Xu thế và thực trạng công trình xanh ở nước ta
Công trình xanh (hay Kiến trúc xanh) là một khái niệm có tác động mạnh mẽ đến ngành Kiến trúc và Xây dựng trong khoảng 2 thập niên gần đây, kể từ khi công cụ đánh giá công trình xanh (CTX) đầu tiên – BREEAM ra đời ở Anh vào năm 1990. Cho đến nay đã có rất nhiều khái niệm về CTX. Cho dù được định nghĩa theo cách nào thì mục tiêu mà CTX luôn hướng đến là “Tạo ra môi trường xây dựng tiện nghi cao, đáp ứng tốt nhu cầu con người, tiết kiệm được tài nguyên và giảm thiểu tác động của công trình lên môi trường (khu vực và toàn cầu) và hệ sinh thái của địa điểm xây dựng”. Như vậy, yêu cầu đặt ra đối với một CTX (có thể ngầm hiểu là một sản phẩm Kiến trúc xây dựng văn minh) không chỉ đơn giản là: “Thích dụng – Bền vững – Kinh tế – Mỹ quan” mà còn phải “Xanh” [1] – theo cách hiểu như vừa nói trên.

Xu hướng CTX đang phát triển mạnh mẽ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu. Các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng đang chuyển mình mạnh mẽ. Ở Việt Nam, mãi đến cuối năm 2011, bộ công cụ đánh giá CTX đầu tiên là LOTUS mới ra đời và cho đến nay vẫn là cách đánh giá có hệ thống duy nhất ở nước ta.Tính đến tháng 8/2013 Việt Nam đã có khoảng 41công trình đã được cấp hoặc đang đăng ký chứng nhận xanh (theo nhiều tiêu chuẩn xanh như LEED, LOTUS, GreenMark, GreenStar…) [2], trong số đó phần lớn là các nhà máy hoặc các công trình có vốn đầu tư FDI. Con số đó là quá nhỏ bé so với quy mô xây dựng hiện nay ở Việt Nam. Thực tiễn cho thấy có rất nhiều công trình xây dựng tốt, nhưng không đăng ký hoặc không được cấp chứng chỉ xanh. Như vậy, mặc dù phong trào CTX đã thực sự được đánh giá cao trong giới thiết kế xây dựng nước ta, nhưng số lượng công trình xanh vẫn “ì ạch” đến mức khó hiểu.
![Tỷ lệ các loại hình công trình đạt hoặc đăng ký chứng nhận xanh – Tổng cộng 41 công trình (Số liệu lấy từ nguồn [2])](https://hn.ss.bfcplatform.vn/tckt/2015/03/13.jpg)
Tổng cộng 41 công trình (Số liệu lấy từ nguồn [2])
Một dự án xanh phải vượt qua nhiều rào cản cùng một lúc, vì vậy cần từng bước loại bỏ các rào cản để tăng khả năng được lựa chọn của CTX. Việc nhận diện và phân tích các rào cản đối với CTX hết sức quan trọng, góp phần gỡ bỏ dần dần và toàn bộ các rào cản trên thị trường xanh.Từ đó, tác giả bài viết đặt ra những câu hỏi lớn như: Những rào cản chính trong việc mở rộng phát triển CTX ở Việt Nam là gì? Lời giải cho các trở ngại của việc xây dựng CTX nằm ở đâu?
Những trở ngại chính
1. Trở ngại từ chính bộ công cụ đánh giá CTX
Theo chúng tôi được biết, đến nay đã có 11 dự án đăng ký xin cấp chứng chỉ GREEN MARK, 33 dự án đề nghị cấp chứng chỉ LEED, 10 dự án đề nghị trao chứng chỉ LOTUS (cập nhật 12/2014), và 21 công trình được Hội KTS Việt Nam trao chứng nhận CTX năm 2012 – 2014. Điều này cho thấy bản thân LOTUS chưa thực sự thuyết phục được người thiết kế và không phải là lựa chọn hàng đầu.
Qua nghiên cứu, tác giả nhận thấy hệ thống các tiêu chí của LOTUS còn rườm rà hơn nhiều so với LEED, bộ công cụ đánh giá phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Điều này thể hiện qua việc LOTUS có nhiều gần gấp đôi số tín chỉ so với LEED (55 so với 34), trong số đó có nhiều tiêu chí ít liên quan đến đặc trưng CTX như: Thích ứng – giảm nhẹ – cộng đồng (vốn là yêu cầu chung của Kiến trúc), quản lý. Chúng chiếm tới 23% tổng số tín chỉ phải tích lũy. Trong điều kiện chúng ta còn chưa quen với CTX, việc đặt ra quá nhiều yêu cầu phải thỏa mãn đã thực sự trở thành một rào cản.
Quy trình đăng ký, xét duyệt và cấp chứng nhận xanh theo tiêu chí của LOTUS (và các công cụ phổ biến khác) là một quá trình kéo dài, phức tạp và tốn kém (để làm thủ tục). Trong đó riêng yêu cầu về hồ sơ đệ trình lên Hội đồng công trình Xanh Việt Nam (VGBC) là đã đủ phức tạp, thể hiện qua việc phải giải trình tất cả các tín chỉ đạt được bằng các bằng chứng cụ thể.
Chi phí đăng ký cấp chứng chỉ xanh cũng là một trở ngại đáng kể. Liệu rằng có bao nhiêu tổ chức hay cá nhân dám bỏ ra 100 đến hơn 200 triệu đồng (tùy quy mô – theo VGBC) lệ phí cho việc đăng ký xét cấp chứng chỉ xanh hoặc chi phí thuê chuyên viên tư vấn LOTUS AP cho công trình của mình, khi mà chi phí xây dựng một công trình (nhỏ như nhà ở, nhà hàng) đôi khi chỉ tương đương khoản tiền này?
Những trở ngại lớn từ chính quy trình và công cụ đánh giá CTX là quan trọng nhất (theo tác giả), nhưng thường bị bỏ qua, khiến cho các nỗ lực tháo gỡ khó khăn bị chệch hướng. Hình 2 cho thấy các trở ngại của CTX, trong đó không thấy đề cập đến trở ngại từ chính công cụ đánh giá.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ là cơ quan đứng ra cấp chứng nhận CTX và cuối năm 2014, Bộ sẽ ban hành thông tư hướng dẫn quy trình chứng nhận và hệ thống tiêu chí chứng nhận với hệ thống tiêu chí đánh giá cụ thể riêng. Điều này chắc chắn sẽ mở ra thêm cơ hội cho phong trào CTX phát triển.
2. Trở ngại từ chính sách, chiến lược và quản lý nhà nước
Trong vấn đề CTX thì chính sách Nhà nước đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Có thể nói cho đến nay, ngoài việc chủ trương khuyến khích phát triển CTX, chúng ta cần có thêm các chính sách để trực tiếp đẩy mạnh công việc này. Ở đây, chúng tôi muốn nêu ra một vài chính sách đã áp dụng thành công ở một số nước tiên tiến:
– Xây dựng và củng cố hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kiến trúc – xây dựng: Siết chặt và bắt buộc áp dụng quy chuẩn Công trình hiệu quả năng lượng, xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh ngành Xây dựng, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá CTX, các cẩm nang hướng dẫn thiết kế xanh…
– Có chính sách trợ giá hoặc tiếp sức đối với các sản phẩm xây dựng xanh (như đã làm với máy nước nóng năng lượng mặt trời) như: Bóng đèn hiệu suất sáng cao, các hệ thống quản lý năng lượng tòa nhà, các loại thiết bị khai thác năng lượng tái sinh, các loại vật liệu xây dựng thân thiện môi trường và sinh thái,…;
– Có chính sách ưu đãi đối với công trình xây dựng xanh: Ví dụ như giảm giá thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm giá bán điện nước, thuế môi trường…; nếu mức độ xanh công trình càng cao thì thuế nên giảm lũy tiến tương ứng.
– Khuyến khích và quảng bá nhiều công cụ đánh giá CTX, nhiều lựa chọn xanh cho công trình: Theo chúng tôi, cần có nhiều tổ chức tham gia vào quá trình lựa chọn, đánh giá và trao danh hiệu, từ các cơ quan nhà nước nhự Bộ Xây dựng hay Hội KTS Việt Nam đến các tổ chức phi lợi nhuận như VGBC. Các lựa chọn danh hiệu CTX, Công trình hiệu quả năng lượng, Công trình sinh thái… cần càng nhiều càng tốt. Hiện nay chúng ta mới chỉ có chứng chỉ LOTUS và danh hiệu Kiến trúc xanh của Hội KTS Việt Nam. Các Giải thưởng như SPEC Go Green Awards 2014 vừa xét trao là sự nhân rộng phong trào đầy ý nghĩa.
– Xây dựng cơ sở dữ liệu và công cụ hỗ trợ cho việc thiết kế CTX: Hiện nay chúng ta chưa có các chương trình tính toán trên máy tính chính thức được cơ quan nhà nước thừa nhận để sử dụng cho thiết kế CTX. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng chưa đưa ra được hiệu năng chuẩn cho các loại hình công trình để người thiết kế hướng tới (xem hệ thống của Bộ năng lượng Mỹ tại [4]). Nhiều dữ liệu cần thiết khác như các tập tin khí hậu của các địa phương dùng cho mô phỏng vẫn chưa có.
– Xác định đối tượng chiến lược của công cuộc xây dựng và phát triển CTX: Nên tập trung vào công trình nhà ở hay phi nhà ở và quỹ nhà hiện tại. Hiện nay, nhà ở chiếm tỷ trọng lớn trong diện tích xây dựng ở Việt Nam, nhưng chỉ khoảng 6% số công trình đã và đang cấp chứng chỉ xanh là nhà ở[2]. Có thể thấy phong trào CTX có thành công và đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc nhiều vào sự xanh hóa mảng nhà ở.
– Tiên phong trong phong trào CTX bằng việc xây dựng các công trình bằng nguồn vốn ngân sách theo tiêu chí xanh để làm gương. Cho đến nay, nước ta chưa có công trình sử dụng 100% vốn ngân sách đạt danh hiệu CTX.
3. Trở ngại từ phía xã hội
Một trong những trở ngại lớn nhất từ phía xã hội chính là quan niệm cho rằng CTX đòi hỏi chi phí lớn hơn công trình thông thường (đến 20%). Các hệ thống pin năng lượng mặt trời, các thiết bị công nghệ cao, các hệ thống kiểm soát thông minh… thường làm phát sinh chi phí phụ trội. Một nghiên cứu ở Úc cho thấy tiêu chí xét CTX theo GreenStar làm chi phí trung bình tăng từ 3% (4 sao) đến 11% (6 sao) [5]. Hai dự án xanh theo bộ công cụ đánh giá LOTUS là nhà trẻ Pouchen và Nhà máy và văn phòng Mộc Bài có chi phí phụ trội là khoảng 2%. Dự án xanh Eximbank ở TP HCM có chi phí tăng 3%. Nhưng lợi ích tài chính từ chính các CTX này giúp hoàn vốn trong 5 – 8 năm (Nguồn[6]). Thống kê cũng cho thấy chi phí cho CTX theo tiêu chí LEED cũng có thể tăng thêm từ 2% đến 6.5%. Chủ đầu tư lại thường rất nhạy cảm với chi phí đầu tư này và sẽ từ chối nếu không nhìn thấy lợi ích kinh tế trong tương lai gần.
Nhưng ngược lại, CTX có khả năng tiết kiệm năng lượng, nước và các tài nguyên khác, giúp bảo tồn hệ sinh thái, tạo môi trường tốt, đảm bảo sức khỏe, tăng năng suất người lao động, giá cho thuê và sự hấp dẫn tăng, giảm thuế carbon và các sắc thuế khác,… và hệ quả là đem lại những lợi ích tài chính lâu dài cho chủ đầu tư. Trong vòng 20 năm, lợi ích tài chính thu được thường vượt quá chi phí phụ trội cho việc xanh hóa công trình từ 4 đến 6 lần. Ở Úc, môi trường trong CTX tối ưu có thể tăng năng suất của người lao động lên đến 30%. Lợi ích lớn hơn là việc giảm khí nhà kính và các nguồn ô nhiễm, đem lại lợi ích cho cộng đồng và cho trái đất. Như vậy trở ngại ở đây chính là việc người thiết kế phải làm rõ bài toán “Chi phí đầu tư – Lợi ích tài chính lâu dài” với chủ đầu tư.
Ngoài vấn đề tài chính, trong vấn đề xã hội theo chúng tôi còn tồn tại một số trở ngại khác gồm:
– Năng lực đội ngũ thiết kế chưa đáp ứng được yêu cầu và các kỹ năng thiết kế CTX, và thường phải dựa vào các chuyên viên tư vấn (AP).
– Thị trường xây dựng gồm nhà cung ứng vật tư, nhà thầu xây dựng còn hạn chế về nguồn lực, kỹ năng hoặc nhận thức.
Trong đào tạo nhân lực, các cơ sở đào tạo chuyên ngành trong nước hiện chưa có kinh nghiệm trong việc đổi mới và điều chỉnh chương trình theo hướng xanh. Đặc biệt là việc đưa các phương pháp thiết kế có sự hỗ trợ bởi các công cụ mô phỏng hiệu năng (building performance simulation) vào giảng dạy còn cần thời gian và con người phù hợp.
Một lối đi khác: Quan điểm chống lại những tiêu chí xanh theo kiểu LEED (hay LOTUS)
Những đề xuất dưới đây chủ yếu nhằm vào rào cản thứ nhất (đến từ chính bộ công cụ đánh giá CTX), vốn ít được đề cập đến. Câu chuyện bắt đầu từ một số bài viết và nghiên cứu [8,9]cho rằng LEED có nhiều lỗ hổng trong việc đánh giá CTX, dẫn đến việc nhiều công trình đạt chứng chỉ LEED, nhưng thực tế tiêu thụ nhiều năng lượng hơn bình thường. Đơn cử, nhiều CTX đã tìm cách lắp thêm các tấm pin năng lượng để bù đắp lại lượng điện vượt mức; hoặc nhiều công trình chi rất nhiều tiền để lắp các tấm pin năng lượng trên các mặt đứng (không lãng phí so với lắp đúng hướng trên mái) chỉ vì 1 điểm của LEED; hoặc ví dụ như tòa tháp Hearst Tower (New York), vốn được cho là đã trang bị hệ thống cảm biến tự động tắt đèn khi không có người, nhưng nó vẫn sáng trưng đêm này qua đêm khác. Từ đó, Henry Gifford (một học giả Mỹ) [8] đề xuất nên đánh giá CTX dựa trên năng lượng thực tế mà nó tiêu thụ thay vì dựa trên số liệu mô phỏng.
KTS Steve Mouzon (Studio Sky and Mouzon Design) [10] cho rằng: Cách đánh giá CTX dựa trên LEED không chỉ phức tạp mà còn rất nhảm nhí khi dựa trên nền tảng điểm số, khuyến khích dự án tích lũy điểm bằng mọi cách mà bất chấp các nguyên lý thông thường trong quá trình đó. Đơn cử như số điểm mà bạn đạt được thông qua việc lắp thêm chỗ đạp xe đạp cho 5% số người trong công trình (1 đ) tương đương với việc dự án tôn trọng việc bảo tồn một tòa nhà lân cận hay khu phố có giá trị lịch sử (1 đ). Theo Mouzon, chúng ta cần một hệ thống đánh giá CTX đối lập với hệ thống hiện nay: “Nó cần phải thông minh, quan tâm tới địa điểm xây dựng, người sử dụng công trình, hơn nữa, cần phải nhanh chóng, thân thiện và miễn phí, ai cũng có thể sử dụng”. Ta có thể chỉ ra các điểm bất cập đến mức vô lý của LEED như sau:
– LEED ứng xử một công trình đặt tại Cape Cod (vùng lạnh giá ở Đông Bắc nước Mỹ) hay tại vùng Vịnh (sa mạc nóng khô) là như nhau,
– Một công trình ở thành phố hay ở nông thôn đang được xét như nhau (ví dụ: “xanh” ngay ở trung tâm Hà Nội phải giống với “xanh” ở bản làng Tây Nguyên – điều này là máy móc),
– Đối tượng mà công trình phục vụ (giàu hay nghèo) không được xét tới, liệu bạn có nghĩ công trình của bạn được cấp chứng chỉ xanh hay không khi bạn là một người nghèo và chỉ xây một ngôi nhà đơn sơ.
Những vấn đề mà LEED gặp phải cũng giống như của LOTUS, vốn có cùng cách tiếp cận để đánh giá CTX. Xét trên khía cạnh mục tiêu của CTX, tại sao những công trình như trên không được cấp chứng nhận xanh, khi mà hầu hết các tiêu chí xanh đều đạt hoặc vượt? Cần nhấn mạnh là hầu hết các công trình kiến trúc nhà ở truyền thống hay dân gian của đồng bào ta đều có những đặc điểm “xanh” tương tự.
Do đó, đánh giá CTX không nên dựa trên một hệ thống tiêu chí cố định. Thay vào đó cần là một hệ thống tiêu chí linh hoạt, gắn với các yếu tố địa phương, điều kiện sống, đối tượng phục vụ, có những yếu tố cần đánh giá định tính khách quan, có những yếu tố định lượng chủ quan. Mục đích cuối cùng là để mở rộng đối tượng dự án (thành thị – nông thôn, người giàu – người nghèo), khả năng đăng ký tham gia, và đơn giản hóa quá trình đánh giá, giảm thiểu chi phí và thời gian cho chủ đầu tư. Và nói theo quan điểm của Mouzon: Hệ thống đánh giá mới chỉ nên thực hiện những tính toán đơn giản; hay nói một cách lý tưởng, nếu một người biết cách cân bằng sổ sách và khai thuế của họ thì có thể đánh giá công trình trong khoảng một vài giờ. Đây là những điều cần lưu ý tham khảo khi xây dựng bộ tiêu chí CTX mới của Bộ Xây dựng.
Mục tiêu của hệ thống đánh giá mới là làm sao để các công trình như “Tổ ấm nở hoa” được xem xét và chứng nhận xanh một cách dễ dàng và nhanh chóng, đúng như bản chất mà nó vốn có (thân thiện môi trường và hệ sinh thái, giá thành thấp, thi công nhanh, phù hợp khí hậu, ít tiêu tốn năng lượng…). Làm được như vậy, chúng ta sẽ có hẳn một hệ thống CTX phong phú và dồi dào, đó là các công trình kiến trúc dân gian, kiến trúc truyền thống mà cha ông chúng ta đã để lại.
CTX là điển hình cho một xu hướng phát triển bền vững của hiện tại và tương lai. Để có thể tạo nên một không gian xanh, một khu ở xanh, một thành phố xanh, cần có một cuộc cách mạng xanh thực sự với sự tham gia, đồng hành của giới chuyên môn và toàn xã hội.
TS. KTS Nguyễn Anh Tuấn – Khoa Kiến trúc – Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng
Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2015