Đà Nẵng với những cây cầu

Kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (năm 1997), Đà Nẵng đã mở rộng không gian đô thị gấp 4 lần với biết bao đổi thay kỳ diệu.Trong đó, những cây cầu bắc qua dòng sông Hàn như những điểm nhấn kiến trúc tạo nên dấu ấn riêng của Đà Nẵng.

Những cây cầu và sự đột phá

Cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Thị Lý

Đà Nẵng vừa khởi công xây dựng cây cầu mới Nguyễn Văn Trỗi – Trần Thị Lý để thay thế hai cây cầu Nguyễn Văn Trỗi và Trần Thị Lý đã xuống cấp. Cầu dài 731 mét, gồm 12 nhịp, rộng 34,5 mét với 6 làn xe và vỉa hè mỗi bên rộng 2,5 mét. Đây là cây cầu dây văng hiện đại, có kiến trúc đẹp và hết sức độc đáo, được thi công trong 42 tháng với tổng kinh phí xây dựng gần 1.500 tỷ đồng. Đặc biệt, giữa cây cầu có một trụ tháp nghiêng cao 145 mét, trên đỉnh tháp có đài vọng cảnh để phục vụ để phục vụ du khách ngắm cảnh thành phố và đây sẽ là cây cầu có đài vọng cảnh đầu tiên ở nước ta.

Trước đó, tất cả những ai theo dõi hơn 6 năm trời đằng đẵng để cây cầu Thuận Phước nên vóc nên hình như hôm nay, hẳn sẽ không thể quên những thách thức chưa từng có trong quá trình thi công. Cầu rộng 18 mét, có hai trụ tháp cao 80 mét, với độ cao thông thuyền 27,5 mét. Các móng cầu sâu đến 50 – 60 mét và phải khoan vào đá gần 5 mét. Khi tới giữa sông lại gặp giếng chìm với lớp đất sét chưa từng được nghiên cứu ở Việt Nam, có độ liên kết rất chặt, khi khoan đến đốt 5, máy khoan hết công suất mà mỗi ngày chỉ sâu được khoảng 10 cm. Đến đốt 6, máy xoay mãi vẫn không thể khoan xuống thêm được. Đơn vị thi công phải sử dụng hơn 30 thợ lặn, lặn xuống đáy giếng, dùng máy cắt áp lực cao bóc gỡ từng mẫu nhỏ đất, đá… Do đó, hơn 6 năm, cầu Thuận Phước mới hoàn thành và trở thành chiếc cầu phức hợp dài nhất Việt Nam (2.119 mét).

Khi quyết định xây cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Thị Lý rộng 6 làn xe, có đài vọng cảnh ở trên tháp cao và cầu Thuận Phước tại nơi cửa sông có địa hình hết sức phức tạp, lãnh đạo thành phố đã thể hiện sự năng động, đột phá, dám nghĩ, dám làm. Rồi ngay sau khi khánh thành cầu Thuận phước, Đà Nẵng đã bắt tay xây dựng một số cây cầu khác nguy nga hơn, hoành tráng hơn và càng minh chứng rõ hơn tinh thần “dám khám phá bay cao, tự tay mình bẻ lái”. Đó là cầu Rồng – chiếc cầu thứ 9 trên sông Hàn được khởi công ngày 19 – 7 – 2009, rộng gần gấp đôi cầu Thuận Phước, dải phân cách rộng đến 6 mét, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2013. Cầu Rồng là điểm nhấn quan trọng trong kiến trúc đô thị thành phố, nối sân bay Đà Nẵng với các trục giao thông lớn và là tuyến vận tải huyết mạch giữa trung tâm thành phố với các khu du lịch ven biển.

Bức tranh vẽ và những thay đổi diệu kỳ

Cầu "quay" sông Hàn – Đà Nẵng

Cầu sông Hàn – chiếc cầu quay đầu tiên của miền Trung, khánh thành năm 2000 với sự đóng góp của nhân dân chiếm hơn một phần ba kinh phí xây dựng (117 tỉ đồng). Ngoài mục đích giao thông, cầu sông Hàn còn có giá trị to lớn về mặt thẩm mỹ mà nhiều người nói rằng, nó đẹp như một bức tranh vẽ giữa lòng thành phố. Chị Nguyễn Thị Chương, một người con Đà Nẵng vào Đồng Nai sinh sống đã lâu, khi trở về thăm quê đã tâm sự: Vào ban đêm, ánh điện sáng lấp lánh trên trụ cầu và các dây văng trông giống như chiếc vương miện khoác lên mình nàng công chúa. Chiếc cầu ý Đảng – lòng Dân này đã trở thành một phần quan trọng trong biểu tượng của Đà Nẵng. Những người có nhiều đóng góp xây cầu được khắc tên vào bảng đồng, gắn trang trọng trên thành cầu phía đường Bạch Đằng.

Sau cầu sông Hàn là cầu Cẩm Lệ và cầu Tuyên Sơn được xây mới, kéo theo biết bao sự thay da đổi thịt của những vùng đất hai bên bờ sông. Điển hình như cầu Tuyên Sơn từ phường Hòa Cường Nam bắc qua vùng cát Mỹ An, phía tây nối với đường 2 – 9, phía đông nối đường Hồ Xuân Hương, trở thành tuyến giao thông quan trọng của nhiều tỉnh, thành ở miền Trung – Tây Nguyên. Khu vực đầu cầu phía tây vốn là một vùng lạch nước, cỏ dại um tùm, từ khi khởi công xây dựng cầu, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các công trình lớn. Bây giờ, nơi đây đã mọc lên các tòa biệt thự, các dãy nhà cao tầng, sân bóng, khu thể thao đa năng và hàng loạt cơ quan, trường học…, còn vùng cát bên đầu cầu phía đông cũng đã trở thành các khu đô thị mới. Trong khi đó, công trình cầu Đỏ mới trên quốc lộ 1A đã hoàn thành và cầu Hòa Xuân đang hối hả thi công giai đoạn cuối. Khi cầu Hòa Xuân hoàn thành thì khu du lịch sinh thái Hòa Xuân và hàng chục dự án khác trên địa bàn cũng sẽ hình thành, mở ra cơ hội đổi đời cho những người dân vùng rốn lũ.

Nhìn những chiếc cần cẩu vươn cao giữa dòng sông Hàn với hàng trăm công nhân đang hối hả làm việc trên công trường cầu Rồng, và cách đó một quãng ngắn, công trình cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Thị Lý cũng đang nhộn nhịp thi công từ cả hai bên bờ sông, chúng ta như nhìn thấy thành phố này đang tiến nhanh trên đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa./.

Lê Văn Thơm

Bài này thuộc Chuyên đề: Kiến trúc Đương đại Miền trung