COVID-19 đang kiểm chứng hiệu quả của thiết kế bệnh viện – Chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm gì?

Chúng ta đang sống trong một thời đại tuyệt vời, khi mà tỷ lệ thương vong chiến tranh (tất cả các loại xung đột vũ trang) đang ở mức thấp kỷ lục trong lịch sử và chúng ta đã chiến thắng các loại dịch bệnh như Đậu mùa, Sởi, và Bại liệt trong vô số nhiều bệnh dịch khác. Trong cộng đồng xã hội, đối với dịch bệnh chúng ta thường chỉ tập trung trong việc giảm thiểu các bệnh về lối sống hoặc điều trị bệnh cúm mùa hàng năm. Cho đến vài tháng trước, chúng ta vẫn quên mất rằng nguy cơ lớn nhất mình phải đối mặt chính là các bệnh truyền nhiễm.

Một nghiên cứu lịch sử dữ liệu cho thấy trong 500 năm qua, dịch bệnh chiếm tỷ lệ tử vong cao gấp ba đến bảy lần so với thương vong chiến tranh. Với sự ra đời của y học hiện đại, giải pháp thiết kế cho những nguy cơ dịch bệnh đã trở thành lá chắn vật lý của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Kể từ giữa thế kỷ 20, các cơ sở vật chất y tế đã phát triển về trình độ và nguồn lực để đáp ứng mọi thách thức tiềm ẩn trong chăm sóc sức khỏe.

Trong thời gian gần đây, một số dịch bệnh – chủ yếu là SARS, MERS và H1N1, đã lây lan rộng đồng thời thách thức các hệ thống y tế và các phương thuốc tối tân nhất tên thị trường. Thiết kế bệnh viện đã phát triển để đáp ứng, và bài học kinh nghiệm qua các đại dịch này, đặc biệt ở những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của những dịch bệnh gần đây, đang chứng tỏ tầm quan trọng trong việc giúp các hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta ứng phó với COVID-19. Trong đó có thể kể đến một số thành tựu đổi mới thiết yếu giúp con người an toàn hơn trong thời điểm hiện nay:

Giữ tay sạch

Các nghiên cứu về nhiễm trùng từ lâu đã chỉ ra rằng sự tiếp xúc giữa người với người và tiếp xúc vật lý với bề mặt hoặc qua sự lan truyền của giọt bắn, là những hình thức phổ biến để vi khuẩn và vi rút lây lan. Trước đại dịch SARS, tiêu chuẩn cho các quầy khử trùng tay trong bệnh viện không nhất quán và thường không được áp dụng. Một cải tiến quan trọng là quy chuẩn hóa trong đó mọi môi trường liên quan đến người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân đều được trang bị một quầy rửa tay chuyên dụng đặt ở vị trí thuận tiện (lý tưởng nhất là bồn rửa tay chuyên dụng, hoặc tối thiểu là dung dịch rửa tay khô có cồn – AHRB). Không hẳn có ai vẫn còn nhớ lối vào bệnh viện trông như thế nào khi không có quầy nước rửa tay khô?

Giữ không gian sạch

Kinh nghiệm từ các bệnh dễ lây nhiễm đã nhấn mạnh vào khả năng khử trùng của nhiều hoặc tất cả các khu vực trong bệnh viện. Khoa học đã nghiên cứu các tác động của việc sử dụng các vật liệu xây dựng khác nhau và cách các vật liệu này phản ứng với sự lây nhiễm và khả năng làm sạch. Kết quả từ cuộc kiểm tra này đã dẫn đến một sự thay đổi đáng kể trong tất cả các vật liệu được sử dụng trong hoàn thiện nội thất và trang bị nội thất của các cơ sở y tế. Ngày nay chúng ta chỉ sử dụng các vật liệu không xốp với các khớp nối được thu nhỏ hoặc bề mặt nông, và tránh các kệ và hốc khó làm sạch. Chúng ta sử dụng công nghệ hiện đại như mạ ion đồng/ bạc và tia sáng UV để chủ động khử trùng các bề mặt và toàn bộ các phòng.

Cách ly

Trước đại dịch SARS, các bệnh viện có rất ít cơ sở hạ tầng để cách ly bệnh nhân mắc bệnh hô hấp. Trong cuộc khủng hoảng đó, nhiều cơ sở đã xây dựng các hệ thống xử lý không khí đặc biệt hoặc triển khai thay đổi cơ sở hạ tầng tòa nhà nhằm cách ly cục bộ hoặc phân vùng để cách ly khu vực hoặc cá nhân bị nhiễm bệnh khỏi các khu vực không bị nhiễm. Trong những năm tiếp theo và ở tất cả các bệnh viện mới sau này, mỗi khoa đều được trang bị phòng cách ly (thường chiếm 5-10% không gian) và có khả năng chia tách các khu vực của toàn bộ khoa để cung cấp cho người chăm sóc nhiều lựa chọn khác nhau để cách ly nguồn bệnh.

Phòng bệnh một giường/ khối phòng điều trị riêng

Đối với bất kỳ ai bước vào một bệnh viện và tự hỏi liệu bệnh viện này được thiết kế trước hay sau đại dịch SARS, đáp án rõ ràng nhất chính là bệnh viện thiết kế sau đại dịch sẽ có số lượng phòng điều trị riêng và phòng bệnh khép kín nhiều hơn. Trước đại dịch SARS, hầu hết các khoa điều trị cấp cứu chỉ được ngăn cách bằng rèm cửa. Tương tự, các phòng điều trị nội trú thường được thiết kế với đa số các phòng bệnh 2 giường hoặc có khi lên tới 4 giường. Số phòng đơn rất ít và chỉ dành riêng cho những bệnh nhân trả phí cao hơn. Rất nhanh sau đó, phòng bệnh và khu vực điều trị cần phải được đổi mới thiết kế và xây dựng đáp ứng nhu cầu cách ly. Ngoài ra, sử dụng áp lực âm cho phòng bệnh để hạn chế thoát khí độc trong phòng ra khu hành lang. Tại các cửa ra vào nên bố trí Thiết bị bảo hộ y tế cá nhân (PPE), các trạm điều dưỡng vãng lai để hỗ trợ truy cập cục bộ vào dữ liệu bệnh nhân và đảm bảo tầm nhìn hành lang giúp quan sát bệnh nhân mà không cần phải vào phòng. Với số lượng lớn các buồng kéo rèm và giường bệnh nội trú dùng chung làm cho khả năng bố trí công năng cách ly của các bệnh viện cũ, trên thực tế, thấp hơn nhiều so với số lượng giường bệnh. Ngày nay, hầu như mọi phòng bệnh, phòng khám và khu vực điều trị đều có thể được điều chỉnh để cách ly bệnh nhân.

Bệnh Viện Gleneagles Medini Malaysia do B+H thiết kế

Lối ra vào riêng

Đại dịch SARS và MERS đặt ra những thách thức lớn trong việc quản lý lưu thông bệnh nhân và nhân viên y tế trong bệnh viện. Do nâng cao nhận thức về người và chất thải bị nhiễm virus, các tuyến đường di chuyển cho bệnh nhân và vật dụng (đặc biệt là các khu vực liên quan đến khu vực điều trị) đã được tách biệt với những người và vật dụng khác trong tòa nhà. Trong nhiều cơ sở y tế, đặc biệt là các tòa nhà cũ, các khoa thường có một lối ra vào duy nhất. Việc tách riêng lối đi (đối với bệnh nhân từ cộng đồng) thường không được ưu tiên hoặc bị hoãn lại cho đến sau giờ làm việc. Trong một kịch bản đại dịch, các phương án lối đi riêng này không có sẵn. Các quy hoạch không gian bệnh viện sau này đều chú trọng duy trì các khu vực sạch và tách riêng khu vực nhiễm bệnh, nhằm giảm thiểu nguy cơ của dòng lây nhiễm vào các khoa, tạo ra không gian cách ly ở các khoa, đồng thời phân chia lối đi cho nhân viên và vật dụng từ người bệnh và người thân, và bố trí nhiều lối tiếp cận để một số bộ phận trong các khoa có lối ra vào riêng điều trị cho các nhóm bệnh nhân khác nhau.

Quy hoạch Tổng mặt bằng Bệnh Viện Columbia Shanghai Kaiyuan Orthopedic do B+H thiết kế

Truy cập & Sàng lọc

Lối ra vào các cơ sở y tế đã thay đổi khi chúng ta cân nhắc biện pháp sàng lọc tất cả mọi người vào tòa nhà. Ngoài nâng cao an ninh, số lượng lối ra vào đã được giảm và tăng cường phân luồng di chuyển (đối với bệnh nhân, nhân viên, chất thải, vật tư). Quy hoạch tổng thể đáp ứng vấn đề này bằng cách phân vùng khu vực sảnh đón rõ ràng hơn, trong khi trước đây, ranh giới giữa các khu công cộng, khu chức năng, và các lối ra vào không được tách biệt. Ngoài ra, diện tích các điểm ra vào cần mở rộng để đáp ứng nhu cầu bố trí các trạm kiểm dịch sàng lọc, không gian cung cấp và thu gom Thiết bị bảo hộ y tế cá nhân (PPE). Việc kiểm tra quang phổ nhằm phát hiện nguy cơ lây nhiễm sẽ quyết định địa điểm bố trí không gian ngoài trời cho các công trình và dịch vụ tạm thời phục vụ các mục đích như khử trùng vật lý. Tất cả các biện pháp can thiệp này cho phép các cơ sở chăm sóc sức khỏe kiểm soát tình hình lưu thông của người và vật tư y tế tốt hơn.

Tác động chung của những tiến bộ này đã giúp chúng ta sẵn sàng để xử lý số lượng lớn hơn các trường hợp COVID-19 cấp tính trong các bệnh viện. Chúng ta có thể cách ly nhân viên và bệnh nhân một cách an toàn và tạo điều kiện thuận lợi để thay đổi không gian cho các đợt tiếp nhận bệnh nhân tiếp theo. Mặc dù có nhiều yếu tố hạn chế khác liên quan đến mức độ bền vững của chăm sóc y tế trong đại dịch (bao gồm cả nhân viên và vật tư), cơ sở vật chất hạ tầng của chúng ta cơ bản đã sẵn sàng hơn bao giờ hết.

Trong tình hình đại dịch, chúng ta đã đặt ra hàng loạt câu hỏi về cách các cơ sở y tế phải thay đổi như thế nào, nhằm vượt qua thách thức đại dịch lần này, và chuẩn bị sẵn sàng nếu có đại dịch bùng phát tương tự trong tương lai. Trên thực tế, hiện các bệnh viện đã hầu như sẵn sàng để ứng phó đại dịch – chúng ta không đề cập đến vấn đề giảm lợi ích kinh tế khi xem xét những cơ sở chăm sóc y tế truyền thống trước đây.

Tòa nhà Tổng hợp – Bệnh Viện Đa Khoa Changi Singapore do B+H thiết kế

Một tuyến đầu khác trong đại dịch được nhấn mạnh bởi sự phụ thuộc của chúng ta vào nguồn vật tư tiêu thụ và thiết bị thiết yếu sẵn có (đặc biệt là máy thở), đóng vai trò tuyến đầu phòng thủ giữa nhân viên y tế và bệnh nhân. Đây không phải là một thách thức về vật chất mà là vấn đề về nguồn cung ứng. Ngành y tế luôn chiếm tỷ lệ cao trong GDP ở nhiều quốc gia tiên tiến. Thực chất đầu tư vào cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe nhiều hơn có thể không mang tính bền vững. Cơ hội lớn nhất giúp cải thiện phản ứng của chúng ta nằm ở việc tận dụng các nguồn trang thiết bị khác trong các tòa nhà. Các bài học kinh nghiệm trong thiết kế bệnh viện hiệu quả có thể được áp dụng cho các tòa nhà khác trong kết cấu đô thị, ở nhiều quy mô khác nhau, từ đó tạo ra một mô hình phản ứng nhanh bền vững ở cấp độ địa phương.

B+H hợp tác với công ty mẹ, Surbana Jurong, lập quy hoạch và thiết kế một cơ sở cách ly dã chiến tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Singapore, dùng để tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân COVID-19 với các triệu chứng nhẹ, dành không gian trong các bệnh viện cho các bệnh nhân mắc các triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Xem thêm: Cuộc thi Thiết kế “Ý tưởng Kiến trúc Bệnh viện Dã chiến”

Chris McQuillan, B.Arch., FRAIC, OAA, LEED AP,
Chủ nhiệm – B+H Architects

Chris McQuillan đã làm việc trong ngành thiết kế cơ sở y tế/ bệnh viện hơn 20 năm và tích lũy bề dày kinh nghiệm phong phú về thiết kế xây dựng bệnh viện, các công trình chăm sóc sức khỏe hành vi, nghiên cứu y sinh, quy hoạch công năng, và lập nghiên cứu khả thi cho dự án. Năm 2012, Chris gia nhập B+H Architects – công ty thiết kế nội thất, quy hoạch, kiến trúc cảnh quan và chiến lược toàn cầu, đạt nhiều giải thưởng toàn cầu – và từ đó đã dẫn dắt các nhóm dự án đưa ra một nhiều giải pháp thiết kế bệnh viện làm thay đổi và tác động tích cực đến con người, cộng đồng và môi trường. Đến nay, B+H đã thiết kế hơn 90 dự án y tế tại 31 quốc gia và có hơn 1 triệu mét vuông công trình bệnh viện xây mới và cải tạo.
Chris tin rằng chất lượng thiết kế công trình y tế bắt nguồn từ sự am hiểu và kinh nghiệm hỗ trợ lẫn nhau và hợp tác chặt chẽ với người dùng, nhân viên y tế, bệnh nhân cũng như các bên liên quan để tạo ra các công trình y tế giúp chăm sóc cải thiện sức khỏe và chữa bệnh hiệu quả./.