Tư duy đột phá cho du lịch hậu Covid – 19

Đó là một trong những nội dung của cuộc tọa đàm “Quy hoạch và Kiến trúc du lịch hậu Covid – 19 do Liên hiệp khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) tổ chức đầu tháng 6 vừa qua tại Hà Nội. Trong bối cảnh đại dịch Covid 19 hoành hành khắp thế giới, Việt Nam cũng vừa qua một quãng thời gian thực hiện cách ly xã hội, tọa đàm được tổ chức nhằm quy tụ các sáng kiến, giải pháp quy hoạch và kiến trúc công trình du lịch nhằm thích ứng với bối cảnh Covid 19.

Ngay trong phát biểu đề dẫn, TS.KTS Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch STDe nêu ra một số vấn đề cốt lõi được chú ý nhiều hơn cả trong đại dịch Corona/Covid-19, cụ thể như: Sức khỏe, môi trường thiên nhiên, con người đang mải mê theo đuổi nhu cầu vật chất mà quên đi các giá trị tinh thần cốt lõi… Cùng với những vấn đề đó, đại dịch là một thách thức lớn nhưng cũng đồng thời mang lại những cơ hội, trong đó quan trọng nhất là các giá trị kinh doanh, cơ hội gia tăng các giá trị tinh thần và cơ hội để thay đổi tư duy – “Thay đổi tư duy khai thác đã lạc hậu, thay đổi cấu trúc và mô hình phát triển, thay đổi nhận thức về khung giá trị sống, thay đổi các thói quen ăn ở và sinh hoạt… Từ đây sẽ hình thành mô hình thế giới mới với những thiết chế chính trị, kinh tế xã hội hoàn toàn mới mà chúng ta đang bắt đầu những bước đi đầu tiên.”

Đối với chủ đề tọa đàm: “Quy hoạch và kiến trúc du lịch hậu Covid – 19”, báo cáo cũng chỉ rõ: Nhu cầu du lịch thay đổi nên doanh nghiệp du lịch (nhà cung cấp) phải thay đổi về loại hình, cấu trúc, cách thức vận hành. Do đó, quy hoạch không gian, cảnh quan và thiết ké các công trình kiến trúc du lịch cũng thay đổi theo. Mật độ xây dựng thấp, quy mô công trình nhỏ, phong cách kiến trúc xanh, gần gũi và hòa đồng với thiên nhiên, vị trí gần các khu vực có cảnh quan và hệ sinh thái nguyên sơ. Đặc biệt, công nghệ 4.0, 5.0… sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc vận hành các loại hình dịch vụ du lịch này.

Các đại biểu tham gia tọa đàm đã đóng góp ý kiến trên nhiều phương diện: Quy hoạch, kiến trúc, du lịch lữ hành, khách sạn…và cùng hướng tới 3 nội dung chính:

  • Xu hướng du lịch hậu Covid tác động như thế nào đến quy hoạch và kiến trúc du lịch?
  • Quy hoạch và kiến trúc du lịch cần thay đổi như thế nào?
  • Đề xuất hướng đi, giải pháp trước mắt và kế hoạch lâu dài để quy hoạch kiến trúc du lịch thích ứng với hậu Covid -19 và các biến đổi thiên nhiên, xã hội khác.

GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho rằng: Covid -19 là một thông điệp rõ nét từ thiên nhiên: Nếu tiếp tục tấn công vào thiên nhiên thì có thể sẽ có những hậu quả khác nghiêm trọng hơn. Và, hơn bao giờ hết, thông qua quy hoạch và kiến trúc, đô thị cần thể hiện một thái độ thân thiện hơn với tự nhiên để sửa đổi điều này: “Dịch Covid tạo ra trạng thái cách ly để giữ an toàn. Trong bối cảnh đó, quy hoạch giải quyết khoảng cách này như thế nào, sống chung với những hiện tượng này như thế nào? Du lịch cũng không ngoại lệ. Điều chúng ta cần làm ngay là thay đổi cách tiếp cận để tìm hướng đi thích ứng. Đây cũng là cơ hội để làm mới chính mình, chọn lựa cách đối diện với cuộc sống một cách an nhiên và bình thản…”.

KTS Torsten Illgen, Ủy viên Hội đồng Khoa học STDe chia sẻ: “Sau thời gian cách ly, tôi cho rằng cũng như tôi, các bạn cũng sẽ quan tâm đến những sản phẩm du lịch mới, chú trọng nhiều hơn đến yếu tố sức khỏe, những giá trị nội tại mà trước đây thường bị bỏ qua. Cá nhân tôi quan tâm nhiều hơn đến những đặc trưng văn hóa, lịch sử của Việt Nam, nhiều nơi rất đẹp nhưng chưa được khai thác một cách hợp lý….”

Nhìn từ góc độ của du lịch lữ hành, Ông Phạm Hà (CEO Lux Travel) đề xuất việc tổ chức những tour riêng, biệt lập và nêu ý kiến đối với các chuyên gia quy hoạch – kiến trúc cần định vị khách hàng để xác định phong cách cho dự án, tạo ra những nét đặc trưng, bản sắc cho từng vùng miền.

Đồng tình với ý kiến này, PGS. TS.KTS Phạm Hùng Cường, Ủy viên Hội đồng Khoa học STDe cho rằng đây là cơ hội đối với các đơn vị du lịch – lữ hành nội địa: “Trong đó các làng truyền thống có cơ hội phát triển một loại hình du lịch mới, góp phần nâng cao các giá trị thích ứng, thích nghi của người Việt”…

Để giúp cho con người có được sự bình tĩnh, lạc quan và thái độ sống tích cực trước những thách thức của đại dịch cũng như những biến động khác, TS.KTS Nguyễn Thu Hạnh cho rằng các doanh nghiệp nên đầu tư tổ chức Tour du lịch Corona, cung cấp những trải nghiệm hoàn toàn mới, cụ thể như:

  • Loại hình du lịch cách ly trong những khu du lịch có mật độ thấp, nhà nghỉ độc lập, tự cung tự cấp (resort, nhà nghỉ nông thôn, khu du lịch sinh thái…);
  • Du khách sử dụng công nghệ 4.0 để tham quan bệnh viện dã chiến và tìm hiểu về cuộc chiến đấu với tử thần của các anh hùng áo trắng;
  • Du khách sẽ ở trong khách sạn Corona, những ngôi nhà có cấu trúc đặc biệt (có thể thích nghi trong đại dịch Corona), ăn các món ăn có thể phòng chống dịch, đồng thời học cách kết nối và đối thoại với thế giới xung quanh, học cách sáng tạo các hoạt động vui chơi giải trí….
  • Du khách được sống trong không gian tĩnh lặng để suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc đời, về các giá trị sống, về quy luật vô thường và về chu trình Sinh – Lão – Bệnh tử…

Những ý kiến được thảo luận tại tọa đàm tuy chưa hệ thống đầy đủ nhưng đã phản ánh thực trạng của ngành du lịch hậu Covid -19 và ít nhiều gợi mở những hướng tiếp cận mới: Hướng tới các giá trị nội tại, du lịch nội địa và khai thác những yếu tố văn hóa, lịch sử tại địa phương… Hy vọng rằng, đây sẽ là những tham khảo hữu ích, tạo tiền đề cho ngành du lịch cũng như quy hoạch – kiến trúc tiếp cận những hướng đi mới, hiệu quả cho những cơ hội phát triển hậu Covid.

Quỳnh Trang – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc