Kiến trúc trường học với Mùa Giải thưởng – Kiến trúc Quốc gia 2018

Có một sự trùng hợp khá thú vị là mùa Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (GTKTQG) 2018 có số bài dự thi trong thể loại trường học là 15, bằng với số tác thẩm tham gia Giải thưởng Kiến trúc 2010 và là một tỷ lệ khá cao so với tổng số bài tham dự Giải thưởng. Tuy nhiên, năm nay, các loại hình trường học đã phong phú lên khá nhiều, có 5 công trình trường Mầm non, trường Phổ thông các cấp, 4 trường Đại học và Trung tâm đào tạo (bao gồm cả tổng thể và công trình, vật liệu). 1 tác phẩm Quy hoạch và 1 tác phẩm Nội thất. Như vậy, chỉ còn thiếu ở mục Cải tạo và Ấn phẩm là chưa có tác phẩm về Trường học. Những con số trên phần nào chỉ ra rằng lĩnh vực Kiến trúc trường học đã lan tỏa khá sâu và rộng trong đời sống nghề nghiệp của giới kiến trúc. Trường học nhận được các nguồn đầu tư khá phong phú, từ nhà nước đến các tập đoàn, tổ chức tư nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư giáo dục quốc tế. Chính điều này khiến cho các đề bài đa dạng và phong phú hơn, KTS không còn quá bị ràng buộc vào những niêm luật vốn có, đưa kiến trúc tiếp cận được với các mô hình Dạy và Học theo xu hướng hội nhập.

1. Trường Mầm non là một loại hình trường được đầu tư khá nhiều trong vòng hơn một thập kỷ qua tại các đô thị lớn, không riêng gì Hà Nội và TP HCM. Với quy mô học sinh không lớn, trong những khuôn viên thường hạn chế (ngoại trừ những mô hình trường đa cấp, nơi trường Mầm non được thiết kế như một khối chức năng tương đối độc lập), việc tạo lập các không gian trong – ngoài đan xen “Chơi mà Học” trên một bố cục phản quy luật cùng với ngôn ngữ, hình khối, màu sắc mang tính “thơ ngây”… chính là những sự kiếm tìm những ý tưởng, giải pháp dễ đưa lại thành công cho công trình. Tuy nhiên, qua 5 công trình dự giải, kể cả công trình do KTS nước ngoài thiết kế (Trường Mầm non GLA, Nghệ An) đều chưa cho thấy được những bước đột phá trong các giải pháp xử lý không gian tưởng như không quá phức tạp này. Có thể làm rõ nhận định này khi điểm qua các công trình Trường Mầm non dự Giải thưởng như sau.

Các tác giả công trình Trường Mầm non Sóc Nâu (Phú Thọ) và Trường Mầm non Hoa Lan (Gò Công, Tiền Giang) đã giải quyết bài toán công năng một cách hợp lý và truyền thống theo bố cục tuyến tính, hành lang bên phân định khu vực sân chơi và khối lớp, nhóm trẻ, trước và sau nhà khá rõ ràng. Màu sắc vui mắt cùng với các yếu tố tạo hình phổ biến cho các trường mầm non vẫn thường thấy. Tác giả thiết kế Trường Sóc nâu còn cố gắng thay đổi chiều rộng hành lang, kết hợp với mái của khối sinh hoạt chung, tạo thêm những sân chơi trên tầng cho trẻ. Mặc dù vậy, các giải pháp được sử dụng còn nặng về công năng đơn giản, chưa đủ làm mới và vượt qua những ngôi trường mầm non truyền thống.

Nếu như hai công trình trên theo hướng cố gắng xử lý không gian một cách tròn vai và an toàn thì Trường Mầm non Chuồn chuồn Kim 2 và Trường Mầm non GLA lại theo đuổi hướng tạo dựng những không gian độc đáo.

Trường Mầm non Chuồn chuồn Kim 2 (Quận 2, TP HCM) được xây dựng cải tạo từ một công trình cũ. Tuy bị ràng buộc bởi một hệ cột có sẵn, trên một mặt bằng 400 m2, tác giả đã cố gắng tạo dựng ý tưởng “trò chơi xếp hình” bằng những hình khối, góc cạnh “ngộ nghĩnh” với một cầu thang xoắn ngoài trời mầu cam làm điểm nhấn trên nền gạch mộc, để trần toàn bộ các mặt đứng của tòa nhà. Mặc dù từng được truyền thông gọi là một ngôi trường “lạ mắt”, “khác biệt” “độc dáo” so với các Trường học khác ở Việt Nam”; tuy nhiên, kích thước, khối tích, màu sắc, vật liệu và tỷ lệ cũng như độ an toàn cảm giác của công trình chưa thật rõ ràng và phù hợp với đối tượng trẻ ở lứa tuổi mầm non.

Trường Mầm non GLA (TP Vinh, Nghệ An) tọa lạc ở một khu đất khá lý tưởng trước Hồ Goong, đường Phan Đăng Lưu, TP Vinh. Đây là một công trình thuộc hệ thống giáo dục Học viện Không gian xanh (Green Lani Academy) được đầu tư đồng bộ (khoảng 50 tỷ đồng) theo mô hình giáo dục hội nhập tiên tiến. Công trình gồm 3 khối nhà cong gần như giống nhau về hình khối, kích thước và cách tạo hình. Cách xử lý mặt đứng với những mảng miếng đặc rỗng bằng kính và các khoang cửa sổ tròn ngộ nghĩnh không theo quy luật cùng với màu sắc rất bắt mắt. Tổ chức mặt bằng chặt chẽ, tạo ra các không gian chức năng giáo dục tiền học đường phù hợp với chuẩn quốc tế. Chi tiết rất chỉn chu từ cổng hàng rào cho đến hành lang cửa (điều không dễ thấy ở các công trình do các KTS trong nước thiết kế). Tuy nhiên, 3 khối nhà được bố cục trên tổng mặt bằng một cách khá khiên cưỡng, tạo ra một sự chật chội không đáng có, thiếu điểm nhấn trong bố cục, diện tích dành cho sân vườn và các khu hoạt động ngoài trời còn thấp. Trong khi đó, các không gian cong lõm thiếu sự kết nối nhằm tạo ra các không gian sân chơi trong ngoài cần có ở một ngôi trường mầm non xanh, bền vững. Đặc biệt, hướng của công trình (hứng gió phơn) cũng như sự hờ hững với Hồ Goong là một điểm đáng phải suy ngẫm ở đây.

Trường Mầm non Elite (Bến Tre)

Không quá bất ngờ khi Trường Mầm non Elite (Bến Tre) lại được Hội đồng Giải thưởng đánh giá cao hơn cả trong 5 công trình trường Mầm non, các giải pháp tổ chức không gian ở đây được xử lý một mặt, tạo ra một không gian phù hợp với môi trường “Chơi mà Học” của trẻ, mặt khác, có những thành công nhất định trong việc kiếm tìm những điểm nhấn khác lạ khi giải quyết các không gian đó. Trước hết là một tổng mặt bằng rất hợp lý trong một khuôn viên gần 4000m2, không rộng rãi đối với 1 trường mầm non có quy mô 14 lớp bao gồm cả nhà trẻ, mẫu giáo mầm, chồi, lá, bố trí được đủ cả khối học, sân vườn, sân chơi trong ngoài nhà. Nhiều chức năng nhưng không hề có cảm giác chật chội, bức bối bởi cách xử lý không gian đan xen một cách hữu hiệu. Dây chuyền công năng của một nhà trẻ mẫu giáo được tổ chức vừa chặt chẽ lại vừa rất linh hoạt trên từng tầng, mang đậm những yếu tố bền vững của mô hình trường học xanh hiện đại. Các khoảng lấy sáng khá đa dạng cùng các cầu thang với những đường cong tự nhiên tạo nên những không gian sinh động, xanh (thực chất) và thoáng đãng. Trong nội thất, tác giả cũng đã chăm chút đến các chi tiết như trần, đèn trần, tường, đồ gỗ… một cách tinh tế. Cách tổ chức khối lớp học hai bên sảnh chơi mở trên các tầng hay hài hòa ở tầng trệt với sân chơi – hoạt động ngoài trời (bao gồm cả bể vầy, sân cát, đường chạy..) cho thấy tác giả nắm rất vững mô hình giáo dục mầm non hội nhập. Đặt lối vào đón trẻ lệch sang một bên để dành mặt chính diện cho một Đồi cỏ xanh dốc từ trệt lên tới lầu 2 có thể coi là một các tiếp cận – ứng xử khá độc đáo với cảnh quan thiên nhiên hồ Trúc Giang phía trước. Công trình chỉ để lại một chút “chưa tới” khi xử lý phần nhô lên của lầu 2, từ khối đến chi tiết và dường như chưa thật mạnh dạn trong mầu sắc các mảng tường hay các thanh lam. Bên cạnh đó, độ dốc hơi gấp của đồi cỏ có đôi chút khiên cưỡng làm hạn chế an toàn trong sử dụng. Mặc dù vậy, cá nhân tôi đánh giá rất cao công trình dự thi này trong lĩnh vực kiến trúc trường học ở mùa GTKTQG 2018.

Trường Mầm non Elite (Bến Tre)

2. Trường phổ thông xuất hiện ở mùa giải thưởng năm nay với 4 công trình, trong đó có tới 3 trường liên cấp do các hệ thống giáo dục ngoài công lập đầu tư và 1 trường THCS công lập. Đây là 2 hệ quy chiếu với những điều kiện đầu tư rất khác nhau, phần nào cũng thể hiện xu hướng kiến trúc trường học hiện nay, ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng phát triển các không gian học đường tiệm cận đến các điều kiện quốc tế.

Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Tố, Quận 10, TP HCM với quy mô 40 lớp (1600 học sinh) tọa lạc trong một khuôn viên khá chật hẹp, 1ha. (Mật độ xây dựng ở đây được cho phép, một cách khó chấp nhận, lên tới 40% !) Mặc dù bị ràng buộc bởi rất nhiều điều kiện khác nhau, công trình vẫn cho chúng ta thấy tác giả đã rất cố gắng “xoay sở” để tạo lập một mô hình trường rất compact, nơi học sinh có vừa đủ những điều kiện học 2 buổi 1 ngày theo chương trình của bậc học trung học cơ sở. Bố trí công năng khá hợp lý trong khả năng có thể, xoay hướng các phòng học để vừa đảm bảo hướng tốt, vừa tạo ra những không gian cho cây xanh và mở rộng hành lang; lại vừa thay đổi nhịp điệu trên mặt đứng, sử dụng các nút thang biến đổi linh hoạt… Đó chính là những điểm đáng ghi nhận ở công trình. Đồng thời, các không gian cây xanh trên các khu vực sân trong, tầng 5, cũng như hướng mở để tiếp cận sử dụng chung với khu vực không gian xanh công cộng cũng là những giải pháp có tìm tòi của tác giả. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc xử lý các khối chức năng (các phòng học bộ môn và khối ngủ bán trú) trên tầng 5 còn khiên cưỡng, việc còn quá nhiều ngôn ngữ trên các mặt đứng là những điểm còn chưa được của công trình.

Một trong những đặc điểm cơ bản nhất của các trường liên cấp là hình thành được những phần tử CHUNG cho mọi cấp học, và phần tử RIÊNG cho từng cấp học. Khái niệm CHUNG không chỉ giới hạn trong những khối chức năng phục vụ học tập, cộng đồng, thể chất… mà còn cả ở những phòng học bộ môn, phòng học chuyên dụng… trong các khối học có thể sử dụng liên cấp. Việc phân định các khối chức năng cũng phụ thuộc khá nhiều vào các mô hình giáo dục quốc tế, các hệ thống trường theo thương hiệu chuỗi. Ba công trình trường liên cấp sau cũng đưa ra 3 lời giải khá khác nhau một cách đáng chú ý.

Trường tiểu học – trung học cơ sở – trung học phổ thông Ngân Hà – Khu dân cư Phước Kiến, huyện Nhà Bè, TP HCM do Công ty Ngân Hà đầu tư theo mô hình giáo dục quốc tế (Anh Quốc) khá phổ biến ở Việt Nam. Là một tổ hợp công trình kiến trúc khá hiện đại với hai khối tương phản: Khối học – phát triển theo chiều cao và khối công cộng – phát triển theo khối tích thấp. Đặc biệt, từ hướng chính, nơi Khối học với vai trò làm nền cho khối hội trường, các công trình đã cố gắng tạo ra những nhịp điệu bằng bóng đổ kết hợp với các mảng màu tương phản theo chiều đứng. Từng công trình đơn lẻ (hội trường, nhà học, nhà đa năng..) cũng như các không gian sân trong, hành lang được xử lý khá chuyên nghiệp. Tuy nhiên, xét về tổng thể, khu đất khá chật hẹp khiến các trục bố cục còn chồng chéo, không làm rõ được ý tưởng của tác giả. Đặc biệt, mô hình liên cấp chưa được làm rõ nét bằng các không gian kiến trúc.

Trường liên cấp hội nhập quốc tế iSchool Quảng Trị tọa lạc tại một khu đất khá lý tưởng, rộng 5 ha trên đường Hùng Vương, trục đường trung tâm TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Là một trường liên cấp quốc tế điển hình với quy mô cho 2000 học sinh ở đủ các cấp học từ Mầm non, Tiểu học đến Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Ở đây, mô hình liên cấp của một thương hiệu (tương lai) chuỗi trường Việt Nam theo chuẩn quốc tế và khí hậu bản địa Quảng Trị chính là hai thách thức đối với tác giả. Có lẽ phần nào vì vậy, trong giải pháp tổng mặt bằng, tác giả không mạo hiểm phá cách trong sắp xếp các khối nhà mà dành ưu tiên hướng tốt nhất cho các khối lớp học, theo hai trục bố cục vuông góc dung dị truyền thống. Theo đó, hầu hết các công trình đều đặt vuông góc với đường Hùng Vương lấy hướng Đông Nam làm chủ đạo, ngoại trừ hai khối nhà Hành chính và Khối phòng chức năng, cùng với Khối Mầm non có hướng quay thẳng ra đường Hùng Vương, như mặt tiền chính của Trường. Phân khu chức năng rõ ràng và khúc triết, cả không gian đón với khoảng lùi hợp lý phía trước đến lõi xanh ở giữa và khu thể chất phía sau, trong tương lai có thể tạo dựng những không gian sân vườn chuyên đề, tất cả là những điều kiện lý tưởng có thể tạo dựng ngôi trường xanh, bền vững. Khối học Mầm non là một khối nhà vuông có sân trong rộng, với một cạnh hướng ra sân khánh tiết được bỏ trống tầng trệt tạo nên một không gian mở và kết nối sân chơi của các lớp khối Mầm non với các khối học phổ thông thông qua Khối chức năng.

Cấu trúc 2 mái với mái trên được tách rời và hệ cột chống thanh mảnh đã tạo cho tòa nhà Khối Mầm non một hình khối không gian sinh động, thông thoáng. Thêm vào đó, 3 khối phòng học sáng tạo mang dáng hình như những hòn đá tảng tự nhiên ngộ nghĩnh đã là những nét chấm phá cần có, phù hợp với lứa trẻ ở đây. Khối chức năng được thiết kế như một không gian mở, với những khoảng trống tầng xen kẽ các phòng chức năng, nhiều lên theo từng tầng, được nối qua một hành lang – lan can chạy suốt, kết nối 3 tòa nhà khu lớp học của khối phổ thông. Sử dụng cầu thang 1 vế rộng, chiếu tới liên tục vào từng tầng, kết hợp với các bậc ngồi chơi, đọc sách là thủ pháp thường thấy ở các trường quốc tế, làm điểm kết thúc ở hướng lên, đáng được ghi nhận ở Khối chức năng này. Một điều đáng chú ý khác là giải pháp tường hai lớp sử dụng gạch hoa trang trí bọc toàn bộ các mặt đứng của khối chức năng và khối hành chính như một lớp tường thở, trang trí, làm nổi bật lên hình thức của các khối nhà nói riêng và toàn bộ khu trường nói chung. Điều đáng nói ở đây là, mặc dù các giải pháp đã nêu mang lại hiệu quả thẩm mỹ cho kiến trúc học đường không nhỏ, nhưng giá thành được công bố lại rất thấp, xứng đáng là một bài học khuyến khích cho đầu tư trường học. Tuy nhiên, khá đáng tiếc, Khối học phổ thông với 3 tòa nhà giống nhau, cùng dạng hành lang bên, với cầu thang ở 2 đầu hồi như những giải pháp nhà lớp học truyền thống nên cũng không thể tạo nên những đột phá gì trong không gian nhà lớp học cũng như sự khác biệt của mô hình trường liên cấp. Sự khác biệt giữa các cấp học là rất lớn về mọi mặt, không những chỉ về phòng học, phương thức dạy và học… mà còn ở các hoạt động theo tâm sinh lý lứa tuổi. Điều này cần được các KTS thể hiện bằng các không gian đặc thù của mình. Tương tự như vậy, người ta có thể chờ đợi hơn ở 2 công trình có khối tích lớn là Khối nhà ăn và Khối nhà thể thao cùng bể bơi. Do tổng thể chưa hoàn chỉnh nên khó có thể đánh giá những hiệu ứng do cây xanh và các liên kết bằng kiến trúc nhỏ đem lại cho một ngôi trường có diện tích khá rộng như ở đây, nhưng nếu mật độ xây dựng được duy trì, ta có thể hy vọng vào một ngôi trường kiểu mẫu về tổ chức cảnh quan trong một điều kiện khí hậu kém thuận lợi như Quảng Trị.

Sentia School là trường học liên cấp (Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở) thuộc Hệ thống giáo dục quốc tế Koala House Education System nằm ở Khu đô thị Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội trong một khuôn viên rộng 9.625 m2. Lựa chọn hình khối chữ Z cho tổng mặt bằng của tổ hợp công trình dường như được xuất phát từ tính chuyển động của hệ liên cấp trong một khu đất có hình dạng không vuông vức, với mong muốn tất cả các khối học đều đạt hướng tối ưu. Cũng chính giải pháp hình khối này đã tạo một hệ thống sân trong, sân chơi mở và sân thể dục thể thao ngoài trời với các không gian liên thông linh hoạt rất thú vị, phù hợp với lứa tuổi “chơi mà học” (ở mầm non); “học mà chơi” (ở tiểu học); “học với khám phá” (ở trung học cơ sở) theo triết lý giáo dục hiện đại. Phân khu và bố trí dây chuyền chức năng đã thể hiện một cách hiệu quả và linh hoạt tính chung – riêng của hệ thống liên cấp với những phòng học đặc thù cho cấp học, phòng bộ môn, phòng nghệ thuật, phòng học nghề… Tác giả đã nghiên cứu một cách công phu vấn đề chiếu sáng và thông gió tự nhiên cho từng khối chức năng để từ đó lựa chọn được những giải pháp hiệu quả nhưng lại mang tính thẩm mỹ cao, được thể hiện khá rõ nét ở các không gian lấy sáng, hệ ô văng che nắng hay tạo mái 2 hướng nhằm lấy khí tươi và đẩy bụi ở Nhà đa năng. Mảng trần giả ken bằng tre ở sảnh vào cũng như cách tạo hình ở hệ lan can cầu nối giữa các khối nhà trên các cao độ khác nhau tựa như “vũ điệu cầu nối” hay những “mảng mầu rực rỡ thơ ngây” của các lam chắn nắng và ô văng cửa sổ là những điểm sáng đáng khích lệ trong kiến trúc trường học ở đây. Bên cạnh những ưu điểm khá nổi trội trên, không quá khó để nhận thấy, chính định dạng khối hình chữ Z đã tạo ra những sự chật chội và tranh chấp các khối tích chức năng, cũng như những điểm chưa tới khi xử lý các góc nhà. Nhịp điệu cần có trên các mặt đứng, dấu hiệu nhận biết của kiến trúc học đường, đã không duy trì được sự kiểm soát đồng đều bởi những biến thể đặc – rỗng khá đột ngột. Mặc dù vậy, theo tôi, đây vẫn là một công trình đem lại dấu ấn tích cực nhất cho mô hình trường liên cấp bởi những tìm tòi thành công trong tổ chức không gian kiến trúc gắn với triết lý giáo dục hội nhập quốc tế như một mô hình trường học phát triển bền vững.

3. Trường đại học và Trung tâm đào tạo có 4 tác phẩm dự GTKTQG 2018, trong đó có 2 công trình về sử dụng vật liệu nên bài viết này chỉ đề cập 2 công trình còn lại.

Trường đại học Anh Quốc (British University Vietnam, BUV) là một công trình phức hợp thuộc giai đoạn I của Trường đại học quốc tế thứ 2 tại Khu đô thị Ecopark (Sau trường Đại học Y khoa Tokyo). Công trình bao gồm 3 khối chính Khối nhà lớp học (3 tầng), Khối Giảng đường lớn (2 tầng) và Khối Thư viện 3 tầng. Đây là 3 khối chức năng cơ bản, giúp nhà trường có thể tuyển sinh và triển khai các hoạt động đào tạo ban đầu. Điểm nổi bật của các giải pháp tổ chức các không gian chức năng với cơ cấu diện tích theo tỷ lệ 3 phần đều nhau bao gồm: a) Học tập chính (lớp học giảng đường); b) Học tập phụ (Thư viện, sảnh, cafe, hành lang, đường bậc..); c) Học trên mạng, thính thị… Chính điều này cho phép thiết kế các không gian học đường, thoáng đáng, không bị quá lệ thuộc vào các không gian chức năng với những yêu cầu về hệ số sử dụng truyền thống, đồng thời, có thể tạo ra những đột biến trong các không gian chuyển tiếp với tính mở và linh hoạt cao. Các khối chức năng của tòa nhà được nghiên cứu kỹ lưỡng để áp dụng các giải pháp thiết kế thụ động hữu hiệu. Tổ chức không gian trong ngoài, mặt bằng, chi tiết… xử lý hình khối rất ấn tượng trong từng khối nhưng lại quá tranh chấp và chật chội về ngôn ngữ, mầu sắc và cấu trúc hình khối không gian khi sắp xếp quá gần trong một công trình, dù là phức hợp. Dường như ở đây thiếu vắng vai trò nhạc trưởng nên mặc dù từng chỗ, từng nơi tạo nên những không gian tích hợp ấn tượng nhưng chung cuộc, ý tưởng nhất quán cần có của công trình lại chưa được thiết lập. Phải chăng, với diện tích 11.139 m2, giai đoạn 1 này chỉ chiếm khoảng ¼ tổng diện tích của toàn dự án, cho tới khi hoàn tất với tòa nhà trung tâm và khối học giai đoạn 2 cùng các tiện ích của khu trường hơn 6 ha này mới bộc lộ rõ những ý tưởng cơ bản của một trường đại học hiện đại?

Trung tâm giáo dục Viettel (Viettel Academy Educational Center)

Trung tâm giáo dục Viettel (Viettel Academy Educational Center) là một cụm công trình nằm trong khuôn viên Tổ hợp đào tạo Viettel tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, nơi Tập đoàn viễn thông Viettel, nhà khai thác mạng di động lớn nhất Việt Nam, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn bên cạnh các cơ sở nghiên cứu, thử nghiệm. Với ý tưởng đem đến một môi trường yên tĩnh, an bình cho các học viên được tập trung vào học tập, nghiên cứu, tác giả đã tạo dựng một không gian học đường ẩn hiện trong thiên nhiên với 3 thành tố đặc trưng cho vùng đất bán sơn địa Hòa Lạc: Gạch mộc, cây xanh và mặt nước. Theo đó, 12 khối nhà tường gạch mộc đỏ, khác nhau về tầng cao và quy mô, ẩn hiện từ xa giữa vườn cây xanh. 12 khối nhà với các chức năng khác nhau: Lớp học, giảng đường, hội thảo, làm việc, kỹ thuật và phụ trợ được kết nối bằng hệ mái beton nhiều khoảng trống ở cao độ sàn tầng 3, hành lang cầu ở tầng 2 và lối đi ở tầng 1, tạo ra những liên kết đa chiều, nhiều cấp độ. Ở đây, cây xanh được chăm chút, hiển hiện mọi nơi, lối đi cạnh nhà, bệ cây trên cao như dàn pergola và trên các mái nhà như vườn cây cao thấp. Trò chơi với ánh sáng tự nhiên rất hiệu quả: Chiếu xuống từ các khoảng trống trên dàn mái betong, len lỏi giữa cây xanh và hành lang cầu, phản chiếu dưới hồ nước, của bản thân lớp tường gạch đỏ, ốp vuông tạo bóng đổ… Cấu trúc tường hai lớp đã tăng được hiệu quả làm mát, cải thiện điều kiện tiện nghi nhiệt trong nhà cho công trình. Bên cạnh những ưu điểm nổi trội đó cũng phải chỉ ra rằng, phân khu chức năng chưa thật rõ ràng và bố cục tự do sẽ làm khó khi vận hành sử dụng, đặc biệt trong quá trình dậy và học khá đặc thù (một hệ thống chỉ dẫn thông minh sẽ cần có để giúp người sử dụng hoạt động trong “mê cung”); Đồng thời, các lối ra từ những nơi tập trung đông người của phòng học lớn, giảng đường, hội thảo chưa thật sự được chú trọng. Và dường như, ở đây còn thiếu vắng những dấu hiệu nhận biết của một không gian đào tạo kỹ thuật đặc thù.

4. Thay cho lời kết
GTKTQG 2018 đã khép lại với khá nhiều giải thưởng dành cho thể loại công trình trường học ở các cấp học Mầm non, Phổ thông và trung tâm đào tạo. Đây là một điều rất đáng mừng với giới nghề nói chung và những người yêu kiến trúc trường học nói riêng. Cùng với hệ thống trường liên cấp, những mô hình trường ngoài công lập và những nhà đầu tư ngoài “quốc doanh”, kiến trúc trường học đã trở nên hấp dẫn hơn đối với KTS, đặc biệt là các đồng nghiệp trẻ. Rất đáng trân trọng và ghi nhận những tìm tòi sáng tạo của các tác giả có tác phẩm đoạt giải và không (chưa) đoạt giải kỳ này. Những thành công, và cả chưa thành công ấy sẽ là những động lực phát triển những không gian học đường hội nhập vì tương lai của các thế hệ trẻ Việt Nam. Cũng hy vọng rằng, trước mắt, kết quả mùa Giải thưởng năm nay sẽ có nhiều KTS tương lai lựa chọn đề tài trường học làm bài thi tốt nghiệp để có thể trở thành các ứng viên của Giải thưởng Loa Thành.

KTS. TS. NCV cao cấp Trần Thanh Bình
Nguyên Viện trưởng Viện Thiết kế trường học – Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Thành viên Hội đồng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2018

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2019)