Khép lại năm 2020 đầy biến động với những khó khăn, thách thức lớn không chỉ riêng Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Đối với Hội KTS Việt Nam, đây cũng là một năm đáng nhớ với những sự kiện lớn, đồng hành cùng cả nước vượt qua giai đoạn khó khăn. Đặc biệt, năm 2020 đã đánh dấu bước chuyển giao từ nhiệm kỳ IX sang nhiệm kỳ X của Hội KTS Việt Nam với phương châm “Đoàn kết – Sáng tạo – Trách nhiệm”. Đón chào năm 2021 với những kỳ vọng và thách thức, Hội KTS Việt Nam điểm lại 10 sự kiện kiến trúc nổi bật trong năm 2020. Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.
1. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội KTS Việt Nam lần thứ X (nhiệm kỳ 2020-2025): Đoàn kết – Sáng tạo – Trách nhiệm
Diễn ra trong 3 ngày từ 25 – 27/9/2020 tại Hà Nội, Đại hội Hội KTS Việt Nam lần thứ X với sự tham gia của 448 đại biểu, đại diện cho trên 6300 hội viên trên cả nước. Với tinh thần: Đổi mới – Sáng tạo – Sẻ chia, Đại hội đã bầu chọn ra 95 Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội, từ đó chọn ra 15 Ủy viên Ban thường vụ Hội (Gồm 1 Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch và 10 Ủy viên).
Bước sang nhiệm kỳ mới, với phương châm: “Đoàn kết – Sáng tạo – Trách nhiệm”, Hội KTS Việt Nam sẽ tập trung vào các hoạt động tập hợp, đoàn kết KTS trên cả nước thực hiện mục tiêu xây dựng nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững đất nước; làm tốt vai trò tham mưu, tư vấn cho các cơ quan quản lý kiến trúc, xây dựng và văn hóa nghệ thuật của Đảng và Nhà nước góp phần nâng cao nhận thức thẩm mỹ về kiến trúc của cộng đồng xã hội; xây dựng đội ngũ KTS Việt Nam, nhất là KTS hành nghề, giàu sức sáng tạo, hoạt động chuyên nghiệp theo Luật Kiến trúc;…
2. Liên hoan Sinh viên Kiến trúc toàn quốc lần thứ XII với chủ đề: “Kiến trúc thời đại Công nghệ Số”
Với chủ đề “Kiến trúc thời đại Công nghệ số”, Liên hoan Sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ XII được tổ chức từ ngày 8 – 10/12/2020 tại TP. Đà Nẵng, thu hút sự tham gia của gần 500 giảng viên, sinh viên đến từ 21 Trường đào tạo Kiến trúc trên cả nước. Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra nhiều hoạt động bổ ích trong lĩnh vực dạy và học kiến trúc như: Talkshow “Thiết kế tham số và Công nghệ trong Kiến trúc” – với nội dung chia sẻ về xu hướng Kiến trúc tham số – Xu hướng đang trở thành tiên phong trong thập kỷ vừa qua; các phần thi nâng cao kỹ năng chuyên môn và tạo cơ hội giao lưu cho sinh viên như parametric design, thiết kế nhanh, vẽ mỹ thuật, nhiếp ảnh, đắp tượng cát,…
3. Hội thảo Gặp gỡ mùa thu với chủ đề “Kiến trúc ứng phó với thiên tai” và Hội nghị Ban Chấp hành Trung Ương lần thứ 2 – Khóa X
Miền Trung nước ta là khu vực có ưu thế về kinh tế, song do ảnh hưởng của thiên tai bão lũ hàng năm đặc biệt trong năm 2020 vừa qua đã gây ra những thiệt hại vô cùng nặng nề về cả con người lẫn vật chất, đe dọa đến an ninh, an sinh và an toàn của người dân. Trước viễn cảnh đó, Hội KTS Việt Nam nhận thức được trách nhiệm của mình, tổ chức Hội thảo Gặp gỡ mùa thu 2020 với chủ đề: “Kiến trúc ứng phó với thiên tai” nhằm tập hợp các giải pháp sáng tạo, đảm bảo tính thẩm mỹ mà vẫn hiệu quả để kết nối với các tổ chức cá nhân trong xã hội, cùng chung tay hỗ trợ cộng đồng, giảm thiểu tối đa hậu quả mà thiên tai gây ra. Đây là dịp các kiến trúc sư và chuyên gia cùng bàn luận và tháo gỡ khó khăn, đưa ra các giải pháp lâu dài về kiến trúc cho đồng bào vùng thiên tai, đi sâu hơn với các giải pháp mang tính kỹ thuật, đi rộng hơn với sự giải quyết đồng bộ, tiếp tục dòng chảy vì sự phát triển của cộng đồng.
Hội thảo Gặp gỡ mùa thu 2020 là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội nghị BCH T.Ư Hội KTS Việt Nam Lần thứ 2 khóa X. Tại hội nghị, BCH Hội KTS Việt Nam đã thống nhất và đề ra 10 mục tiêu hoạt động chính của Hội nhiệm kỳ 2020 – 2025. Trong đó, mục tiêu đưa Luật Kiến trúc vào vận hành được các đại biểu thống nhất đề nghị trở thành vấn đề trọng tâm, xuyên suốt nhiệm kỳ 2020-2025, cần triển khai thực hiện từ Trung ương Hội và các bộ phận trực thuộc đến Hội cơ sở, chi hội trực thuộc, chủ động trong tạo lập môi trường hành nghề, phù hợp với luật pháp, công bằng, bình đẳng và thông thoáng cho KTS ở thị trường Việt Nam.
4. Cuộc thi Thiết kế “Ý tưởng Kiến trúc Bệnh viện Dã chiến” hướng tới “Sáng tạo – Sẻ chia vì cộng đồng”
Được phát động vào 23/04/2020, thời điểm cả nước đang trong giai đoạn “nóng” nhất của dịch bệnh Covid – 19, Cuộc thi Thiết kế ý tưởng kiến trúc bệnh viện dã chiến do Hội KTS Việt Nam phát động nhằm phát huy các ý tưởng sáng tạo của KTS trong thiết kế các bệnh viện dã chiến sẵn sàng ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đáp ứng công năng theo yêu cầu của Bộ Y tế về khám chữa bệnh…để có thể triển khai nhanh chóng, ngay khi có yêu cầu, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, đúng quy định. Sau gần 2 tháng công bố, Ban tổ chức đã nhận được 76 phương án dự thi từ 33 cá nhân, 23 nhóm và 20 tổ chức tư vấn trong nước. Đây là hoạt động kịp thời, đúng đắn của Hội KTS Việt Nam trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đồng thời thể hiện trách nhiệm của lực lượng KTS đối với cộng đồng trong những tình huống khó khăn, khẩn cấp của xã hội.
5. Luật Kiến trúc chính thức có hiệu lực từ 01/07/2020
Luật Kiến trúc được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 13/6/2019. Chủ tịch nước ký Lệnh công bố số 04/2019/L-CTN ngày 27/6/2019. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Bên cạnh đó, Nghị định 85/2020/NĐ-CP ngày 17/07/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc và Thông tư số 03/2020/TT-BXD ngày 28/7/2020 của Bộ Xây dựng quy định hồ sơ thiết kế kiến trúc và mẫu chứng chỉ hành nghề kiến trúc đã được ban hành.
6. Ra mắt CLB KTS Trẻ Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc: Đoàn kết – Sáng tạo – Cùng phát triển
Ngày 31/10/2020, tại Mộc Châu, Sơn La, đã chính thức diễn ra Lễ ra mắt CLB KTS Trẻ Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc gồm 16 tỉnh (Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Lai Châu và Điện Biên). Việc thành lập các CLB KTS Trẻ vùng miền là một sự đột phá, một hướng tiếp cận mới của CLB KTS Trẻ toàn quốc trong việc tạo ra những liên kết bán kính gần đối với các KTS trẻ trên cả nước. Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra nhiều hoạt động như: Khai mạc triển lãm công nghệ vật liệu xây dựng mới, Tọa đàm “Phát triển quy hoạch kiến trúc khu du lịch quốc gia Mộc Châu – Sơn La trong tổng thể không gian kinh tế du lịch vùng Tây Bắc”, vận động và quyên góp hưởng ứng lợi kêu gọi cứu trợ lũ lụt của Hội KTS Việt Nam,…
7. Cuộc thi Thiết kế Công trình Cột mốc Km0 (Thuộc Dự án Đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh Hồ Hoàn Kiếm
Cuộc thi Thiết kế Công trình Cột mốc Km0 (Thuộc Dự án Đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh Hồ Hoàn Kiếm) do UBND quận Hoàn Kiếm giao Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức với sự bảo trợ của Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Sau hơn 1 tháng phát động kể từ ngày 03/06/2020, cuộc thi đã nhận được sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của các tác giả là KTS, họa sĩ, nhà điêu khắc, sinh viên chuyên ngành kiến trúc – mỹ thuật trên toàn quốc. Trong 105 phương án dự thi, Hội đồng Giám khảo đã chọn ra 1 phương án giải Nhất, giải Nhì, giải Ba và 2 phương án giải Khuyến khích, là những tác phẩm chú trọng tính bền vững và khả thi trong xây dựng, vận hành, cùng sự hoà nhập với cảnh quan xung quanh trong không gian hồ Hoàn Kiếm. Ngày 07/10/2020, Cuộc thi Thiết kế Cột mốc Km0 (Thuộc Dự án Đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh Hồ Hoàn Kiếm) đã vinh dự nhận giải Ý tưởng tại Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 13.
8. Trại sáng tác về kiến trúc với chủ đề: “Đổi mới – Phát huy giá trị kiến trúc bản địa trong sáng tác kiến trúc vì cộng đồng”
Trại sáng tác về kiến trúc năm 2020 do Hội KTS Việt Nam, Chi hội KTS ĐH Xây dựng phối hợp cùng Hội KTS tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức tại Tam Đảo từ ngày 26-30/10/2020. Chương trình tập huấn đã quy tụ 30 KTS tiêu biểu cùng đội ngũ chuyên gia cùng nghiên cứu và đưa ra các đề xuất thiết kế tại các địa điểm tùy chọn theo 2 chủ đề: (1) Điểm trường tiểu học vùng cao, quy mô 3 lớp, mỗi lớp 25-30 học sinh và (2) Nhà sinh hoạt cộng đồng đa năng (hội họp, triển lãm, tập huấn…), quy mô phục vụ 150-200 người. Tại phiên báo cáo, các KTS đã cùng chia sẻ, thảo luận chi tiết hơn về kinh nghiệm thiết kế và xây dựng điểm trường vùng cao và một số phương pháp lựa chọn vật liệu bền vững,…
9. Tọa đàm “Không gian văn hóa công cộng tại TP HCM: Thực trạng, nhu cầu và giải pháp”
Tọa đàm “Không gian văn hóa công cộng tại TP.HCM: Thực trạng, nhu cầu và giải pháp” do Hội Kiến trúc sư TP.HCM, Ban Tuyên giáo Thành Ủy và Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học nghệ thuật phối hợp tổ chức vào ngày 03/12/2020 trong không khí sôi nổi với gần 50 tham luận đầy tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia văn hóa, kiến trúc sư, nhà chuyên môn… có chung khao khát sớm xây dựng nhiều không gian văn hóa công cộng cho TP HCM. Tại tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau đánh giá thực trạng, nhu cầu sử dụng các không gian văn hóa công cộng của người dân thành phố; đồng thời tìm kiếm những bài học trong và ngoài nước về việc phát huy các giá trị văn hóa, các phương thức tổ chức không gian văn hóa trong các không gian công cộng đô thị.
10. Việt Nam có 3 công trình đạt Giải Vàng tại Giải thưởng kiến trúc sư Châu Á – Arcasia Awards for Architecture (AAA)
Arcasia Awards for Architecture (AAA) là Giải thưởng do Hội đồng Kiến trúc sư khu vực châu Á (ARCASIA) tổ chức thường niên nhằm khuyến khích và công nhận những công trình tiêu biểu của các KTS đang làm việc tại Châu Á, thừa nhận các tác phẩm kiến trúc tiêu biểu và thông qua đó khuyến khích nuôi dưỡng tinh thần châu Á, sự phát triển và cải thiện môi trường xây dựng châu Á, nâng cao nhận thức về vai trò của kiến trúc sư trong phát triển kinh tế – xã hội và văn hoá của các nước châu Á. Ngày 30/12/2020, Hội đồng đã công bố kết quả Giải thưởng năm 2020, Việt Nam xuất sắc có 3 công trình được vinh danh Giải Vàng tại 3 hạng mục lớn gồm: (1) Hạng mục Công trình công cộng – khu nghỉ dưỡng: Làng Mít (Jackfruit Village) do Văn phòng 1+1>2 Architects thực hiện; (2) Hạng mục Nhà ở phức hợp: Homestay Nhà Nhím do A+ Architects thiết kế; (3) Hạng mục Nhà ở đơn lẻ: Nhà Mái Đỏ / Công ty TAA design. Theo BTC, giải thưởng ARCASIA cũng chứng minh một công trình kiến trúc tốt là yếu tố chính ảnh hưởng tích cực đến môi trường sống của con người và sự phát triển ở châu Á mà không trái với các giá trị văn hoá, bản sắc dân tộc hoặc môi trường tự nhiên của các nước đang phát triển ở Châu Á.
An Du (Thực hiện)
© Tạp chí kiến trúc