Kiến tạo nhà ở nông thôn – khó hay dễ?

Xây dựng công trình theo hướng Công trình xanh (CTX), tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường ngày càng phổ biến và trở thành xu thế trên thế giới, đó cũng là mục tiêu của cuộc thi: “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam” hướng tới. TCKT đã có cuộc trao đổi với KS. Đỗ Hữu Nhật Quang – đồng sáng lập GREENVIET, chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong tư vấn các chứng nhận CTX, thành viên HĐGK cuộc thi: “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam”. Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

Phát triển công trình xanh là xu hướng được các quốc gia tiên tiến trên thế giới tiên phong thực hiện, tại Việt Nam, từ năm những năm 2007-2010, công trình xanh được đẩy mạnh thực hiện trong thời gian vừa qua trên cơ sở tiếp thu nhiều nền tảng lý thuyết và công nghệ của thế giới. Bên cạnh áp dụng công nghệ “xanh” cho nhà ở đô thị, KTS trẻ ngày nay đang dần đem cái “xanh” về với vùng nông thôn trước tình trạng cấp bách nông thôn Việt Nam đang dần bị “bê tông hoá”.

Ứng dụng các giải pháp xanh trong các thiết kế nhà ở nông thôn

Tôi cho rằng việc ứng dụng các giải pháp xanh vào các mẫu thiết kế nhà ở nông thôn mang lại rất nhiều hiệu quả thiết thực. Trên thực tế, nhà ở nông thôn đang ngày càng mọc lên những nhà ống, những mẫu nhà cóp nhặt không có thiết kế cụ thể dẫn đến mất mỹ quan nông thôn.

Các giải pháp xanh có thể rất đơn giản như tận dụng ánh sáng & thông gió tự nhiên, cũng như những giải pháp cách nhiệt & trồng cây xanh phù hợp. Sử dụng vật liệu đúng cách, đúng vị trí cũng là một cách hay. Một khi nông thôn chúng ta có được các ngôi nhà thoáng mát, tiện nghi để sinh hoạt thì sức khỏe của người dân được cải thiện, có thể góp phần giảm áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe của xã hội nói chung. Ngoài ra, nếu mỗi ngôi nhà đều tiết kiệm năng lượng thì góp phần rất lớn vào bảo vệ môi trường, giảm áp lực lên nguồn cấp điện của quốc gia.

Kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam khó hay dễ?

Từ vài năm gần đây, tại Việt Nam đã có nhiều nỗ lực tìm ra một hướng đi cho kiến trúc “xanh”. Trong đó, sự quan tâm đối với điều kiện riêng về kinh tế, văn hóa, khí hậu… của từng khu vực dường như là con đường để đưa công trình xanh vào trong cuộc sống.

Khí hậu Việt Nam rất khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng, bức xạ mặt trời lớn, đặc biệt ở phía Bắc có mùa đông lạnh với độ ẩm cao. Phát triển công trình xanh ở nước ta phải chú ý tới các yếu tố khí hậu theo từng vùng khác nhau của đất nước. Có thể kể đến một số vùng khí hậu đặc trưng như khí hậu vùng núi Đông Bắc Bộ, vùng núi Tây Bắc Bộ, vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng gió Lào miền trùng, vùng ngập lũ Nam Bộ…

Chương trình “Kiến tạo Nhà ở Nông thôn Việt Nam” sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các KTS, đặc biệt là các KTS địa phương vốn am hiểu các đặc thù về thời tiết,  tập quán sinh hoạt , gu thẩm mỹ cũng như cách thức xây dựng của vùng miền đó. Ngoài ra, chương trình cũng cần sự chung tay của các nhà cung cấp vật liệu xây dựng, các nhà thầu, các cơ quan hữu quan & truyền thông để chương trình được lan tỏa và đi vào thực tế một cách nhanh nhất & hiệu quả nhất.

Vai trò và thách thức của KTS

Việt Nam có cả một bề dày lịch sử đối chọi lại với thiên tai, việc nghiên cứu những kinh nghiệm thích ứng khí hậu thông qua các công trình kiến trúc truyền thống, có thể cho ta những giải pháp hiện thực về những công trình xanh trong tương lai như thế nào.

Nhiều cơ hội đang mở ra với công trình xanh trong quá trình phát triển tại Việt Nam. Quá trình mở rộng các vùng đô thị như là Hà Nội hay TP.HCM tạo ra nhiều cơ hội cho việc giảm thiểu việc tiêu thụ các nguồn tài nguyên và lượng khí thải. Đây cũng là điều kiện tốt cho việc chuyển dịch cơ cấu theo hướng nền kinh tế hiệu quả về năng lượng và xanh sạch trên tinh thần của công trình xanh. Bên cạnh đó, công trình xanh rất cần những nỗ lực mạnh mẽ của các cơ quan liên quan từ quản lý, giám sát và cả ngành công nghiệp xây dựng.

Đang có một thách thức đối với giới KTS đó là suất đầu tư nhà ở nông thôn thường không cao và nhu cầu thiết kế cũng vậy, do đó khó có sự trao đổi giữa KTS và chủ nhà về thiết kế. Chương trình Kiến tạo nhà ở Nông thôn Việt Nam là một sáng kiến giúp rút ngắn khoảng cách này. Qua chương trình, KTS cũng có dịp để đóng góp công sức của mình cho địa phương một cách rất ý nghĩa và người dân cũng có cơ hội tiếp cận các thiết kế phù hợp với nhu cầu của mình.

Hãy tưởng tượng có hàng trăm ngàn ngôi nhà được xây dựng theo mẫu nhà ở nông thôn hiện đại của chương trình, bộ mặt của nông thôn Việt Nam chắc chắn cũng sẽ thay đổi theo hướng tích cực, hiện đại và vẫn giữ được bản sắc Việt Nam.

Bích Thủy – tckt.vn
© Tạp chí Kiến trúc