Ngôi nhà thời công nghệ

Ngôi nhà hiện đại bây giờ có rất nhiều… những cái máy – những thiết bị. Một công trình kiến trúc hiện đại hoàn chỉnh không chỉ là móng, tường, mái, cửa, cầu thang… hay các thiết bị điện – nước truyền thống nữa. Trong công trình có rất nhiều các hệ thống thông tin – truyền thông; các thiết bị điện tử và liên quan đến điện tử; các thiết bị công nghệ số, kết nối internet… Có thể nói kiến trúc – nội thất đang bị chi phối khá mạnh bởi sự phát triển của thiết bị công nghệ cao được ứng dụng trong công trình.

Rất nhiều ngôi nhà ở có phòng giải trí với các loại thiết bị nghe – nhìn

Thời của thiết bị và các loại máy

Có thể kể bao nhiêu cái máy/thiết bị có ở trong nhà ở nhiều loại: điện cơ, điện lạnh, điện tử, thiết bị nhiệt… Phải nói là số này hơi bị nhiều, càng ngày càng nhiều. Ngoài những thứ khá truyền thống như tivi, tủ lạnh, quạt, rồi tiếp theo đến máy lạnh, máy giặt, máy hút mùi, lò vi sóng… còn rất nhiều các loại máy, thiết bị khác mà chỉ cần ra siêu thị điện máy, người ta sẽ thấy choáng ngợp trong rừng sản phẩm và sẽ gặp nhiều loại thiết bị dùng trong nhà ở gia đình mà có thể chưa thấy bao giờ. Rất nhiều những máy, thiết bị phục vụ cho những nhu cầu rất nhỏ, công việc rất bình thường mà xưa kia người ta không hề nghĩ công việc đó phải cần dùng đến máy. Có thể kể tới máy pha café, máy xay sinh tố, máy nghiền rác (lắp dưới chậu rửa nhà bếp), máy rửa bát – sấy bát, máy khử độc thực phẩm… rồi máy hút ẩm, máy tạo ẩm, hay kể cả máy… làm sữa chua.

Tình hình nhìn chung là như vậy, có nghĩa là trong một ngôi nhà, một gia đình có rất nhiều những cái máy, những thiết bị để phục vụ cuộc sống con người. Có nhiều loại máy được phân thành các nhóm như đã đề cập ở trên, như điện cơ, điện lạnh, điện tử, thiết bị nhiệt. Mỗi loại có cấu tạo và nguyên lý hoạt động khác nhau, nhưng xu hướng đều có điểm chung là được “điện tử hóa”, nghĩa là điều khiển bằng tín hiệu điện tử (thay cho điều khiển cơ – điện), có khả năng hoạt động theo lập trình, có khả năng nhận tín hiệu từ xa (không dây, truyền tín hiệu qua sóng). Điều đó đồng nghĩa với việc các thiết bị đã được đẩy lên một tầm mới, với những công nghệ mới – hiện đại, mà có thể gọi là công nghệ cao.

Một loại máy ngày càng trở nên bình thường, phổ cập và cần thiết như một thứ công cụ làm việc, giải trí không thể thiếu, và tính cá nhân hóa càng cao – đó là máy vi tính (máy tính). Nhiều gia đình có 1 tivi ở phòng sinh hoạt chung, nhưng mỗi người có một máy tính riêng, có thể là máy tính để bàn (desktop) hay máy tính xách tay (laptop). Sự phổ biến của máy tính đã vượt trội lên cùng với sự phát triển của mạng internet và công nghệ truyền dẫn tốc độ cao, là một trong những thứ máy phổ biến nhất, được sử dụng nhiều nhất và cũng… nhanh khấu hao nhất.

Tivi gắn lên tủ quần áo như một điểm nhấn trang trí

Internet và công nghệ cao vào tận giường ngủ

Cái gì cũng có thể tìm thấy trên internet. Quả đúng là như vậy! Cách đây khoảng hơn 10 năm, khi văn phòng bị mất điện người ta than phiền rằng: Mất điện thì không làm được gì cả, bởi khi đó máy tính (cùng các thiết bị liên quan như máy in, máy scan, máy photo…) đã trở thành công cụ làm việc chủ chốt thay cho quy trình, cách thức làm việc cũ với giấy, bút và các dụng cụ truyền thống. Còn bây giờ, nếu vẫn có điện mà lại mất… mạng (internet) thì tình trạng cũng như vậy. Mất mạng, “đứt nét” có nghĩa là hỏng việc, là đình trệ. Mọi công việc trao đổi qua e-mail, qua các hệ thống trao đổi thông tin trực tuyến (chat), họp trên mạng, dữ liệu được gửi và nhận qua mạng, thư viện trên mạng, tài liệu trên mạng, tiền cũng ở trên mạng… Tóm lại là tất cả đều ở trên mạng.

Các loại thiết bị điện tử, kỹ thuật số,với khả năng kết nối internet đã vào tận giường ngủ

Đó là chuyện ở văn phòng. Thế nhưng sự phát triển với tốc độ kinh khủng của công nghệ truyền dẫn và thiết bị ứng dụng đã kéo internet vào trong phòng ngủ, lên giường ngủ. Bây giờ, chỉ bằng một cái điện thoại, người ta cũng có thể dạo chơi trên xa lộ thông tin ngay trên giường, trong tư thế nằm, và tất nhiên không cần dây dợ phích cắm lằng nhằng gì hết. Tuởng như máy tính xách tay gọn nhẹ sẽ thay thế máy tính để bàn, nhưng chưa kịp thay thế hết thì đã có một đối thủ mạnh hơn nhiều lần – đấy là máy tính bảng (tablet). Loại máy tính này đang là mốt thời thượng bởi sự nhỏ gọn và những tính năng công nghệ vượt trội. Các loại điện thoại di động thông minh đời mới – tiêu biểu là Iphone có tính năng như một chiếc máy tính kiêm máy ảnh, máy quay phim. Tính linh hoạt trong tương tác của các thiết bị công nghệ số – kỹ thuật cao và khả năng kết nối internet mạnh mẽ thực sự đã chi phối nhiều đến phương thức làm việc, thói quen sinh hoạt và tất nhiên, cả không gian sống – là ngôi nhà.

Về cơ bản, với kích thước và tính năng sử dụng của các loại thiết bị số, công nghệ cao này không ảnh hưởng nhiều tới kiến trúc – nội thất nhà ở. Nhưng sâu xa nó lại tiềm ẩn những đổi thay có tính cách mạng, liên quan đến lối sống, và ảnh hưởng tới ngôi nhà. Đã có rất nhiều người khi sử dụng laptop bỏ luôn thói quen ngồi bàn làm việc (như khi dùng máy bàn), mà ngồi ở phòng khách, ở bàn ăn, ở ngoài hiên hay cả trên giường ngủ… Có lẽ với họ, chiếc bàn làm việc trong nhà không còn cần thiết nữa.

Thiết kế kiến trúc phải nắm bắt công nghệ

Cách đây khoảng chừng 15 năm, khi thiết kế và xây dựng nhà, rất ít chủ nhà nghĩ đến hay có nhu cầu về một hệ thống mạng internet cho ngôi nhà của mình, thậm chí cũng rất ít kiến trúc sư nghĩ đây là một hệ thống cần thiết cho ngôi nhà. Thời đó, internet chưa phổ cập và nhu cầu của người dân cũng không cao. Internet là một hệ thống công nghệ tiện ích ở nơi làm việc hay nơi xa xôi nào đó chứ không phải của gia đình. Thời đó, nếu có ai sử dụng internet ở nhà thì là sử dụng kết nối qua điện thoại bằng modem quay số, với 1 máy tính. Chỉ một thời gian ngắn sau, internet là một thứ không thể thiếu của đời sống, đi kèm với việc ra đời của đường truyền tốc độ cao (ADSL); thì internet mặc nhiên không thể thiếu trong ngôi nhà ở, đòi hỏi “có mặt” ở mọi không gian. Nhiều ngôi nhà xây dựng trước không có hệ thống này đã phải thiết kế bổ sung, và phải chấp nhận việc dây đi nổi loằng ngoằng rất thiếu mỹ quan. Thế nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn sau, việc này đã được khắc phục bởi hệ thống internet không dây (wifi) cùng các thiết bị kết nối tương đồng. Cho đến nay, hệ thống truyền dẫn internet và các thiết bị sử dụng internet đã phát triển một cách chóng mặt.

Cũng khoảng 15 năm về trước, hay lâu hơn một chút, điện thoại di động cũng chưa phổ cập. Những người dùng điện thoại di động là những con người bận rộn vì công việc, là chính khách, thương gia hoặc những người di chuyển nhiều cần thiết giữ liên lạc. Còn nay ai cũng có điện thoại di động, từ người già tới trẻ nhỏ; thậm chí có người có 2-3 máy điện thoại di động. Và vì đó, một hệ thống quan trọng trong ngôi nhà là hệ thống thông tin điện thoại (cố định) tự dưng yếu đi, thậm chí là thừa. Nhiều công trình xây mới ở thời kỳ này không quan tâm nhiều tới hệ thống điện thoại cố định nữa. Nhiều nhà chỉ làm rất đơn giản với 1 máy cố định, có những công trình bỏ hẳn hệ thống này.

Các loại thiết bị điện – điện tử ngày càng nhiều, phong phú ở tất cả các thể loại, trên nhiều phương diện. Các thiết bị này đặc biệt ảnh hưởng tới việc bố trí nội thất, thiết kế chi tiết đồ nội thất. Hiện nay, rất nhiều bản thiết kế nội thất là cuộc “hôn phối” giữa đồ đạc, trang trí và thiết bị. Các kiến trúc sư thường yêu cầu chủ nhà cung cấp đầy đủ và chính xác nhất các thông tin liên quan đến thiết bị sử dụng. Đơn giản như để thiết kế một chiếc kệ tivi, cần các thông tin về loại ti vi, kích thước; hệ thống máy nghe nhạc có bao nhiêu “cục”, bao nhiêu loa, kích thước, nguyên lý sắp xếp bố trí như thế nào?

Kệ tivi, nhưng không đặt tivi. Với công nghệ tivi mỏng như bây giờ, có thể treo lên tường như một bức tranh

Thực tế đã có rất nhiều thay đổi, có thể dù chưa lớn về mặt kiến trúc (chủ yếu là hệ thống kỹ thuật)  song thực sự đã ghi nhận những khác biệt lớn lao ở khía cạnh sử dụng. Ví như để kết nối internet, nếu dùng máy bàn, người ta sẽ phải ngồi trên ghế trước màn hình và bàn phím ở mặt bàn; nhưng khi dùng laptop, thì có thế mang ra đâu đó ngồi tùy thích (cùng với kết nối wifi), còn nếu dùng tablet hay smart-phone, người ta có thể nằm trên giường, nằm ngửa hay nằm nghiêng cũng được – để lướt net.

Hoặc với những tivi đời mới (gọi là tivi thông minh hay smart tivi) , nguời ta cũng có thể lướt net, xem phim trực tuyến trên màn hình tivi, ngay ở phòng khách (với hệ thống truyền hình cáp kiêm internet, hoặc kết nối với cổng internet riêng biệt)

Các loại thiết bị khác, nói chung có những thay đổi theo xu hướng thông minh hơn, tiện dụng hơn và việc điều khiển, vận hành cũng được “điện tử hóa”, “không dây hóa”. Có thể thấy rất nhiều các thiết bị từ đồ gia dụng cho tới cả thiết bị vệ sinh được gắn các bộ điều khiển điện tử, màn hình điện tử.

Thiết bị vệ sinh cũng có điều khiển điện tử

Thiết bị điện tử, thiết bị kỹ thuật số, thiết bị công nghệ cao phát triển theo một ngạch riêng, không liên quan và phụ thuộc vào thiết kế kiến trúc. Song kiến trúc nói chung và đặc biệt là nội thất thì lại chịu ảnh hưởng nhất định của các loại thiết bị này. Vì lẽ đó, việc… nghe ngóng, nắm bắt công nghệ, tìm hiểu thị trường sản phẩm, lựa chọn thiết bị phù hợp để đưa ra các giải pháp kiến trúc – kỹ thuật, giải pháp nội thất  liên quan là điều đúng đắn và cần thiết.

Công nghệ không phải là tất cả

Các loại thiết bị điều khiển thông minh cho thiết bị được nhà cung cấp giới thiệu tại triển lãm Vietbuild (Hà Nội, 2012)

Sự phát triển của các loại máy, các thiết bị số, thiết bị công nghệ cao sử dụng trong ngôi nhà ở đã làm đổi thay cuộc sống và không gian sống; các loại thiết bị này ngày càng hiện đại, thông minh hơn. Tuy nhiên đấy chỉ là những thay đổi cục bộ (trong mỗi loại thiết bị). Ngôi nhà còn có thể “thông minh” một cách tổng thể nhờ những giải pháp nhà thông minh – hiện cũng rất phát triển trên thị trường. Tất cả các hệ thống, thiết bị đều được tự động hóa, được lập trình và hoạt động theo những kịch bản tương ứng. Ngoài các loại thiết bị hiện đại – công nghệ cao đã đề cập ở những phần trên, ngôi nhà còn có thể trang bị các hệ thống khác như hệ thống chiếu sáng tự động, hệ thống camera giám sát, hệ thống báo cháy – chữa cháy… Tất cả các hệ thống thiết bị của ngôi nhà như chiếu sáng, cấp nước, điều hòa, mành rèm, âm thanh, truyền hình… đều được gắn các bộ điều khiển điện tử để có thể kết nối với internetđiện thoại di động,  cho phép chủ nhân điều khiển vật dụng từ xa hoặc lập trình cho thiết bị ở nhà hoạt động theo lịch. Thêm vào đó, các đồ gia dụng có thể hiểu được ngôn ngữ của nhau và có khả năng tương tác với nhau… Với ngôi nhà thông minh toàn diện và hoàn hảo, thì công nghệ tác động đến hệ thống kỹ thuật và giải pháp kiến trúc của công trình là không nhỏ.

Tuy vậy, không hẳn là tất cả mọi người đều ước mơ và hướng đến ngôi nhà thông minh. Cái gì cũng có hai mặt của nó. Nhà thông minh cũng như vậy. Không phủ nhận những tiện ích mà công nghệ và các hệ thống hiện đại thông minh đem lại cho người sử dụng, nhưng chính nhà thông minh cũng có những bất cập riêng. Khi mà cuộc sống công nghiệp, phương thức làm việc công nghiệp đã trở thành một vấn đề xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cá nhân và các vấn đề tâm lý của con người, thì người ta lại có xu hướng quay về những thứ giản đơn, giản dị theo các thức truyền thống. Vận hành một ngôi nhà thông minh, người ta dễ cảm thấy bị máy móc hoá, robot hoá, căng thẳng và mệt mỏi. Lúc đó người ta thích làm những việc thủ công bằng chân tay hơn là ngồi một chỗ bấm nút ở những bảng điều khiển; người ta thích những thứ gần gũi thiên nhiên hơn là công nghệ.

Một căn hộ mẫu nhà thông minh ở Hà Nội của Công ty Giải pháp nhà thông minh Gamma

Người viết bài này có một anh bạn, đã từng xây một ngôi nhà với những hệ thống thông minh, công nghệ hiện đại. Và rồi anh lại xây một ngôi nhà khác – trở lại với cách thức đơn giản, vận hành thủ công. Anh chia sẻ rằng đã thấy sợ những thứ tự động, sợ bấm nút, sợ cả lịch trình máy móc vô cảm. Ở ngôi nhà mới này, anh sẽ tự tay kéo rèm, bật đèn thay cho rèm kéo hay chiếu sáng tự động; nghe nhạc bằng đĩa và đầu máy thay cho hệ thống nhạc số; sẽ cầm vòi tưới nước ở vườn thay cho những vòi nước tự động… Tất cả để cảm nhận cuộc sống thực hơn, rõ ràng hơn và có lẽ cũng nhân văn hơn. Khi hỏi anh về hệ thống camera giám sát, bảo vệ như đã từng lắp đặt ở ngôi nhà cũ; anh trả lời: Cũng bỏ nốt, tôi sẽ nuôi một vài con chó…

Hà Nội 28/11/2017

Nguyễn Trần Đức Anh –  TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc