1. Vốn tự hào về trí nhớ thế mà tôi lại không nhớ nổi ngày nào là lần đầu tiên mình bước vào “ngôi nhà" Hội KTS Việt Nam – 23 Đinh Tiên Hoàng. Chỉ nhớ một cách chính xác rằng: tôi vào Trụ sở Hội lần đầu tiên, cách đây khoảng hơn 30 năm, đi cửa phụ bên phố Cầu Gỗ – theo đúng nghĩa "chui". Thật ra, hầu như tất cả các căn nhà phố Đinh Tiên Hoàng, khúc từ Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đến phố Hồ Hoàn Kiếm đều có 2 cửa thông ra 2 phố, Đinh Tiên Hoàng và Cầu Gỗ. Và hầu hết dành cửa Đinh Tiên Hoàng làm cửa hàng, còn cửa Cầu Gỗ làm lối ra vào. Dần dà, theo thăng trầm năm tháng, các căn nhà bị phân chia cho nhiều chủ thành hai, ba nhà hoặc hơn, phía Cầu Gỗ cũng hầu hết thành nơi buôn bán nên hiếm còn căn nhà nào thông hai cửa như cũ. Tôi may mắn quen thuộc khu phố này vì có người bà con ở đây, thường hay đến chơi vào dịp cuối tuần (thời kỳ trước khi sơ tán). Dông dài như vậy để thấy độ ngạc nhiên và rất ngạc nhiên lúc đó sao Trụ sở Hội mình lại ẩn náu ở một chỗ rất phố phường như vậy, bởi trong trí tưởng tượng của tôi, Hội Kiến trúc sư nếu không được hoành tráng tòa ngang dãy dọc như ở Kiev (Trụ sở Hội Kiến trúc sư Ucraina) hay ở Maxcơva (Trụ sở Hội Kiến trúc sư Liên Xô cũ) – (những nơi tôi đến thời đi học), thì chí ít cũng như Khu 51 Trần Hưng Đạo, một nơi đi về của mấy Hội nghệ thuật nhà mình…
Tháng năm qua đi, đến Hội thường xuyên hơn và thường xuyên chịu đựng cái thang gỗ với độ dốc “không theo tiêu chuẩn”, với chỗ vệ sinh “khó theo tiêu chuẩn”, chịu đựng khói thuốc vô tư của các đồng nghiệp và chịu đựng cảnh không có chỗ đỗ xe… Tôi lại không hình dung nổi Hội mình sẽ như thế nào nếu không ở đây – một nơi rất phố – phường – Hà Nội. Ngẫm đi ngẫm lại hóa ra cái đất này lại rất "địa lợi" cho Hội mình, như thể đã được “đo ni đóng giầy” vậy.

– Thứ nhất, ngồi ở chỗ này, bốn mùa đau đáu với Hồ Gươm, Tháp Rùa tâm linh mà không nghĩ được ra cái gì hay cho cái nghề của mình mới là chuyện lạ. Giành giật, gìn giữ một chút cây xanh, mặt nước như những “không gian cứu rỗi cuối cùng” cho một đô thị đang hàng ngày bị nghẹt thở. Làm thế nào để bảo tồn và phát triển thành phố ngàn năm – bắt đầu từ con phố ranh giới khu 36 phố phường và khu phố Pháp cũ để mở tầm đến với những cao ốc bên sông Hồng của tương lai? Hay bài toán giao thông ngay ở đây – vừa cân đong đo đếm cho đủ các "cơ sở khoa học" và "yếu tố tác động" đến vị trí đặt Ga tầu điện ngầm Hồ Gươm hiện đại, lại vừa khắc khoải hoài niệm một tiếng leng keng của bến tầu điện Bờ Hồ xưa. Rồi những "trận" Hàm Cá Mập, Hà Nội vàng, của một thời phản biện xã hội oanh liệt, hay "trận" Tòa EVN gần đây (anh em thạo tin kháo nhau rằng, để đảm bảo cho thắng lợi của các chiến dịch, "Ông Trực" đã tập hợp các cây bút tinh nhuệ trong giới mình cả tháng trời, ngày ngày qua Tháp Bút mài bút rồi ngồi uống đến mòn ly ở các quán cà phê ven Bờ Hồ và … chiến đấu với các tòa nhà, quanh Hồ kể trên cho đến lúc các nhà … phải nghe ra để sửa theo Hội mình).
Ngoài chỗ đắc địa ở khía cạnh “chiến đấu” ra, Ngôi nhà 23 Đinh Tiên Hoàng này cũng thật đắc địa cho "quần hùng" 3 miền về tụ họp, đắm mình trong không gian cảnh quan, ẩm thực và … hơi thở của một Hà Nội chính hiệu.
2. Lan man về ngôi nhà của Hội theo nghĩa đen lại lan man sang nghĩa bóng về Hội – Ngôi nhà chung của anh em giới Kiến trúc mình. Lứa chúng tôi cũng hay được đi đây đó, lại may mắn được tham gia công tác Hội cũng nhiều nên cũng hay tò mò tìm hiểu ở các nước người ta hoạt động Hội thế nào để thử so sánh với Hội mình. Rảnh rỗi cũng ngó nghiêng giao du với các Hội nghệ thuật bạn khác ở trong nước, cũng để so sánh. Cảm nhận chung ở các nước về Hội, Hiệp hội Kiến trúc sư cũng như các Hội Nghệ thuật khác là Danh giá và Quyền lực. Nó đều đúng như vậy cho dù ở Liên Xô cũ và các nước Đông Âu trước đây hay ở Mỹ, Nhật và các nước Tây Âu hiện nay. Danh giá từ hình thức vinh danh – gia nhập, đến sự công nhận của Nhà nước và Xã hội. Quyền lực có được từ cơ sở pháp lý đến những giá trị vật chất và tinh thần. Không phải ngẫu nhiên mà ở một số nước (Mỹ, Nhật …) danh tự "Hội viên Hội Kiến trúc sư" thường được ghi ngay trên danh thiếp, còn trong Website cá nhân hay CV (lý lịch nghề nghiệp tóm tắt) được ghi như một dấu cộng trang trọng. Nguồn tài chính thường là dồi dào, tuy nhiên nguồn cung cấp lại rất khác nhau. Như ở Liên Xô cũ, kinh phí của Hội do Nhà nước bao cấp hoàn toàn, Hội phí chỉ rất tượng trưng. Còn ở các nước khác thì ngược lại, nguồn lực lại chủ yếu từ các Quỹ, được đóng góp bởi các tổ chức, cá nhân – Nhà nước lại không cấp một đồng nào. Cũng vì vậy mà Lãnh đạo Hội (không riêng gì Hội Kiến trúc sư) ở Liên Xô trước đây là một dạng quan chức Nhà nước. Trong khi đó, ở các nước phát triển, đa phần Lãnh đạo Hội đều được đề cử và được bầu dựa trên uy tín và cống hiến trong hoạt động nghề nghiệp chứ không chịu bất cứ một tác động nào của Nhà nước. Cũng từ đó mà tính chất hoạt động của Hội cũng rất khác nhau và nhiệm kỳ lãnh đạo cũng khác nhau. Song dù ở bất cứ đâu, bất cứ nước nào thì sứ mạng cũng như hoạt động chính của các Hội bao giờ cũng là các hoạt động bảo trợ cho các hoạt động nghề nghiệp của các hội viên, tạo ra các diễn đàn nghề nghiệp để tập hợp, đánh giá các xu hướng để cảnh báo và định hướng cho xã hội… Kiến trúc sư lại khác cơ bản với các người anh em nghệ thuật khác ở chỗ hành nghề và hoạt động sáng tạo như một hoạt động nghề nghiệp có điều kiện (tức là phải được cấp chứng chỉ hành nghề).
Ở hầu hết các nước phát triển, chứng chỉ hành nghề do Hội, Hiệp hội – các tổ chức nghề nghiệp – cấp dựa trên những cơ sở pháp định và nền tảng đạo đức nghề nghiệp được lượng hóa ra các tiêu chí. Và đó cũng là một hoạt động quan trọng hàng đầu của Hội – gánh vác quản lý hoạt động hành nghề của kiến trúc sư nói chung chứ không riêng gì kiến trúc sư hội viên. Và đó chính là trách nhiệm trước xã hội, trước cộng đồng của Hội.
Trở lại với mái nhà của Hội mình. 65 năm nhìn lại, bao thế hệ tích cóp được cả một gia tài đồ sộ được ghi nhận, vinh danh mà vẫn còn đó – khắc khoải những mong muốn, đòi hỏi phía trước. Ngay như nhiệm kỳ này, anh em lãnh đạo vất vả ngược xuôi, thoắt một cái đã nửa thời gian, nhìn nhận một núi công việc đã hoàn thành, với bao cố gắng để luôn làm mới mình, thế mà vẫn còn cả một biển việc đang chờ và … vẫy gọi (thế mới biết hoạt động Hội khó đến chừng nào). Thời buổi kinh tế khó khăn, hành nghề như thể hành xác, mong về Hội – về nhà để tìm một chỗ dựa (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), chí ít về mặt tinh thần. Để khoe với nhau một tấm ảnh công trình, một cuốn sách mới hay đơn giản đùa nhau một tý, cãi nhau một tý, kể khổ than vãn một tý và rồi vui vẻ, cho quên bớt cái vất vả của nghề và nghiệp (nhưng cũng không quên hỏi han, nhắc nhở ông Tất, ông Hanh chiến đấu với Luật Kiến trúc sư đến đâu rồi) để rồi lại trăn trở chuyện hành nghề, chuyện chuyên nghiệp hóa các Hội đồng, các giải thưởng, chuyện đào tạo, chuyện lớp trẻ…
Hội, và mong về ngôi nhà chung của Hội, có lẽ chỉ là … chừng đấy thôi.
3. Giữa cái Chung với âm thanh sôi động ồn ào trong ngôi nhà của Hội, có một tiếng nói Riêng mà số đông đều "lắng nghe", tán thưởng và trân trọng – Đó là cuốn Tạp chí Kiến trúc – tiếng nói của Hội KTS. Để đạt được cái Riêng giữa một rừng ấn phẩm và một chợ thông tin của thời buổi này không phải là dễ. Chọn đăng một bài viết ở đâu bây giờ cũng có nhiều lựa chọn, rồi chọn giới thiệu sản phẩm công trình thiết kế của hãng mình ở đâu lại càng nhiều lựa chọn hơn. Tạp chí Kiến trúc của Hội với tôi vẫn thường là sự lựa chọn đầu tiên. Ở đây không chỉ là vì chỗ "người nhà" và tình nghĩa, cũng không với hy vọng sẽ có nhiều người đọc, lại càng không phải là chốn an toàn để khỏi sợ bị "ném đá". Có lẽ trước hết vì ở đây có một cái rất Riêng – thương hiệu, lại vừa nặng tính nghề, lại không nhẹ tính quảng thông … (Hội mà).
Trở lại ký ức khi giật mình được nhắc rằng Tạp chí đã chuẩn bị Kỷ niệm 30 năm ra mắt số đầu. Tôi vẫn nhớ năm ấy khi chuẩn bị những hành trang tư liệu và kiến thức để trở lại Nga làm nghiên cứu sinh, Thủ trưởng của tôi – cố giáo sư Hoàng Huy Thắng, hồ hởi mang về một cuốn Tạp chí và nói mình có chỗ đăng bài đây rồi, qua bên đó chịu khó viết gửi về mà góp phần quảng bá cho kiến trúc trường học. Rồi thời gian với bao bận bịu trôi đi, mãi đến hơn chục năm sau tôi mới có bài đầu tiên trên Tạp chí lại không phải về kiến trúc trường học mà là bài "Không gian kiến trúc Hà Nội – đôi điều day dứt". Có lẽ bởi suy nghĩ chuyên ngành hẹp như những bài báo khoa học vốn quen được viết bằng tiếng Nga, hay vì còn ngại khi thấy giữa Tạp chí của Hội mình với những Tạp chí chuyên ngành nước ngoài cũng còn một khoảng cách.
Nhưng với khoảng hơn mười năm trở lại đây, khi kiến trúc trường học đã trở thành một thương hiệu, nhu cầu chia sẻ và quảng bá thông tin trở nên cần thiết hơn, tần suất tham gia diễn đàn của Hội thông qua Tạp chí cũng nhiều hơn. Chúng tôi tìm thấy ở đây chỗ để trình bày những ý tưởng, giới thiệu những xu hướng, trao đổi những nghiên cứu. Và cũng tìm thấy ở đây chỗ để trao đổi tâm tình tản mạn, suy tư. Hình thức và chất lượng Tạp chí đã ngày một phong phú hơn. Đặc biệt cái format mới rất bắt mắt, rất riêng và ngày một chuyên nghiệp hơn.
Tuy nhiên, để hướng tới một cái Riêng thật bản sắc, hướng tới cái chất chuyên nghiệp thực thụ thì vẫn còn đó những mục tiêu để phấn đấu. Chuyên mục nghiên cứu – lý luận cần được mở rộng với nhiều hàm lượng học thuật hơn. Nên chăng mục giới thiệu tác phẩm – công trình mới cũng như giới thiệu ý tưởng (concepts) của các dự án mới là một chuyên mục cố định? Rồi phần ảnh, rồi quảng cáo có thể chọn lọc được hơn chăng?
Vẫn biết tự hạch toán trong thời buổi kinh tế thị trường đang trong hồi khó khăn bộn bề, giữ và cải tiến chất lượng quả là bài toán khó giải. Nhưng nhìn vào chặng đường đã qua, nhìn vào GS Tổng Biên tập cùng các cộng tác viên năng động, nhìn vào hậu thuẫn của Ngôi nhà Chung, cớ sao ta lại không có quyền đòi hỏi và hy vọng?
Hà Nội, tháng 3 năm 2013
TS.KTS. Trần Thanh Bình