Khu Đại học Phố Hiến – kết nối lịch sử với tương lai

Khu đại học Phố Hiến là một trong những dự án quan trọng của tỉnh Hưng Yên trong nỗ lực đưa Hưng Yên phát triển lên một tầm cao mới về kinh tế, văn hóa, xã hội. Tạp chí Kiến trúc trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn Nhà giáo ưu tú Nguyễn Khắc Hào – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên – Phó chủ tịch Hội đồng giám khảo Cuộc thi quốc tế ý tưởng quy hoạch phân khu Khu đại học Phố Hiến – về vai trò của Khu đại học Phố Hiến trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đến năm 2030 và những yêu cầu đặt ra đối với dự án này.

Theo dòng Sự kiện:
Cuộc thi quốc tế ý tưởng Quy hoạch kiến trúc Khu Đại học Phố Hiến – Hưng Yên

(Lễ phát động Cuộc thi Quốc tế ý tưởng quy hoạch phân khu Khu Đại học Phố Hiến – Hưng Yên.)

“Đón đầu chủ trương di dời các trường ĐH, CĐ ra khỏi trung tâm thủ đô”

(Ảnh bên: NGƯT – TS Nguyễn Khắc Hào)

Phóng viên: Thưa ông, đến thời điểm này, Khu Đại học Phố Hiến là Dự án đầu tư xây dựng Khu đại học tập trung đầu tiên của cả nước được triển khai. Xin ông cho biết  ý tưởng nào khiến Hưng Yên lĩnh ấn tiên phong?

NGƯT Nguyễn Khắc Hào: Hưng Yên nắm bắt được chủ trương xây dựng mới các trường Đại học và Khu đại học tập trung tại Vùng Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí minh từ rất sớm: khi các bộ ngành trung ương khảo sát, chuẩn bị trình Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 54 về phát triển KT-XH đảm bảo quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Hồng năm 2005; cũng như ý tưởng của chúng tôi trong quá trình tham mưu cho lãnh đạo quyết định định hướng phát triển Giáo dục và Đào tạo của tỉnh, học tập kinh nghiệm của các nước có nền Giáo dục phát triển.

Hưng Yên có rất nhiều lợi thế để phát triển Giáo dục và Đào tạo, không chỉ cho tỉnh mình mà còn chung cho vùng và cả nước. Tỉnh Hưng Yên nằm kề Thủ đô Hà Nội, trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Đặc biệt, Hưng Yên là tỉnh có truyền thống văn hiến và cách mạng, có truyền thống giáo dục phát triển từ thời khoa cử phong kiến – di tích Văn miếu Hưng Yên với 9 tấm bia đá cổ ghi danh các vị đỗ đại khoa ở Trấn Sơn Nam Thượng (trong đó tỉnh Hưng Yên, có 138 vị, tỉnh Thái Bình có 23 vị) thuộc các triều đại phong kiến. Nhất là sau tái lập tỉnh, Giáo dục Hưng Yên phát triển mạnh mẽ, luôn nằm trong tốp các tỉnh dẫn đầu về Giáo dục và Đào tạo.

Nhắc đến Hưng Yên, nhiều người vẫn nhớ đến vị thế của mảnh đất này trong lịch sử với câu ca “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Ngoài ra, Hưng Yên còn có nhiều lợi thế khác như gần Thủ đô, yên tĩnh, con nguời thân thiện, môi trường tốt, rất phù hợp cho việc phát triển các trường đại học và các viện nghiên cứu.

Điều này còn được thể hiện ở chủ trương của tỉnh. Tái lập tỉnh năm 1997, Hưng Yên xuất phát điểm là tỉnh thuần nông, sau 15 năm tái lập, đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đoàn kết, kinh tế xã hội phát triển toàn diện. Qua các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh (XIV, XV, XVI, XVII), định hướng xây dựng tỉnh phát triển kinh tế, song song phát triển văn hóa, các lĩnh vực xã hội, nhất là Giáo dục và Đào tạo, trong đó có chủ trương xây dựng Hưng Yên trở thành một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, bằng cách đón các trường đại học từ Thủ đô Hà Nội và xây dựng mới các trường đại học tại Hưng Yên.

Thời kỳ đầu, những ý tưởng này mới chỉ dừng ở việc mời các trường đại học về tỉnh, sau khi có Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị, được sự ủng hộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hưng Yên đã mạnh dạn tham mưu trình Chính phủ xây dựng tại Hưng Yên một Khu Đại học tập trung và được Chính phủ phê duyệt như hôm nay.

Phóng viên: Vậy đến khi nào chủ trương đầu tư khu Đại học Phố Hiến mới chính thức được phê duyệt, thưa ông?

NGƯT Nguyễn Khắc Hào: Việc triển khai Dự án Khu đại học Phố Hiến chính là việc cụ thể hóa các chủ trương trên – một trong những nhiệm vụ tỉnh Hưng Yên triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị (năm 2005) về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, trong đó xác định Hưng Yên là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của vùng.

Sau ba năm xây dựng Đề án, năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Khu đại học Phố Hiến, giao UBND tỉnh Hưng Yên làm chủ quản đầu tư. Ngay sau khi có quyết định, tỉnh Hưng Yên đã hết sức tích cực, có thể nói là quyết liệt trong các bước triển khai: Thành lập Ban chỉ đạo, (Ban quản lý) Khu Đại học Phố Hiến trực thuộc UBND tỉnh và giao BQL làm chủ đầu tư, giúp cơ quan chủ quản thực hiện các bước triển khai dự án…

Với định hướng xây dựng một Khu đại học tập trung hiện đại, tiên tiến, ngang tầm một số khu đại học của các nước trong khu vực và thế giới, sau quá trình tìm hiểu, tiếp xúc với các đối tác đầu tư, tỉnh tin tưởng giao Công ty TNHH Thương mại – Xây dựng – Quảng cáo – Địa ốc Việt Hân lập quy hoạch phân khu dự án, đồng thời giao cho Công ty này phối hợp với Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam tổ chức Cuộc thi quốc tế “Ý tưởng quy hoạch kiến trúc Khu đại học Phố Hiến”. Đây là bước quan trọng trong lộ trình triển khai dự án.
Phóng viên: Ông có thể cho biết cụ thể hơn về ý nghĩa và vai trò của khu đại học Phố Hiến đối với sự phát triển trong tương lai của tỉnh?
NGƯT Nguyễn Khắc Hào: Khu Đại học Phố Hiến sẽ được quy hoạch, đầu tư xây dựng thành một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam. Khu Đại học gồm tổ hợp các cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, các cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chất lượng cao – là một bộ phận của mạng lưới trường đại học, cao đẳng của cả nước.

Với phạm vi nghiên cứu khoảng 1.700ha, quy mô của Khu đại học khoảng 80.000 đến hơn 100.000 sinh viên, khoảng 500 – 1.000 cán bộ, nhân viên của các cơ sở nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ, Khu đại học Phố Hiến sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Cùng với các cụm đại học trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch: khu vực phía bắc tỉnh (thị xã Mỹ Hào tương lai), khu vực giữa tỉnh (huyện Khoái Châu, Văn Giang), có thể nói: trong tương lai gần, diện mạo tỉnh Hưng Yên mới sẽ hình thành. Hưng Yên  sẽ không chỉ là tỉnh kinh tế phát triển, môi trường được đảm bảo, mà còn là tỉnh phát triển mạnh mẽ về các vấn đề văn hóa – xã hội, nhất là đào tạo, du lịch, dịch vụ và an sinh xã hội. Thúc đẩy quá trình đô thị hóa tại thành phố Hưng Yên và tỉnh Hưng Yên, sẽ chủ động góp phần tích cực vào việc phát triển hệ thống “chùm đô thị” Vùng Thủ đô Hà Nội.

Hưng Yên sẽ tăng dân số cơ học, tiếp nhận nhiều nhân lực trẻ, dân số có hàm lượng chất xám cao. Tăng trưởng kinh tế bằng giáo dục là cách tăng trưởng nhanh, bền vững và an toàn.


( Hội đồng giám khảo nghe thuyết trình của các đơn vị tham gia dự thi)

“Muốn có một Khu đại học tập trung tốt, trước tiên phải có một quy hoạch tốt”

Phóng viên: Thưa ông, như đã đề cập, khu Đại học Phố Hiến là khu đại học tập trung đầu tiên ở Việt Nam. Kinh nghiệm chưa có, Hưng Yên sẽ triển khai dự án như thế nào?

NGƯT Nguyễn Khắc Hào: Đúng là Việt Nam chưa từng có Khu đại học tập trung. Do vậy, ngay từ đầu, Hưng Yên xác định muốn có một Khu đại học hiện đại, kết hợp với tinh hoa truyền thống thì phải có sự tham gia của các công ty tư vấn nước ngoài giàu kinh nghiệm. Với suy nghĩ và mong muốn tìm các nhà tư vấn tốt, nên chúng tôi đã tổ chức Cuộc thi quốc tế để tuyển chọn các ý tưởng quy hoạch kiến trúc cho Dự án.

Trước đó, chúng tôi cũng đã nghiên cứu và lập nhiệm vụ quy hoạch với những yêu cầu chi tiết:
Thứ nhất, Khu đại học Phố Hiến (được nghiên cứu trên phạm vi 1.700 ha, từ đó, lọc ra 700 ha để xây dựng các trường đại học, cơ sở nghiên cứu và 300 ha  dành cho đô thị nhằm tạo vốn để xây dựng hạ tầng dự án) là nơi có rất nhiều di tích lịch sử, đình, chùa, miếu, mạo… Vì vậy, đồ án phải hạn chế tối đa việc di dời dân cư và phá đi những di tích văn hóa, công trình kiến trúc cổ kính.

Thứ hai, đảm bảo một đồ án hiện đại, tiên tiến, nhưng phải toát lên được ngôn ngữ riêng của tỉnh Hưng Yên, thể hiện bản sắc văn hóa của Hưng Yên, tạo điều kiện để quảng bá văn hóa Hưng Yên trước bạn bè thế giới.

Thứ ba, đồ án phải kết nối Khu đại học với Khu đô thị hiện tại của tỉnh Hưng Yên và Khu Phố Hiến cổ.  
Thứ tư, chúng tôi chú trọng giá trị thương phẩm của 300 ha đất đầu tư xây dựng đô thị, nhằm tạo nguồn vốn đối ứng xây dựng Khu đại học. Khu đô thị hiện đại, thân thiện với môi trường chính là yếu tố mang lại vẻ đẹp hoàn chỉnh cho toàn khu đại  học, tạo điều kiện để các chuyên gia trong nước và quốc tế yên tâm định cư, sinh sống và làm việc tại Hưng Yên, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân Hưng Yên trong thời kỳ mới.

Phóng viên: Kết quả cuộc thi có đạt được như Ban tổ chức kỳ vọng không, thưa ông?

NGƯT Nguyễn Khắc Hào: Cuộc thi đã thu hút được sự tham gia chính thức của 8 đơn vị tư vấn trong và ngoài nước với 9 phương án dự thi. Nhìn chung, các đồ án  đều đạt chất lượng cao, thể hiện sự nghiên cứu tỉ mỉ và nỗ lực tìm kiếm những ý tưởng độc đáo cho Khu đại học Phố Hiến. Cuộc thi không có giải Nhất. Đồ án đạt giải Nhì duy nhất của tư vấn Hàn Quốc là đồ án tốt nhất, đáp ứng được nhiều yếu tố, yêu cầu mà nhiệm vụ quy hoạch đề ra: Đó là các yêu cầu về tính hiện đại, khoa học, khả năng hội nhập cao, gắn kết với văn hóa truyền thống và mang tính đặc thù Hưng Yên …

Ngoài ra, các phương án của tư vấn Đức, Ý, Mỹ, Trung Quốc… cũng khá xuất sắc. Đặc biệt, trước khi chấm thi, chúng tôi đã thống nhất với các nhà tư vấn là trong trường hợp đồ án của họ không được chọn, thì cho phép đồ án được chọn tham khảo các ý tưởng tốt trong đồ án của họ. Trừ tư vấn Mỹ, các nhà tư vấn còn lại đều đồng ý.

Phóng viên: Ông có thể cho biết về lộ trình xây dựng Khu đại học Phố Hiến trong giai đoạn tiếp theo?
NGƯT Nguyễn Khắc Hào: Kết quả cuộc thi là căn cứ để chúng tôi lựa chọn tư vấn lập quy hoạch chi tiết dự án. Tức là, tư vấn Hàn Quốc đạt giải Nhì cuộc thi sẽ được giao lập quy hoạch chi tiết. Theo tiến độ dự kiến, đến hết năm 2011, quy hoạch chi tiết của dự án sẽ hoàn thành. Năm 2012, Hưng Yên sẽ đầu tư xây dựng  hạ tầng. Như vậy, từ 2012 các trường có thể xây dựng kế hoạch chuyển về Hưng Yên hoạt động, cơ bản sẽ đảm bảo theo lộ trình quyết định của Chính phủ.

Để đảm bảo cho việc triển khai Khu đại học thành công và hoạt động thuận lợi, Hưng Yên đang chủ động xây dựng các tuyến giao thông. Trước hết là đường nối hai tuyến cao tốc 5B và đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, bao gồm cả cầu qua sông Hồng. Tuyến đường này đã được Bộ GTVT và Chính phủ phê duyệt và sẽ được khởi công trong tháng 7. Tuyến đường sẽ được hoàn thành sau  3 – 4 năm. Tuyến đường đê tả sông Hồng từ cầu Thanh Trì theo đê sông Hồng về thành phố cũng đang được khẩn trương thi công, dự kiến hoàn thành năm 2013. Khi đó, từ khu đại học Phố Hiến về đến trung tâm Thủ đô sẽ chỉ mất khoảng 40 phút xe ô tô.

“Sẽ trải thảm đón các trường”

Phóng viên: Thưa ông, Hưng Yên có những chính sách ưu đãi gì dành cho các trường về với khu đại học Phố Hiến?

NGƯT Nguyễn Khắc Hào: Điều đó đã được thể hiện trong quyết định phê duyệt của Chính phủ: Tỉnh Hưng Yên cam kết sẽ dành ưu đãi cho các trường đại học khi về với Hưng Yên như bàn giao “đất sạch” cho các trường, tức là trường không phải đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Diện tích đất giao cho các trường sẽ đáp ứng tiêu chí về m2/đầu sinh viên của các trường đại học theo quy định của Chính phủ.

Để tạo điều kiện cho các trường đại học, Hưng Yên đang quy hoạch, xây dựng Khu đô thị hiện đại 300ha ngay tại Khu đại học, đang triển khai xây dựng các công trình văn hóa, thể thao dùng chung tại Khu đại học…

Chúng tôi cũng đang nghiên cứu thêm và tích cực trình Chính phủ cơ chế thuận lợi hơn để giúp giáo viên về Hưng Yên giảng dạy có cơ chế ưu đãi về nhà ở để họ ổn định lâu dài, sinh viên có ký túc xá…

Ngoài ra, vì Khu đại học tập trung là một mô hình mới, quy mô lớn, do vậy chúng tôi cũng đang tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ ban hành một quy chế đặc thù cho dự án: Thứ nhất là cơ chế dùng quỹ đất để tạo vốn đầu tư hạ tầng cho cả dự án; thứ hai, Hưng Yên cũng đang tham mưu cho Chính phủ về trình tự đầu tư một Khu đại học tập trung như thế nào cho khả thi; thứ ba, cùng với nguồn vốn mà địa phương có được từ nguồn đất, cũng phải có sự đầu tư mạnh mẽ hơn của Chính phủ từ các nguồn, chương trình mục tiêu, trái phiếu, vốn vay, các nguồn vốn khác… cho việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật của Khu đại học tập trung; thứ tư, chúng tôi cũng sẽ trình Chính phủ, các Bộ Ngành Trung ương quan tâm, ưu đãi đối với các trường đại học đầu tiên về với Hưng Yên. Bởi các trường đang ở Hà Nội, các điều kiện dịch vụ, học tập và làm việc đã ổn định, về Hưng Yên, điều kiện hoạt động của họ sẽ khó khăn hơn. Chính phủ cần có cơ chế, có kinh phí đầu tư cho các trường tập trung nhanh để không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Phóng viên:Xin ông đánh giá về tính khả thi của dự án và đến thời điểm này đã có bao nhiêu trường đăng ký về với Hưng Yên?

Dự án nhận được sự quan tâm sát sao và chỉ đạo của Chính phủ, các Bô,̣ Ngành Trung ương, đặc biệt sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trong suốt quá trình triển khai quyết định của Chính phủ.

Hưng Yên đang rất tích cực triển khai dự án, các bước đi vừa thận trọng vừa khẩn trương, đúng trình tự theo quy định và đảm bảo tính khả thi. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Yên đang rất quan tâm, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện và tin tưởng Dự án thành công.

Đến thời điểm này, tỉnh đã ký về mặt chủ trương tiếp nhận và giao quỹ đất cho ba trường đại học là Trường Giao thông vận tải, Ngoại Thương, Thủy Lợi (trong đó đại học Thủy lợi đã được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đồng ý sẽ triển khai sớm ngay trong năm nay, trường đaị học Chu Văn An đang triển khai xây dựng). Một số trường khác như, Đại học Nông nghiệp Hà Nội đang làm việc với tỉnh tiếp nhận thêm 32ha của trường trung học Tô Hiệu để xây dựng cơ sở II của trường tại Hưng Yên; Đại học sư phạm kỹ thuật đang triển khai dự án mới gần 40ha tại Cụm đại học tại đô thị Mỹ Hào, Hưng Yên…

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này! Chúc Dự án Khu đại học Phố Hiến thành công!

Thanh Tâm (thực hiện)