Tiềm năng vùng đất ven Sông trong hệ thống Không gian tam giác Kinh tế Sông Hồng

Từ nghìn năm nay, thành phố Hà Nội bên bờ sông Hồng luôn là thủ đô của cả nước nói chung và là trung tâm của miền Bắc nói riêng. Sự phát triển của Hà Nội ảnh hưởng lớn đến các thành phố khác, đặc biệt là những thành phố xung quanh. Bởi vậy Hà Nội đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình đô thị hóa miền Bắc nước ta. Trong quá trình đô thị hóa đó, việc khai thác vùng đất ven sông hiện đang bỏ ngỏ của thành phố Hà Nội là một lợi thế, đồng thời cũng là một thách thức đối với các nhà kiến trúc quy hoạch. Việc quy hoạch vùng đất ven sông thuộc địa bàn Hà Nội không chỉ đơn thuần đặt trong bối cảnh kinh tế xã hội của riêng Hà Nội, mà cần đặt chúng trong bối cảnh phát triển tổng thể của cả vùng kinh tế sông Hồng, đặc biệt là mối liên kết giữa các thành phố nằm bên bờ sông.
Từ trung tâm Hà Nội, sông Hồng chia làm 2 nhánh. Một nhánh chảy qua địa phận tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương đổ về thành phố cảng Hải Phòng. Nhánh còn lại chảy đến tỉnh Nam Định qua Hưng Yên, Hà Nam. Đặc thù về vị trí của sông Hồng đã tạo ra không gian tam giác của 3 thành phố chủ chốt gắn liền bên sông gồm Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định.
Ba thành phố này đã được quan tâm chú trọng trong chiến lược phát triển kinh tế vùng châu thổ sông Hồng như những thành phố dẫn đầu về phát triển kinh tế bởi chúng sở hữu những ưu thế hơn hẳn so với các tỉnh thành khác trong khu vực phía Bắc:
– TP Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của các nước nói chung và của miền Bắc nói riêng.
– Thành phố Hải Phòng sở hữu hệ thống cảng nước sâu duy nhất của miền Bắc nước ta.
– Thành phố Nam Định nằm chính tại trung tâm phía Nam châu thổ sông Hồng. Nó đóng vai trò như cửa ngõ trao đổi hàng hóa giữa các tỉnh phía Bắc với miền Trung và miền Nam thông qua hệ thống giao thông đường sắt và đường bộ quốc gia.
Ba thành phố trong hệ thống không gian tam giác kinh tế sông Hồng đều nằm trong vùng ưu tiên đầu tư phát triển của đất nước, như là một động lực phát triển kinh tế của miền Bắc nước ta. Và chúng cũng hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển. Bên cạnh đó, các vùng đất ven sông của ba thành phố này cũng cần phải liên kết mật thiết với nhau để thành một hệ thống về mặt chức năng, nhằm đạt mục tiêu phát triển chung của vùng kinh tế.
Trong khuôn khổ của bài báo, xin được phân tích ưu thế của từng nhánh sông Hồng như thể hiện trên hình vẽ, trong đó 3 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định đóng vai trò chủ đạo.
1- Nhánh thứ nhất: đoạn sông chảy từ Hà Nôi qua địa phân tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương đổ về thành phố cảng Hải Phòng:
Phân tích đặc điểm của các tỉnh thành nằm trên nhánh thứ nhất của sông Hồng hướng về thành phố Hải Phòng cho phép ta lập thành bảng 1 như sau:
Bảng 1. Những ưu thế phát triển của ba TP Bắc Ninh, Hải Duơng và Hải Phòng
    Bắc Ninh    Hải Dương    Hải Phòng
Diện tích    803,9    1 648    1 519
Dân số năm 2010
(triệu người)    0,93    1,67    1,68
Mật độ dân số (người/km²)    1 159    1 011    1 107
Ngành nghề kinh tế cơ bản của thành phố    – Nông nghiệp và chăn nuôi (theo định hướng của tỉnh sẽ là ngành nghề chính) (chiếm 38% GDP tỉnh).
– công nghiệp nhẹ (chiếm 35% GDP).
– dịch vụ (chiếm 26,7% GDP)    – Công nghiệp và xây dựng (chiếm 41% GDP thành phố)
– Nông nghiệp. (chiếm 30% GDP)
– Dịch vụ. ( chiếm 29% GDP).    – Công nghiệp (Ví như là: nhà máy đóng tàu, nhà máy xi măng, nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, sơ sợi tổng hợp, nhiệt điện,…)
– Nông nghiệp.
– Dịch vụ.
Ưu thế của thành phố    – Lễ hội truyền thống
– Di tích lịch sử.
– Làng nghề sản xuất thủ công truyền thống.    – Di tích lịch sử
– Làng nghề sản xuất thủ công truyền thống.    – Cảng biển
– Sân bay
– công nghiệp đóng tàu
(trọng tải đến 53.000T).
Chức năng cơ bản của vùng đất ven sông    – ruộng đồng.
– làng mạc.    – ruộng đồng.
– làng mạc.    – cảng.
– khu công nghiệp.
– khu dân cư.

Sông Hồng đoạn qua Hà Nội

Trong ba thành phố nằm trên nhánh thứ nhất của sông Hồng theo phân tích thì thành phố Hải Phòng đóng vai trò quan trọng nhất về tiềm năng phát triển. Theo đinh hướng phát triển của thành phố đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 16/09/2009, Hải Phòng sẽ là trung tâm kinh tế, khoa học và kỹ thuật vùng duyên hải phía Bắc. Là thành phố lớn thứ 3 trong cả nước, Hải Phòng đóng vai trò quan trọng về xã hội, kinh tế và an ninh quốc gia của miền Bắc nước ta.
Những ưu thế phát triển kinh tế của Hải Phòng trong hệ thống tam giác kinh tế sông Hồng gồm những mặt sau đây:
– Vị trí địa lý: Nhờ có vị trí địa lý nằm ven biển và sông ngòi nên Hải Phòng như một cửa ngõ giao lưu kinh tế của khu vực phía Bắc với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chính vì điều kiên tự nhiên thuận lợi đó, nên chủ trương của nhà nước muốn Hải Phòng trở thành càng biển quốc tế lớn nhất miền Bắc nước ta. Chính quyền Hải Phòng cũng tập trung vào phương án phát triển hệ thống cảng biển, chế biển sản xuất thực phẩm từ biển, công nghiệp đóng tàu và du lịch.
– Công nghiệp đóng tàu : Chính phủ đã rất quan tâm đến thành phố biển Hải Phòng với mục tiêu biến nơi đây thành đô thị có ngành đóng tàu mạnh nhất nước. Hiện nay, các xưởng đóng tàu của Hải Phòng đã có những hợp đồng theo đơn đặt hàng quốc tế, thậm trí từ cả nước Anh, nơi nổi tiếng về đóng tàu trên thế giới. Hiện tại thì thành phố có 4 nhà máy đóng tàu lớn nằm bên bờ sông Hồng.
– Cảng biển quốc tế: Theo kế hoạch, đến năm 2020 Hải Phòng sẽ có một hệ thống cảng biển hiện đại với 28 càng nhỏ chia làm 4 khu vực chính bao gồm: Lạch Huyện, Đình Vũ, sông Cấm (thuộc Hải Phòng) và sông Chanh (thuộc Yên Hưng, Quảng Ninh) (hình 2). Các cảng này có chức năng bổ trợ nhau, ngoài ra còn có một số bến cảng chuyên dụng khác đảm nhận vai trò vệ tinh trong hệ thống cảng Hải Phòng. Trong đó, cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện được quy hoạch xây dựng thành khu bến cảng thương mại cho tàu trọng tải lớn, có khả năng tiếp nhận tàu chở container loại 4.000 – 6.000 TEU (TEU = container 20 feet), tàu chở hàng tổng hợp từ 50.000 đến 80.000 DWT (tấn quy đổi).
Còn khu bến Đình Vũ là đầu mối làm hàng tổng hợp container đi các khu vực gần và một số tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trong khi đó, bến sông Cấm sẽ đảm nhiệm vai trò là khu bến cảng vệ tinh cho hệ thống cảng Hải Phòng, có thể tiếp nhận tàu 5.000 -10.000T. Tại vùng cửa sông Chanh (thuộc Yên Hưng, Quảng Ninh) với chức năng chính là cảng chuyên dùng có bến tiếp nhận tàu chở hàng lỏng từ 30.000 đến 50.000 DWT, nhà máy sửa chữa tàu biển đến 10.000 DWT, khu công nghiệp dịch vụ. Bên cạnh đó, các dự án cầu đường kết nối cụm cảng Hải Phòng với mạng lưới giao thông quốc gia cũng sẽ được xây dựng về phía Đình Vũ – Hải Phòng và Quảng Yên – Quảng Ninh.
Việc phân tích nhánh sông Hồng đoạn Hà Nội – Hải Phòng cho phép chúng ta biết rõ tiềm nằng phát triển của 3 thành phố ven sông Hồng, đặc biệt là thành phố Hải Phòng gồm những đặc điểm sau:
–    Có khả năng cho phép phát triển không gian hành lang công nghiệp dọc bờ sông, dựa vào 3 thành phố chủ chốt là Bắc Ninh, Hải Dương và Hải Phòng. Giữa các thành phố đó có mối liên hệ mật thiết về ngành nghề sản xuất.
–    Cảng biển Hải Phòng sẽ là nơi nhập khẩu nguyên vật liệu và là nơi xuất khẩu các sản phẩm ra các nước trên thế giới.
2- Nhánh thứ 2: đoạn sông chảy từ Hà Nội về Nam Định.
Trong bảng 2 giới thiệu những ưu thế phát triển của ba thành phố Hưng Yên, Hà Nam và Nam Định nằm trên nhánh sông thứ 2 ma chúng ta sẽ phân tích:
Bảng 2. Những ưu thế phát triển của ba thành phố Hưng Yên, Hà Nam và Nam Định
    Hưng Yên    Hà Nam    Nam Định
Diện tích (km²)    923,1    845,9    1 637
Dân số theo năm 2010 triệu người    1,08    0,81    1,89
Mật độ dân số (người/km²)    1 169    955    1 155
Ngành nghề kinh tế chú yếu của tỉnh thành    – Nông nghiệp (chiếm 33,34% GDP)
– Công nghiệp (chiếm 33.17% GDP)
-Dịch vụ (chiếm 31,48% GDP)    – Công nghiệp (chiếm 39,7% GDP)
– Dịch vụ và du lịch (chiếm 31,9% GDP)
– Nông nghiệp (chiếm 28,4% GDP)    – Nông và ngư nghiệp (chiếm 41% GDP)
– Dịch vụ và du lịch (chiếm 38% GDP)
– Công nghiệp và XD (chiếm 21,5% GDP)
Ưu thế    – Danh lam thắng cảnh.
– Di tích lịch sử.
– Du lịch.    – Danh lam thắng cảnh
– Di tích lịch sử.
– Lễ hội truyển thống.
– 40 làng nghề thủ công truyền thống.
– Du lịch    – Sửa và đóng tàu.
– Danh lam thắng cảnh
– Có bờ biển dài 72km
– Du lịch.
– Sản phẩm dệt.
Chức năng cơ bản của vùng đất ven sông    – Ruộng lúa.
– Làng mạc    – Ruộng lúa.
– Làng mạc    – Ruộng lúa.
– Làng mạc

Một nhánh sông Hồng đoạn qua Hải Phòng

Tỉnh Nam Định đóng vai trò cửa ngõ của nhánh sông Hồng thứ 2 trước khi đổ ra biển. Theo quyết định của Thủ tướng chính phủ và Quốc hội vào ngày 19/05/2006 thì tỉnh Nam Định sẽ trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, y tế, đào tạo cũng như là khu an dưỡng, dịch vụ du lịch phía Nam châu thổ sông Hồng. Thành phố Nam Định là thủ phủ của tỉnh Nam Định, với diện tích 21,4 nghìn ha. Dự kiến đến năm 2020 thì thành phố Nam Định sẽ phát triển lớn gấp đôi với số dân là 955.000 người trên diện tích là 45,2 nghìn ha. Theo kế hoạch phát triển, thì thành phố Nam Định sẽ chia làm 4 vùng chức năng chính:
– Khu vực trung tâm (khu các phố cũ) là nơi đặt trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa của Tỉnh và Thành phố.
– Khu phát triển mở rộng về phía Bắc: xây dựng một số công trình có quy mô, tính chất Vùng như: công viên văn hóa – du lịch Tức Mạc, làng cổ Tức Mạc, Khu di tích đền Trần, Chùa Tháp, Khu liên hợp thể dục – thể thao, khu các trường đại học – trung học chuyên nghiệp và nghiên cứu khoa học, các bệnh viện,…
– Khu phát triển mở rộng về phía Tây và Tây Nam: bố trí các khu công nghiệp tập trung, kho bãi, là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt.
– Khu phát triển mở rộng về phía Nam sông Đào: cải tạo, xây dựng các khu dân cư, làng xóm cũ thành một quần thể làng sinh thái. Trồng hoa, cây cảnh với xây dựng mô hình làng sinh thái. Vùng đất phía Tây gần sông Đào dự phòng để phát triển công nghiệp.
Những ưu thế của Nam Định trong hệ thống tam giác phát triển kinh tế sông Hồng bao gồm các yếu tố sau:
–    Vị trí địa lý: yếu tố ưu việt đầu tiên của Nam Định so với các thành phố khác miền Bắc chính là vị trí địa lý thuận lợi. Nam Định nằm chính tại trung tâm phía Nam châu thổ sông Hồng. Thành phố nằm bên phải bờ sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội 98km về phía Đông – Bắc. Nam Định đóng vai trò như một cửa ngõ lưu thông hàng hóa của cả miền Bắc với các tỉnh thành miền Trung và miền Nam (hình 3).
–    Giao thông: Hệ thống đường sắt thống nhất nối liên miền Bắc với miền Nam đi qua thành phố Nam Định. Ngoài ra còn có các quốc lộ cũng đi qua tỉnh Nam Định như đường 10, đường 12, đường 21, đường 38. Chính yếu tố đó đã cho phép thành phố Nam Định liên kết thuận lợi với 2 thành phố còn lại trong hệ thống không gian tam giác kinh tế các thành phố ven sông Hồng.
– Kinh tế-Xã hội: dân số thành phố Nam Định được cho là dân số trẻ. Chính bởi vậy mà thành phố đang sở hữu một nguồn nhân lực lao động dồi dào, trình độ cao và giá thành nhân công rẻ. Bên cạnh đó thành phố có ngành sản xuất truyền thống như là: đánh bắt cá, chế biến hải sản, vải, sản phẩm thêu, đồ gốm. Nhờ có những lợi thế trên nên Nam Định được nhiều nhà đầu tư lựa chọn là nơi đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến, các nhà máy, xí nghiệp.
–    Rừng ngập mặn của Nam Định là nguồn tài nguyên quý giá để bảo vệ và phát triển
đánh bắt cá, mặt khác là nơi cho du lịch sinh thái của thành phố. Địa thế bờ biển cho phép xây dựng hệ thống cảng biển để đón nhận tàu đánh cả và các tàu du lịch hạng vừa và nhỏ.
Phân tích nhánh sông thứ 2 Hà Nội – Nam Định cho phép chúng ta làm rõ tiềm năng phát triển của 3 thành phố, đặc biệt là Nam Định, nằm bên bờ sông Hồng:
– Tiềm năng phát triển đánh bắt cá và chế biển hải sản nói riêng và nghề chế biến thực
phẩm nói chung.
– Tiểu thủ công nghiệp.
– Du lịch nghỉ dưỡng kết hợp bảo vệ môi trường xung quanh.
– Dịch vụ du lịch.
Qua việc phân tích 2 nhánh chính của sông Hồng tách ra từ trung tâm Hà Nội cho phép chúng ta xác định được phương hướng phát triển chung của không gian tam giác kinh tế của 3 thành phố bên sông Hồng như sau:
– Nhánh “Hà Nội – Hải Phòng”: nên phát triển hành lang công nghiệp, hệ thống nhà máy, nhà xưởng dọc hai bên bờ sông Hồng đến tận thành phố Hải Phòng. Các khu công nghiệp và dự án khu công nghiệp tại Hà Nội nên chuyển dịch và phân bố đều trên hành lang công nghiệp này, nhằm giảm tải sức ép về quy đất và sự ô nhiễm mội trường tại thủ đô. Sản phẩm của hành lang công nghiệp sẽ được xuất khẩu đi các thành phố, các nước khác trên thế giới thông qua hệ thống cảng biển quốc tế Hải Phòng. Đồng thời cũng nên xây dựng một cảng sông chuyên dụng tại Hà Nội, và các cảng dung chuyển tại Bắc Ninh, Hải Dương để đón các xa lan trở côngtenơ từ cảng biển Hải Phòng ngược trở lại thành phố Hà Nội qua đường sông Hồng để giảm thiểu số lượng xe chở côngtenơ trên đường bộ đã quá tải lâu nay.
– Nhánh “Hà Nội – Nam Định”: nên phát triển theo hướng du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử ven sông. Hình thành các tour du lịch theo đường sông từ thành phố Nam Định ngược lên đến trung tâm thành phố Hà Nội qua các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam. Bởi vậy các tỉnh này nên duy trì và phát triển các lễ hội truyền thống, các làng nghề thủ công truyền thống, bảo tồn các di tích lịch sử và môi trường sinh thái, các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven sông nhằm phục vụ cho du khách trong nước và quốc tế.

Khúc sông Hồng bên làng Hành Thiện-Nam Định

Việc phân tích đặc điểm các tỉnh thành nằm bên bờ hai nhánh sông Hồng tách từ trung tâm Hà Nội chảy về hai thành phố biển Hải Phòng và Nam Định sẽ giúp gợi mở về phương hướng phát triển, cải tạo chức năng của các vùng đất ven sông, để chúng phát triển phù hợp hơn với tiềm năng, thế mạnh của từng tỉnh thành mà sông Hồng chảy qua. Bên cạnh đó, chức năng của các vùng đất ven sông nằm trên 2 nhánh sông đã phân tích sẽ tác động ngược trở lại cho bài toán quy hoạch vùng đất ven sông Hồng thuộc địa bàn Hà Nội. Nhờ sự ràng buộc cần thiết về chức năng trong hệ thống phát triển không gian tam giác kinh tế sông Hồng đó đã giúp chúng ta xác định được rõ ràng hơn vùng đất ven sông Hồng của Hà Nội cần những chức năng gì và những chức năng đó bố trí ở đâu là phù hợp và thuận tiên, để quy hoạch vùng đất ven sông Hồng của Hà Nội không những thỏa mãn nhu cầu sử dụng của thành phố mà còn là một mắt xích không thể thiếu trong sự phát triển tổng thể của hệ thống không gian tam giác kinh tế sông Hồng.
NCS.KTS Hà Duy Anh