Kiến tạo những giá trị mới từ sự kế thừa truyền thống

Yếu tố địa phương trong kiến trúc hiện đại được xem như một chìa khóa quan trọng tạo nên sự khác biệt để nhận dạng nơi chốn của đô thị, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa cho mỗi quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập, giới KTS, đặc biệt là các KTS trẻ đã nỗ lực góp sức mình trong việc kiến tạo những không gian hiện đại nhưng giàu bản sắc văn hóa, khai thác những kinh nghiệm truyền thống, sử dụng vật liệu địa phương…. Thông qua những công trình – tác phẩm sáng tạo, các KTS trẻ đã góp phần tạo ra những giá trị mới cho văn hóa bản địa, vừa nâng cao thẩm mỹ kiến trúc cho người dân, vừa định hướng kiến trúc theo xu hướng phát triển bền vững.

Phóng viên Tạp chí kiến trúc đã thực hiện cuộc trao đổi ngắn với các KTS: Hoàng Thúc Hào (Văn phòng Kiến trúc 1+1>2), Đoàn Thanh Hà (Công ty Kiến trúc H&P) Nguyễn Xuân Minh (Công ty CP Kiến trúc BHA) xung quanh mối quan hệ giữa kiến trúc hiện đại và bản sắc địa phương, những kinh nghiệm làm nghề và giải pháp kiến trúc. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Phóng viên (P/v): Từ kinh nghiệm làm nghề kiến trúc, các anh có thể cho biết quan điểm của mình về kiến trúc bản địa?

KTS Nguyễn Xuân Minh

KTS Nguyễn Xuân Minh: Kiến trúc truyền thống với những kinh nghiệm trong việc tạo lập các không gian phù hợp với những đặc điểm cụ thể về khí hậu, cảnh quan và lối sống đã được cha ông ta đúc rút và tích lũy trong một quá trình dài. Ngày nay, mặt trái của toàn cầu hóa và sự biến đổi khí hậu buộc chúng ta phải suy nghĩ kỹ hơn với những kinh nghiệm của cha ông trong việc thích ứng với tự nhiên. Tôi cho rằng việc thích ứng với tự nhiên chính là yếu tố quan trọng đầu tiên mà KTS cần xem xét khi thực hiện những thiết kế của mình.

—KTS Hoàng Thúc Hào

KTS Hoàng Thúc Hào: Tôi cho rằng “truyền thống” không bao giờ đứng im, sáng tạo và đổi mới là một quá trình liên tục, tất yếu. Nói cách khác, khuynh hướng bản địa không phải là hoài niệm truyền thống mà cần những hướng tiếp cận khác, những cách làm mới mẻ để tạo ra những giá trị đương đại. Tuy nhiên, trong kiến trúc, việc đổi mới không gian, cấu trúc, công nghệ, vật liệu… cần phù hợp từng điều kiện địa phương cụ thể, dựa trên kết quả khảo sát nghiên cứu chi tiết về địa phương đó. Vì kiến trúc không chỉ đẹp mà phải thực sự thiết thực, có ý nghĩa với người sử dụng và cộng đồng cư dân bản địa.

KTS Đoàn Thanh Hà

KTS Đoàn Thanh Hà: Cách đây hơn 50 năm, Kiến trúc sư bậc thầy Kenzo Tange đã từng nói: “Truyền thống là viên ngọc quý, nhưng tôi sẽ phân xẻ nó ra rồi kết lại thành tràng châu ngọc”. Cá nhân tôi trân trọng quan điểm này và (có thể chưa dám chắc sẽ tạo ra những tràng châu ngọc) hiện tại trong những dự án liên quan, chúng tôi luôn cố gắng “phá vỡ truyền thống” rồi ghép lại theo “một cách khác”.

P/v: Cụ thể, các anh đã vận dụng các kinh nghiệm này như thế nào trong các công trình của mình?

KTS Hoàng Thúc Hào: Thực sự đây là thách thức lớn, nhất là việc gìn giữ và phát huy sự đa dạng văn hóa, thể hiện trách nhiệm xã hội và sáng tạo trong công việc. Nghĩa là vừa kế thừa, phát triển những yếu tố văn hóa bản địa, vừa chủ động tìm kiếm những yếu tố mới, quy hoạch theo lộ trình phù hợp với phát triển, không lãng phí nguồn lực địa phương.

Những công trình của 1+1>2 được thực hiện trên cơ sở tương tác giữa tri thức mới, hiện đại với giá trị cốt lõi địa phương nhưng ưu tiên những giải pháp kiến trúc gần gũi, hiệu quả. Điều này đòi hỏi quá trình nghiên cứu công phu, trải nghiệm phong phú của KTS và quan trọng, KTS cần cái tâm trong sáng, sáng tạo trung thực, đề xuất những giải pháp vừa có giá trị thực tiễn, vừa dẫn hướng, chứ không chỉ thỏa mãn cái tôi sáng tạo.

Nhà cộng đồng Dao Đỏ tại thôn Xả Séng, xã Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai.
KTS Hoàng Thúc Hào (Văn phòng Kiến trúc 1+1>2)

Chuyện kế thừa kinh nghiệm, tri thức bản địa, kết hợp cách tân công nghệ và kỹ thuật, những giải pháp sáng tạo hướng đến giá trị mới có kinh nghiệm quốc tế quý giá: KTS Diébédo Francis Kéré (Burkina Faso) đưa giải pháp tận dụng những thứ sẵn có và chuyển hóa theo cách phù hợp để mọi người tham gia vào dự án và thúc đẩy sự phát triển chung. Những dự án của ông ở châu Phi đã thể hiện rất rõ điểm này. Hoặc như quan điểm của KTS Anna Heriger (Đức – Áo) – Kiến trúc là công cụ cải biến thế giới, hướng tới cân bằng và phát triển bền vững…

KTS Đoàn Thanh Hà: Bối cảnh văn hóa và bối cảnh vật lý là hai điều tối quan trọng luôn được nghiên cứu kỹ khi bắt tay thiết kế, sau đó chúng tôi cố gắng tìm hiểu các vật liệu và nghiên cứu phương pháp xây dựng truyền thống, rồi ứng dụng các công nghệ xây dựng hiện nay để tìm ra một giải pháp chúng tôi gọi là công nghệ thích hợp – Đó có thể coi là sự trộn lẫn giữa quá khứ và hiện đại.

Kiến trúc của chúng tôi xuất phát từ nhu cầu của con người, rồi hình thành những Không gian cởi mở/ thân thiện phù hợp đáp ứng đúng (đương nhiên tối thiểu đủ và thường là mang lại nhiều hơn) tùy theo từng nhu cầu cụ thể – Không gian này được tạo nên bởi vật liệu thân thiện / cần thiết (ưu tiên có sẵn tại địa phương, chi phí thấp, tái sử dụng) và công nghệ xây dựng thích hợp.

KTS Nguyễn Xuân Minh: Nghiên cứu và vận dụng những kinh nghiệm truyền thống, hướng tới kiến tạo những không gian mới nhưng tương thích với các đặc điểm khí hậu, lối sống, hài hòa với cảnh quan là phần quan trọng trong công việc của tôi.

Là một KTS sống và sáng tác chủ yếu ở Huế, kiến trúc của tôi gắn liền với ánh sáng, không gian và nơi chốn.

Ánh sáng là chất liệu của kiến trúc. Tôi luôn ám ảnh về ánh sáng. Các công trình của tôi thường được nghiên cứu lớp vỏ để có thể điều tiết ánh sáng, làm cho không gian luôn biến đổi thú vị.

Về bản chất kiến trúc theo tôi là tạo lập không gian. Tôi thích sử dụng những khoảng chuyển tiếp, khoảng mở, những khoảng không gian không rõ ràng về công năng. Điều này phù hợp với điều kiện khí hậu ở Huế nắng nóng mưa nhiều và tính cách Huế thích nhẹ nhàng, cởi mở với thiên nhiên.

Kiến trúc của tôi luôn neo chặt với nơi chốn – Đó là văn hóa sống, tập quán sinh hoạt của người dân, là khí hậu, là cảnh quan, là điều kiện kinh tế nơi nó tồn tại. Ở miền Trung, bên cạnh những bất lợi về điều kiện tự nhiên thì yếu tố nơi chốn rất rõ nét. Đây là vùng có văn hóa đặc sắc, phong phú. Điều này tạo nên những cơ hội cho các KTS tìm tòi, sáng tạo nên những thiết kế thích ứng, đặc trưng với địa phương.

P/v: Và cộng đồng hoặc người sử dụng đã đón nhận công trình của các anh như thế nào?

KTS Đoàn Thanh Hà: Cộng đồng địa phương hiện tại vẫn đang đánh giá các dự án của chúng tôi với tâm lý hoài nghi xen lẫn sửng sốt. Tôi hy vọng thời gian tới họ sẽ cởi mở hơn với những không gian thân thiện với thiên nhiên, và khi đó bản sắc sẽ dần định hình. Hy vọng những yếu tố mới mẻ sẽ tác động đến người dân theo hướng tích cực trong tương lai.

Học viện Âm nhạc Huế, 01 Lê Lợi – Tp HuếNguyễn Xuân Minh (Công ty CP Kiến trúc BHA)

KTS Nguyễn Xuân Minh: Các bạn biết đấy, công trình đầu tiên tôi thực hiện – M house, chính là nhà của tôi. Hàng loạt công trình sau đấy đều được thực hiện tại địa phương, với yêu cầu đầu tiên là thích ứng với điều kiện địa phương. Và cho đến giờ tôi vẫn được tín nhiệm (cười)

KTS Hoàng Thúc Hào: Nhiều năm qua tôi và các cộng sự theo đuổi triết lý kiến trúc hạnh phúc. Thực ra đây là khái niệm khá trừu tượng, nhìn nhận từ các yếu tố: KTS hạnh phúc, người sử dụng hạnh phúc và công trình tạo ra ngạc nhiên bền vững. Với các dự án cộng đồng, hạnh phúc của người làm nghề chính là tạo ra những giá trị mới cho văn hóa bản địa, tạo ra “ngạc nhiên bền vững”. Tôi chia sẻ với các bạn câu chuyện chúng tôi thiết kế thi công Làng đất ở Nậm Đăm- Hà Giang. Mái công trình được cách điệu từ hình ảnh cánh chim én. Sau khi hoàn thành chim én về làm tổ. Hy vọng một thời gian nữa, như những mái nhà dân trong bản, sẽ có hàng đàn én kéo về trú ngụ dưới mái nhà. Chính những câu chuyện như thế sẽ đem lại “ngạc nhiên bền vững” trong kiến trúc.

P/v: Xin cảm ơn các anh về cuộc trò chuyện!

Thảo nguyên – TCKT.VN

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05 – 2017)