KTS Nguyễn Văn Tất: “Tính “nơi chốn” là một gợi ý quan trọng cho việc thiết kế nhà ở nông thôn Việt Nam”

Giành nhiều Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế với đồ án kiến trúc nhà ở nông thôn ngay từ khi còn là sinh viên như: Giải Nhì cuộc thi Đồ án kiến trúc Quốc gia – đề tài “Nhà ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ” (1998), Giải Nhất cuộc thi Quốc tế “Archi’s 79 – Habitation Rural” – đề tài “Nhà ở vùng bồi ngập mặn Năm Căn – Cà Mau” (1079)… , KTS Nguyễn Văn Tất đã dành nhiều năm nghiên cứu và thiết kế nhà ở nông thôn. Với vai trò Giám khảo của cuộc thi: “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam”, ông đã có những chia sẻ với PV TCKT về những kinh nghiệm thiết kế nhà ở nông thôn. 

Được phát động từ tháng 11/2018, đến nay Cuộc thi Thiết kế Kiến trúc: “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam” đã đi được hơn nửa chặng đường và chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa sẽ kết thúc thời gian nộp bài dự thi (12/04/2019). Cuộc thi do Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam và Diễn đàn Mái đẹp nhà sang phối hợp tổ chức với mong muốn kết nối các Kiến trúc sư, đơn vị tư vấn thiết kế và các chủ đầu tư, nhà thầu trên toàn quốc chung tay sáng tạo các mẫu thiết kế nhà ở phù hợp với từng vùng miền, ứng dụng các giải pháp xanh phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, mà vẫn giữ được nét đặc trưng văn hóa địa phương. Cuộc thi là nơi giao lưu, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm giữa các Kiến trúc sư với cộng đồng.

PV: Dường như có “duyên nợ” với nhà ở nông thôn, Ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi của nhà ở nông thôn hiện nay?

KTS. Nguyễn Văn Tất: Cùng với sự phát triển chung của nền kiến trúc theo bối cảnh phát triển của kinh tế, kiến trúc vùng nông thôn Việt Nam cũng đang có những bước chuyển mình nhanh chóng. Cụ thể, những ngôi nhà bê tông, nhà ống… xuất hiện dày đặc hơn. Điều tôi thấy đáng lo ngại ở đây là sự “lai tạp” theo những trào lưu phát triển của đô thị. Cảnh quan nông thôn đang bị “xâm lấn” bởi kiến trúc hiện đại của đô thị. Đây thực sự là vấn đề lo ngại, chưa được giải quyết của liên hiệp Hội KTS trên toàn thế giới. Vậy nên, những cuộc thi về chủ đề nông thôn khi phát động nhận được sự đón nhận rất lớn của giới làm nghề và xã hội.

PV: Xu thế vật liệu mới – công nghệ mới đã làm thay đổi đáng kể diện mạo kiến trúc cũng như tư duy thiết kế của KTS. Ông đánh giá như thế nào về việc ứng dụng vật liệu mới vào các công trình, những mẫu thiết kế nhà ở nông thôn hiện nay?

KTS. Nguyễn Văn Tất: Kiến trúc sư nào cũng biết, lịch sử phát triển kiến trúc của nhân loại gắn liền với lịch sử phát triển của vật liệu và kỹ thuật xây dựng. Từ đá, gỗ, gạch, thép…đến nhôm, nhựa, composite… Mỗi vật liệu có tiếng nói riêng của nó. Vật liệu hiện đại hay cổ điển không quan trọng. Quan trọng là KTS sử dụng vật liệu như thế nào để nói lên được giá trị kiến trúc của mình trong hoàn cảnh nhất định. Trong Bối cảnh cuộc thi “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam” này, đề bài đưa ra yêu cầu giải quyết một không gian nhà ở nông thôn có vai trò càng rõ ràng càng tốt của sản phẩm sản xuất bởi nhà tài trợ. Đó là thách thức riêng của cuộc thi này.

PV: Theo ông, vai trò của KTS trong việc nâng cao chất lượng nhà ở nông thôn như thế nào, trong khi một thực tế là những ý tưởng của KTS và nhu cầu của người dân đang ở khoảng cách khá xa?

KTS. Nguyễn Văn Tất: Công việc chuyên nghiệp của KTS là sáng tác kiến trúc với nhiệm vụ thiết kế cụ thể, trong hoàn cảnh cụ thể. Nhà ở điển hình là một thách thức, vì không có một đối tượng rõ ràng. Nhà ở điển hình nông thôn lại càng là một thách thức lớn hơn nữa. Vì là nhà đơn lẻ nên sự đa dạng của nhu cầu mỗi gia đình nông dân vô cùng lớn, lại thay đổi theo sự lớn lên của từng gia đình… Ngôi nhà nông thôn truyền thống Việt Nam không đơn thuần là một chỗ ở mà là tài sản vật chất lẫn tinh thần của mỗi gia đình, được tích luỹ và hình thành trong thời gian dài, có khi từng bước một, nở dần ra.

Cho nên, trong trường hợp thiết kế nhà mẫu nông thôn, KTS không nên vẽ hoàn chỉnh mẫu nhà để xây dựng mà nên xem mẫu nhà chỉ là mẫu số chung để làm định hướng phát triển từ nhỏ đến lớn theo thời gian và khả năng kinh tế, từ lõi cứng mở rộng nhiều cách ra nhiều biến thể. Các cấu kiện phát triển được sản xuất tiền chế, mua trên thị trường dễ dàng.

Tóm lại, vai trò hiệu quả nhất của KTS trong trường hợp thiết kế ngôi nhà mẫu cho nông thôn là chỉ nên đứng ở góc độ nhà tư vấn, đưa ra một thiết kế lõi, hứa hẹn để có nhiều hướng phát triển đa dạng hơn.

PV: Để nâng cao ý nghĩa, vấn đề chuyên môn cho cuộc thi, ông có lời khuyên gì đối với các KTS tham dự?

KTS. Nguyễn Văn Tất: Nội dung 2 câu trả lời trên đã nói rõ ý gợi mở của tôi với các KTS tham dự cuộc thi.

Có thêm chăng thì đó là tính nơi chốn của bài dự thi. Đây là nội dung mở. Tác giả tự chọn và mô tả rõ ràng bối cảnh cụ thể của bài thi: Địa lý, tập quán, đặc tính lao động… của cư dân, càng cụ thể càng tốt. Điều này giúp các bạn giải quyết được vấn đề của công năng cũng như tư duy không gian, đồng thời giúp Hội đồng Giám khảo càng dễ dàng xác nhận giá trị thiết kế của bài thi.

PV: Trân trọng cảm ơn Ông.

KTS. Nguyễn Văn Tất

  • Giải Nhất cuộc thi quốc tế “Archi’s 79 – Habitation Rural” do tổ chức ACCT của Liên Hiệp Quốc và Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) tổ chức tại Paris – Pháp, đề tài “Nhà ở vùng đất bồi ngập mặn Năm Căn – Cà Mau” – 1979
  • Giải Nhất cuộc thi Đồ án kiến trúc Quốc gia (Khách sạn Quốc tế Unimex Hà Nội) – 1985
  • Giải Nhì (không có giải nhất) cuộc thi Đồ án kiến trúc Quốc gia (Nhà ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ) – 1998
  • Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nhà nước ( Pansea Resort Phan Khiết – nay có tên là Victoria Resort ) – 2005
  • Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TP.HCM (Khu du lịch Bến Thành Non Nước) – 2004
  • Ngoài ra, 14 công trình của ông đạt nhiều kỳ Giải thưởng Kiến trúc quốc gia dành cho các công trình xuất sắc đã xây dựng do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức 2 năm một lần.

 

Bích Thủy – tckt.vn
© Tạp chí Kiến trúc

Xem thêm chia sẻ từ các thành viên Hội đồng Giám khảo của cuộc thi: “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam” tại đây: http://cuocthi.tckt.vn/mdns-nha-o-nong-thon