Workshop “Đồ nội thất và làng nghề Việt”

Từ 20 – 25/05/17 vừa qua, tại ĐH Xây Dựng đã diễn ra Workshop “Đồ nội thất và làng nghề Việt” do bộ môn Nội thất, khoa Kiến trúc & Quy hoạch, trường ĐH Xây Dựng hợp tác cùng Ngành Nội thất Đại học Khoa học ứng dụng, Công nghệ, Kinh tế và Thiết kế Wismar (CHLB Đức) tổ chức với mong muốn tạo ra những thiết kế mới, nâng cao giá trị sản phẩm thông qua khả năng ứng dụng của sơn mài trong thiết kế nội thất. 

Đã từ lâu, sơn mài vẫn được biết đến như một chất liệu hội họa ở Việt Nam. Với sự phát triển ngày nay, sơn mài đã không còn chỉ ứng dụng trong sản xuất tranh, hoành phi hay câu đối… mà còn được phát triển để sản xuất các mặt hàng nội thất cao cấp được ưa chuộng tại nhiều nước. Tuy nhiên, sơn mài Việt Nam mới chỉ được ứng dụng trong nội thất với các vật dụng trang trí nhỏ, chưa thật sự được quan tâm đúng cách.

Hình ảnh tại buổi lễ khai mạc workshop

Chính vì vậy, workshop được tổ chức nhằm kết hợp công nghệ mới trên nền nghệ thuật sơn mài Việt Nam, từ đó giới thiệu và tìm kiếm ứng dụng mới của nghệ thuật làng nghề trong thiết kế và sản xuất nội thất đương đại. Tham dự hoạt động chuyên môn này là các chuyên gia đến từ Trường ĐH Khoa học ứng dụng, công nghệ, kinh tế và thiết kế Wismar (GS. Bettina Menzel; GS. Annette Layener và 12 sinh viên Bachelor & Master Chuyên ngành Kiến trúc – Nội Thất) và Trường Đại học Xây dựng (PGS. TS. Phạm Hùng Cường – Trưởng khoa Kiến trúc & Quy hoạch; Ths. HS. Nguyễn Việt Khoa – Chủ nhiệm bộ môn Nội thất cùng các giảng viên và sinh viên bộ môn Nội thất). Mặt khác, workshop còn nhận được sự hỗ trợ từ Hiệp hội sơn mài Duyên Thái – Hạ Thái.

Từ sự phối hợp giữa khoa học công nghệ phát triển của nước Đức và sự khéo léo trong nghệ thuật thủ công của Việt Nam, sinh viên tham gia sẽ có cơ hội được trải nghiệm và thực hiện quy trình thực tế về cách thức để tạo ra một sản phẩm Sơn mài thực sự. Do đó, với những nguyên phẩm có sẵn, dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân, kết hợp với sự sáng tạo của các bạn sinh viên, cuối chương trình, các bạn sinh viên đã tạo ra những sản phẩm vô cùng độc đáo, ấn tượng.

Vật liệu chuẩn bị sẵn để thực hiện.

Sơn mài là sản phẩm của sự kỳ công, tỷ mỉ đến tuyệt đối của những nghệ nhân. Từng giai đoạn, đều phải chau chuốt từng chút một, từ khâu mài sơn, gọt bút, kết hợp màu… Đó là quá trình tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế lại không như vậy. Một số bạn sinh viên tham dự đã chia sẻ: “Workshop là một cách rất tốt để vận dụng những kiến thức từ sách vở với thực tiễn và khi bắt tay vào thực hiện từ đó sẽ phát hiện ra rất nhiều kiến thức đã bỏ lỡ khi học.” Kết thúc workshop, những sản phẩm tốt sẽ được trong triển lãm nội thất Imm tại Koeln, CHLB Đức.

Hình ảnh giáo sư ĐH Khoa học ứng dụng, công nghệ, kinh tế và thiết kế Wismar bắt tay vào thực hiện

Workshop “Đồ nội thất và làng nghề Việt” được tổ chức với mong muốn khơi tạo được sức sáng tạo cho sinh viên, tiếp cận với nhu cầu của doanh nghiệp. Từ đó, những thiết kế trong tương lai của thế hệ kiến trúc sư nội thất có tính ứng dụng và mang bản sắc, đồng thời góp phần quảng bá nghệ thuật truyền thống, bản sắc Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Thông tin về Workshop “Đồ nội thất và làng nghề Việt”: 

Đây là lần đầu tiên, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng tổ chức chương trình workshop dành cho sinh viên với sự góp mặt của cả các bạn sinh viên quốc tế, đặc biệt, Workshop do bộ môn Nội thất đứng ra tổ chức. Hoạt động được kỳ vọng sẽ diễn ra thường niên nhằm tạo cơ hội cho sinh viên học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm và phát huy bản thân.

Thu Vân – TCKT.VN
© Tạp chí kiến trúc