Hội thảo: “Định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long”

Ngày 10/12 vừa qua, theo Quyết định số 825 ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng cùng Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức tại Việt Nam (GIZ) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Đến tham dự hội nghị có đại diện các Bộ, ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Sông Cửu Long và các chuyên gia, các nhà khoa học, các Tổ chức Quốc tế, Hiệp hội nghề nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí.

Đây là Hội thảo rất quan trọng nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý để thúc đẩy liên kết vùng và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 68 năm 2018, hệ thống đô thị trong vùng sẽ từng bước được xây dựng theo cấu trúc mạng lưới phù hợp với điều kiện địa lý, sinh thái tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các đô thị trung tâm vùng được tổ chức phân bố để trở thành hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của từng tỉnh, trên toàn vùng và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh tại biên giới Tây Nam tổ quốc.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị có bài phát biểu: “Hiện tại, Vùng đồng bằng Sông Cửu Long đã bước đầu đạt được những kết quả tích cực, tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng; bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại và có bản sắc. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác triển khai Quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn chậm và gặp nhiều thách thức, tình hình BĐKH đang diễn ra ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng ngày một lớn, tác động tiêu cực đến đến cuộc sống người dân. Để khắc phục các tồn tại, hạn chế và giải quyết các thách thức trên, cần thiết phải xây dựng Định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, làm cơ sở và nội hàm để xây dựng mới Quy hoạch Vùng đồng bằng sông Cửu Long .”

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị

Các nội dung chính được đưa ra trong hội thảo gồm:

  1. Các vấn đề về chính sách trong quản lý phát triển hệ thống đô thị và nông thôn của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo yêu cầu về kiểm soát, quản lý đô thị và nông thôn phù hợp với các định hướng, chính sách phát triển đất nước, của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
  2. Định hướng hình thành bộ khung, xác định mô hình phát triển, hình thái phát triển của hệ thống đô thị và nông thôn của vùng đồng bằng sông Cửu Long; tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới, đảm bảo hình thành cơ sở, nền tảng để phát triển bền vững, thíc ứng với BĐKH; đảm bảo thúc đẩy liên kết vùng, kết nối đồng bộ, hữu cơ giữa đô thị và nông thôn trong Vùng.
  3. Giải pháp nâng cao và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh của hệ thống đô thị và nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó phải xác định được mức độ ưu tiên và việc lựa chọn những vùng đô thị hóa làm động lực cho phát triển, những vùng, lãnh thổ hạn chế phát triển, lãnh thổ cần bảo tồn, bảo vệ, các điểm kết nối đối ngoại…
  4. Vấn đề hỗ trợ tài chính cũng như việc huy động nguồn lực thực hiện Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là những dự án phát triển đô thị trọng điểm, các khu vực nông thôn trọng điểm, hạ tầng trọng yếu như đường cao tốc, cảng biển…

Các ý kiến trao đổi, thảo luận, tham luận tại Hội thảo lần này sẽ góp phần quan trọng để Bộ Xây dựng và các Bộ ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy hoạch của quốc gia và các cơ chế chính sách trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị trong thời gian tới.

Đinh Hằng – TCKT.VN
© Tạp chí kiến trúc


Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung Ương