Bàn về Luật Kiến trúc

Công trình Nhà Quốc Hội – Công trình do KTS nước ngoài thiết kế – được trao giải thưởng lớn Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2014

Luật Kiến trúc – Sự cần thiết như 1 quy luật tự nhiên ?

Kiến trúc là một trong những thành tố quyết định ảnh hưởng tới nền văn minh nhân loại, văn hóa của một dân tộc, đồng thời có thể tác động đến đời sống vật chất, tinh thần cho một cộng đồng trong thời gian dài không dễ gì xóa bỏ. Khi xã hội phát triển, vượt qua được ngưỡng nghèo đói, nhu cầu và điều kiện tạo cho xây dựng bùng nổ, kiến trúc dần được chú ý, coi trọng, tôn vinh… Và đó là quy luật.

Tạo lập Luật pháp riêng về kiến trúc là đòi hỏi tất yếu của quy luật trên, cần thiết cho việc định hướng phát triển, quản lý và hoạt động kiến trúc của một quốc gia – Càng cần thiết khi nước ta hội nhập khu vực và quốc tế về đầu tư giao lưu hành nghề KTS.

Luật pháp riêng về kiến trúc góp phần hoàn thiện tiến trình tiến tới một đất nước pháp quyền, xây dựng ý thức cho cộng đồng về một lĩnh vực quan trọng mà bất cứ ai cũng được tiếp cận, thụ hưởng, và phải có cả trách nhiệm xây dựng môi trường hành nghề – lành mạnh, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội.

Luật Kiến trúc – Hay là Luật về “hoạt động kiến trúc”

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng trong Luật Kiến trúc không chỉ làm cơ sở cho quản lý Nhà nước về kiến trúc, giám sát quy trình hành chính…mà quan trọng hơn, Luật còn điều tiết mối quan hệ giữa các khâu, các đối tượng trong một chuỗi hoạt động (từ lúc chủ trương, quy hoạch cụ thể, đầu tư, thiết kế, xây dựng và cả sử dụng sau đó) để hình thành một sản phẩm kiến trúc.

Thực tế đã có những điều Luật và dưới Luật liên quan đến kiến trúc và hoạt động kiến trúc song còn phân tán, chưa đầy đủ, yêu cầu còn thấp, chưa đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển và xu thế.

Nhìn chung, mục tiêu và nội dung của các điều luật còn thiếu, chủ yếu phục vụ cho công việc của các tổ chức cơ quan quản lý ngành cụ thể, bỏ hổng nhiều mảng mang tính chiến lược như:

– Thực hiện định hướng phát triển kiến trúc quốc gia;

– Xác định trách nhiệm và điều tiết hành vi của từng khâu, từng đối tượng, và không thể thiếu việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cả vật chất, tinh thần (tác giả tác phẩm, các loại phí…) cho họ, quan tâm đến công cụ trọng tài phán xử trong lĩnh vực kiến trúc…

– Xây dựng, phát triển và quản lý nguồn nhân lực kiến trúc (từ đào tạo, hành nghề, sử dụng)…; tiến tới cân bằng với khu vực và thế giới trong xu thế hội nhập, hợp tác quốc tế…

– Thúc đẩy sáng tạo kiến trúc, phát triển đa dạng góp phần khẳng định định hướng, tạo lập di sản mới kiến trúc Việt Nam;

– Nâng cao ý thức, văn hóa kiến trúc cho người làm nghề và cộng đồng xã hội đối với kiến trúc và nghệ thuật kiến trúc.

Luật Kiến trúc cần thích ứng với điều kiện Việt Nam

Tiếp cận quốc tế và thông lệ chung là mục tiêu tiến bộ và tất yếu, tuy nhiên do điều kiện đặc thù của nước ta, không thể nóng vội hoặc “lên gân” để bằng ngay các nước tiên tiến cách xa với ta hàng chục năm phát triển, có kinh tế xã hội hưng thịnh, luật pháp ổn định, con người nề nếp…

Việc này cũng như hội nhập kinh tế, cần có quá trình và các bước thời gian.

Nước ta vừa “thoát nghèo” nên còn rất khó khăn (chưa kể nguy cơ vào bẫy thu nhập trung bình), đầu tư xây dựng cơ bản tuy rộng nhưng suất đầu tư thấp, đặc biệt các công trình ở các địa phương, ở nông thôn, vùng sâu vùng xa hầu như không đáng gì. Công trình lớn không nhiều, chủ yếu của nước ngoài (do KTS nước ngoài thiết kế), đầu tư tư nhân trong nước vốn chủ yếu vay ngân hàng, nhiều hạn chế và rủi ro. Yếu tố kiến trúc được xem là thứ yếu, xếp sau yếu tố kinh doanh và lợi nhuận.

Kiến trúc đô thị phát triển mạnh mẽ nhưng thiếu vắng tác phẩm kiến trúc

Lực lượng làm kiến trúc ở nước ta (tổ chức, các nhân KTS hành nghề) có sự chênh lệch giữa các thành phố lớn với địa phương, giữa trong nước với nước ngoài – Đa phần còn manh mún nhỏ lẻ, kỹ năng chưa cao, thiếu kinh nghiệm và chà xát thực tế, đặc biệt chưa “thạo” luật pháp và thông lệ. Thị trường chủ yếu là bản địa vì chưa có thực lực và thương hiệu để vươn ra ngoài biên giới – Ngược lại, Việt Nam là thị trường “ngon” của KTS nước khác và KTS Việt Nam phần nhiều đi làm thuê cho họ ngay tại đất nước mình.

Cũng từ nguyên nhân này mà sự “đối xử” với KTS Việt Nam có biểu hiện chênh lệch, phân biệt, không chỉ trong tư tưởng, tư duy về vai trò của kiến trúc, vai trò của KTS… mà cả ở vấn đề quyền lợi vật chất, tinh thần giữa KTS “nội địa” và nước ngoài, thể hiện qua ứng xử, qua các chính sách cụ thể.

Vì vậy, khi xây dựng Luật Kiến trúc không nên “áp đặt” về chuyên môn kiến trúc, mà sẽ quản lý và điều tiết hành vi hoạt động kiến trúc, tuy nhiên cần tránh các tác động hạn chế sáng tạo, đặc biệt trong giai đoạn tìm tòi các giá trị cụ thể cho định hướng chung, phát triển, xây dựng một nền kiến trúc hiện đại, hợp xu thế, bền vững, có bản sắc.

Chúng ta đều biết, kiến trúc vừa qua phát triển rầm rộ, khắp nẻo đường đất nước là công trường xây dựng, tuy vậy các tác phẩm lại rất hạn chế. Một trong những nguyên nhân kìm hãm sự sáng tạo – Đó là “sự can thiệp – quyết định” của người có tiền và có quyền một cách quá giới hạn (Không phủ nhận tác động quan trọng của các đối tượng này, nhưng cần có giới hạn để khai thác và phát huy được trí tuệ, kinh nghiệm của người làm chuyên môn. Đa phần KTS (người thiết kế) an phận làm thuê để kiếm sống, thiếu cơ sở Luật pháp bảo hộ.

Có một số thành tựu được thức nhận trên các diễn đàn quốc tế vừa qua, đáng tự hào, nhưng cần thừa nhận thực chất còn nhỏ bé, do gặp được “ông chủ thông minh”, hoặc tác giả làm cho chính mình để thực nghiệm theo xu thế đang được ưa chuộng kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng, kiến trúc cho cộng đồng…

Nhà hàng Cheering – Công ty H&P Architect

Tỷ trọng phát triển ngành xây dựng chiếm phần lớn là nhà ở (nhà chung cư thương mại, nhà ở xã hội, nhà tư nhân) ở đô thị, nông thôn, các khu công nghiệp. Luật Kiến trúc đặt ra mức độ, phạm vi điều chỉnh, điều tiết quan hệ cho loại hình này không thể “đồng hành” cùng các công trình do Nhà nước đầu tư hoặc nước ngoài. Xây dựng Luật với một sự đồng nhất cứng nhắc sẽ khó vận hành – chúng ta cần tạo lập một “khung” bắt buộc và có “tính mở” cho các đặc thù ở các văn bản dưới luật là khả dĩ cho hiệu quả của pháp lý quản lý đối với lĩnh vực đặc thù kiến trúc.

Công trình vườn Vệ Sinh – Công ty H&P Architect

Để Luật vận hành và đi vào cuộc sống cần có sự đồng thuận

Luật pháp cần thiết cho một thể chế, một xã hội, một cộng đồng – Vì là công cụ quản lý nhà nước nên có tính áp đặt cao. Tuy nhiên, khi động chạm đến nhiều khía cạnh, lợi ích, điều tiết hành vi nhiều đối tượng thì không tránh khỏi mâu thuẫn (mâu thuẫn nội tại, mâu thuẫn với nhà nước, mâu thuẫn giữa các bên liên quan với nhau).

Luật Kiến trúc do cơ quan quản lý và hội nghề nghiệp chuyên ngành nghiên cứu, đề ra (trình quy hoạch phê duyệt ban hành), nếu không khách quan sẽ xảy ra tình trạng hoặc dễ dãi thiên vị, chiều theo một phía thì buông lỏng quản lý nhà nước; ngược lại, nếu xiết chặt luật pháp thì vô hình chung trói buộc chính quân mình.

Có được sự đồng thuận tối đa từ nhiều phía. sẽ là yếu tố có tính quyết định cho giá trị và hiệu lực của luật khi vận hành vào thực tiễn…

KTS Nguyễn Thúc Hoàng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02 – 2017)