho xã hội những sản phẩm đẹp, có chất lượng hơn – Đừng bao giờ chạy theo hợp đồng mà quên mất lương tâm nghề nghiệp (tạm gọi là “Kiến Đức”). Ở các nước phát triển nghề kiến trúc thực sự được “nể” (có cảm giác như một nghề cao siêu) mặc dù rất ít quốc gia có ngày Kiến trúc! Có lẽ bởi vì pháp luật của họ về kiến trúc đã đầy đủ, môi trường hành nghề đã chuẩn mực…và họ làm nghề đúng pháp luật, có tránh nhiệm cao.
KTS Hồ Huy (Hội KTS Quảng Trị): “KTS nên hoạt động xã hội nhiều hơn”
Xu thế chung hiện nay vẫn luôn đánh giá kiến trúc là một nghề “hot”, dễ kiếm việc và dễ kiếm tiền. Chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu những khó khăn và sức ép riêng. Thực tế là nhiều anh em đã phải bỏ cuộc, chuyển sang làm nghề khác. Theo tôi, việc này cũng phần nào bắt nguồn từ quá trình đào tạo – đào tạo KTS ở ta tụt hậu so với các nước trong khu vực, cần thay đổi mạnh mẽ và triệt để. Sứ mạng của KTS không chỉ là vẽ và lấy tiền, mà quan trọng hơn – phải nâng cao dân trí và quan trí về kiến trúc.
Hòa cùng niềm vui của anh chị em KTS cả nước, trong Ngày KTS Việt Nam 27/4, Hội KTS Quảng Trị sẽ tổ chức tham gia vào các hoạt động xã hội dưới các hình thức Tọa đàm, trao đổi nghề nghiệp, giao lưu văn nghệ. Những hoạt động này sẽ lồng ghép những ý kiến, những trăn trở của anh chị em KTS về chuyện nghề, chuyện đời – chia sẻ và động viên các anh chị em KTS đang hành nghề trên toàn tỉnh. Dự kiến, trước đó, Hội KTS Quảng Trị sẽ tổ chức cho anh em đi thắp hương tại Nghĩa trang Trường Sơn….
TS Phạm Quỳnh Hương (Viện Khoa học Xã hội): Nhà người Việt và vai trò của các KTS
Ở Việt Nam một thời người ta cứ cho rằng kiến trúc kiểu nhà Tây mới là đẹp. Và chúng ta đã cho ra đời một dòng sản phẩm nhà Tây ở khắp các ngõ ngách Hà Nội, thậm chí khắp các tỉnh thành chợt thấy mình sống trong sự nô lệ về văn hóa,  về kiến trúc mà không biết.
Đến bao giờ,  những nét đẹp của nhà truyền thống Việt sẽ trở lại với đời sống hiện đại? Đó sẽ là một cuộc đi tìm, thậm chí là một hành trình rất dài, dễ phải đến vài thập kỷ. Mong lắm đến lúc được ngắm và sống trong những ngôi nhà mang dáng vóc của người Việt, để khách đến nhà sẽ biết ngay đó là nhà Việt. Đến bao giờ người Việt thấy thoải mái, ưng ý khi sống trong ngôi nhà của mình, chứ không phải là nhận nhà rồi muốn đập đi sửa lại, hoặc sống trong nhà mới rồi, lại muốn đập đi xây cái khác ưng ý hơn. Mà điều này, nói các bạn KTS đừng giận, đó là yếu điểm, là lỗi của chính các KTS – Khi các KTS không đưa ra được sản phẩm hợp lý, khiến cho người dân phải tự mày mò, tự xoay xở với các kiểu kiến trúc tự tạo của mình.
Cứ nhìn quá trình biến đổi kiểu kiến trúc nhà trong những thập kỷ vừa qua thì thấy:  Người Việt đang trong quá trình tìm tòi một cách quyết liệt, và không mệt mỏi. Gọi là quyết liệt là vì: những kiểu nhà “chóp”, kiểu “Paris” là những cách thể hiện thị hiếu một cách quyết liệt của người Việt, không phải là không có những lời bàn tán, bình luận, nhưng người ta vẫn quyết thực hiện sở thích của mình bằng được. Và cái cách người Việt từ chối những nét kiến trúc truyền thống cũng quyết liệt không kém.  Nhưng, tôi tin, và chắc chắn nhiều bạn KTS (chứ không phải tất cả, đáng tiếc) cũng tin rằng, kiến trúc truyền thống sẽ quay lại trong ngôi nhà người Việt. Và tôi tin rằng nó sẽ giữ một vị trí đặc biệt quan trọng.
Kiến trúc truyền thống sẽ quay lại, mà chính xác hơn, kiến trúc truyền thống sẽ được cập nhật, được hiện đại hóa cùng với ngôi nhà của người Việt. Nó nhất định quay lại bởi vì:
– Đó là kết tinh ngàn đời của cái phù hợp với điều kiện địa lý, khí hậu trên mảnh đất Việt. Cái mà người Việt bây giờ đi tìm kiếm thì loanh quanh rồi sẽ lại quay lại chính những điều mà ông cha đã để lại. Có lẽ, cái mà bây giờ dân và giới kiến trúc, xây dựng vẫn gọi là Phong thủy, cũng chính là kết tinh kinh nghiệm ngàn đời của cha ông về địa lý, khí hậu trong nhà người Việt.
– Đó là linh hồn Việt, là tâm linh Việt. Có những lúc người ta gạt bỏ, người ta quên đi khía cạnh này. Nhưng rồi phải thừa nhận rằng những khía cạnh tâm linh, về dòng giống, nó ăn vào gien con người từ triệu năm rồi.
Với những ngôi nhà Việt, dành cho người Việt trong tương lai – điều tất yếu là sứ mạng được trao vào tay các KTS, những người kiến tạo tương lai. Tôi nghĩ thế, và luôn tin vào điều đó!
KTS Nguyễn Văn Cường (Hội KTS Thái Nguyên): Tăng cường hoạt động của Hội nhân dịp Kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam
Để Ngày Kiến trúc Việt Nam thực sự trở thành ngày hội của toàn dân, của giới KTS, Hội KTS Thái Nguyên dự kiến tổ chức nhiều hoạt động: Lễ Kỷ niệm Ngày 27/4 tại Khách sạn Đông Á 2 (TP Thái Nguyên) với sự tham gia của  toàn thể KTS Thái Nguyên, đại diện các Sở Văn hóa – truyền thông, Sở Xây dựng, các đơn vị tư vấn trên địa bàn tỉnh; Triển lãm một số tác phẩm kiến trúc – quy hoạch tiêu biểu của Thái Nguyên; Lễ kết nạp 15 hội viên mới, nâng tổng số hội viên Hội KTS Thái Nguyên từ 35 lên 49 người… Bên cạnh đó, CLB KTS Trẻ Thái Nguyên cũng có nhiều hoạt động thiết thực chào mừng Ngày Kiến trúc: giao lưu với CLB KTS Trẻ Tuyên Quang và Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội; tổ chức tham quan dã ngoại và vẽ phong cảnh TP Tuyên Quang, sông Lô; triển lãm tranh “Kiến vẽ” tại Hội quán kiến trúc Thái Nguyên; tổ chức sinh hoạt định kỳ tại Hội quán – đây là hoạt động được đánh giá cao với nhiều nội dung về nghề thiết kế và sáng tác. Nhân dịp này, Hội KTS Thái Nguyên cũng động viên các KTS đang hành nghề trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia bình chọn công trình Kiến trúc xanh 2012 và Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia, tham gia Triển lãm Kiến trúc VietArc tại Hà Nội… Với những hoạt động này, Hội KTS Thái Nguyên mong muốn ngày càng thu hút được nhiều KTS tham gia hoạt động Hội cũng như hành nghề trên địa bàn tỉnh, có những đóng góp tích cực cho diện mạo đô  thị Thái Nguyên và sự phát triển chung của nền kiến trúc nước nhà.
ThS.KTS Bùi Duy Đức: “Chúng ta ở một khoảng cách khá xa đối với bạn bè quốc tế…” 
Qua thời gian thực tập tại TP Toulouse – Pháp tôi có nhận xét:
Các KTS Việt Nam với những kỹ năng tốt về sử dụng phần mềm, có thể tìm được cho mình một vị trí nhất định trong công việc. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn một khoảng cách lớn so với bạn bè quốc tế. Đối với tôi, một khó khăn lớn là không có thói quen làm việc chính xác ngay từ đầu. Sự qua loa trong một vài chi tiết nhỏ đã khiến tôi mất rất nhiều thời gian và công sức để chỉnh sửa khi ý tưởng bị thay đổi. Ngoài ra, việc thiếu kỹ năng phân tích hiện trạng cũng là một thiếu sót không chỉ của tôi mà còn của nhiều bạn KTS trẻ khác. Trong công việc thực tế và đào tạo chuyên môn tại Pháp, trên quan điểm phát triển bền vững, bước phân tích hiện trạng thường được đầu tư rất nhiều thời gian.
Theo tôi, những chương trình hợp tác quốc tế là một cơ hội tốt để sinh viên và những KTS trẻ tiếp cận với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Chỉ với việc cọ sát, ta mới thấy được những mặt hạn chế của mình, kịp thời bổ sung và từng bước thay đổi phương pháp tiếp cận với công việc thực tế tại Việt Nam.
TS.KTS Hoàng Anh Tú: “Hành nghề Kiến trúc là hành trình mưu cầu sáng tạo”
“Nghề nào trong xã hội cũng cao quý” – Bước vào mỗi nghề là bước vào một cuộc hành trình, có lúc đến mức “sinh nghề, tử nghiệp”. Đối với nghề Kiến trúc, việc làm nghề thực sự là một hành trình mưu cầu sáng tạo.
Hành nghề kiến trúc trong thời buổi khó khăn của nền kinh tế khủng hoảng trên quy mô toàn cầu,  “làng kiến” chắc ai cũng bùi ngùi với những buồn vui trong nghề. Ngẫm nghĩ, suy tưởng để nhận ra mình vẫn là những con người “mưu cầu sáng tạo” trong cái sự “mưu cầu sinh nhai” là việc không dễ dàng. Cái việc “mưu cầu sáng tạo” của KTS đã nếm trải không ít thăng trầm khi nền kinh tế chung gặp quá nhiều biến động. Sự xông xênh nhiệt tình của các nhà đầu tư thường là một phần “điều kiện cần” để thổi lên ngọn lửa sáng tác của KTS. Thiếu vắng điều kiện cần, một vài năm qua, không ít KTS đau đầu giải bài toán “con gà và quả trứng”.
Đôi khi sự can thiệp thái quá của chủ đầu tư lại trở thành rào cản lớn trên con đường sáng tạo của KTS, khiến họ chịu không ít áp lực: về thời gian, tài chính, quan hệ, sáng tạo … Nếu không may, KTS không chịu được áp lực sáng tạo và buộc phải tìm kiếm sự thỏa hiệp, điều này khiến cho sản phẩm thiết kế không thể trở thành “tác phẩm”. Nói khác đi, sáng tạo đã bị đồng hóa bởi mưu sinh. Sự thỏa hiệp trong sáng tạo đồng nghĩa với những sản phẩm vô hồn.
KTS Nguyễn Anh Vinh (KTS trưởng Công ty ACT): “Trách nhiệm của giới KTS trong việc tuyên truyền về Ngày Kiến trúc  Việt Nam 27/4”
Nhân ngày KT Việt Nam 27/4, nhìn lại những công việc đã làm được trong thời gian qua, tôi không khỏi cảm thấy vui mừng và tự hào về những nỗ lực mà đội ngũ KTS tại Công ty ACT đã đạt được. Những định hướng về thiết kế công trình Xanh mà Cty theo đuổi từ nhiều năm nay đã dần trở thành một xu thế, nên các công trình thiết kế theo hướng sinh thái do ACT thiết kế đã tăng lên rõ rệt về số lượng và chất lượng. Tiêu biểu là khu đô thị sinh thái Times city, Vincom village (Hà Nội), Green city (TP. HCM); Khu du lịch sinh thái Vinpearl Đà Lạt và rất nhiều công trình nhà ở, biệt thự Xanh. Có được điều này cũng là do chủ đầu tư đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức về ảnh hưởng của tiêu chí kiến trúc Xanh đến công năng sự dụng, hiệu quả đầu tư, hiệu quả quảng bá của dự án.
Hiện nay, Hội KTS Việt Nam đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí về công trình Xanh. Đây là một tín hiệu vui mừng để những công trình xanh được hình thành ngày một nhiều, đóng góp tích cực cho diện mạo kiến trúc nước nhà. Tôi hy vọng, trong thời gian tới đây, sự ra đời của Luật KTS sẽ tạo được hành lang pháp lý cho KTS hành nghề, trong đó, phải mang tinh thần của kiến trúc Sinh thái, đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai. Đồng thời, các bộ Luật như Luật Xây dựng, Luật quy hoạch, Luật Kiến trúc sư cần có sự kết hợp đồng bộ với nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất chính là đẩy mạnh chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa công tác đào tạo, sáng tác, hành nghề kiến trúc.. “Muốn trở thành người hành nghề chuyên nghiệp, ngoài khả năng chuyên môn, bạn phải biết từ chối”. Đó là điều tôi nhận ra trong quá trình cộng tác với nhiều đơn vị tư vấn nước ngoài. Tính chuyên môn hóa trong hành nghề KTS của họ rất cao, từ đó, chất lượng chuyên môn trong từng khâu thiết kế đạt chất lượng tốt hơn hẳn. Tôi cho rằng, đó là tinh thần và phương thức làm việc mà KTS Việt nam cần học tập để  tạo được sự thay đổi trong chất lượng sáng tác và hành nghề của mình.
KTS Nguyễn Thanh Hà (Hội KTS Đăk Lăk): “Chỉ mong được làm và sống được với nghề kiến trúc”
Ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4/2012 đang đến gần, với nhiều dự định của anh em KTS Đăk Lăk: tổ chức gặp gỡ, giao lưu giữa các hội viên và các Sở, ban, ngành có liên quan trên địa bàn tỉnh… Theo tôi, Ngày Kiến trúc Việt Nam nên tổ chức thống nhất từ TW đến địa phương với các cuộc trao đổi về nghề, phong trào TDTT, văn nghệ, tôn vin các KTS có nhiều đóng góp, nên tổ chức hội thảo nhằm khuyến khích lòng yêu nghề và động viên các anh em trẻ tham gia…
Cá nhân tôi là một người thích làm nghề, tuy khả năng có hạn nhưng rất muốn đóng góp sức mình cho xã hội. Hiện nay, giá thiết kế phí rất thấp (so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực), lại phải kèm rất nhiều khoản phụ phí (nếu thực hiện công trình ngân sách Nhà nước), nên KTS rất khó sống được với nghề nếu không tham gia nhiều việc khác. Tôi chỉ mong giữ được lòng yêu nghề, được làm và sống với nghề kiến trúc.
KTS Nguyễn Việt Hồng: “KTS hãy tư duy nhiều hơn cho sản phẩm thiết kế của mình”
KTS ra trường đi làm thì gọi là hành nghề. Mà với tôi, hành nghề kiến trúc cũng giống như nghề mộc, nghề xây, nghề bắt cá… Mộc thì đẽo theo thức, nề thì xây theo kiểu, còn bắt cá thì đặc trưng hơn là ở vùng nào có loại cá nào thì câu thì kéo loại cá đó… Với nghề kiến trúc thì chủ nhà là ai thì ngôi nhà của họ sẽ như thế, đấy cũng thể hiện văn minh tùy thời. Ngôn ngữ kiến trúc xưa nay vẫn là cái Ý sâu xa, cái “biết” lại khác nhau tùy theo tâm tính. Cũng may là không có ai lại điên rồ đúc kết kiến trúc kiểu lai căng lập dị hiện có thành sách để lưu truyền hậu thế. Những thứ trước mắt, khó coi thì rồi cũng sẽ bị đào thải theo thời gian. Có lẽ, việc tốt nhất KTS nên làm, thay vì bức xúc hãy nên tư duy nhiều hơn cho sản phẩm thiết kế của mình, để dần có những công trình chất lượng hơn – thay thế cho những kiến trúc sao chép hiện có….
KTS Trần Hữu Thọ (Gia Mỹ Studio): “Kiến trúc sẽ buộc phải thay đổi cho phù hợp với nhu cầu và nhận thức của xã hội”
Đối với kiến trúc, luôn có hai vấn đề cần được đặt ra: một là thị hiếu xây nhà của người Việt, hai là bản sắc của ngôi nhà đó trong đời sống hiện nay. Về vấn đề thứ nhất, thị hiếu của người dân thì vô cùng phong phú và không có giới hạn, nhất là khi đặt vào bối cảnh đất nước đang mở cửa phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa tăng chóng mặt, dẫn đến lối sống thay đổi. Điều này là tất yếu, không phải chỉ có ở Việt Nam mà ngay ở các nước “văn minh” cũng vậy. Nếu đọc “Suối Nguồn”, bạn sẽ thấy rõ điều này: ở nước Mỹ vào đầu thế kỷ XX – họ cũng sùng bái kiến trúc cổ, các phong cách kiến trúc từ Phục hưng đến Hy Lạp, La Mã … tất cả đều nhằm phục vụ các nhu cầu có thực của người dân và giới KTS đa số cũng phải phục tùng theo thị hiếu chung của xã hội, một vài kẻ lẻ loi đơn độc thì gần như bị bỏ rơi. Đây là sự vận động tất yếu của xã hội, không thể can thiệp được và nó sẽ dần tự điều chỉnh khi chín muồi
Nhận thức xã hội thay đổi, mặt bằng văn hóa ổn định sẽ đưa con người trở lại với những giá trị đích thực, những gì thân thuộc phù hợp, thuận lợi và tiện nghi cho con người. Vậy nên cũng đừng quá lo lắng về kiến trúc hay lo thay cho giới KTS – Họ sẽ bắt buộc  phải thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh cũng như nhu cầu của xã hội. Còn việc thay đổi như thế nào, theo hướng nào để định hướng nhận thức chung cho xã hội, để tạo ra bản sắc…  thì đó là câu chuyện đường dài đòi hỏi lương tâm và nhiệt huyết của giới KTS nước nhà.
TS.KTS Trần Tuấn Long (Giám đốc Cty TNHH Thiết Thạch): “Mong muốn vai trò của Hội ngày càng mạnh mẽ hơn trong định hướng và hỗ trợ hoạt động của KTS”
Ngày nay, người hành nghề kiến trúc có nhiều điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cho công việc của mình: chất lượng sống ngày càng cao của xã hội, công nghệ, vật liệu hiện đại… Dễ dàng nhận thấy các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc phát triển ngày càng nhiều cả về số lượng và chất lượng. Mặc dù có nhiều định hướng phát triển nghề nghiệp khác nhau, nhưng qui tụ lại vẫn là mong muốn góp phần tạo nên những công trình đạt yêu cầu cả về thẩm mỹ lẫn kỹ thuật.
Nhìn lại khoảng thời gian 5 năm trước, ta vẫn còn bắt gặp trên tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống những câu hỏi dạng như: KTS đóng vai trò gì? Tại sao lại cần tới công tác thiết kế nhà ở? Công tác thiết kế nhà ở gồm những giai đoạn nào?… Có thể nói, Hội KTS đã góp phần không nhỏ, giúp cho người dân thành phố ngày nay càng hiểu rõ hơn vai trò của ngành kiến trúc, của nghề KT, và nâng cao nhận thức của người dân về công năng và thẩm mỹ của công trình kiến trúc và diện mạo đô thị.
Trong quá trình phát triển, Hội đã thực sự trở thành mái nhà chung của anh em KTS. Ngoài việc liên kết những cá nhân, Hội nên có những phương hướng, những chương trình liên kết các công ty hoạt động kiến trúc của thành phố, để định hướng hoạt động kiến trúc theo một hướng đi chung, trên quan điểm phát triển bền vững, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Hội cũng cần phát triển hơn những chương trình, hoạt động hướng đến lớp trẻ, những bạn sinh viên kiến trúc đầy năng động và ý tưởng sáng tạo để phát huy tiềm lực của giới kiến trúc nước nhà trong thời kì hội nhập hiện nay.
Hi vọng trong Ngày kỉ niệm của giới KTS Việt Nam, vai trò và tiếng nói của Hội ngày càng mạnh hơn nữa để hỗ trợ, định hướng anh em KTS trong sự nghiệp chung là góp phần tạo nên một diện mạo thành phố khang trang, tươi đẹp hơn.
KTS Ngô Thanh Nhu: Tâm tình của một hội viên
Tôi vào Hội KTS TP Hồ Chí Minh tương đối trễ, khoảng 42 tuổi (sau mười mấy năm làm nghề tôi mới vào Hội). Vào thì vào như vậy nhưng ít để ý. Cuộc sống cơm áo gạo tiền đã cuốn hút hầu hết thời gian của tôi với những tiếng Tic – Tac  đều đặn. Lâu lâu lại nhận được thư mời thông báo họp mặt KTS nhân dịp này, dịp kia…. Có dịp vào trụ sở Hội thì thấy các thông báo về giải bóng đá mini, nhiếp ảnh, giải kiến trúc, và vui nhất là thư mời gặp mặt tổng kết cuối năm… Có những năm đặc biệt thì họp chi Hội, chuẩn bị Đại hội KTS Thành phố hoặc chọn ứng viên tham gia Đại hội toàn quốc tại Hà Nội… Đó là những hoạt động của Hội mà Tôi biết được, và góp một phần của mình trong đó, để gặp mặt một số bạn bè, một số anh hào trong giới KTS xem thế nào, công việc, cuộc sống ra sao?…Có đi thì mới biết rằng Hội đã làm được nhiều điều, tập hợp được một số lượng KTS đáng kể, đã thay đổi từng tháng, từng năm đang dần trở thành một thực thể có trọng lượng, có tiếng nói với sức mạnh riêng của mình.
Điều tôi muốn nói là Chi hội là đơn vị tập hợp nhỏ nhất – chính là nền tảng cho sức mạnh của Hội. Hiện nay vai trò của Chi hội khá mờ nhạt, tất cả hầu như dựa vào sức mạnh của Hội. Mỗi hoạt động của Hội, cá nhân Hội viên được thông báo để trực tiếp tham gia, do đó vẫn mang tính cá nhân, thiếu tính hợp nhất của một khối. Hội nên truyền sức mạnh xuống cho từng chi hội để thu hút hội viên. Như vậy Hội sẽ mạnh hơn và Chi hội cũng san sẽ bớt gánh nặng cho Hội.
Hy vọng mai này sẽ tốt đẹp hơn với sự lớn mạnh của Hội KTS Việt Nam, của các chi hội và sự trưởng thành của giới KTS…
KTS Lã Toàn Thắng (Viện Thiết kế Bộ Quốc phòng): Các KTS trẻ và các hoạt động của Hội KTS Việt Nam 
Trong những năm gần đây, đối với các hoạt động chuyên môn của Hội như Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia, các giải thưởng về Kiến trúc xanh, kiến trúc nhà ở nông thôn, kiến trúc nhà ở vùng bão lũ, ngập lụt,… đã có rất nhiều tác giả là KTS trẻ trong cả nước nhiệt tình tham gia và đạt được những giải cao. Đó là một minh chứng khẳng định khả năng của giới trẻ. Điều này chứng tỏ rằng, Hội đã và đang làm được điều mong muốn là thu hút sự tham gia tích cực của các hội viên, các KTS nói chung và KTS trẻ nói riêng.
Theo tôi, các Hội địa phương cần đổi mới hình thức hoạt động, Hội KTS Việt Nam cũng cần củng cố thêm sự kết nối giữa TW và địa phương. Một trong những phương tiện mà chúng ta có thể tận dụng tối đa chính là internet, hiện giờ Hội đã có trang web Kienviet.net, rất cần sự  liên kết với các trang web của các Hội địa phương, các chi hội trực thuộc và khuyến khích việc trao đổi thông tin qua phương diện này, nhằm kết nối cộng đồng KTS để có sự thu hút nhanh, mạnh hơn trong thời gian tới.
Hoạt động của các KTS trẻ đang được thu hút vào Hội trại KTS trẻ diễn ra hai năm một lần. Hội KTS Việt Nam giao quyền chủ động điều hành, tổ chức cho CLB KTS trẻ để họ chủ động tạo sân chơi cho chính mình. Năm nay, dự định Ban điều hành CLB KTS Trẻ sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động tham gia đóng góp xây dựng Hội cũng như xây dựng môi trường hoạt động nghề nghiệp của KTS trẻ hiệu quả hơn.
Nhóm PV TCKT thực hiện