Toàn cầu hóa với vấn đề phát triển đô thị ở Việt Nam

Đặt vấn đề
Toàn cầu hóa về kinh tế là xu thế phát triển tất yếu, không loại trừ bất cứ một quốc gia nào. Còn toàn cầu hóa về văn hóa đặt ra nhiều vấn đề đang được bàn đến, nhất là trong phát triển đô thị. Một khái niệm mới (GloCal) kết hợp giữa toàn cầu hóa (Globalisation) với địa phương hóa (Locallisation) xuất hiện thu hút sự quan tâm của nhiều người. Trong phát triển đô thị, nói cụ thể hơn, đó là việc vận dụng mô hình đô thị toàn cầu phù hợp với đặc điểm văn hóa-xã hội và tự nhiên của địa phương. Đó cũng chính là bản chất của quá trình phát triển hiện đại mà mỗi quốc gia, trên cơ sở kết hợp ấy và tùy vào điều kiện thực tiễn, lựa chọn cho mình cách phát triển phù hợp.
Như vậy, câu hỏi được đặt ra đối với Việt Nam là: Tiếp nhận mô hình đô thị toàn cầu như thế nào để có thể phát triển đô thị hiện đại nhưng có bản sắc. Vấn đề  không đơn giản. Bài viết nêu lên một số vấn đề liên quan để cùng trao đổi.

Toàn cầu hóa với mô hình đô thị toàn cầu
Mô hình đô thị toàn cầu được hình thành ở Mỹ trong những năm 50 thế kỷ XX trên nền tảng của kinh tế định hướng toàn cầu. Mô hình đô thị toàn cầu, dần dần cùng với tiến bộ của công nghệ thông tin trong các hoạt động kinh tế đô thị theo hướng toàn cầu đã làm thay đổi nhanh chóng và sâu sắc cấu trúc không gian đô thị truyền thống, từ cấu trúc đô thị khép kín đơn tâm thành cấu trúc đô thị mở, đa tâm, đồng thời tạo nên mạng lưới đô thị toàn cầu. Đô thị toàn cầu, bằng cạnh tranh đô thị, đã đẩy nhanh tốc độ và hiệu quả phát triển kinh tế, đồng thời khẳng định vị thế của đô thị toàn cầu trong hệ thống đô thị thế giới. Làm cho đô thị hiện đại, dường như không còn biên giới. Tuy nhiên, hạn chế  căn bản của cách phát triển này là gia tăng khoảng cách phân hóa giàu, nghèo trong xã hội; bộc lộ nguy cơ làm mất đặc trưng văn hóa địa phương.
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, các nhà khoa học nêu lên 2 mô hình phát triển đô thị: Thành phố bền vững và thành phố sống tốt hay thành phố an sinh (Theo đề xuất của TS Phạm Sỹ Liêm) .
Mô hình thành phố bền vững, khá phổ biến trên thế giới, dựa trên 4 tiêu chí: Bền vững về xã hội; Bền vững về tự nhiên; Bền vững về kỹ thuật và Bền vững về tài chính. Đây là mô hình phát triển đô thị lý tưởng, nhưng trên thực tế không dễ ứng dụng.


Mô hình thành phố sống tốt, trái lại lấy con người làm trung tâm hay nói đúng hơn là đặt trọng tâm vào các vấn đề văn hóa-xã hội thay vì mục tiêu kinh tế. Mọi nỗ lực tập đều trung vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của con người trong đô thị, kể cả những người nghèo, có thu thập thấp. Vì thế, chủ trương thường trực là khuyến khích mọi người, mọi thiết chế xã hội ở địa phương (xã hội dân sự) cũng như các tổ chức quốc tế cùng tham gia. Giáo sư Mike Douglass, Đại học tổng hợp Hawaii – một trong những người khởi xướng mô hình thành phố sống tốt, nhấn mạnh 3 yếu tố cơ sở: Phát triển cá nhân tốt, không gian xã hội tốt và môi trường tự nhiên tốt. Đồng thời chỉ ra trong đô thị, môi trường sống tốt, trước hết phải thể hiện trong các khu ở. Mô hình đô thị sống tốt, vì thế mang tính hiện thực, có thể áp dụng hiệu quả ở nhiều nơi tùy từng điều kiện cụ thể. Bởi vì, trên thực tế, chính hoạt động sống của con người trong không gian xã hội đô thị tạo nên những đặc trưng văn hóa xã hội, những giá trị văn hóa phi vật thể của đời sống xã hội đô thị. Đây là những yếu tố cần phải được tôn trọng trong nghiên cứu đô thị. Còn về kiến trúc đô thị – không gian vật thể của đô thị cũng được chính cộng đồng góp phần tạo ra. Đó là sự kết hợp khôn khéo giữa môi trường xây dựng với môi trường tự nhiên nhằm hoàn thiện môi trường sống của con người.

Ở Việt Nam, cũng giống ở các nước khác trong khu vực, những vấn đề nêu trên thể hiện khá rõ trong quá trình phát triển đô thị. Đó là tốc độ đô thị hóa nhanh, hướng tới mô hình đô thị toàn cầu với sự xuất hiện nhiều chức năng kinh tế toàn cầu được tổ chức dưới dạng các CBD ở trung tâm và cách cư trú mới theo kiểu toàn cầu hóa với các siêu dự án khu đô thị mới ở ngoại ô. Xung đột và mâu thuẫn giữa hiện đại với truyền thống, giữa giá trị toàn cầu với giá trị địa phương về văn hóa nảy sinh rất cần được nghiên cứu, giải quyết.

Phát triển khu đô thị mới ở Việt Nam
Như đã nêu ở trên, đô thị toàn cầu đi cùng với các dự án phát triển khu đô thị mới quy mô lớn và hiện đại. Hình ảnh Khu đô thị mới thể hiện như một biểu tượng của sự thành công, chủ yếu về phương diện kinh tế. Chính vì thế, sức mạnh và ảnh hưởng của mô hình khu đô thị mới đối với nhiều nước, đặc biệt là những nước mới phát triển, trong đó có Việt Nam là rất lớn trên cả 2 phương diện tích cực và tiêu cực. Ảnh hưởng tích cực là hiển nhiên. Trong những ảnh hưởng tiêu cực, dễ nhận thấy nhất là về kiến trúc phát triển theo xu hướng quốc tế và nguy cơ mất dần những giá trị văn hóa cư trú truyền thống tốt đẹp mà hướng dần tới chủ nghĩa cá nhân. Vấn đề văn hóa đô thị, vì thế rất cần được nghiên cứu, để góp phần phát triển các khu đô thị mới phù hợp với điều kiện Việt Nam, trước khi quá muộn. Bởi lẽ, kinh tế lên nhanh, còn văn hóa định hình chậm, nhưng ảnh hưởng lại sâu và lâu. Ở đây, bài học của những nước đi trước, nhất là các nước trong khu vực về hướng này rất cần cho chúng ta tham khảo.
Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư bất động sản, phát triển đô thị (nước ngoài và trong nước) xây dựng ở nước ta những khu đô thị mới hiện đại, trong số đó có nhiều khu đô thị mới cao cấp với lời quảng cáo hấp dẫn, mang tính thương mại, như: Thành phố của những ước mơ; Môi trường cư trú đẳng cấp quốc tế; Một thành phố thông minh,… Trên thực tế, các khu đô thị mới này đã tạo được hình ảnh kiến trúc đô thị mới, hiện đại và khác biệt, hấp dẫn một bộ phận dân cư mới giàu lên như một bằng chứng của sự thành đạt hướng theo lối sống mang tính chất quốc tế. Nhưng đó phần lớn là những khu ở độc lập, khép kín, được xây dựng rải rác ở ngoại ô, chỉ dành cho những tầng lớp dân cư nhất định, không phải cho mọi người, ngoài ra không ít những hình thái kiến trúc nhiều khi xa lạ, không hài hòa  với cảnh quan thiên nhiên và khó phù hợp với văn hóa và nếp sinh hoạt của cộng đồng cư dân địa phương. Các khu đô thị mới, vì vậy tạo nên hình ảnh như những thành phố trong thành phố.

Khu đô thị mới Ciputra (Indonesia), Diện tích 368ha. Kinh phí 2,1tỷUSD

Trong khi đô thị, về bản chất là một tập hợp đa văn hóa có đặc trưng, được hình thành theo thời gian và do sự đa dạng về cộng đồng dân cư cùng những thực hành văn hóa của họ. Thực hành văn hóa, từ những hoạt động đơn giản nhất cũng có giá trị góp phần làm nên bản sắc văn hóa đô thị. Đó là những tập quán tốt đẹp, những giá trị văn hóa tinh thần, lối sống và cách sử dụng không gian của công đồng dân cư địa phương được phát huy trong cuộc sống hiện đại. Bản sắc văn hóa đô thị, đến lượt mình tạo nên giá trị gia tăng của đô thị. Đó là sự bền vững về văn hóa rất cần được nghiên cứu, khai thác trong thiết kế các khu đô thị mới. Bên cạnh đó là cách ứng xử tương tự đối với những đặc trưng của cảnh quan thiên nhiên, để hoàn thiện các giá trị  văn hóa mới của khu đô thị mới.
Như vậy, có thể khẳng định, phát triển đô thị ở Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa nên tiếp cận quy hoạch đô thị theo hướng vị văn hóa; nghĩa là: Có thể tiếp nhận mô hình và phương pháp quy hoạch khu đô thị mới  từ bên ngoài, nhưng cần nghiên cứu, vận dụng sao cho phù hợp với đặc điểm văn hóa, điều kiện tự nhiên và trình độ phát triển kinh tế của từng địa phương. Gần đây, có một số phương án dự thi thiết kế quy hoạch khu đô thị mới đoạt giải ở nước ta đã thể hiện rõ quan điểm, nguyên tắc và phương pháp nghiên cứu quy hoạch và thiết kế đô thị nêu trên, như là những ví dụ tham khảo có giá trị. Chẳng hạn đồ án  quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Gò Găng, Vũng Tàu của công ty Arep, Pháp (2008), đồ án quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Gia Lâm, Hà Nội của Cty Deso, Pháp (2009), của Liên danh công ty Đan Mạch – Vinaconex (2009) hay đồ án Đảo Việt, Hạ Long của công ty I+D+E+A+S Giải pháp thiết kế kiến trúc Italia (2011),… (Hình 2,3)

PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông