Mỹ học sức nặng (Phần II): Còn mãi nghìn thu – Sập đá trong Thiên thọ Lăng – Huế

Tiếp theo: Mỹ học của sức nặng sập đá trong không gian tưởng niệm của người Việt (Phần I)

Mỗi lăng mộ triều Nguyễn đều có những đỉnh cao, những giá trị nghệ thuật vô cùng độc đáo. Thiên Thọ Lăng tức lăng Gia Long được đánh giá cao với việc bảo tồn và phát huy những phần tinh túy nhất của văn hóa Việt. Nằm ở một quần sơn trùng điệp với 42 ngọn đồi núi lớn nhỏ, được bao bọc bởi rừng thông và những hàng cây sầu đông ở lối vào, với một cảnh trí tuyệt đẹp như vậy, lăng mộ Gia Long là một tượng đài tình yêu bất tử. Phong cách nghệ thuật tối giản với triết lý “Less is more”1 chưa thể nói lên hết phần ý niệm cốt lõi của cách thức tổ chức không gian nơi này – Với cách xử lý các yếu tố trang sức trên bề mặt các công trình kiến trúc, trên các đồ tự khí, càng đi vào trung tâm ta càng đạt đến cảnh giới của sự trống rỗng. Có lẽ cái ý “Đại tượng vô hình” mới là ý tưởng chính dẫn dắt đức vua thiết kế cho nơi yên nghỉ vĩnh hằng của một mối tình đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Dấu son độc đáo trong quần thể lăng mộ độc đáo của Thiên Thọ Lăng chính là hai chiếc sập đá đặt trước ngôi mộ mang hình dáng của những chiếc lều.

Vua Gia Long tên húy là Nguyễn Phúc Ánh (1762 –1820), dòng dõi chúa Nguyễn. Khi nhà Tây Sơn nổi lên ở Bình Định, đặc biệt với tài thao lược của Nguyễn Huệ, cơ đồ mấy trăm năm của chúa Nguyễn nhiều phen sóng gió, tưởng có lúc đã tuyệt diệt. Năm 1802, sau khi đánh bại quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế, thống nhất Việt Nam sau nhiều thế kỷ nội chiến. Thừa Thiên Cao hoàng hậu tên húy Tống Thị Lan, dòng dõi trâm anh thế phiệt, được gả cho Nguyễn Ánh năm 18 tuổi. Trong những năm tháng bôn ba phiêu dạt nơi biên thùy hải đảo hay đất khách quê người, Thừa Thiên Cao hoàng hậu là người đứng ra chăm sóc cả gia đình Nguyễn Ánh.

Lăng bắt đầu xây dựng khi Thừa Thiên Cao hoàng hậu mất năm 1814 và cũng kịp hoàn thành trước khi vua Gia Long băng hà năm 1820. Du khách sau khi vượt đèo lội suối, băng rừng, xuyên qua hàng thông và cây sầu đông cao vút, qua đường thần đạo với hai hàng voi ngựa, bước thêm lên bẩy cấp ở sân tế là Bửu Thành ở đỉnh đồi. Bên trong Bửu Thành có hai ngôi mộ đá, dạng thạch thất, được song táng theo quan niệm “Càn Khôn hiệp đức” – Một hình ảnh đẹp của hạnh phúc và thủy chung với hai chiếc sập đá đặt mỗi bên. Sập đá được làm theo kích thước như thật. Sập đá đức vua lớn hơn của hoàng hậu một chút. Viết về lăng Gia Long, nhà nghiên cứu Huế – Phan Thuận An nhận định: “Hai nấm mộ bằng đá của đế và hậu nằm song song, chỉ cách nhau một gang tay, có cùng kích cỡ, bên trên đều có hai mái lợp bằng đá Thanh mà thời gian đã nhuộm màu than đá. Không một nét chạm trổ, chẳng một màu sơn thếp, tất cả chỉ là những tấm đá phẳng lì, trơ trụi, tạo ra giữa chốn hoang liêu này một không khí tịch mịch và uy nghiêm. Hai ngôi mộ nằm sát bên nhau biểu hiện tình cảm cao đẹp thủy chung của đế và hậu đã từng vào sinh ra tử với nhau trong suốt mấy chục năm chinh chiến. Đấy là giá trị độc đáo của lăng Gia Long, chưa hề thấy ở lăng vua nào trước đó”2. Nếu như mỹ thuật Huế, đặc biệt là phần lăng tẩm thể hiện sự cầu kỳ, tinh tế đến hoa mỹ thì tới đây, chung ta dường như bắt gặp một phong cách thẩm mỹ khác hẳn. Sự tinh tế trong kìm nén và tiết chế. Quần thể kiến trúc này cho chúng ta thấy sự hiện hữu những cảnh giới trong tâm tưởng – Khi khách hành hương quay về nhà mới thực sự là điều quan trọng3.

Hai chiếc sập đá được chạm trổ tỉ mỉ nhưng kiểu cách có phần bình dân theo kiểu thức của đồ gỗ đời Minh. Theo cách gọi chuyên môn là lương tháp. Trong phần viết trước, tôi có lưu ý nguồn gốc của loại vật dụng này đến từ Tây Vực. Vốn là vật dụng của các bậc cao tăng, gọi là La Hán sàng. Hiện tượng thiêng hóa chiếc sập với các đồ án trang trí có nguồn gốc từ Ấn Độ cho thấy rõ nét hơn sự chuyển biến từ La Hán sàng trong các ngôi chùa thành sập thờ trong không gian tín ngưỡng của người Việt. Chùa Quỳnh Lâm còn bức tượng Đầu đà Hoàng giác Điều ngự Trần Nhân Tông nằm trên sập nhập niết bàn.

Qua tư liệu của người Pháp, thời Nguyễn khi tiến hành cúng lễ ở đây, trước hai sập đá là hai chiếc hương án sơn son thếp vàng lộng lẫy. Chiếc sập để trống – trái với suy nghĩ nhiều du khách tưởng rằng đây là nơi dâng lễ phẩm4. Thực tế, trong lần khảo sát gần đây, tôi thấy trên sập có đặt hai bát hương. Cách bài trí này vô tình thay đổi công năng, bắt sập đá đảm đương nhiệm của hương án.

Lăng Gia Long

Sang tới thời Nguyễn, quá trình giao lưu với văn minh phương Tây đã thay đổi nhiều giá trị và quan niệm truyền thống5. Lăng Khải Định là lăng mộ đầu tiên và duy nhất trong các triều đại phong kiến ở Viễn Đông, có một ông vua dựng tượng mình trong khu mộ (khi đang còn sống). Mỗi lăng mộ triều Nguyễn đều hàm chứa những nét văn hóa đặc trưng, những giá trị nghệ thuật vô cùng độc đáo. Gần như tương phản nhất với lăng Khải Định, lăng Gia Long bảo tồn và phát huy những phần tinh túy nhất của tâm hồn người Việt. Khoảng trống trên hai chiếc sập lắng đọng bao tình người và có cả một chiều sâu triết học đáng để chúng ta tiếp tục suy ngẫm. Đôi sập đá ở Thiên Thọ Lăng xứng đáng là đài tưởng niệm cho mối tình bất tử, độc đáo vô song trong nghệ thuật tưởng niệm của người Việt. Hoàng hậu xét về thức bậc đương nhiên không sánh với vua, nhưng Gia Long coi bà như người tri kỷ6. Thác là thể phách, hồn là tinh anh, vào những ngày trăng thanh gió mát, giữa mênh mông đất trời, hoàng đế Gia Long và người vợ tào khang sẽ đi ra từ ngôi thạch thất, ngồi xuống bên hai chiếc sập đá, ôn lại thủa hàn vi hay cùng đàm đạo văn chương thế sự…


Chú thích:

  1. Câu tuyên ngôn của Ludwig Mies van der Rohe
  2. Phan Thuận An, Huế Xưa Và Nay Di Tích – Danh Thắng, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2008.
  3. Theo cuốn sách Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí, Mỹ thuật Huế sở hữu một hệ thống các motif trang trí phức tạp hơn hẳn các giai đoạn trước đó có một phần từ cộng đồng người Hoa ở phương Nam và chính sách lấy nhà Thanh làm hình mẫu. Tuy vậy, ở lăng mộ Gia Long, đôi tòa thạch thất giản dị và thuần phác không thể tìm thấy trong nghệ thuật tùy táng hoàng gia ở Trung Hoa hay bất cứ ông vua nào ở Đông Nam Á trong thời gian đó. Có thể thấy rất nhiều đồ án trang trí trên tòa thạch thất ở lăng Vạn Vạn (thờ mẹ vua Đồng Khánh) mang phong cách mỹ thuật Huế đặc trưng.
  4. Trong các nghi lễ ở đền thờ vua Đinh vua Lê ở Trường Yên, chiếc sập luôn để trống. Các kiệu thờ được đặt phía trên. Lần tới thăm lăng Gia Long gần đây nhất, tối thấy người ta đặt hai bát hương, đây là sơ suất nhỏ nhưng làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của chiếc sập
  5. Năm 1787, họa sỹ Maupérin đã vẽ chân dung hoàng tử cả Nguyễn Phúc Cảnh khi hoàng tử sang Pháp. Bản thân Gia Long cũng là vị vua đầu tiên có ảnh chụp.
  6. Lăng Quốc Thái mẫu Trịnh Thị Ngọc Lung (1612 – 1706) ở thôn Thịnh Mỹ, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân là một trong những lăng mộ hiếm hoi của các vương phi hoàng hậu có thờ sập đá. Mặt sập chạm chìm hình lục giác, phía chính diện, thành sập chạm nổi rồng cuộn trong mây lửa và lá cúc cách điệu.

Trần Hậu Yên Thế
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 2-2017)