Cấu trúc không gian đô thị Hồ Gươm: Tinh thần Việt trong cuộc gặp gỡ Đông – Tây

Hiếm có thủ đô nào trên thế giới mang trong mình một không gian cảnh quan độc đáo ở vị trí trung tâm đô thị như hồ Hoàn Kiếm, còn được gọi bằng cái tên thân thuộc: Hồ Gươm

Trong tổng thể không gian, khu vực xung quanh Hồ Gươm và vùng phụ cận chính là nơi gặp gỡ và chuyển tiếp giữa các cấu trúc đô thị làm nên hạt nhân của trung tâm lịch sử Hà Nội ngày nay. Đó là Khu phố cổ, Khu phố Pháp và Trung tâm chính trị Ba Đình. Đồng thời, đây là chứng tích rõ rệt của thời kỳ Thăng Long – Hà Nội chuyển đổi mô hình từ thành thị phong kiến phương Đông sang đô thị hiện đại kiểu phương Tây những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Cảnh quan không gian đô thị khu vực này, nhìn nhận ở khía cạnh văn hóa kiến trúc, chính là nơi xuất hiện sự tiếp xúc, va chạm và giao thoa Đông – Tây rõ rệt nhất. Ở đó, tinh thần Việt thể hiện sức sống bền bỉ, kiêu
hãnh, qua những thăng trầm lịch sử, lưu truyền cho các thế hệ mai sau, sự chồng lớp đậm dày những chứng tích không gian di sản mang tính huyền sử vùng đất Thăng Long. Mọi người dân Việt hầu như đều biết đến những câu chuyện về Hồ Gươm tọa lạc ở trái tim Thủ đô Hà Nội. Tháp Rùa nổi lên giữa lòng hồ với tỷ lệ vàng cân đối, vững chãi minh chứng cho truyền thuyết mà cũng là biểu hiện cho khí phách và tình yêu hòa bình của một dân tộc ngàn năm không bao giờ cam chịu nô lệ.

2.

Ngược dòng lịch sử, trước khi người Pháp đặt chân lên mảnh đất này hơn một thế kỷ, phủ Chúa Trịnh đã từng
được đặt ở Hồ Gươm. Yếu tố tạo thị từ thời phong kiến này đã có tác dụng “đô thị hóa” các làng xóm xung quanh. Hồ Gươm lần đầu tiên gia nhập vào cơ cấu chung của Hà Nội với tư cách là một trung tâm mới của Hà Nội thời phong kiến (Trung tâm thứ hai ở phía Đông kinh thành, cùng với khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long). Mặc dù quá trình “trung tâm hóa” khu vực Hồ Gươm khi đó chưa tới đích trọn vẹn nhưng đã đặt tiền đề phát triển cho tương lai. Những công trình tôn giáo, tín ngưỡng mang tính văn hóa xây dựng trên nền phủ Chúa sau những phân tranh – chiến cuộc, như sự luân hồi để tìm đến giá trị mới tốt đẹp hơn – Ấy là duyên tiền định của một vùng đất thiêng. Thực hiện “giấc mơ Tây phương ở Viễn Đông”, người Pháp dự định biến Hà Nội thành “Paris thu nhỏ” của vùng nhiệt đới. Từ cấu trúc thành thị khép kín, Hà Nội chuyển mình sang hình thái đô thị mở dạng phương Tây với những thử nghiệm, áp đặt đầu tiên ở khu vực Hồ Gươm, vị trí có sẵn tiềm năng phát triển, lại ở trung điểm, kết nối thành Thăng Long, khu phố cổ với khu nhượng địa. Do vậy, Hồ Gươm vô hình trung trở thành nơi va chạm dữ dội giữa hai nền văn hóa, mà kiến trúc – đô thị là biểu hiện vật thể rõ rệt. Nhà Thờ Lớn và khu truyền giáo được xây trên nền Tháp và thôn Báo Thiên xưa. Các cửa ô: Đông An, Tây Luông bị phá bỏ để xây dựng Tòa án, Nhà hát Lớn. Chùa Báo Ân giờ chỉ còn lại tháp Hòa Phong, nhường chỗ cho quần thể trung tâm hành chính – chính trị của thành phố. Cùng với việc phát triển hạ tầng hiện đại, nhiều dấu tích của người Việt đã bị phá bỏ để thay thế bằng những công trình mới có kiến trúc, chức năng, văn hóa hoàn toàn mới. Va chạm là mất mát, sự mất mát của hệ thống các di tích văn hóa truyền thống xung quanh Hồ Gươm thời kỳ này đã khiến đến cả toàn quyền Paul Doumer phải hối tiếc: “Tôi đến quá chậm để có thể cứu lấy những phần đặc sắc… Những di tích ấy đáng lẽ phải được bảo tồn. Chúng có những đặc trưng quý giá, chỉ như vậy thôi cũng đáng được chúng ta trân trọng. Đó là những kỷ niệm lịch sử gắn bó với nơi đây…”.

Sự tiếp xúc, va chạm và giao hòa giữa hai nền văn hóa, có lẽ đã bắt đầu xuất hiện – từ sự thừa nhận muộn màng này. Duyên phận hay lời nguyền vọng về của bậc đế vương thuở định đô? Sức sống mãnh liệt của một nền văn hiến, hay định mệnh đã chọn nơi đây là khởi nguồn của những dấu ấn đặc sắc mãi về sau? Hồ Gươm và khu vực xung quanh từ đây cho đến ngày nay được quy hoạch và xây dựng một cách chỉn chu hơn bao giờ hết. Những quy định nghiêm ngặt khi xây dựng các công trình xung quanh với quan điểm bảo tồn di sản lịch sử, bảo vệ không gian cảnh quan tự nhiên, đã khiến Hồ Gươm ngày một đẹp hơn. Nét đẹp dịu dàng, không phô trương, ẩn chứa trong đó là sự giao hòa tinh tế Đông – Tây trên góc độ quy hoạch kiến trúc cảnh quan. Khu phố kiểu châu Âu xung quanh hồ với những công trình kiến trúc mang phong cách Pháp được xây dựng với quy mô thích hợp để không làm ảnh hưởng đến không gian hồ nước và những kiến trúc di sản Việt. Yếu tố bản địa xuất hiện tinh tế trong nhiều kiến trúc Pháp. Một phong cách kiến trúc Đông Dương xuất hiện dưới bàn tay của những KTS tài hoa mang trong mình nền tảng học vấn hiện đại, bị mê hoặc bởi đất và người xứ An Nam. Những nhà phố nhỏ nhắn có cấu trúc dạng ống đặc trưng của Hà Nội cũng “tìm cách học hỏi” cho mình nghệ thuật trang trí Âu châu bên cạnh những chi tiết bản địa. Sự trao truyền, tiếp biến đã được các thế hệ sau này kế tiếp, để Hồ Gươm trở thành một trái tim tuyệt vời của Thủ đô. Nơi gặp gỡ Đông – Tây mà nét tinh túy Việt sáng soi đẹp đẽ.

3.

Có lẽ sự độc đáo của quần thể không gian kiến trúc đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, tháp Bút… chính là nhân tố
cốt lõi làm nên Tinh thần Việt trong sự gặp gỡ Đông – Tây ở không gian Hồ Gươm. Phải chăng sự tồn tại của  quần thể cấu trúc ấy qua những đổ vỡ năm xưa là cơ duyên mang màu sắc huyền bí, hay do đó là “kim cương” không thể rạn nứt?… Vì lý do gì đi chăng nữa, thì giờ đây quần thể này đã trở thành di tích quốc gia đặc biệt, xứng đáng  là một tác phẩm kiến trúc – văn hóa kinh điển của Thủ đô. Bố cục không gian kiến trúc cảnh quan của cụm công trình, sự hài hòa về tỷ lệ trong mối liên kết với nhau giữa từng công trình với những ý nghĩa riêng trong tổng thế cảnh quan Hồ Gươm không chỉ giới hạn là một điển hình tuyệt tác về phương diện thẩm mỹ đô thị. Dấu vết thời gian của nghìn năm lịch sử như in đậm trên từng chi tiết khiến danh thắng này vừa cổ kính lại vừa lộng lẫy, vừa lạ lẫm nhưng cũng rất thân thuộc trong dáng hình Hà Nội từ những năm xưa cũ. Thông điệp thể hiện bằng ngôn ngữ kiến trúc, nhằm truyền tải tinh tế tư tưởng, triết lý của dân tộc Việt ở thời điểm xuất hiện nguy cơ của sự đứt gãy văn hóa truyền thống trước những biến cố ngoại xâm, khiến cho quần thể này có sức cuốn hút lạ kỳ, mà giá trị sẽ còn mãi với thời gian. Đó là thông điệp về truyền thống hiếu học, khát vọng tri thức, trọng dụng anh tài, lý tưởng của những người cầm bút và tinh thần đoàn kết tôn giáo của dân tộc. Tinh hoa Thăng Long nghìn năm văn hiến được gửi gắm cho muôn đời sau qua ý nghĩa của từng vật thể. Thông điệp đẹp như cái tên “Thê Húc” của cây cầu mang dáng hình dải lụa mềm mại vắt qua làn nước xanh đặc trưng của Hồ Gươm: “Giữ lại ánh sáng đẹp của mặt trời”. Đặc sắc ở chỗ quần thể này nhỏ bé hơn nhiều so với các công trình kiến trúc mang đậm phong cách châu Âu bao quanh. Hồ Gươm và quần thể này, cùng với những di sản hay chứng tích nhỏ nhắn của người Việt trên đó đã làm nên “Hồn Việt trong lòng phố Pháp”. Như một chuyên gia nước ngoài đã chia sẻ: “Hồ Gươm khiến tôi tin vào sự thần bí phương Đông. Nơi đây hình như đã được cha ông các bạn lựa chọn là “huyệt đạo” không gian lưu truyền tinh hoa văn hóa Thăng Long – Hà Nội cho mãi mãi về sau”.

KTS VŨ HOÀI ĐỨC
Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2018)