Nam Bộ là vùng đất trù phú, rộng lớn với đồng ruộng cò phải bay thẳng cánh. Để dồi dào sản phẩm từ cây quả đến lúa gạo chắc phải có những người tiên phong vất vả khai phá đất hoang, đào kênh dẫn thủy nhập điền… Là những cư dân lúa nước và trải qua nhiều thế hệ để trở thành những người giàu từ đất – trung nông, điền chủ, khi cái ăn đã đủ, có của dư của để người ta sẽ nghĩ đến chỗ ở to, rộng, cơ ngơi xứng tầm với vùng đất phì nhiêu. Từ những ngôi nhà đơn sơ với vật liệu tranh tre, lá, tầm vông với cột chôn xuống đất (nhà rội) (*) đến những ngôi nhà với khung sườn nhà gỗ cao cứng cáp, liên kết dọc bằng xuyên – ngang bằng trính và các cột gỗ kê trên đá tán (nhà rường)… Cứ như vậy, các ngôi nhà được dựng lên từ nguồn vật liệu phong phú là các loại gỗ quí như cẩm lai, căm xe, gõ, thao lao,… có sẵn tại chỗ. Cả những viên ngói cong lợp mái kiểu âm dương cũng được lấy từ nguồn đất sét khai thác chung quanh.
Dẫu muộn màng, với sự giúp đỡ của các chuyên gia kiến trúc Nhật Bản của Đại học Showa (Nữ Chiêu Hòa), Đại học Nihon, phối hợp với Đại học Kiến Trúc TPHCM cùng cơ quan văn hóa địa phương khảo sát và thống kê về nhà xưa Nam Bộ (2001)(1), công việc nghiên cứu và tu bổ từ nguồn của quĩ JICA, Nhật Bản đã cho chúng ta nhiều thông tin về nhà xưa ở Nam Bộ. Bước đầu tìm hiểu văn hóa ở Nam Bộ, ta có thể nghiên cứu những bài viết của nhà văn Sơn Nam với tác phẩm “Đất Gia Định Xưa”. Và ấn phẩm gần đây nhất là “Nhà xưa ở Nam Bộ”, in đẹp với nhiều hình ảnh nhà, nội thất, đồ trang trí, phần chạm trổ, trình bày công phu của tác giả Ngô Kế Tựu được hai nhà xuất bản Phương Nam và Thời Đại phối hợp xuất bản năm 2013. Nhìn chung, khi nói về phường thợ mộc thi công nhà cửa ở Nam Bộ chỉ nói chung là thợ miền Bắc, nhưng chủ yếu là thợ từ miền Ngũ Quảng, thợ miền Trung – là thợ Huế với kiểu nhà Rường xuyên trính (2) xứ Huế.
Đầu năm 2011, tôi đã đến vài địa danh có những ngôi nhà xưa nổi tiếng. Bắt đầu từ tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Long An và cuối cùng là Bình Dương. Ngôi nhà mà tôi phát hiện đầu tiên là nhà ở Vĩnh Long có kiểu thức đỡ kèo nóc theo phong cách phường thợ mộc Bình Định (ảnh 1,2, mặt chính và nội thất nhà) là nhà ông huyện Phan Khắc Cần, nay thuộc sở hữu bà Nguyễn Thị Liên, được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, bằng gỗ căm xe và thao lao. Nhà có chiều cao cột cái đến 5,40 m, và dài của thanh trính qua tim cột là 3,00m. Ngôi nhà thứ hai cũng được làm bởi người thợ Bình Định là một kiến trúc được xếp hạng quốc gia năm 1997 khá nổi tiếng – Nhà Trăm Cột, tọa lạc ở xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, được xây dựng năm 1898 đến năm 1903 mới xong (2 năm xây dựng, 3 năm chạm trổ) bằng nhiều loại gỗ: Gỗ đỏ, mun, cẩm bông, thao lao, giá tị. Chủ nhân ngày trước là ông Hội đồng quận Cần Đước – Trần Văn Hoa. Có kích thước lớn với số cột gỗ và cột gạch vuông đến 120 cột theo bố cục mặt bằng 3 gian, 2 chái; cột cái cao 4,80m, trính dài 2,45m. Một ngôi nhà rất nổi tiếng khác, được xếp hạng di tích kiến trúc – nghệ thuật quốc gia loại năm 1993 là ngôi nhà của nha sĩ Trần Công Vàng, số 21 đường Ngô Tùng Châu, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương – xây dựng năm 1989 năm 1892 hoàn thành. Cột cái cao 4,36m, trình dài 2,53m. Một ngôi nhà nữa có niên đại muộn hơn, qua thông tin của Ngô Kế Tựu, được xây dựng năm 1911, loại 3 gian 2 chái – Nhà của Cai tổng Lâm Đăng Tiến ở ấp Bình An, xã Đông Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Mặt tiền ngôi nhà ảnh hưởng kiến trúc của phương Tây, nhưng bên trong lộng lẫy với phần chạm trổ trên gỗ, trang trí mảnh sành sứ (mosaic) trên đế cột và nền gạch hoa nhập ngoại từ Âu Châu. Một ngôi nhà khác tọa lạc trên một mảnh đất rộng thuộc Đại Điền, huyện Thạch Phú, tỉnh Bến Tre với những tác phẩm điêu khắc gỗ chạm lọng quá tinh xảo, đẹp mê hồn và được anh Thu là con ông Huỳnh Ngọc Chắt đang sở hữu cho phép đo vẽ và chụp ảnh. Đây là Huỳnh Phủ – ông nội của anh Thu là cụ Huỳnh Ngọc Khiêm – xây dựng 13 năm mới xong, năm 1904 hoàn thành (bức hoành phi còn ghi chữ Hán “Chấn Gia Thịnh” của quan tri huyện Bảo An là Thái Hữu Võ mừng tân gia năm Giáp Thìn 1904.) Theo KTS Nguyễn Thị Ngọc Diệp thì: “Kiến trúc này do những kíp thợ kỳ cựu ở miền Bắc và miền Trung,vốn là những người góp phần xây dựng cung đình Huế lưu tán vào Nam định cư ở Thủ Dầu Một và Cần Giuộc dựng lên.Tác giả cũng chi tiết hơn là cất theo kiểu nhà rường miền Trung,đặc biệt kinh đô và vùng phụ cận Huế” (Tạp chí Thông Tin Di Sản số 8,2011, trang 57-60, nhà cổ Đại Điền). Là nhà ở lớn 5 gian 2 chái, có cột cái cao đến 5.90m ngoài vì đỡ nóc ra còn có những chi tiết gờ chỉ, khác trên thân kèo mà theo tôi khi nghiên cứu mặt cắt các thiết diện thân kèo mang phong cách tạo hình kiểu thợ Bình Định.
Ngoài nhà ở ra, ngôi đình sớm nhất Nam Bộ được công bố gần đây là đình Thông Tây Hội, quận Gò Vấp, TP HCM, xây dựng năm 1679, cũng có bộ phận đỡ nóc theo kiểu thức chày – cối.
Những ngôi nhà được giới thiệu sơ qua trên đã cho thấy nhận định về bộ khung /giàn trò được thiết kế theo mẫu của Bình Định mà tôi gọi là phong cách phường thợ mộc Bình Định. Trong luận văn thạc sĩ về kiến trúc, tác giả Phạm Xuân Hảo (**) có định nghĩa về nhà Xuyên Trính, còn gọi là nhà Rừờng, nhà Trính, nhà Bát Trụ, nhà Chày Cối. Và để dễ hiểu hơn, tác giả còn minh họa thêm bản vẽ có tên gọi cấu kiện gỗ là cây trổng và cối. Như vậy, loại nhà có kết cấu kèo đỡ nóc phổ biến là môtip chày và cối nhưng do thợ Huế làm. Nhiều lần trực tiếp phỏng vấn các chủ sở hữu, đa số đều trả lời được làm từ những người thợ mộc Huế, chỉ duy nhất nhà của ông Phan Khắc Cần là được người cháu xác nhận là được làm bởi thợ Bồng Sơn, Bình Định. Và tác giả Huỳnh Anh tổng hợp nhiều nguồn thông tin viết trên mạng cũng nói về nhà cổ Cần Đước là nhà Rường xuyên trính của xứ Huế.
Trong luận văn thạc sĩ kiến trúc của tác giả Phạm Xuân Hảo Những nhận xét chung nhất vẫn là nhà của miền Trung. Vậy nhà theo mẫu của nhà rường miền Trung là tỉnh nào? Thợ từ vùng Ngũ Quảng (gồm Quảng Bình, Quảng Trị , Quảng Đức (Huế), Quảng Nam, Quảng Ngãi) thì cũng rộng quá!. Nếu gọi là nhà xuyên trính (thuật ngữ tại Nam Bộ) thì nhà rường nào ở miền Trung cũng phải liên kết bằng xuyên trính (xem chú thích). Nếu nói những ngôi nhà trên với kiểu thức đỡ nóc theo môtíp âm dương chày – cối thì tôi chắc chắn không xuất hiện tại vị trí vì kèo đỡ nóc của những ngôi nhà rường ở Huế, cả Quảng Nam và phía Bắc Quảng Ngãi. Tôi khẳng định môtíp hay kiểu thức đỡ nóc tạo hình theo dáng chày cối chỉ duy nhất xuất hiện và phổ biến ở Bình Định, phía Bắc Phú Yên, lác đác xuất hiện ở vài kiến trúc nhà ở tại Khánh Hòa và Ninh Thuận (một số ngôi nhà của người Chăm). Kiểu thức đỡ nóc này thường đi với loại nhà có trần đắp bằng đất trộn rơm chống cháy và chống nóng hữu hiệu gọi là Nhà Lá mái. Quan sát ảnh và bản vẽ ta có thể thấy thanh trính ở Bình Định (nơi xuất xứ kiểu thức chày – cối) có độ cong lớn so với thanh trính ở nhà Nam Bộ. Cũng dễ hiểu, bởi vùng đất phương Nam không gặp gió bão lớn, cây gỗ làm nhà phong phú với các loại danh mộc đã kể trên nên nhà được nâng lên vừa cao vừa rộng. Với khoảng cách lớn của hai cột cái lớn của nhà Nam Bộ, đường kính của gỗ giới hạn không cho phép người thợ mộc đẽo, bào cong nhiều.
Vì vậy phần con đội/trụ trốn đỡ nóc vẫn được tạo dáng theo phong cách của người thợ mộc Bình Định, dẫu có hay không phần cánh dơi/cánh ác/lá quả gắn hai bên cây trổng (Quảng Nam gọi là trỏng (nghĩa là chống), Huế gọi là con đội, trụ đội) Bình Định gọi là lõng/trổng (***) đỡ bụng của hai thanh kèo ở ví trí giao nguyên. Hình bản vẽ (bản vẽ 2) tên gọi nhà ở Nam Bộ với mặt cắt ngang cũng cho ta rõ về tên gọi trổng – cối (Nhà ở Nông Thôn Nam Bộ, trang 23, h14bis của tác giả Nguyễn Hữu Thái – Võ Đình Diệp – Nguyễn Văn Tất) và bản vẽ của các KTS Nhật bản có tên gọi khá giống nhau.
Lưu ý rằng phường thợ mộc nào thì quen với kiểu tạo dáng các cấu kiện ấy. Quan sát kỹ thanh trính, thanh xuyên, thanh kèo đều có sự khác nhau về những đường gờ chỉ, khác, bào soi và cả các đầu dư của kèo, trính… Giả thử nếu ta đặt hàng cho người thợ Huế làm nhà theo kiểu thợ mộc Bình Định và ngược lại thì thật khó nhọc cho họ thi công.
Cũng nên hiểu trong công việc dựng nhà rường thì có ba kíp thợ: Thợ làm khung nhà, thợ chạm trổ và thợ lợp mái (nề ngõa). Một việc khá lý thú là trùng cách phát âm: Người Bình Định gọi Trính giống với cách gọi của người Nam bộ, trong khi ở Huế gọi là Trếnh còn phía Nam Quảng Nam gọi là Tránh. Trong bài viết này tôi chỉ phân tích về các cấu kiện gỗ tạo nên khung nhà, trong đó chú trọng đến phần kết cấu đỡ nóc mái. Phần chạm trổ, khảm xà cừ… với các đề tài trang trí cần có một bài nghiên cứu thật kỹ để xác minh phường thợ. Tuy nhiên, sơ bộ đã có những công trình cộng đồng như đình, miếu thờ… Với phần chạm khắc được làm từ thợ Thủ Dầu Một – (người Hoa) rất công phu và đẹp, có cả đồ gốm sứ trang trí bờ nóc, bờ chái, nội thất làm từ thợ địa phương.
Tháng 4/2015, khi một lần nữa cùng với thầy – trò Khoa kiến trúc ĐH Cần Thơ (do thầy Phạm Xuân Hảo hướng dẫn) tiếp tục khảo sát một số tỉnh ở miền Nam như Cần Thơ, An Giang, Sa Đéc, Đồng Tháp và bắt gặp nhiều kiến trúc có bộ vì kèo đỡ nóc và cả những song cửa lấy gió mang phong cách phường thợ mộc Bình Định (nhà ông Nguyễn Văn Thường, Tân Phú Đông – Sa Đéc – Đồng Tháp). Và tại TP HCM, ngôi nhà cổ của cụ Vương Hồng Sển mua từ nhà Bè cũng mang phong cách Bình Định. Việc cần làm ngay là phải có thêm thông tin về kiến trúc ban đầu và nên có thống kê về các ngôi nhà mang phong cách Bình Định. Điều này quan trọng vì sau này, khi tu bổ, nhiều người đã tùy tiện phá bỏ cấu kiện mang kiểu dáng chày cối ở vì nóc thay bằng kiểu con đội mang phong cách Huế hoặc Quảng Nam…
Trong quá trình đi khảo sát và tham khảo những tài liệu của những chuyên gia về các kiến trúc được làm bằng gỗ trong địa bàn của tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận…. người viết chuyên đề này có những nhận định về cách xếp loại chung nhất về các phong cách trong kiến trúc dựng nhà gỗ bao gồm kiểu thức kết cấu kiến trúc và cả phần điêu khắc với trang trí chạm trổ như sau:
- Phía Bắc miền Trung có ba nhóm
- Nhóm phong cách Huế: GồmThừa Thiên Huế, Quảng Trị.
- Nhóm Quảng Bình: Gồm Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An (trong đó cần lưu ý sự khác nhau những kiến trúc ở Nam sông Gianh với Bắc sông Gianh cùng phường thợ mộc Xa Lang) (3).
- Nhóm Thanh Hóa: Ảnh hưởng kiến trúc miền Bắc.
- Phía Nam miền Trung có hai nhóm
- Nhóm phong cách Quảng Nam: Gồm Quảng Nam và Quảng Ngãi.
- Nhóm phong cách Bình Định: Gồm Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Về các kiến trúc nhà gỗ cổ truyền ở các tỉnh phía Nam thì là hỗn hợp của nhóm Huế và nhóm Bình Định.
Từ những chứng cứ về phường thợ mộc làm khung đỡ nhà hay bộ phận giàn trò (gọi theo cách của thợ Huế), ta có thể có những lý giải thú vị như sau:
- Chủ nhân ngôi nhà là người Bình Định khi tha hương cũng muốn làm nhà theo kiểu quê mình như cách giữ hồn cốt, gợi nhớ không gian xưa mình và gia đình đã sống…
- Chủ nhân không phải người có quê Bình Định nhưng thợ mộc đang sống quanh mình là thợ mộc gốc Bình Định.
- Và cũng có thể (ý kiến khi phỏng vấn) người chủ nhân khi làm nhà đã theo mẫu ngôi nhà đẹp nhất ở đó mà có những kiểu tạo dáng, kết cấu trên gỗ theo phong cách của người thợ Bình Định đã làm (người Bình Định đến phương Nam buôn bán bằng thuyền rất nhiều từ bến cảng xưa nhà Bè).
Cuối cùng, người viết bài này mong rằng sẽ nhận được những phản hồi từ phía độc giả để bổ sung thêm những nhận định của mình. Hy vọng rằng chuyên khảo này sẽ đóng góp cho phần dư địa chí và hiểu về những người đã tiên phong mở đất phương Nam ngày trước. p
Nguyễn Thượng Hỷ
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2016)