Công trình là ngôi nhà nhỏ ở khu vực gần biển thuộc xã Hải Sơn, Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Đây được coi như món quà của chủ nhà gửi đến mẹ sau khi anh trưởng thành và lập nghiệp trên thành phố. Bởi vậy, yêu cầu của công trình là một không gian sống đơn giản, gần gũi với người già nhưng phải tiện nghi, hiện đại đáp ứng được nhu cầu sử dụng và trở thành nơi sum họp của con cháu trong gia đình vào những dịp nghỉ lễ. Xuất phát từ bài toàn trên, nhóm thiết kế muốn mang đến hình ảnh một “Nhà quê thời hiện đại” đáp ứng được những nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống con người nhưng không lãng quên những giá trị của quá khứ.

THÔNG TIN CÔNG TRÌNH

  • Tên công trình: Maison A
  • Tư vấn thiết kế: NGHIA-ARCHITECT
  • Địa điểm: xóm 11, xã Hải Sơn, Hải Hậu, Nam Định
  • Diện tích xây dựng: 78 m2
  • Năm hoàn thành: 2017

Quan điểm thiết kế chính đối với công trình:

  • Vật liệu tự nhiên, mang tính truyền thống
  • Phương pháp thi công hiện đại đơn giản kết hợp thợ thủ công
  • Thiết kế vật lí kiến trúc tạo ra điều kiện vi khí hậu tiện nghi
  • Gần gũi, kết nối tinh thần từ những hình ảnh quen thuộc cũ

Về mặt quy hoạch tổng mặt bằng, không gian được chia thành 2 chức năng chính gồm 2 phòng ngủ, một phòng khách kết hợp không gian bếp và vệ sinh. Mọi chức năng trong công trình gần như kết nối xuyên suốt với nhau. Do đặc điểm khí hậu ven biển của Nam Định thường không mấy ổn định và chịu ảnh hưởng lớn của mưa bão hàng năm, mặt tiền của ngôi nhà được thiết kế bao gồm 3 lớp vật liệu đều có thể nhìn qua được. Vào mùa nóng, 3 lớp vật liệu này được mở thoáng, ngôi nhà trở về hình thức kiến trúc nông thôn quen thuộc, tạo sự linh động, biến hóa cho thẩm mỹ mặt đứng công trình.

Cấu tạo lớp vỏ bao che công trình:

  • Lớp ngoài gạch nung thông gió – cách nhiệt đồng thời khai thác ánh sáng tự nhiên và không khí trong lành.
  • Lớp giữa là lớp cây xanh – tăng thêm riêng tư cho phòng ngủ trong khi vẫn cho phép ánh sáng len lói tạo hiệu ứng bóng đổ làm cho công trình hài hòa hơn với môi trường xung quanh.
  • Lớp trong là lớp cửa kính dày – cho phép gia chủ đóng mở để ứng phó với điều kiện thời tiết xấu đặc biệt là bão.

Điểm nhấn của thiết kế nội thất là chiếc bàn gỗ treo lơ lửng, kết nối không gian bên trong và bên ngoài ngôi nhà. Cửa kính sẽ được mở khi gia đình cần sử dụng không gian rộng hơn cho bữa ăn với nhiều thành viên để phù hợp với bàn truyền thống.

Về việc lựa chọn vật liệu xây dựng

Các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên và truyền thống được lựa chọn và tính toán để phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Gạch thông gió được nghiên cứu lại và đặt hàng riêng ở Bát Tràng, được nung tới độ trở thành gạch sành có những đặc điểm sau:

  • Chống chịu lại được cái nắng nóng trực diện hướng Tây và ăn mòn của không khí mặn
  • Lưu thông được gió cũng như đưa ánh nắng len lỏi làm khô thoáng cho không gian bên trong.

Các vật liệu đá tự nhiên thô mộc được chọn để ngôi nhà có sự ấm cúng thân thiện và bền bỉ với điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Đá ong – một vật liệu địa phương của vùng Sơn Tây được dùng làm vách ngăn và điểm nhấn không gian giữa nhà, đá slate đến từ Sơn La được lát sàn và lợp thay mái ngói, đá hộc và đá tấm khai thác ở địa phương được dùng làm lối đi và tiểu cảnh sân vườn ngoài nhà…

Một đặc điểm khác biệt của công trình trên diện mặt đứng chính là việc gợi lại hình ảnh vườn chuối cũ của gia chủ. Họa tiết lá chuối được dùng trên bức tường giữa nhà lấy từ hình ảnh của chính nơi khu vườn chuối cũ được thay thế. Đây là hình ảnh thân quen gắn với cả gia đình từ lâu, tạo nên một không gian đầy cảm xúc đối với chủ nhà.

Một số hình ảnh công trình:


Cẩm Tú – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc