Tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của hội KTS Việt Nam (Nhiệm kỳ VIII), góp phần phát tri

Hội nghị Hội đồng Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam (mở rộng) nhiệm kỳ VIII lần này với chủ đề: “Kiến trúc và Phát triển đô thị – Thể chế – Lý luận và thực tiễn”, tập trung thảo luận những vấn đề vừa thiết thực, vừa thách thức mà nhân dân và giới KTS đang quan tâm, nhằm góp phần cùng cả nước xây dựng và phát triển kiến trúc và đô thị trong giai đoạn xây dựng đất nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI.

Đất nước ta đang nỗ lực vượt qua khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cũng như những khó khăn do tự thân của quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Những thách thức của phát triển thị trường bất động sản, của ô nhiễm môi trường, của quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa… là hậu quả tất yếu của sự phát triển “nóng” trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa đất nước.
Những năm qua, thực hiện đường lối Đổi mới toàn diện của Đảng, cùng quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, Kiến trúc – Đô thị Việt Nam đã có sự phát triển về lượng và chất. Đô thị đã hình thành hệ thống phát triển tương đối hợp lý giữa các đô thị lớn, các đô thị vừa và nhỏ, chuyển từ các trung tâm hành chính thuần túy thành trung tâm kinh tế, trở thành đầu tầu và động lực quan trọng cho quá trình phát triển Kinh tế – Xã hội – An ninh quốc phòng của đất nước. Tư duy về đô thị được đổi mới, tiếp cận với xu thế phát triển đô thị thế giới.


Thực hiện Chủ trương phát triển Nông nghiệp – Nông thôn của Đảng và Nhà nước, nông thôn đang có sự chuyển đổi tích cực về cơ cấu sản xuất, quy hoạch dân cư theo hướng phát triển bền vững và tiến bộ.
Kiến trúc trong những năm qua phát triển tương đối đa dạng về quy mô và thể loại công trình. Đã xuất hiện những công trình có chất lượng, tiếp cận với kiến trúc hiện đại của khu vực và thế giới. Chủ nghĩa hình thức trong kiến trúc với xu hướng nệ cổ, nhại cổ đã và từng bước bị đẩy lùi. Xu hướng phát triển kiến trúc hiện đại, kiến trúc xanh, thân thiện với môi trường đã và đang được khuyến khích, được dư luận xã hội ủng hộ. Trong sự chuyển động đó, đã xuất hiện nhiều KTS với tác phẩm có chất lượng, có giải pháp đúng hướng, được cộng đồng kiến trúc trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Lực lượng KTS phát triển đông về số lượng, KTS đã có mặt ở các vùng, miền của Tổ quốc, góp phần không nhỏ trong việc thực hiện chương trình xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, của đất nước.
Kiến trúc và Đô thị là tấm gương phản chiếu trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, trình độ quản lý, điều hành của một đất nước, một vùng lãnh thổ. Chúng ta chưa thể yên lòng về tình hình  phát triển đô thị và kiến trúc nước nhà: Đô thị Việt Nam chưa phát triển bền vững; chú trọng quy mô lãnh thổ hơn chất lượng sống của đô thị; quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch bị hạn chế bởi tác động của thị trường bất động sản, của xây dựng tự phát, phân tán; không gian công cộng, dịch vụ công cộng, môi trường và nhà ở cho đối tượng dân cư nghèo đang là những vấn đề nóng của đô thị Việt Nam…
Kiến trúc Việt Nam chưa rõ hướng đi trong sáng tác. Tài năng kiến trúc không nhiều và cũng chưa được phát huy. KTS đông về số lượng, nhưng yếu về chất lượng và chưa được tổ chức trong đội ngũ sáng tác phù hợp với đặc điểm của nghề kiến trúc. Hiện tượng thương mại hóa hành nghề và đào tạo KTS làm cho chất lượng kiến trúc không được coi là yếu tố quyết định. Bởi vậy, chúng ta xây dựng nhiều nhưng chưa có nhiều tác phẩm kiến trúc tốt. Lực lượng KTS đông nhưng ít KTS đầu đàn, dẫn dắt cho các xu hướng kiến trúc tiến bộ. Trong lộ trình hội nhập, kiến trúc Việt Nam đang bị quốc tế hóa và chưa đủ sức để Việt Nam hóa kiến trúc quốc tế.
Có nhiều cách lý giải về tình hình nêu trên, nhưng chắc chắn chúng ta chưa có một văn bản pháp luật đủ sức điều chỉnh hoạt động kiến trúc trong xã hội. Công tác nghiên cứu lý luận – phê bình kiến trúc bị lãng quên và chưa đủ sức dẫn dắt cho sáng tác kiến trúc, đặc biệt là cho KTS trẻ. Tổ chức hành nghề kiến trúc tự phát, tự lo như hiện nay không thể đưa đến sản phẩm kiến trúc hợp lý, có giá trị thẩm mỹ và sử dụng. Công tác đào tạo KTS đang là thách thức không nhỏ cho tương lai kiến trúc Việt Nam. Mặt khác, nhiều chính sách, văn bản, thể chế quản lý nhà nước chưa thích hợp với đặc điểm hành nghề kiến trúc.


Đảng ta đã đề ra mục tiêu tổng quát về chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội  2011-2020: Phấn đấu xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau. Thực hiện mục tiêu này, Kiến trúc và Đô thị nước ta phải có những bước đột phá, nhằm đổi mới chất lượng đô thị và kiến trúc, tương xứng với một nước công nghiệp và hiện đại.
Trong Chương trình hành động, Hội KTS Việt Nam, một tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp có trách nhiệm góp sức để thực hiện các mục tiêu mà Đảng đã đề ra. Hội đồng Kiến trúc được BCH TƯ Hội KTS Việt Nam Khóa VIII, bầu ra, bao gồm các KTS tài năng, nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực kiến trúc, đang là trụ cột trong các hoạt động quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương; trong đào tạo tại các Trường đại học lớn; các KTS có nhiều thành tựu trong sáng tác – nghiên cứu khoa học về kiến trúc… chắc chắn phải là những người đi tiên phong và chịu trách nhiệm lớn để thực thi các mục tiêu này.


Tại Hội nghị Hội đồng Kiến trúc (mở rộng) lần này, thay mặt BCH TƯ Hội KTS Việt Nam, tôi đề nghị các KTS ủy viên Hội đồng Kiến trúc thảo luận và đề xuất giải pháp một số vấn đề sau đây:
1/ Công tác nghiên cứu lý luận – phê bình và phản biện kiến trúc
Đây là vấn đề lớn, nhưng trong giai đoạn còn lại của Nhiệm kỳ này, Hội đồng nên tập trung và tổ chức thực hiện vấn đề gì mà thực tiễn kiến trúc và hành nghề kiến trúc đòi hỏi. Đó là các vấn đề Hiện đại – Dân tộc trong kiến trúc hay đi thẳng vào những chuyên đề lớn như Đô thị Việt Nam – thực trạng – mô hình phát triển; Vấn đề nhà ở đô thị – nông thôn; Vấn đề đánh giá chất lượng đào tạo thông qua khảo sát điều tra 10 năm đào tạo KTS theo xu hướng thị trường và các giải pháp…  Nội dung, phương pháp tổ chức và thể chế nào phù hợp cho công tác phản biện – phê bình kiến trúc để có hiệu quả, đáp ứng đòi hỏi của nhân dân.
2/ Hành nghề KTS là vấn đề lớn, tác động toàn diện đến chất lượng kiến trúc và đô thị. Thể chế nào cần có và phù hợp trong giai đoạn này để đổi mới chất lượng hành nghề, chất lượng sáng tác kiến trúc. Luật KTS (hay Luật Kiến trúc) đang được Nhà nước và Bộ Xây dựng quan tâm, tổ chức nghiên cứu. Vai trò tham dự, cách tổ chức tham gia xây dựng Luật KTS của Hội KTS Việt Nam như thế nào để có hiệu quả và thiết thực. Phải chăng Luật KTS sẽ là chìa khóa để cải thiện và mở ra thời kỳ đổi mới cho kiến trúc, hành nghề của KTS, của công tác đào tạo KTS, của bản quyền tác giả kiến trúc, quyền lợi và trách nhiệm của KTS trước xã hội và đất nước?! Trong quá trình hội nhập, KTS chúng ta và Nhà nước cần làm gì để đủ sức đảm đương được những nhiệm vụ mà Nhà nước và nhân dân giao phó?
3/ Hiện nay cả nước ta đã có 22 cơ sở đào tạo KTS, công lập, dân lập, cổ phần. Đào tạo thế nào sẽ ra sản phẩm thế đó. Chất lượng sáng tác kiến trúc sẽ đi cùng với chất lượng đào tạo. Ngày hôm nay chúng ta phải giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu KTS thực hiện nhiệm vụ ở các vùng miền – vừa thừa vừa thiếu; giữa nhu cầu học tập của sinh viên với năng lực và khả năng đáp ứng của giáo viên cũng như cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo… đó là những vấn đề cần được Hội KTS Việt Nam tham dự và đề xuất.
4/ Vấn đề phát triển đô thị và quản lý đô thị. Trong quá trình thực hiện mục tiêu đưa nước ta cơ bản thành một nước công nghiệp vào năm 2020, cần đổi mới và đột phá nào, về Chiến lược, Tầm nhìn, Phương pháp quy hoạch đến quản lý phát triển? Hiện nay, nhiều địa phương có chủ trương đưa vùng tỉnh lên đô thị loại I, mở rộng quy mô đất đai của đô thị hoặc xây dựng các trung tâm hành chính tập trung tại các đô thị… tất cả những vấn đề đó cần được Hội đồng Kiến trúc nghiên cứu, đánh giá và kiến nghị trên cơ sở khoa học và khách quan, xuất phát từ thực tiễn phát triển đô thị Việt Nam và các xu hướng phát triển đô thị quốc tế trong thế kỷ XXI.
5/ Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ (2010-2015), nhiệm vụ và chương trình hoạt động của Hội đồng Kiến trúc cần tập trung vào nội dung nào và phương pháp tổ chức thực hiện ra sao để có hiệu quả thiết thực?
Các vấn đề nêu trên phản ánh tình hình cũng như yêu cầu, nguyện vọng của giới KTS đối với Hội KTS Việt Nam cũng như với Đảng và Nhà nước.
Có thể trong Hội nghị này chúng ta chưa đủ thời gian nghiên cứu, đề xuất giải pháp thích hợp, nhưng trong nhiệm kỳ này Hội KTS Việt Nam phải tập hợp trí tuệ, chọn các vấn đề thiết thực và trọng tâm nhất để góp sức thúc đẩy sự phát triển đúng hướng của kiến trúc nước nhà.
Với sự có mặt của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, lãnh đạo Ban Tuyên giáo TW, Hội đồng Lý luận phê bình VHNTTW, Liên hiệp các Hội VHNTVN và các chuyên gia, tôi mong muốn Hội nghị này sẽ có những kiến nghị thiết thực, khả thi với Nhà nước và Bộ Xây dựng trong công tác điều hành,quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng và phát triển kiến trúc đô thị.

KTS Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội KTS Việt NamPhát biểu khai mạc Hội nghị Hội đồng Kiến trúc (mở rộng) bàn về tình hình Kiến trúc – Quy hoạch Việt Nam trong giai đoạn mới