Trò chuyện với KTS Lê Cao Anh: Ngọn lửa truyền thống trong đời sống hiện đại

Gustav Mahler từng nói: “Truyền thống không là sùng bái đống tro tàn, mà phải duy trì ngọn lửa”. Công trình nhà ở “Bắc Hồng”, Giải vàng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2018-2019 đã cho thấy sự thành công đáng khích lệ của các KTS trẻ khi họ cùng nhau dấn thân duy trì ngọn lửa truyền thống trong bối cảnh hiện đại. Các tác giả của công trình này là Lê Cao Anh (sinh 1980) và Phạm Quốc Đạt (sinh 1991),những người thuộc thế hệ 8x-9x, đã làm chúng ta thêm vững tin hơn vào tương lai của kiến trúc Việt Nam – hiện đại, giàu bản sắc. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu cuộc trò chuyện với KTS Lê Cao Anh, thủ lĩnh của LAB Concept, đơn vị đã được nhận 1 giải đồng và 1 giải vàng năm nay.

Vũ Hiệp (VH): Anh cho biết con đường kiến trúc mà anh và các cộng sự trong LAB Concept đang đi và hướng tới là gì?

Lê Cao Anh (LCA): Trên hành trình kiến trúc, chúng tôi luôn tìm kiếm con đường của riêng mình, không phải đơn thuần là một xu hướng hay phong cách. Cuộc sống vận động mỗi ngày, luôn có những đòi hỏi mới cho mỗi người, mỗi nghề, trong đó có các KTS. Cụ thể hơn, tôi cho rằng mỗi đồ án đòi hỏi có giải pháp phù hợp với bối cảnh đời sống nơi công trình đó sẽ mọc lên. Đối với LAB Concept chúng tôi, có một sợi dây mong manh mà bền bỉ xuyên suốt những đồ án mà chúng tôi đã, đang và sẽ làm, đó là: Tìm ra phương án có thể giải quyết bài toán của xã hội. Đồng thời thông qua kiến trúc, duy trì dòng mạch truyền thống dân tộc.

VH: Sợi dây đó được thể hiện thế nào trong công trình “Bắc Hồng”, thưa anh?

LCA: Tôi lớn lên ở làng Giáp Nhất, gần Ngã Tư Sở, một ngôi làng có nhiều nhà cổ với sân vườn và cây xanh. Hà Nội dần phát triển, đô thị lan rộng, Giáp Nhất bắt đầu thay đổi. Người dân Giáp Nhất đã phá nhà cổ, san lấp sân vườn để phân lô bán hoặc chia cho các con. Các khối nhà lừng lững chen chúc nhau mọc lên. Làng đã trở thành những ngõ nhỏ, thiếu tiện nghi. Những điều gần gũi, ấm áp, thênh thang của làng Giáp Nhất xưa đã dần mất đi. Làng Bắc Hồng thuộc Đông Anh cũng đang có nguy cơ như vậy. Qua khảo sát, chúng tôi thấy rằng ở làng này còn khoảng 30 nóc nhà cổ, nhưng nhiều căn nhà chia lô đang dần mọc lên, thời gian sắp tới, Bắc Hồng có thể trở thành Giáp Nhất thứ hai.

Chủ đầu tư công trình nhà Bắc Hồng sinh ra và lớn lên tại Bắc Hồng – Đông Anh, phát triển sự nghiệp tại phố cổ Hà Nội. Ban đầu, họ mong muốn xây dựng một tổ hợp công trình gồm nhà thờ họ, nhà ở cho bố mẹ già và nhà nghỉ cuối tuần cho gia đình nhỏ của mình khi đón hai con về thăm bố mẹ. Anh ấy muốn ngôi nhà của mình giống như một biệt thự nghỉ dưỡng kiểu Mỹ, mà chúng ta thường thấy trong phim ảnh và tạp chí.

Từ trải nghiệm với làng Giáp Nhất, chúng tôi mong muốn cùng chủ đầu tư tạo nên một ngôi nhà ở nông thôn hiện đại nhưng vẫn giữ được tinh thần của truyền thống. Theo nhu cầu sinh hoạt của chủ đầu tư, khối tích của công trình chiếm 75% diện tích đất đang có (hình khối rất đồ sộ, áp chế nếu bố cục mặt bằng tập trung). Chúng tôi chia khối tích ấy thành những mô-đun tương ứng với nếp nhà 3 gian rồi tổ hợp lại để quây xung quanh một sân trong, nơi diễn ra các hoạt động cộng đồng của gia đình và dòng họ. Những nếp nhà 3 gian này được thiết kế phảng phất tinh thần truyền thống với mái ngói vẩy cá. Đứng từ sân trong nhìn xung quanh thì các khối chức năng đều có tỷ lệ không lớn,gần gũi, ấm áp.

VH: Anh có khó khăn để thuyết phục chủ đầu tư không?

LCA: Để hiểu nhau và cùng lựa chọn một con đường bao giờ cũng khó khăn. Tuy nhiên chủ đầu tư đã đồng ý, anh ấy còn muốn công trình này sẽ trở thành hình mẫu để bà con trong làng học tập theo. Khi nhận giải thưởng “Nhà đầu tư thông minh” do Hội KTS Việt Nam trao tặng, chủ đầu tư đã cho đóng khung bằng đồng treo trước cửa, không phải để khoe khoang, mà để người dân trong làng có thêm niềm tin làm theo cái đúng, cái hay, đã được Hội đồng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia ghi nhận.

VH: Thoạt nhìn, công trình “Bắc Hồng”, gây ấn tượng mạnh với hệ mái ngói nhấp nhô, đặc biệt là hành lang ê-líp xung quanh sân. Anh có thể nói thêm về chi tiết này được không?

LCA: Ngói của công trình này được làm thủ công và nung bằng rơm, củi, đúng kiểu truyền thống ngày xưa, chứ không phải được sản xuất từ nhà máy. Ngói này không được tráng men nên sẽ nhanh mọc rêu, sớm chuyển màu cổ kính. Kiến trúc truyền thống Bắc Bộ thường sử dụng mái ngói vẩy cá, có thể ghép linh hoạt để tạo mảng cong tự do, mềm mại như mái đua đầu đao ở đình chùa, khác với ngói âm dương của Trung Quốc: Chỉ cong hai chiều nên nét mái tương đối cứng.

Hành lang ê-lip là cầu nối gắn kết các khối nhà 3 gian. Di chuyển theo vành đai đường tròn sẽ rút ngắn quãng đường hơn so với đi theo vành đai hình chữ nhật và ít va chạm hơn. Nhưng điều quan trọng nhất là: Chúng tôi muốn thể hiện được khả năng tạo hình của mái ngói vẩy cá truyền thống. Kiến trúc truyền thống ẩn chứa những kinh nghiệm quý mà chúng ta vẫn chưa khai thác được nhiều.

VH: Công trình “Bắc Hồng” là một nhà ở nông thôn thấp tầng, nên dễ áp dụng những kinh nghiệm truyền thống. Nhưng đối với những tòa nhà cao tầng hoặc nhà có khối tích lớn, chúng ta vẫn phải học kỹ thuật của phương Tây. Anh nghĩ thế nào về triển vọng kiến trúc Việt Nam với nền tảng truyền thống mà chúng ta có?

LCA: Kiến trúc truyền thống của phương Tây, Nhật Bản, Trung Quốc… hầu hết là nhà thấp tầng. Chúng ta học tập truyền thống ở cái tinh thần, ở cách tư duy thôi. Có lần tôi có dịp được nói chuyện với các bạn sinh viên Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội, các bạn sinh viên thường ngưỡng mộ các công trình của các KTS nổi tiếng của phương Tây và Nhật Bản. Tôi đã giải thích cho các bạn ấy rằng thành quả của kiến trúc đương đại phương Tây và Nhật Bản hiện nay có được là do họ duy trì truyền thống hoặc đổi mới dựa trên truyền thống của họ. Kiến trúc truyền thống của chúng ta có giá trị riêng, tại sao chúng ta chưa thể góp sức mình để truyền thống ấy tỏa sáng? Và tôi khuyên các bạn sinh viên nên tìm hiểu, nghiên cứu nhiều hơn về kiến trúc truyền thống.
Tôi cũng đưa ra những hình ảnh so sánh kiến trúc truyền thống Việt Nam với Trung Quốc, Nhật Bản, giúp các bạn trẻ thấy được cái đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Ví dụ như bộ vì kèo được chạm khắc rất phong phú tinh tế, hệ mái cong bay bổng, con nghê hóm hỉnh ngộ nghĩnh…, khác với cách tô vẽ cấu kiện, hệ mái dốc phẳng, con kỳ lân dữ tợn áp chế của Trung Quốc. Nói chung, chúng ta cần nghiên cứu học hỏi kiến trúc truyền thống nhiều hơn thay vì cứ ngưỡng mộ rồi làm theo các KTS nổi tiếng thế giới. Họ có truyền thống của họ, và chúng ta có truyền thống của chúng ta.

VH: Niềm tin vào kiến trúc truyền thống của anh, từ đâu mà có?

LCA: Bản thân kiến trúc truyền thống của chúng ta đã rất đẹp rồi, làm sao không thể không yêu mến, ngưỡng vọng nó được!? Ngoài ra, điều đó còn được tạo nên bởi lòng yêu nước của tập thể văn phòng và sự chỉ dẫn của những người thầy.

VH: Anh có thể kể tên những người thầy đã có ảnh hưởng lớn đối với anh?

LCA: Tất cả những người thầy mà tôi đã được học đều có ảnh hưởng nhất định, nhưng có 3 người quan trọng hơn cả là thầy Trương Hữu Hân, thầy Nguyễn Trí Thành và bố tôi. Bố tôi là một tác gia văn học đã giúp tôi có một nền tảng tri thức về văn hóa – nghệ thuật. Kiến trúc phải đi lên từ văn hóa và trở thành một giá trị văn hóa trong đời sống xã hội. Thầy Trương Hữu Hân cho tôi có được những nhận thức có chiều sâu về kiến trúc truyền thống của người Việt ta. Thầy Nguyễn Trí Thành truyền cho tôi nhiệt huyết, lối tư duy logic hòa quyện với tư duy trực giác trong thiết kế.

VH: Còn lòng yêu nước thì sao?

LCA: Có thể nói, tình yêu nước đã được mặc định qua lịch sử nhiều ngàn năm của dân tộc, nó ở trong dòng máu, trong tâm hồn người Việt Nam, và tình yêu có cội rễ sâu dày như vậy sẽ trường tồn mãi mãi! Những tháng năm này, lý tưởng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn sôi sục trong lòng người Việt Nam ta. Tôi vẫn tự nhủ lòng, phải thể hiện tình yêu nước trong lao động sáng tạo. Những đồ án kiến trúc của tất cả thành viên trong LAB Concept đều được thôi thúc bởi niềm tin là kiến trúc Việt Nam đã và sẽ sánh vai được cùng những thành tựu kiến trúc của các nước tiên tiến trên thế giới. Tôi cho rằng văn hóa, xã hội, nghệ thuật nói chung và kiến trúc nói riêng có thể trở thành ngọn cờ tương tự sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những người làm chuyên môn như chúng ta.

Vũ Hiệp (thực hiện)

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2019)