Ngày 2/10/2014, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã phối hợp với Viện Kiến trúc Quốc gia tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Kiến trúc Thế giới 2014. Đây là hoạt động thường niên do Liên hiệp KTS quốc tế – UIA khởi xướng nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của giới KTS với những vấn đề mang tính toàn cầu của ngành xây dựng. Chủ đề của Ngày Kiến trúc thế giới 2014 là “Đô thị Lành mạnh, Đô thị Hạnh phúc” đó cũng chính là thông điệp UIA gửi tới giới KTS toàn cầu, các nhà lãnh đạo quốc gia, các tổ chức quốc tế về vai trò và tác động của kiến trúc tới các không gian đô thị.
Bộ trưởng chụp ảnh lưu niệm với các KTS, KS trong Ngày Kến trúc thế giới 2014
Tham dự Lễ kỷ niệm Ngày Kiến trúc Thế giới 2014 có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng; TS Nguyễn Mạnh Kiểm, Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng; KTS Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, KTS Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, Nhà sử học Dương Trung Quốc… cùng đông đảo các KTS, kĩ sư trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc môi trường, các chuyên gia lịch sử, văn hóa. Hội nghị đã trao đổi nhiều vấn đề nhằm khẳng định vai trò của KTS về nghề kiến trúc trong việc tạo nên sức sống đô thị, cũng như mang lại sức khỏe, hạnh phúc cho các cư dân đô thị thông qua các thiết kế có trách nhiệm của mình.
Tạp chí Kiến trúc trân trọng giới thiệu bài phát biểu của KTS Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam tại Hội nghị quan trọng này!
Ngày Kiến trúc Thế giới do Liên hiệp Hội KTS quốc tế – UIA đề xướng tổ chức hàng năm vào ngày thứ hai đầu tiên của tháng 10, nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm xã hội của giới KTS với những vấn đề mang tính toàn cầu của ngành xây dựng. Đây cũng là dịp để UIA gửi thông điệp chính thức của giới KTS toàn cầu tới các nhà lãnh đạo quốc gia, các tổ chức quốc tế về một chủ đề được chọn hàng năm.
Chủ đề của Ngày Kiến trúc Thế giới 2014 là “Đô thị Lành mạnh, Đô thị Hạnh phúc” (“Healthy cities, Happy cities”). Nhân chủ đề này, UIA kêu gọi Hội KTS các quốc gia thành viên tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh vai trò của KTS và nghề Kiến trúc trong việc tạo nên sức sống của quá trình hình thành đô thị cũng như trong việc mang lại sức khỏe, hạnh phúc cho các cư đân ở đó thông qua các thiết kế có trách nhiệm của mình. Lại một lần nữa, chủ đề về môi trường sống, chất lượng cuộc sống của con người được UIA đề cao trong bối cảnh Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy quá trình thương lượng về Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu 2015 vừa diễn ra ngày 23/9/2014 tại New York (Mỹ).
Nhân dịp này, tôi cũng xin chia sẻ “Tuyên ngôn Hành động 2050” của UIA và các đối tác, cam kết hành động vì môi trường đến năm 2050 được thông qua tại Đại hội Thế giới UIA tại Durban, Nam Phi ngày 6/8/2014.
“…Các khu vực đô thị đang phải chịu trách nhiệm về 70% tổng năng lượng tiêu thụ toàn cầu và phát thải CO2, chủ yếu từ các tòa nhà. Hơn hai thập kỷ tới, một diện tích tương đương 60% tổng quỹ xây dựng dự trữ của thế giới dự kiến sẽ được xây dựng và xây dựng lại ở các khu vực đô thị trên toàn thế giới. Điều này tạo ra một cơ hội chưa từng có để giảm phát thải CO2 từ năng lượng hóa thạch bằng cách tạo dựng lĩnh vực xây dựng toàn cầu theo hướng giảm dần phát thải CO2 tới năm 2050.
KTS chúng ta phải nhận thức được trách nhiệm của mình để nắm lấy cơ hội duy nhất có thể tác động đến sự phát triển trên khắp thế giới bằng đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của mình. Việc quy hoạch và thiết kế những môi trường xây dựng lành mạnh, bền vững, đầy sức sống và không phát thải carbon sẽ bảo vệ và làm giàu thêm các nguồn lực thiên nhiên, môi trường sống hoang dã, cung cấp không khí và nước sạch, tạo ra năng lượng tái chế tại chỗ và tạo dựng thêm nhiều công trình và cộng đồng đáng sống.
Tuyên ngôn Hành động 2050 tại Đại hội Thế giới của Liên hiệp Hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) 2014 là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới các bên tham gia Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu và tới toàn thế giới rằng: chúng ta cam kết hành động vì một tương lai thực sự bền vững và công bằng…”
Thời gian qua, hưởng ứng “Chiến lược Phát triển Bền vững”, “Chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu”, Hội KTS Việt Nam đã đề ra “Tuyên ngôn Kiến trúc Xanh Việt Nam” cùng 5 Tiêu chí Kiến trúc Xanh Việt Nam. Hội KTS Việt Nam cam kết đi tiên phong thực hiện “Chiến lược Phát triển Bền vững” của Chính phủ.
Ngày nay, Kiến trúc Xanh không còn là một xu hướng mà đã trở thành một chiến lược hành động vừa cấp bách vừa lâu dài. Các KTS có vai trò và trách nhiệm rất lớn trong quy hoạch và thiết kế môi trường xây dựng, trong việc giảm thải carbon hoàn toàn vào năm 2050 cũng như việc mang lại quyền bình đẳng về nơi ở cho người dân. Chúng ta có trách nhiệm làm cho cộng đồng hiểu rõ bản chất của kiến trúc xanh, của môi trường bền vững, nhưng quan trọng hơn là tạo dựng sự bền vững thông qua hành nghề kiến trúc, thông qua cuộc sống hàng ngày của mỗi người, mỗi gia đình để Kiến trúc Xanh không còn là một xu thế thời thượng, là kiến trúc dành cho người có tiền mà là kiến trúc cho mọi người, là trách nhiệm toàn xã hội.
Để ngày càng có thêm nhiều công trình kiến trúc xanh, nhiều đô thị lành mạnh, đô thị hạnh phúc, Hội KTS Việt Nam cam kết cùng với toàn xã hội thực hiện:
– Thúc đẩy công tác quy hoạch và phát triển các đô thị cũng như công trình mới theo hướng không phát thải carbon.
– Cải tạo và nâng cấp các đô thị và công trình hiện hữu không phát thải carbon trong khi vẫn tôn trọng các giá trị văn hóa và di sản.
– Tiến hành nghiên cứu, phổ biến, ứng dụng các chỉ tiêu, giải pháp giảm thải carbon để thực hiện mục tiêu 2050.
– Vận động và đề cao kiến trúc có trách nhiệm xã hội vì cộng đồng, phát triển và chuyển giao rộng khắp những thông tin và công cụ cần thiết cho quy hoạch và thiết kế theo tiêu chí bền vững, giàu sức sống, toàn diện và phát thải carbon thấp hoặc bằng 0.
– Tuyên truyền, vận động và tư vấn miễn phí cho cộng đồng về các hệ thống năng lượng tự nhiên và tái tạo, hướng cộng đồng chung tay xây dựng môi trường sống lành mạnh, hạnh phúc.
Xây dựng một tổ ấm, một làng, một cộng cư, một đô thị hạnh phúc và lành mạnh là ước mơ từ bao đời nay của loài người, của mỗi gia đình, mỗi con người. Ước mơ đó giản dị nhưng đầy sức sống và không bao giờ dừng lại.
Từ những thành phố không tưởng của Owen, đến thành phố công nghiệp lý tưởng của Tony Garnier, đến thành phố tương lai của Le Corbusier…. chúng ta luôn hướng đến xây dựng những không gian sống hạnh phúc, an toàn cho con người và KTS luôn là những người đi tiên phong đề xướng những ý tưởng, giải pháp ấy. Ngày nay, trong xã hội phát triển, đứng trước những thách thức của môi trường và nhu cầu của cuộc sống hiện đại, xây dựng những đô thi lành mạnh và hạnh phúc càng trở thành một nhu cầu cấp bách.
Chủ đề này minh chứng cho sự phát triển của ngành kiến trúc và tác động của nó đối với các không gian đô thị cũng như toàn thể môi trường sống của con người. Đây cũng là một trong các cam kết toàn cầu của giới KTS thế giới mong muốn bảo vệ hành tinh, chất lượng không khí, nước, đất và các yếu tố văn hóa, xã hội góp phần tạo nên môi trường sống lành mạnh của loài người.
Hy vọng rằng chủ đề Ngày Kiến trúc Thế giới năm nay “Đô thị lành mạnh – Đô thị hạnh phúc” cùng với “Tuyên ngôn Hành động 2050” của UIA về biến đổi khí hậu và các cam kết hành động của Hội KTS Việt Nam sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho các KTS Việt Nam suy nghĩ, sáng tạo và hành nghề có đạo đức, có trách nhiệm hơn nữa với cộng đồng và xã hội.
KTS. Nguyễn Tấn Vạn
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam