Thành phố sáng tạo và Nghệ thuật công cộng

Trong phạm vi bài viết, tác giả đề cập tới vấn đề “loại trừ xã hội” (social exclusion) mà nhiều thành phố phát triển trên thế giới đã và đang phải đương đầu trên con đường trở thành “thành phố sáng tạo”. Trong bối cảnh đó, nghệ thuật công cộng là một trong nhiều giải pháp “hòa nhập xã hội” (social inclusion) cần được áp dụng hiệu quả để giải quyết thực trạng này. Thông tin trong bài có thể hữu ích trong việc định hướng chính sách về “Phát triển nghệ thuật công cộng” – điều đang còn thiếu tại Việt Nam.

Thành phố sáng tạo và hiện tượng “Loại trừ xã hội”

Tác phẩm “ Karangahape Rocks” – Greer Twiss (1969).
Ảnh: Patrick Reynolds

1. Thành phố sáng tạo

Vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên hay uy tín từ quá khứ không còn có vai trò quyết định tới sự hưng thịnh của một quốc gia, hay một thành phố. Thay vào đó, thời đại mới là thời đại của sự sáng tạo, và coi “khả năng sáng tạo” là nền tảng cho sự phát triển.

Cho dù, sự sáng tạo tồn tại trong tất cả chúng ta, nhưng tại các thành phố, quốc gia phát triển chính sách phổ biến là ưu tiên tầng lớp nghệ sỹ, kỹ sư, doanh nhân… hay những người đang làm công việc trí óc. Mục tiêu là xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sáng tạo, thu hút lực lượng lao động mới, và tạo ra các sản phẩm sáng tạo.

Việc tái cấu trúc nền kinh tế, bao gồm việc thay thế lực lượng lao động giản đơn bằng lực lượng lao động tri thức đã xảy ra ở nhiều nước. Điều này dẫn đến việc số lượng lớn lao động bị coi là dư thừa, bị đẩy ra khỏi cấu trúc của nền kinh tế mới. Như những gì Will Hutton đã miêu tả tại Anh: Xã hội hiện đại là xã hội 40:30:30. Trong đó, 40% dân số có việc làm ổn định, 30% tuy có việc làm nhưng bất ổn, 30% còn lại là những người mất việc, hoặc phải nhận đồng lương không đủ sống, và đối mặt với nguy cơ loại trừ xã hội.

2. Loại trừ xã hội

Thuật ngữ “loại trừ xã hội” bắt nguồn từ Pháp, ám chỉ hiện tượng một bộ phận người lao động bị loại trừ khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội nhà nước. Trong khi, một nhóm nhà nghiên cứu vẫn dùng thuật ngữ này trong ý nghĩa hẹp – khi nói về tình trạng thu nhập thấp và đói nghèo, phần đông áp dụng với ý nghĩa bao quát hơn. Loại trừ xã hội có thể được nhìn nhận dưới bốn chiều kích:

  • Kinh tế: Sự loại trừ xuất phát từ việc chênh lệch về thu nhập, tạo nên ranh giới giàu – nghèo;
  • Chính trị: Sự loại trừ thể hiện qua việc một cá nhân hay một nhóm người (ví dụ: Phụ nữ, người dân tộc thiểu số, hay người nhập cư) mất đi lợi ích và quyền lợi về chính trị;
  • Xã hội (văn hóa): Sự loại trừ biểu hiện qua việc một cá nhân, hay một nhóm người bị bỏ qua và mất đi sợi dây liên hệ với cộng đồng;
  • Không gian: Sự loại trừ thể hiện qua việc một cá nhân hay một nhóm người bị hạn chế tiếp cận tới không gian công cộng.
Tác phẩm “Hau te Kapakapa-The Flapping Wind” – Rachel Walters (2011). Ảnh: Patrick Reynolds

Dưới góc nhìn về không gian, tình trạng “loại trừ xã hội” biểu hiện cụ thể tại không gian công cộng (KGCC). KGCC vốn là nơi mọi người đều có quyền tiếp cận và sử dụng. Đây cũng là nơi người dân có thể tương tác và trao đổi tự do về mọi khía cạnh của cuộc sống. Với vai trò ấy, KGCC gắn kết mọi tầng lớp dân chúng, góp phần hình thành, phát triển giá trị văn hóa, và xây dựng bản sắc cho cộng đồng. Tuy nhiên, ý nghĩa này của KGCC đang bị thách thức. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, KGCC ở các thành phố phát triển không còn là không gian chung cho tất cả, mà là không gian bị kiểm soát, và chỉ ưu tiên một vài nhóm đối tượng xã hội nhất định.

Loại trừ xã hội là vấn đề hàng đầu mà tổ chức cư trú thế giới (UN Habitat) cảnh báo và đề ra nhiều chương trình/phương án giải quyết trong những năm vừa qua. Chương trình hành động mới của UN Habitat có 175 điều, tựu trung ở một điểm: Thành phố là không gian dành cho mọi người, không phân biệt đối xử, vì lợi ích và sự thịnh vượng chung của tất cả.

Nghệ thuật công cộng

1. Khái niệm

Nghệ thuật và nghệ sĩ là phần quan trọng tạo nên sự sáng tạo và năng động của thành phố. Trong đó, nghệ thuật công cộng (NTCC) là sản phẩm cụ thể nhất thể hiện trình độ sáng tạo, nét độc đáo, và sức hấp dẫn của đô thị.

NTCC được hiểu một cách rộng rãi là các tác phẩm nghệ thuật được tạo ra nhằm phục vụ hoặc nằm trong KGCC, mà thông qua đó, mọi người có thể tìm thấy bản sắc của mình và cộng đồng mình cùng chung sống.

Dù tác phẩm NTCC có thể được tạo nên bởi một hoặc một nhóm nghệ sĩ riêng lẻ, nhưng tác phẩm đó thay vì nói lên cái “tôi” riêng của người nghệ sĩ, cần toát lên cái “tôi” chung của cộng đồng. Thông qua NTCC, mọi người có cơ hội khám phá, trải nghiêm sự thú vị, độc đáo và cảm nhận được nét riêng của đô thị, khơi dậy niềm tin và lòng tự hào về nơi mình thuộc về. Từ đó, không chỉ khuyến khích “hòa nhập xã hội” mà còn tạo nên sức hút cho du lịch và lực đẩy cho kinh tế.

2. NTCC như một công cụ “hòa nhập xã hội”

Tác phẩm “Ándale, Ándale” – Reuben Paterson.
Ảnh: Patrick Reynolds

Nhìn nhận NTCC như một công cụ hữu hiệu để giải tỏa vấn đề loại trừ xã hội, tác phẩm NTCC cần đạt được các tiêu chí:

  • Về mặt chính trị, xã hội (văn hóa): Tác phẩm NTCC cần (a) cung cấp một giải thích về nghệ thuật, (b) tạo ra sự ngạc nhiên, thích thú, thách thức những gì chúng ta biết, suy nghĩ và cảm nhận, (c) chứa đựng tính đa dang văn hóa của moi thành phần xã hội, (d) thể hiện nguyện vọng, tiếng nói chung của cộng đồng, (e) xây dựng bản sắc, niềm tự hào thông qua việc kể câu chuyện về con người và địa điểm trong thành phố.
  • Về mặt không gian: Tác phẩm NTCC cần: (a) góp phần định hướng không gian; (b) tận dụng được nét độc đáo về kiến trúc, cảnh quan và thiên nhiên; (c) khiến thành phố trở thành điểm đến hấp dẫn, thú vị hơn; (d) tọa lạc ở nơi mọi người sinh sống, qua lại và dễ dàng tiếp cận; (e) là điểm đến cho sự gặp gỡ, trao đổi, tương tác xã hội.
  • Về mặt kinh tế: Tác phẩm NTCC thành công sẽ góp phần quảng bá hình ảnh thành phố, tạo nên sức hút, và lợi ích từ du lịch và đầu tư nước ngoài. Lợi ích này có thể được sử dụng cho các chương trình an sinh, phúc lợi xã hội, góp phần xoa dịu hiện tượng loại trừ xã hội trong đô thị.

Thay lời kết

Trong giới hạn của bài viết, tác giả đề cập tới khái niệm “loại trừ xã hội” và đánh giá đây là thách thức mà mọi thành phố sáng tạo phải đương đầu. Bên cạnh đó, NTCC là một công cụ cần tính tới trong việc giải quyết vấn đề này. Trong bối cảnh nước ta, song song với việc thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo, phải chăng việc cần làm là xây dựng một chính sách hợp lý cho việc phát triển NTCC.

Tạ Anh Dũng – Đại học Xây dựng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2018)

–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Tài liệu tham khảo:
1. Belfiore, E. (2002). Art as a means of alleviating social exclusion : Does it really work ? A critique of instrumental cultural policies and social impact studies in the UK [Nghệ thuật như một phương tiện làm giảm bớt sự loại trừ xã hội: Liệu nó có thực sự hiệu quả? Một phê bình về chính sách văn hóa và nghiên cứu tác động xã hội tại Vương quốc Anh]. International Journal of Cultural Policy [Tạp chí Chính sách Văn hóa Quốc tế], 8(1), 91–106.
2. Hulton, W. (1996). The State We’re In: Why Britain Is in Crisis and How to Overcome It [Đất nước chúng ta đang ở: Tại sao nước Anh khủng hoảng và làm thế nào vượt qua điều ấy]. Vintage.
3. Landry, C., & Franco Bianchini. (1995). The Creative City [Thành phố sáng tạo]. London: Demons.
4. UN Habitat. Right to the City and Cities for All [Quyền tiếp cận thành phố, và thành phố cho mọi người], 2016 Habitat III Policy Paper [Chương trình hành động – UN Habitat III 2016].