Ấn tượng về đô thị và kiến trúc Bình Nhưỡng

Hào hứng, bâng khuâng và trân trọng là những cảm nhận đầu tiên trong chuyến công tác ngắn ngày ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Những cảm giác ấy, thật lạ cứ neo mãi trong suy nghĩ của tôi, khác hẳn với những chuyến đi đến những nơi khác trên thế giới.

Xem thêm: Những công trình có kiến trúc siêu ấn tượng ở Triều Tiên

Toàn cảnh Bình Nhưỡng với quảng trường chính trị.
Toàn cảnh Bình Nhưỡng với quảng trường chính trị.

Tháng tám, cuối hè trời vẫn nắng nóng và ánh sáng như có vẻ trong hơn. Từ Bắc Kinh, chiếc TU không còn mới của Hãng hàng không Koryo (Triều Tiên) bay thấp, cho phép nhìn khá rõ mặt đất. Phía dưới, bỗng một vùng xanh trải rộng, không có những khu xây dựng lớn với đường cao tốc vạch thành những nét ngang lộ liễu, quen thuộc, chỉ thoảng hoặc là xóm, thôn nhỏ rải rác, màu xám trắng lẫn trong một không gian xanh mênh mông, nguyên sơ. Một cảm giác thật lạ, bâng khuâng, khó định. Đó là Triều Tiên hôm nay, khác hẳn Trung Quốc nhìn từ trên cao.

Sân bay quốc tế Bình Nhưỡng mới được xây dựng, không lớn như truyền thông miêu tả, mà gọn ghẽ, cân đối và đĩnh đạc gợi nét riêng của kiến trúc Triều Tiên hiện đại, vừa quen vừa lạ.

Bình Nhưỡng nhiều cây xanh, sạch và yên bình. Thành phố được quy hoạch và xây dựng trọn vẹn theo kiểu xã hội chủ nghĩa bài bản vang bóng một thời với những khu nhà ở tập thể cao tầng ngay ngắn cùng những những đại lộ nhiều cây xanh dẫn đến các công trình phúc lợi công cộng hoành tráng như: Cung văn hóa, Bảo tàng, Cung thể thao, Nhà thi đấu, Nhà hát,…

Cung Văn hóa
Cung Văn hóa

 

Cung thể thao
Cung thể thao

 

Cung thể thao nước
Cung thể thao nước

 

Cung Thiếu nhi
Cung Thiếu nhi

 

Nhà hát thành phố
Nhà hát thành phố

Trong đó, nổi bật và đặc sắc nhất là hệ thống vườn, công viên và tượng đài.

Công viên nước
Công viên nước

 

Một phần của quần thể Tượng đài các lãnh tụ
Một phần của quần thể Tượng đài các lãnh tụ

 

Tượng trong khuôn viên Bảo tàng chiến tranh
Tượng trong khuôn viên Bảo tàng chiến tranh

 

Tượng đài Công – Nông – Trí thức
Tượng đài Công – Nông – Trí thức

A1032-tckt-11 Bây giờ thì cây xanh trên đại lộ, trong công viên, vườn hoa đã thành cổ thụ, kiến trúc hai bên đường đã nhạt màu theo thời gian và nhịp sống dường như chậm lại bởi không có kinh tế tư nhân. Phố tĩnh lặng, vỉa hè rộng, ít người đi bộ và chẳng thấy ai vội vã. Trên đường, chỉ có xe bus, xe điện bánh hơi, tàu điện (cả tàu điện ngầm) và không nhiều xe cá nhân thỉnh thoảng qua lại. Đường phố như rộng hơn. Tất cả diễn ra trong trật tự mà không phải bởi ở góc ngã tư nào cũng có một nữ chiến sỹ công an thường trực làm nhiệm vụ. Còn không gian công cộng, dù ở đâu, cũng đều được người dân hằng ngày phân công nhau cần mẫn chăm sóc cẩn thận, làm cho thành phố sạch sẽ, tươm tất và như xanh hơn trong thanh bình, chứ không ồn ã, náo nhiệt như thường thấy ở các đô thị khác,…

Ngày nay, nhiều công trình hiện đại, quy mô lớn và những tuyến phố mới cao tầng được xây dựng, trong đó có cả tuyến phố dành riêng cho các nhà khoa học. Tất cả vẫn mang phong cách rất riêng của kiến trúc Bình Nhưỡng, thể hiện tinh thần tự lực hoàn toàn của người Triều Tiên, thật đáng trân trọng.

Thành phố nhìn từ Cung khoa học
Thành phố nhìn từ Cung khoa học

 

Toàn cảnh Bình Nhưỡng với dòng sông
Toàn cảnh Bình Nhưỡng với dòng sông

Dạo bước trên đường trong nhịp sống chầm chậm của thành phố Bình Nhưỡng những ngày tháng tám này, sao nhiều suy nghĩ đan xen đến thế về con người, kiến trúc và đô thị. Trong đó, hồi ức về Hà Nội một thời bao cấp trở về đậm nét và sâu lắng. Có lẽ, những ai đã sống qua thời kỳ ấy ở Việt Nam và cả ở Đông Âu một thời xã hội chủ nghĩa, nếu đến thăm Bình Nhưỡng hôm nay có thể sẽ tìm thấy những hoài niệm của chính mình về một thời đã xa.

PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2016)