Ngôi nhà từ những trang sách thuở ấu thơ

Từ khi còn nhỏ, tôi đã biết với mình thế nào là một ngôi nhà đẹp. Hay nói cách khác, từ khi nhỏ xíu tôi đã có những hình dung tưởng tượng rất cụ thể về ngôi nhà mình mơ ước, tôi biết rõ một ngôi nhà phải thế nào sẽ khiến mình ước ao. Phải nói rõ thế vì khi tôi mới học lớp 1 lớp 2 – tức những năm 80 của thế kỷ trước – đất nước còn nghèo lắm. Ăn chẳng có mà ăn, mặc không có để mặc, có được một chỗ chui ra chui vào là tốt lắm rồi, đến người lớn cũng chẳng bận tâm suy nghĩ “nhà thế nào được coi là đẹp nhỉ” nữa là bọn trẻ con. Thế mà tôi lại thường xuyên hình dung tưởng tượng và ao ước về một “ngôi nhà trong mơ” đấy!

Thành thật mà nói, căn nhà gia đình tôi ở những năm tháng đó thuộc loại khá cao cấp so với mức sống chung của xã hội thời đó. Nhưng trước ngôi nhà ấy, chúng tôi cũng phải chen chúc trong căn hộ do trường Kinh tế chia cho mẹ tôi khi bà được phân về làm giảng viên của trường. Một căn hộ khoảng 24m2 được ngăn đôi bằng một tấm liếp để chia cho hai hộ gia đình, mỗi hộ đều có hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ. Bếp, chạn đặt ngoài hành lang, nhà tắm và nhà vệ sinh chung ở cuối dãy, mọi thứ đều rất chật chội và bất tiện. Được một thời gian, tấm liếp ngăn giữa hai nhà bị bục. Chị em tôi và hai đứa con nhà hàng xóm cứ chui qua chui lại lỗ thủng đó sang nhà nhau, chơi ú tim, chơi trốn tìm, chả thấy phiền hà gì chỉ thấy vô cùng vui sướng. Nhưng với người lớn, căn hộ đã chật chội lại còn bị ngăn đôi đó, liếp thì rách tứ tung như thế hẳn vô cùng bất tiện. May mắn thay chỉ một thời gian sau, đến lượt bố tôi được phân nhà. Chúng tôi tạm biệt căn phòng với tấm liếp rách trong khuôn viên Đại học Kinh tế để chuyển đến căn hộ khu tập thể cơ quan bố. Nơi ở mới này có diện tích gần 50m2 với một phòng nhỏ để xe đạp, một phòng ngủ, một phòng khách, bếp, phòng tắm và quan trọng nhất là một toilet trong nhà được lắp xí bệt loại mới nhất. Căn hộ mới là cả một giấc mơ với chúng tôi thời đó. Còn nhớ lũ trẻ con, con cái của bạn bè bố mẹ tôi toàn “để dành bụng” đến nhà tôi đi toilet, rồi vác theo quyển truyện ngâm nga hàng giờ trong toilet ấy không chịu ra. Căn hộ này lại nằm ở vị trí cuối cùng của cả dãy nhà, nên mẹ tôi tận dụng khoảng sân to rộng phía trước làm một khu vườn nhỏ với mấy luống đất, có hàng rào, có cả cổng ra vào bằng nứa rất xinh. Vườn chủ yếu để trồng rau và một số cây rau thơm, khiến nhà tôi hàng tháng cũng đỡ được một khoản tiền chợ đáng kể. Nhờ khu vườn ấy, bọn trẻ con càng thích đến nhà tôi chơi tợn. Giữa thủ đô thời nghèo khó, đến nhà ai vừa có toilet riêng trong nhà lại vừa có sân vườn để nghịch chẳng khác gì được đến một căn biệt thự đầy đủ tiện nghi nằm trong một khu đô thị cực kỳ cao cấp bây giờ. Có lẽ việc ngay từ khi nhỏ xíu đã ở hai nơi khác nhau hoàn toàn như thế, lại chứng kiến thái độ khác hẳn của những người xung quanh với các “ngôi nhà” của mình khiến tôi bắt đầu có những suy nghĩ lờ mờ về “chuyện nhà cửa”, điều chẳng mấy đứa trẻ ở lứa tuổi tôi thời ấy bận tâm.

Và những suy nghĩ lờ mờ ấy trở nên cụ thể hơn rất nhiều khi tôi biết chữ và được đọc sách. 6-7 tuổi, tôi đọc rất nhiều, có thể nói cái gì có chữ lọt vào tay là tôi đọc tất. “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “Đất rừng Phương Nam”, “Tuổi thơ dữ dội”, “Dũng sĩ Chép Còm”, “Chú bé có tài mở khoá”… cùng hàng loạt quyển kiểu “Truyện cổ tích Việt Nam”, “Truyện cổ các dân tộc Việt Nam” đều được tôi ngấu nghiến hết. Truyện nào cũng hay, cũng hấp dẫn song phải đến khi được tiếp xúc với văn học nước ngoài tôi mới biết thêm nhiều điều thú vị ngoài văn chương chữ nghĩa, mới biết có những điều hay đến thế tồn tại trên đời. Một trong số đó chính là khái niệm đơn giản nhất về cái mà giới chuyên môn gọi là “kiến trúc nhà ở” (với một đứa bé ở tuổi tôi lúc đó, thuật ngữ “kiến trúc nhà ở” có vẻ quá “đao to búa lớn”. Ý tôi chỉ là ở lứa tuổi đó, nhờ những cuốn sách của nước ngoài dành cho thiếu nhi, tôi bắt đầu có những hình dung khái quát đầu tiên về ngôi nhà mình ước mơ).

Tác phẩm nước ngoài đầu tiên tôi được đọc là “Cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn”. Quyển truyện có bìa màu xanh nước biển bóng loáng, cứng cáp dầy dặn, những trang giấy trắng tinh mịn màng thơm mùi mực với vô vàn tranh minh hoạ (dù chỉ là trắng đen) khiến tôi say mê “ôm” suốt đêm ngày. Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in bức tranh minh hoạ cảnh Mít Đặc ba hoa khoác lác về chuyến du lịch bằng khinh khí cầu với các cô bé tí hon ở Thành phố hoa. Các cô ngồi vây quanh Mít Đặc bên chiếc bàn ăn hình bầu dục trong một căn phòng có vẻ rộng, sàn nhà được lát gỗ rồi trải thảm rất ấm cúng, những chiếc ghế có phần lưng cũng được uốn cong theo hình bầu dục. Chiếc bàn ăn được phủ khăn – mà tôi hình dung là – dày dặn và trắng muốt. Trên bàn có bày nhiều đĩa đựng các món ăn và một bình trà vô cùng kiểu cách. Cái gì cũng đẹp nhưng thứ khiến tôi mê nhất là hai khung cửa sổ to cuối căn phòng với chiếc rèm được cuộn thành từng nấc tuyệt đẹp. Dù chỉ là qua tranh, song đó là lần đầu tiên trong đời tôi được nhìn thấy cửa sổ kính thật to với khung gỗ, và cũng là lần đầu tiên tôi được thấy rèm. Trong hiểu biết của tôi khi ấy, cửa sổ chỉ là những ô cửa nhỏ được trát xi măng, có nhiều song sắt và ngoài cùng là một lớp cửa gỗ mà người ta thường gọi là cửa chớp. Đến ngôi nhà mới của tôi thì có khác một chút. Nhờ nằm trong khu tập thể mới nhất thời bấy giờ, cửa sổ nhà tôi cũng có một lớp cửa kính bên trong, song đó là kính có hoa văn và đục, đường nét còn rất vụng về thô kệch. Còn cửa sổ trong truyện Mít Đặc theo như tôi tưởng tượng từ bức tranh minh hoạ là tấm kính lớn trong suốt, đủ để nếu ngồi trong nhà cũng nhìn rõ mồn một toàn bộ trời xanh mây trắng và khung cảnh bên ngoài. Đấy là về cửa sổ, còn rèm tôi cũng tuyệt nhiên chưa gặp bao giờ. Khung cửa của tất cả những ngôi nhà tôi đã đến đều trụi thùi lụi. Sau này mẹ tôi cũng tự tay may rèm trang trí cửa sổ. Là một người khéo tay và từng đi học nước ngoài về, mẹ tôi có kiến thức và có gu thẩm mỹ nhất định. Khi mua được đâu đó những mảnh đăng-ten trắng khá đẹp, bà tự may rèm rồi tự treo. Nhờ thế, cửa sổ nhà tôi trông sang trọng hẳn lên. Song chỉ vì trót đọc “Mít Đặc” rồi, rèm đẹp với tôi phải là những loại vải dày dặn, cuộn lại được cơ. Và cửa sổ thì phải to, phải có kính trong suốt mới gọi là đẹp được!

Căn phòng nơi Mít Đặc ba hoa về chuyến du lịch bằng khinh khí cầu

“Nỗi ám ảnh” của tôi với cửa sổ kính có khung gỗ thật rộng còn được khẳng định một lần nữa nhờ truyện “Cô bé bán diêm” của Andersen. Cái chết của cô bé ở cuối truyện có làm tôi cay mũi thật, song phần não bộ thích kiến trúc, thích nhà đẹp của tôi vẫn bị ấn tượng mạnh mẽ bởi bức tranh vẽ cô bé đứng cô độc ngoài đường trong đêm đông giá rét, thèm thuồng nhìn qua khung cửa kính cảnh một gia đình cùng nhau tíu tít chuẩn bị cho bữa tiệc đêm Giáng Sinh. Người nấu ăn, người dọn bàn tiệc rất vui vẻ nhịp nhàng. Khái niệm bàn ăn với tôi lúc đó là vô cùng xa lạ bởi hầu như các gia đình thời đó đều ăn cơm luôn ở chiếc bàn tiếp khách. Thế nên tuy chẳng đói ăn cũng chẳng chết rét mà nhìn bức tranh minh hoạ đó tôi cũng phát thèm. Tôi bắt đầu ao ước nhà mình cũng có một gian bếp đẹp như thế, đủ rộng để đặt được bếp và bàn ăn như thế để mọi người có thể cùng nhau chuẩn bị bữa tối, ấm cúng tình cảm y như khung cảnh trong bức tranh kia vậy. Và nếu gian bếp ấy lại có cửa sổ kính thật rộng nhìn ra đường hay nhìn ra vườn nữa thì quá tuyệt!

Lớn thêm một chút, tôi được đọc “Không gia đình”. Tuổi thơ tôi cũng thèm thuồng chiếc bánh kẹp cùng Rê-mi, cũng ngang dọc nước Pháp theo Rê-mi và cả gánh xiếc, cũng khóc sướt mướt khi Đôn-xơ và Déc-bi-nô bị chó sói ăn thịt, cảm thấy tan nát con tim khi lần lượt Giô-li-cơ chết rồi cụ Vi-ta-li qua đời, cũng hồi hộp thót tim khi Rê-mi bị kẹt trong vụ sập mỏ than rồi mừng vui khôn tả khi cuối cùng cậu cũng tìm lại được gia đình. Có thể nói “Không gia đình” là sách gối đầu giường của tôi thuở ấy. Nhưng “Không gia đình” không chỉ cho tôi những bài học cuộc sống, cuốn sách còn vô tình dạy tôi những kiến thức mà có khi tác giả Hécto Malô không hề chủ định chút nào. Ví dụ như đoạn văn tả chiếc buồng tàu thuỷ Rê-mi ở trong quãng thời gian đi trên tàu “Thiên Nga”. Đó là một buồng nhỏ lát gỗ, đồ đạc trong phòng chỉ gồm một cái tủ cũng bằng gỗ. Nhưng đó không phải chiếc tủ thông thường. Nếu nhấc mặt trên của tủ lên sẽ thấy một chiếc giường có đầy đủ chăn, ga, gối, đệm. Dưới giường là các ngăn kéo ra được. Chúng được chia lần lượt thành các ô xếp quần áo và để đồ. Buồng nhỏ nên không có bàn ghế kiểu thông thường nhưng có một mảnh gỗ hạ xuống thành chiếc bàn và một mảnh khác hạ xuống sẽ thành ghế. Đoạn văn chỉ có thế, chỉ vẻn vẹn hơn 10 câu mà vẽ ra cho trí tưởng tượng thời thơ ấu của tôi cả một trời ước mơ. Tôi thích mê đi chiếc tủ kỳ lạ ấy và hiểu rằng phòng nhỏ nhà nhỏ cũng có thể đẹp, miễn là được sắp xếp gọn gàng. Tôi luyện được tính gọn gàng ngăn nắp chính nhờ “Không gia đình”. Và cũng nhờ tác phẩm này, tôi bắt đầu có niềm đam mê với gỗ. Thời ấy giường tủ trong nhà có thể là gỗ có thể là chất liệu khác, song sàn nhà luôn được lát đá hoa. Đọc xong “Không gia đình”, tôi khăng khăng nhà đẹp là phải có mọi thứ bằng gỗ, nhất là sàn nhà phải lát gỗ, không thể khác!

Bẵng đi mấy năm, tôi không bị ấn tượng thêm bởi tác phẩm nào nữa. Đời sống người dân bắt đầu khấm khá hơn, đó là thành quả trực tiếp của việc đất nước “thay da đổi thịt” sau “đổi mới”. Thu nhập cao hơn, nhận thức cao hơn, người dân bắt đầu để ý đến chuyện nhà cửa. Trên phố lác đác có những ngôi nhà 3-4 tầng xuất hiện rồi ngày càng nhiều hơn. Kiến trúc nhà ở đặc trưng thời kỳ này là cửa ra vào kiểu nhỏ, cửa sổ cũng nhỏ rồi cứ thế chồng lên các tầng. So với những căn hộ tập thể xập xệ, đây là cả một bước tiến lớn. Song chính vì bị ảnh hưởng quá nặng từ “Cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn”, từ “Cô bé bán diêm” và “Không gia đình”, tôi vẫn nhất quyết quan niệm nhà đẹp chỉ cần có hai tầng nhưng phải rộng chiều ngang, cửa sổ phải to, bếp phải to, phòng khách phải có bộ sô pha bọc vải ấm cúng, chất liệu chính các đồ đạc trong nhà phải là gỗ và phải thật gọn gàng, xung quanh nhà phải có đất để trồng cây, nếu có cả một cây to như trong truyện “Mít Đặc” để cả lũ trẻ con trèo lên chơi rồi đến mùa tự “thu hoạch” đủ loại trái cây như táo, lê, mận thì không gì tuyệt hơn nữa!

Các cô chú tí hon thu hoạch trái cây.

Cũng chính vì lý do này, sau này lớn lên và đến tận bây giờ, tôi không mặn mà với các loại chung cư, dù cao cấp đến đâu. Nếu như nguyên nhân chính thường được người Việt viện ra cho việc không thích chung cư là “không có đất của riêng mình trong khi đất đai mới là quan trọng”, “chung cư chỉ có ngày càng xuống cấp và xuống giá chứ không như nhà đất”,”không đảm bảo được chất lượng thi công”, “ở nhà của mình vẫn phải trả phí như đi thuê”… thì tôi lại xếp những lý do này xuống hàng thứ yếu. Tôi thích nhà đất hơn chỉ vì thích có cây có đất, thích có vườn dù chỉ nhỏ xíu như mảnh vườn thuở xưa mẹ tôi thường chăm bẵm cũng được. Quan trọng hơn, tôi thích cảm giác được sống gần gũi với thiên nhiên: thích nghe tiếng mưa rơi trên nền đất, thích ngửi mùi gió mang theo hơi nước mát lạnh trước những cơn mưa mùa hè, thích cảm nhận cái lạnh se sắt cơn gió mùa đông bắc đầu tiên mang tới, thích cảm giác nằm cuộn mình trong chăn ấm lắng nghe ngoài khe cửa tiếng gió rít gào, thích được hít hà một tách trà nóng trong cái lạnh tê người mùa đông… Tất cả những điều giản dị ấy tôi đều không có được nếu sống trong một căn nhà giữa lưng chừng trời.

Mấy chục năm rồi kể từ ngày con mọt sách là tôi ngày đó say sưa mê mải với những trang sách, vừa đọc vừa chìm đắm trong tưởng tượng, vừa cố hình dung thế giới bên ngoài trang sách ấy ra sao. Mấy chục năm sau đã có bao vật đổi sao dời, đất nước đã chuyển biến lên hẳn một tầm cao mới, đời sống người dân từ “ăn no mặc ấm” đã chuyển sang “ăn ngon mặc đẹp”, ngôi nhà từ chỗ chỉ là nơi chui ra chui vào đã trở thành thước đo sự thành đạt, vốn sống, vốn kiến thức văn hoá và là nơi thể hiện rõ rệt nhất tính cách chủ nhân. Thế nhưng tôi vẫn như cô bé ngày nào từng khóc cười với những trang sách, vẫn chỉ thích một ngôi nhà có sân có vườn có cổng gỗ, không cần cao quá chỉ hai tầng thôi, nhưng phải có những khung cửa sổ kính thật rộng và trong suốt, rèm cửa phải cứng cáp dầy dặn và thật đẹp, cầu thang, sàn nhà và các đồ vật trong nhà phải là gỗ ấm cúng, trong nhà phải có trải thảm và có nhiều tranh treo, bếp phải nối với phòng ăn để cả nhà có những phút giây quây quần ấm áp bên nhau… Quan trọng nhất, người sống trong căn nhà ấy phải được gần gũi với thiên nhiên, được nghe tiếng những giọt mưa đầu tiên chạm xuống nền đất, được thấy những cơn gió heo may mơn man da thịt, được xuýt xoa hít hà khi một sáng tỉnh dậy thấy mùa đông đã đến bên hiên…

Những phác thảo về ngôi nhà mơ ước ấy của tôi, mấy chục năm sau vẫn không hề thay đổi!

Đinh Lê HươngTCKT.VN

© Tạp chí kiến trúc