Phát triển đô thị Long An: Tiềm năng và nguồn lực

Tỉnh Long An có vị trí địa lý khá đặc biệt, nằm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng lại có mặt trong Vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam (VPTKTTĐPN). Phía Bắc giáp tỉnh Tây Ninh và tỉnh Svay Rieng của Vương quốc Campuchia; phía Nam giáp tỉnh Tiền Giang; phía Tây giáp tỉnh Đồng Tháp; phía Đông giáp TP HCM, trung tâm kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Long An có đường ranh giới quốc gia với Campuchia dài 137,7 km, với hai cửa khẩu Bình Hiệp (Mộc Hóa) và Tho Mo (Đức Huệ), là cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). 

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1439/QĐ-TTg ngày 03/10/2012) đã đặt mục tiêu xây dựng Long An trở thành tỉnh phát triển bền vững, hài hoà giữa khu vực đô thị và nông thôn; có trình độ công nghệ cao, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nguồn nhân lực có chất lượng; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; có nền quốc phòng – an ninh vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Long An cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.

Về định hướng phát triển không gian cấp vùng: Quy hoạch xây dựng Vùng TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 20/5/2008) đã yêu cầu Long An với cấu trúc không gian thuộc vùng phụ cận của thành TP HCM từ 30 km đến 50 km, vùng đô thị đối trọng phía Tây Nam, thuộc trục hành lang kinh tế đô thị Quốc lộ 1A đi Cần Thơ. Vùng phát triển công nghiệp Long An bố trí công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, Vùng nông nghiệp Long An được bảo vệ và phát triển với công nghệ sinh học tiên tiến; Xây dựng khu liên hợp xử lý rác thải tại Thủ Thừa (Long An) cho TP HCM và Long An diện tích 1.760 ha.  Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long nêu yêu cầu với chức năng đô thị chuyên ngành công nghiệp có Bến Lức, Đức Hòa (Long An); và định hướng nâng cấp một số đường tỉnh lên quốc lộ như ĐT.886 nối Tiền Giang – Long An, ĐT.865, ĐT.846 nối Long An – Đồng Tháp.

Vùng an ninh lương thực
Vùng an ninh lương thực
Vùng đệm sinh thái
Vùng đệm sinh thái
Vùng phát triển đô thị và công nghiệp
Vùng phát triển đô thị và công nghiệp

Theo địa bàn tỉnh Quy hoạch Vùng tỉnh Long An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (UBND tỉnh Long An phê duyệt tại Quyết định 4666/QĐ-UBND ngày 30/12/2013) đã chỉ rõ các định hướng phát triển không gian Đô thị và Nông thôn tỉnh Long An, cụ thể:

– Không gian xây dựng đô thị tập trung tại : (1) Vùng đô thị động lực trung tâm của toàn tỉnh gồm: Vùng thành phố Tân An, Bến Lức và vùng đô thị Cần Giuộc và cảng Long An; Thành phố Tân An là đô thị hạt nhân, Bến Lức là đô thị trung tâm tiểu vùng phía Tây bắc và Cần Giuộc là đô thị  trung tâm tiểu vùng phía Đông; (2) Vùng đô thị động lực phía Bắc gồm vùng các đô thị Đức Hòa và Hậu Nghĩa; thị trấn Mỹ Hạnh, thị trấn Hiệp Hòa, thị trấn Đông Thành và đô thị Mỹ Quý. Đô thị Hậu Nghĩa là trung tâm vùng phía Bắc; (3) Vùng đô thị phía Tây gồm các đô thị Kiến Tường gắn với khu kinh tế cửa khẩu Long An, đô thị Bình Phong Thạnh (Mộc Hóa), các thị trấn Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và đô thị Hậu Thạnh Đông. Đô thị Kiến Tường là trung tâm vùng phía Tây. Không gian hệ thống đô thị hình thành và phát triển theo các trục hành lang kinh tế đô thị bảo đảm phát triển bền vững.

– Tổ chức không gian vùng cảnh quan, khu du lịch sinh thái tầm quốc tế tại Đồng Tháp Mười; Các thành phố Tân An – Bến Lức – Thủ Thừa  được xây dựng thành các trung tâm mua sắm, giải trí cao cấp; các vùng ven sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây xây dựng thành các khu trung tâm du lịch cảnh quan nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa lịch sử; Hình thành các cụm du lịch Cần Giuộc – Cần Đước, cụm du lịch Tân Hưng và điểm du lịch Vĩnh Hưng.

– Hình thành các khu bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên của vùng Đồng Tháp Mười: Khu bảo tồn ngập nước Làng Sen thuộc huyện Tân Hưng, Khu bảo tồn Bàu Biển thuộc huyện Vĩnh Hưng.

– Tổ chức không gian vùng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bao gồm: Vùng công nghiệp công nghệ cao quy mô lớn tập trung tại khu vực Tân An – Bến Lức; khu vực Đức Hòa phát triển  các ngành công nghiệp phụ trợ, chế biến; khu vực Cần Giuộc – Cần Đước phát triển công nghiệp cảng gắn với cảng quốc tế Long An, công nghiệp phụ trợ vận tải đường thủy; khu vực Kiến Tường – Mộc Hóa hình thành khu công nghiệp phi thuế quan cửa khẩu; các vùng công nghiệp với các khu công nghiệp – cụm tiểu thủ công nghiệp tập trung quy mô vừa và nhỏ gắn với các đô thị; Các vùng nông, lâm, thủy sản, các vùng chuyên canh cây trồng, trang trại chăn nuôi tập trung theo đặc trưng của từng huyện thị, vùng trồng lúa, cây ăn trái, cây tràm, cá nước ngọt cao sản có giá trị xuất khẩu cao của vùng Đồng Tháp Mười.

Để triển khai các chủ trương, định hướng lớn kể trên, thực hiện Nghị quyết số 25/2011/NQ-HĐND, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình phát triển đô thị tỉnh Long An đến năm 2020  tại  Quyết định số 3935/2011/QĐ-UBNDND ngày 02/12/2011.

Định hướng phát triển hệ thống đô thị tỉnh Long An đến 2030
Định hướng phát triển hệ thống đô thị tỉnh Long An đến 2030

Về thực trạng phát triển

Tỉnh Long An hiện có 16 đô thị gồm 1 thành phố Tân An là đô thị loại III (Quyết định 590/QĐ-BXD ngày 19/4/2007); có 03 đô thị loại IV là: Thị xã Kiến Tường (Quyết định 591/QĐ-BXD ngày 19/4/2007 công nhận thị trấn Mộc Hóa là đô thị loại IV và ngày 18/3/2013 đã được Chính phủ có Nghị quyết số 33/NQ-CP “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mộc Hóa để thành lập thị xã Kiến Tường và huyện Mộc Hóa còn lại; thành lập các phường thuộc thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An”. Thị trấn Bến Lức (Quyết định 376/QĐ-BXD ngày 29/3/2010), thị trấn Hậu Nghĩa (Quyết định 438/QĐ-BXD ngày 9/4/2010), Thị trấn Cần Đước (Quyết định số 505/ QĐ-BXD ngày 27/4/2015), thị trấn Cần Giuộc (Quyết định số 504/QĐ-BXD ngày 27/4/2015)  và 10 thị trấn đô thị loại V (Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đông Thành, Đức Hòa, Hiệp Hòa, Thủ Thừa, Tầm Vu, Tân Trụ).Theo Quyết định 1659/QĐ-TTg ngày 7/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020, trong giai đoạn 2016-2020 tập trung đầu tư nâng loại đô thị thành phố Tân An lên đô thị loại II, thị xã Kiến Tường lên đô thị loại III và các thị trấn Vĩnh Hưng, Thủ Thừa lên đô thị loại IV.

Các đô thị trên địa bàn tỉnh đang tiến hành rà soát, đánh giá về tiêu chí phân loại đô thị để làm cơ sở xây dựng chương trình phát triển của từng đô thị và triển khai các bước tiếp theo. Để tập trung quản lý các dự án đầu tư có hiệu quả, Tỉnh Long An đã triển khai thành lập Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị;  hình thành và triển khai các kế hoạch thực hiện khu vực phát triển đô thị, kế hoạch sử dụng đất.

Đường Nguyễn Trung Trực
Đường Nguyễn Trung Trực

Những vấn đề còn tồn tại và một số nhiệm vụ cần được giải quyết

Tỉnh Long An có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, nằm trong Vùng KTTĐPN, thuận lợi về giao thông và mối liên hệ vùng,.. nhưng việc phát triển đô thị còn nhiều hạn chế. Theo kết quả thống kê năm 2014, dân số tỉnh Long An là 1.477.300 người, trong đó dân số đô thị là 378.820 người (dân số nội thị là 311.550 người); Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh là 21,0%, thấp hơn so với trung bình cả nước là 34,5%. Tổng diện tích đất toàn tỉnh Long An là 4.492,4km2, trong đó đất đô thị là 521,52km2 (nội thị là 292,85km2) diện tích đất đô thị chiếm 8,6% tổng diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh còn thấp so với một số tỉnh có điều kiện phát triển tương đồng. Theo kế hoạch phát triển đô thị của tỉnh thì giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh dự kiến nâng loại và hình thành mới nhiều đô thị trong một thời gian ngắn. Do đó, cần cân nhắc giữa nhu cầu và nguồn lực thực tế để đảm bảo việc hình thành và phát triển hệ thống đô thị thống nhất, phân bổ hợp lý các điểm đô thị để tạo sự phát triển cân đối giữa các phân vùng trong tỉnh, từng bước tập trung xây dựng cơ sở kinh tế – kỹ thuật – văn hóa – xã hội vững chắc làm động lực phát triển cho từng đô thị, hạn chế sự cách biệt trình độ phát triển giữa các địa phương; đồng thời đẩy mạnh đô thị hóa nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Các đô thị lớn của tỉnh Long An rất gần với các đô thị lớn như TP HCM, thành phố Vũng Tàu nên sẽ chịu ảnh hưởng của sức hút, sức lan tỏa của đô thị; vì vậy, cần xác định mục tiêu phát triển phù hợp để tận dụng các lợi thế của mình và liên kết với các đô thị trong Vùng TP HCM để tạo thêm cơ hội cho sự phát triển đô thị của toàn Tỉnh.

Trong quá trình phát triển đô thị, để sử dụng nguồn vốn đầu tư có hiệu quả, đặc biệt là các nguồn vốn ngân sách đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, tỉnh cần sớm xây dựng Chương trình phát triển từng đô thị để xác định lộ trình triển khai đầu tư và quản lý đầu tư phát triển đô thị. Trên cơ sở Quy hoạch vùng tỉnh đã được duyệt rà soát điều chỉnh các quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”; quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý đô thị, thiết kế đô thị nhằm tạo ra công cụ quản lý các đô thị trong toàn tỉnh phát triển có bản sắc và bền vững.

Phát triển đô thị cần gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị; Là một tỉnh thuộc ĐBSCL chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng nên trong quá trình phát triển phải xem xét tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển đô thị, phát triển kinh tế đảm bảo phát triển bền vững chung cho Tỉnh. Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn; Đẩy mạnh điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng nước mặt, nước ngầm và khả năng sụt lún, xói, sạt lở trên địa bàn toàn tỉnh, từng đô thị và khu vực định cư nông thôn  trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sụt lún ngày một gia tăng tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long; Rà soát, đánh giá, bổ sung các quy hoạch phát triển, đặc biệt là quy hoạch đê sông, hồ chứa; xây dựng mạng lưới giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng; xác định các kịch bản phát triển cho tỉnh từng khu vực đô thị, nông thôn trên cơ sở cập nhật chi tiết các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng và các tác động do phát triển trên 02 sông Mê Kông và Đ?ng Naiồng Nai; trồng, bảo vệ  các khu vực thiên nhiên, chống sạt lở ven sông, bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái, tạo sinh kế bền vững cho người dân; nâng cấp, gia cố, xây mới các hồ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân trong bối cảnh xâm nhập mặn gia tăng; nâng cấp, gia cố, xây mới các đoạn đê xung yếu để bảo vệ tính mạng, tài sản của dân cư của tỉnh và từng đô thị.

Cấu trúc không gian vùng
Cấu trúc không gian vùng

Giai đoạn 2016-2020, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững hệ thống đô thị và nông thôn, tỉnh Long An cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Nâng cao chất lượng hạ tầng đô thị

Tập trung phát triển giao thông vận tải công cộng tại các đô thị.Từng bước tách giao thông nội thị khỏi giao thông quá cảnh (Quốc lộ, tỉnh lộ) qua đô thị. Phân làn tách xe 2 bánh gắn máy, xe thô sơ và xe ô tô trong đô thị. Tăng mật độ đường đô thị. Triển khai thực hiện tổ chức giao thông sử dụng phương tiện xe đạp và đi bộ trong khu vực trung tâm các đô thị.

– Nâng cao chất lượng cấp nước đô thị: Tăng cường giải pháp cấp nước liên vùng, liên đô thị, xã hội hóa việc cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho đô thị; Hạn chế việc khai thác sử dụng nguồn nước ngầm, nghiên cứu xây dựng giải pháp cấp nước từ các nguồn nước mặt và bảo vệ các nguồn nước ngầm, nước mặt; Hệ thống thoát nước đô thị: Tăng cường phục hồi và cải tạo lại lòng sông, hồ, kênh mương trong đô thị, tạo cảnh quan và môi trường sinh thái bền vững, xử lý triệt để nước thải trước khi xả ra sông, hồ, kênh mương; Từng bước sử dụng công nghệ mới, tái sử dụng nước thải phục vụ cho nhu cầu cấp nước đô thị (tưới cây, rửa đường,…). Hoàn thành xây dựng, lắp đặt hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các đô thị.

– Từng bước hoàn thiện ngầm hóa các tuyến điện trên các trục đường phố chính; các dự án khu dân cư xây dựng mới trong đô thị có tuyến dây điện đi ngầm;  Từng bước hoàn thiện hệ thống chiếu sáng đô thị cả về số lượng đường phố và chất lượng chiếu sáng. Khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng mới như năng lượng gió, mặt trời.

– Quản lý chất thải rắn đô thị, nghĩa trang: Xây dựng lộ trình đóng cửa các bãi rác hiện hữu không theo quy hoạch và không đảm bảo về mặt môi trường theo quy trình; lập dự án thu gom, phân loại chất thải rắn tại nguồn. Tập trung đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn cấp huyện và cấp tỉnh. Sớm xây dựng hoàn chỉnh các dự án nghĩa trang ngoài đô thị đã có chủ trương đầu tư của tỉnh. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân chôn cất người quá cố tại nghĩa trang xây dựng theo quy hoạch; khuyến khích hỏa táng.

– Phát triển hạ tầng thông tin truyền thông: Đầu tư phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị, đảm bảo thông tin liên lạc thuận lợi, nhanh chóng.Từng bước ngầm hóa các tuyến cáp viễn thông trên các trục đường phố chính; các dự án khu dân cư xây dựng mới trong đô thị có tuyến cáp viễn thông đặt ngầm.

– Tăng cường đầu tư phát triển hệ thống cây xanh cảnh quan, công viên đô thị. Đầu tư xây dựng các khu công viên cây xanh để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí cho nhân dân.Chỉnh trang và trồng mới cây xanh đường phố.  

– Tăng cường phát triển nhà ở đô thị theo dự án phù hợp với quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương đối đồng bộ. Tiếp tục tăng quỹ nhà ở trong đô thị nhằm đáp ứng đủ nhu cầu ở của người dân. Cải tạo và thường xuyên bảo trì các khu nhà ở về chất lượng công trình, kiến trúc cảnh quan, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải tạo, chỉnh trang các không gian xanh trong khuôn viên công trình công cộng, công trình kiến trúc di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh và các không gian kiến trúc đô thị gắn liền với mặt nước. Phát triển các cụm không gian nhỏ gắn liền với thảm thực vật đảm bảo mỹ quan đô thị và môi trường sinh thái bền vững.

Sơ đồ phân bố Công Nghiệp
Sơ đồ phân bố Công Nghiệp

2. Nâng cao năng lực quản lý đô thị 

Cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý đô thị. Tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong công tác quản lý phát triển đô thị. Có cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển, duy trì hoạt động các công trình xử lý nước thải, rác thải, chiếu sáng, cây xanh, nghĩa trang để đảm bảo các hoạt động này đáp ứng điều kiện của từng địa phương.

Để triển khai các nhiệm vụ cụ thể trên cần: Thực hiện quy hoạch và rà soát quy hoạch toàn bộ hệ thống đô thị trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, gắn chặt với quy hoạch phát triển của Chương trình xây dựng nông thôn mới có liên quan;  Đổi mới công tác lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch, tạo đột phá trong phát triển đô thị;  Đẩy mạnh phát triển, triển khai và quản lý chặt chẽ thiết kế đô thị theo đồ án quy hoạch xây dựng được duyệt; Nâng cao chất lượng thiết kế kiến trúc công trình trong đô thị;  Tập trung xây dựng phát triển một số đô thị trọng điểm làm điển hình và nhân rộng ra các đô thị khác;  Nâng cao năng lực lãnh đạo chính quyền địa phương các cấp về công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đủ sức làm công tác quản lý, xây dựng và phát triển các đô thị trên địa bàn tỉnh; Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng, nếp sống văn minh đô thị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân đối với mục tiêu phát triển đô thị, bảo vệ môi trường và đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với hạ tầng xã hội.

Về nguồn vốn cho phát triển đô thị: 

Nghiên cứu từng bước hình thành hệ thống quỹ đầu tư phát triển đô thị; đẩy mạnh công tác đấu giá đất đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng nguồn thu hợp lý để xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị và đầu tư nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp;  Xây dựng cơ chế phát triển hạ tầng đô thị bằng nhiều nguồn vốn theo hướng khuyến khích sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Nguồn vốn ngân sách Trung ương; ngân sách tỉnh tập trung đầu tư hạ tầng liên khu vực, hỗ trợ cho cấp huyện đầu tư các công trình còn lại; Tranh thủ các nguồn vốn tài trợ; có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư  các lĩnh vực công ích như thoát nước, xử lý nước thải, cải thiện môi trường, chiếu sáng và cây xanh đô thị.

Về cơ chế tài chính:

Nhà nước đảm bảo các nguồn lực cần thiết, đồng thời tạo cơ sở pháp lý khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế – xã hội, các tổ chức trong và ngoài nước cho việc tạo nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển đô thị;  Trong các nguồn thu cho phát triển đô thị, cần ưu tiên chi cho việc phát triển các công trình hạ tầng đô thị quan trọng, đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả cho phát triển đô thị;  Xã hội hóa trong đầu tư xây dựng phục vụ phát triển đô thị; Phối hợp, lồng ghép với các chương trình dự án khác của quốc gia để thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư.

Tài liệu tham khảo
– Quyết định số 146/2004/QĐ-TTg ngày 13/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển KTXH vùng KTTĐ phía Nam đến 2010 và tầm nhìn đến 2020;
– Quyết định số 1439/QĐ-TTg ngày 03/10/2012, của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
– Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 20/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng Vùng TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050;
– Quyết định 4666/QĐ-UBND ngày 30/12/2013 của UBND tỉnh Long An phê duyệt Quy hoạch Vùng tỉnh Long An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
– Quyết định số 3935/2011/QĐ-UBNDND ngày 02/12/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An phê duyệt về kế hoạch thực hiện chương trình phát triển đô thị tỉnh Long An đến năm 2020.

KTS. Trần Thị Lan Anh – Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng

Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2015