Trong các ngày từ ngày 21-25/5/2017, Diễn đàn Kiến trúc Châu Á lần thứ 19 do Hội KTS Ấn Độ tổ chức đã diễn ra tại thành phố Jaipur, bang Rajasthan, Ấn Độ. Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1998, Diễn đàn là sự kiện thường niên lớn nhất của Hiệp hội KTS châu Á (ARCASIA) với 21 nước thành viên.

Với slogan “Hạnh phúc thông qua Kiến trúc”, Diễn đàn ARCASIA 19 đã ghi nhận nhiều dấu ấn tích cực về công tác tổ chức và chất lượng chuyên môn. Diễn đàn với nhiều hoạt động phong phú, được nước chủ nhà Ấn Độ tổ chức cực kỳ bài bản và chu đáo, có quy mô vượt xa các kỳ trước đây. Tham dự diễn đàn có hơn 1.200 KTS không chỉ đến từ khu vực châu Á mà còn có các đại diện từ bốn châu lục còn lại, từ Hiệp hội KTS châu Phi, Hiệp hội KTS khối Thịnh vượng chung, Hiệp hội KTS khu vực Đông Âu Visegrad… cùng các học giả, nhà chuyên môn đến từ nhiều trường ĐH danh tiếng, các công ty kiến trúc của Mỹ, EU, Australia…

Theo thống kê của BTC, đã có gần 500 tham luận được gửi về, từ đó Hội đồng tuyển chọn đã chọn lọc 60 tham luận trình bày tại Diễn đàn. Số lượng các tham luận gửi về diễn đàn năm nay vượt trội so với các năm trước, vừa chứng tỏ khả năng tổ chức tốt của nước chủ nhà Ấn Độ, vừa thể hiện mối quan tâm chung của giới KTS toàn cầu với chủ đề có tính thời sự của Diễn đàn ARCASIA 19. Các tác giả tham luận đến từ 22 quốc gia thuộc 5 châu lục, góp mặt đông đảo nhất vẫn là các KTS, các học giả châu Á: Ấn Độ, Việt Nam, Singapore, Nhật, Hàn Quốc, Sri Lanka, Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh, Nepal, Malaysia. Sự tham gia đông đảo và đa dạng của giới chuyên môn đã đưa Diễn đàn ARCASIA 19 trở thành một trong những diễn đàn qui mô và thành công nhất từ trước tới nay.

“Khắc họa” Hạnh phúc ở Diễn đàn ARCASIA 19

Với slogan chính: Hạnh phúc thông qua Kiến trúc, Ban tổ chức đã phân chia thành 16 phiên hội thảo thành phần theo bốn chủ đề chính. Mỗi ngày tại diễn đàn đều bắt đầu với một tham luận quan trọng của một trong hai diễn giả chính (keynote speaker) là các KTS Ấn Độ nổi tiếng thế giới: B.V. Doshi và Raj Newal tại khán phòng trung tâm có 1.200 chỗ. Sau đó, diễn đàn chia về 4 phòng hội thảo nhỏ hơn có sức chứa từ 200 đến 400 chỗ/phòng để các diễn giả quốc tế trình bày tham luận theo 16 chủ đề nhỏ, gồm có:

– Chủ đề Các không gian đô thị với các phiên họp: 1/ Tìm lại các không gian công cộng đã mất; 2/ Đánh giá giá trị các không gian đô thị; 3/ Làm sáng tỏ khái niệm Thành phố di sản; 4/ Các thách thức: Di sản và Du lịch; 5/ Tái định hình thiết kế đô thị trong bối cảnh thế giới hiện đại;
– Chủ đề Kiến trúc bền vững với các phiên họp: 6/ Thông thái hoặc rủi ro; 7/ Kiến trúc bền vững; 8/ Suy nghĩ lại về phát triển theo chiều đứng; 9/ Những bài học từ kiến trúc nông thôn / bản địa; 10/ Vai trò của hình thái học trong kiến trúc bền vững; 11/ Các ví dụ và những nghiên cứu cụ thể về kiến trúc bền vững;
– Chủ đề Thiết kế cho đại chúng với các phiên họp: 12/ Định dạng lại các không gian mở: nhân tạo hay tự nhiên; 13/ Thiết kế cho cộng đồng và sự biến đổi lối sống; 14/ Kiến trúc cách tân;
– Chủ đề Sức sống nội thất với các phiên họp: 15/ Xu hướng nội thất mới tại các quốc gia; 16/ Vai trò của ánh sáng;

Có thể thấy hai từ “hạnh phúc” đã được đưa ra ở rất nhiều tham luận, được nhìn nhận, rút tỉa và trình bày dưới những góc nhìn rất khác nhau về nhân sinh quan, thế giới quan với những ảnh hưởng nhất định từ môi trường sống, làm việc và học tập của các diễn giả. Những tham luận nổi bật vấn đề “Hạnh phúc thông qua Kiến trúc” ngay từ tiêu đề như: “Ngoại biên – nội tại – hạnh phúc”; “Hạnh phúc và kiến trúc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa”; “Thúc đẩy hạnh phúc thông qua các đô thị thông minh”; “Quyền được sống vui”; “Hạnh phúc”“Bình an và an toàn thông qua thiết kế: nghiên cứu lý thuyết, nhận thức và thực tế”; “Tác động thông qua kiến trúc để nâng cao các yếu tố cốt lõi của hạnh phúc”; “Sự sống, cái chết và sự theo đuổi hạnh phúc”; “Hệ thống tri thức tiếp cận khái niệm Tương lai hạnh phúc qua kiến trúc”; “Kết nối các quy định về xây dựng dựa trên kết quả và chỉ số hạnh phúc”; “Hồi sinh đô thị để tăng thêm hạnh phúc xã hội”

Toàn cầu nhìn từ địa phương và nghiên cứu địa phương thông qua tích hợp kiến thức toàn cầu

Các tham luận đã đặt ra những vấn đề rất đa dạng, bao trùm từ phạm vi toàn cầu, cho tới các trường hợp nghiên cứu cụ thể tại từng quốc gia. Trong bốn chủ đề chính của Diễn đàn ARCASIA 19, chủ đề “Các không gian đô thị” thực sự nhận được nhiều sự quan tâm nhất của giới nghề, không chỉ có nhiều tham luận được lựa chọn trình bày nhất, mà các chủ đề cũng rất phong phú, thời sự và tiên tiến. Có thể kể ra như: Mất tiềm thức và tưởng tượng về hình ảnh mới của các không gian công cộng đã mất; Kiến trúc gắn kết xã hội; Không gian công cộng – “nội tạng” quan trọng của đô thị; Nghiên cứu hình thái trong tích hợp thiết kế kiến trúc và cảnh quan, Thiết kế không gian công cộng được yêu thích trong đô thị cho mục tiêu nâng cao sức khoẻ con người…

Cùng trong chủ đề này, Reclaim walkable spaces – Reclaim urban happiness (Giành lại các không gian đi bộ – giành lại hạnh phúc cho đô thị) là tham luận duy nhất của Việt Nam được lựa chọn trình bày trong khuôn khổ phiên hội thảo có chủ đề Tìm lại các không gian công cộng đã mất. Hai đồng tác giả là TS.KTS. Nguyễn Quốc Tuân và ThS.KTS. Hồ Phương Thành (Hội KTS Việt Nam) đã báo cáo tham luận, nêu bật các nội hàm của vấn đề nghiên cứu, từ việc làm rõ những nhu cầu cơ bản của con người, làm rõ nhu cầu đi bộ trong đô thị – đặc biệt là các đô thị châu Á với những đặc thù rất độc đáo, tới trình bày các khái niệm về đô thị hạnh phúc và vai trò của các không gian hoạt động và không gian đi bộ trong kiến tạo hạnh phúc cho con người đô thị thông qua 5 yếu tố cơ bản đã được các tác giả xác định. Tiếp theo, tham luận giới thiệu trường hợp nghiên cứu cụ thể là ba khu vực đô thị đặc thù của Hà Nội: Khu phố cổ, khu phố cũ, khu đô thị mới với những vấn đề đặt ra rất cụ thể cho việc giành lại / khôi phục, duy trì, kiến tạo các không gian đi bộ – không gian hoạt động – không gian nhân văn dành cho người dân Hà Nội. Sau phần trình bày, cùng với các diễn giả quốc tế khác trong phiên họp, các diễn giả Việt Nam đã tham gia phần thảo luận mở (panel discussion), trả lời câu hỏi và trao đổi giữa các diễn giả, và với người nghe tại khán phòng.

Chủ đề về Kiến trúc bền vững cũng đã tập hợp được nhiều tham luận có chất lượng, với những thông tin đa chiều có liên quan đến vấn đề này. Có thể kể ra các tham luận như: Sustain-able (tạm dịch theo cách chơi chữ của tác giả: Có thể-bền vững); Thiết kế cho kỷ nguyên sinh thái: các nguyên tắc cốt lõi cho kiến trúc và đô thị hóa bền vững; Suy nghĩ lại về phát triển theo chiều đứng; Hợp tác với thiên nhiên; Khai thác nguồn năng lượng “hạnh phúc” từ các nền văn hoá và thiên nhiên đa dạng…

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, cổ vũ cho việc phát triển bền vững, cũng có những ý kiến ít lạc quan hơn, khi cho rằng chúng ta chưa thực sự ý thức và bắt tay vào thiết kế và xây dựng bền vững. Một tham luận gây chú ý tại Diễn đàn có tiêu đề: The Silent Crucible – the New vision (tạm dịch: Sự im lặng của chiếc nồi hơi – Một tầm nhìn mới). Tác giả GS.KTS. Jaisim K. (Ấn Độ) đã nhấn mạnh vấn đề ngay từ câu đầu tiên của bài tham luận: “Chiếc nồi hơi đang im lặng bên ngoài, nhưng bên trong vật chất đang âm ỉ sôi. Để đun sôi nó cần có vật chất (nội hàm) bên trong, và bên ngoài cần có lửa (nhiệt, chất xúc tác). Những gì xuất hiện có thể là tốt hoặc xấu”. Tác giả Jaisim K. đặt ra câu hỏi: WE the people or just I? (tạm dịch: CHÚNG TA là mọi người, hay chỉ là mình tôi?) để tìm hiểu việc có hay không một trào lưu thực chất suy nghĩ và hành động về sống bền vững, thiết kế công trình bền vững và xây dựng đô thị bền vững? Tác giả kết luận: “Mọi người cư trú và làm lợi cho nơi cư trú đều được khuyến khích. Phát triển kiến trúc Xanh và Bền vững sẽ làm lợi cho trái đất và các giá trị quý báu của nó, đồng thời làm cho cuộc sống này đáng sống hơn”.

Chúng tôi nhận thấy ARCASIA tiếp tục cổ súy cho việc phát huy các kinh nghiệm bản địa phù hợp với điều kiện phát triển của châu Á trong kiến tạo công trình và đô thị, đề cao các giá trị di sản tự nhiên – văn hóa châu Á trong phát triển và đô thị hóa, với loạt tham luận được trình bày: Tiềm năng của kiến trúc địa phương trong bối cảnh hiện đại; Tiếp cận phục hồi và kéo dài tuổi thọ cho công trình thông qua kinh nghiệm làm mát thụ động của kiến trúc bản địa; Sự thông thái cổ xưa: Một câu chuyện mới; Kết nối tự nhiên – văn hóa trong các địa điểm di sản thế giới: Sự tiếp cận bảo tồn bền vững cho một di sản “sống” tại Bangladesh; Kiến trúc hoài niệm: Một dự báo nội tại trong bối cảnh Nam Á; Chuyển hóa khu vực lõi di sản đô thị trong mối quan hệ với các thách thức chính trị – xã hội;…

Trong các chủ đề Thiết kế cho đại chúng”“Sức sống nội thất” đã xuất hiện một xu hướng nghiên cứu những vấn đề rất có tính thời đại, không chỉ trong phạm vi công trình, mà còn chỉ ra những liên quan tới xã hội, tới cách mạng công nghiệp 4.0, hay sự thay đổi các thói quen cư trú của con người. Một số bài tham luận có chủ đề lý thú và nổi bật có thể kể ra như: Làm thế nào để đáp ứng nhu cầu cấp bách chuyển đổi hệ thống xây dựng không rào cản trong thời đại internet; Sự tương hợp giữa kiến trúc và cảm xúc trong thời đại Internet; Sống theo công nghệ của chúng ta > lý thuyết nhỏ giọt; Mức độ phô bày của không gian; Hướng tới sự tĩnh lặng;…

“Hạnh phúc” được “kích hoạt” ở ARCASIA 19

Các diễn giả và hơn 1.200 KTS tham dự diễn đàn, đã cảm thấy hạnh phúc với những gì mình được nghe, được thấy, được trải nghiệm tại Jaipur. Có thể thấy, không khí chuyên môn luôn bao trùm ở Diễn đàn ARCASIA 19. Bốn phòng hội thảo tuy diễn ra cùng một thời điểm, song phòng nào cũng kín chỗ với vài trăm người / phòng. Giới nghề từ khắp nơi qui tụ về, nghiên cứu chương trình hội thảo, chọn phòng, chọn phiên báo cáo, di chuyển giữa các phòng trong giờ giải lao, ngồi bệt xuống sàn hay đứng chen ở cuối phòng để nghe các diễn giả trình bày, sôi nổi đặt câu hỏi khi tới phần thảo luận… cho tới khi người điều phối hội thảo luôn phải thông báo đã quá giờ của phiên họp… Nếu như phiên buổi chiều bắt đầu lúc 14h – chỉ nghỉ một tiếng để ăn trưa sau khi kết thúc phiên sáng, thì từ 13h45 các phòng đã đông chật người ngồi đợi, trong cả hai ngày hội thảo.

Những hình ảnh này thật sự gây ấn tượng với chúng tôi về sự cầu thị tri thức, sự chia sẻ những mối quan tâm chung của giới nghề khu vực châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung. Là những diễn giả có tham luận được chọn trình bày, chúng tôi thật sự xúc động về sự đón nhận của hàng trăm đồng nghiệp trong khán phòng khi chúng tôi trình bày tham luận, là cơ hội được thu nhận những thông tin bổ ích, được trao đổi, bổ sung, là dịp được tham khảo, học hỏi giữa các KTS đang hoạt động trong khu vực châu Á, giữa châu Á và các khu vực khác trên thế giới.

Hội KTS Ấn Độ (IIA) đã tổ chức một kỳ diễn đàn rất chuyên nghiệp và hoàn hảo. Để các KTS hiểu hơn về thành phố di sản Jaipur xinh đẹp – nơi được mệnh danh là thành phố Hồng (the Pink city) của Ấn Độ, IIA đã tổ chức 02 tour miễn phí mỗi ngày cho đại biểu và những người đồng hành (tour thường bắt đầu lúc 06h sáng và kết thúc lúc 09h trước khi các phiên hội thảo bắt đầu). Bên cạnh các phòng họp, IIA tổ chức các sảnh trưng bày sản phẩm, biểu diễn mô phỏng quá trình tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Ấn Độ. Có 03 lounge (phòng nghỉ chân, tiếp khách khoảng 100m2/phòng) đã được lắp dựng, các khu vực ký tặng sách của diễn giả, các quầy nước tự phục vụ, các quầy đặt tour… đã làm cho không khí của khu hội nghị luôn náo nhiệt bên ngoài sảnh và các hành lang, nhưng lại rất trật tự và cầu thị chuyên môn ở bên trong các khán phòng.

Công tác thông tin cho công chúng và người tham dự diễn đàn được chuẩn bị tốt. Mỗi túi tài liệu có một cuốn tham luận, bên trong in ảnh và thông tin diễn giả trang trọng ở đầu mỗi bài tham luận, một cuốn sổ tay nhỏ ghi lịch trình 2 ngày diễn đàn, 16 phiên họp, giờ, địa điểm, ai và tham luận nào sẽ trình bày trong phiên nào… để công chúng quan tâm có thể căn giờ, di chuyển giữa các phiên để nghe báo cáo mình quan tâm. Trước cửa các phòng họp đều có pano lớn giới thiệu các diễn giả sẽ báo cáo trong phiên. Tại sảnh có pano giới thiệu 60 diễn giả của cả 2 ngày. Bên cạnh đó, lần đầu tiên các đồ án lọt vào vòng xếp giải của giải thưởng Kiến trúc châu Á – ARCASIA Award 2017 đã được tổ chức trình bày trước hội đồng chấm giải và hàng trăm đồng nghiệp KTS, SV Kiến trúc, cũng góp phần tạo nên những ngày hoạt động rất sôi nổi và đậm đặc chuyên môn tại ARCASIA 19.

Kết luận

Diễn đàn ARCASIA 19 tại thành phố Jaipur, Ấn Độ là một kỳ diễn đàn đáng nhớ. Hạnh phúc thông qua kiến trúc đã thực sự hiển hiện tại Jaipur trong những ngày vừa qua. Chúng tôi, cũng như nhiều đồng nghiệp quốc tế khác, đã được sống trong những ngày tràn đầy tinh thần bạn hữu, được trải nghiệm một nền văn hóa vô vùng đặc sắc của nước chủ nhà, được lĩnh hội, bàn thảo và chia sẻ những kiến thức, thông tin chuyên môn đầy bổ ích. Có lẽ chúng tôi không cần những không gian quá sang trọng hay hoành tráng để tạo nên hạnh phúc. Chính những khoảnh khắc khi bạn bè gặp lại nhau, khi tìm được những ý kiến đồng cảm, khi những tràng vỗ tay vang lên sau mỗi bài tham luận được trình bày hay mỗi ý kiến được phát biểu, khi chúng tôi bắt gặp hàng trăm ánh mắt dõi theo chúng tôi trên sân khấu, khi bắt gặp một vài ánh mắt để lại kỷ niệm trong đêm tiệc chia tay (Friendship night), khi hai tiếng Việt Nam được gọi tên trong đêm trao giải thưởng kiến trúc ARCASIA 2017…, với chúng tôi, đây chính là những điều đã tạo nên hạnh phúc thông qua kiến trúc.

Nếu có, một tiếc nuối rất nhỏ, là chỉ có rất ít KTS Việt Nam tham dự sự kiện này. Chúng ta đã từng lên tiếng nhiều năm qua về việc bị cạnh tranh ngay trên sân nhà, trong lúc đó chúng ta lại không chịu bước ra ngoài để xem các đồng nghiệp châu Á và thế giới đang nghĩ gì, đã làm gì, đang tư duy thế nào về tương lai và phát triển? Nhiều quốc gia trước đây có rất ít KTS tham gia diễn đàn này, thì trong những năm gần đây họ đã tích cực, chủ động đến với ARCASIA (có những đoàn trước đây chỉ đi 3 đến 5 người thì nay đã tham gia đông từ 30 đến 50 KTS, điển hình là Trung Quốc) để trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác, để biết mình và hiểu người, để hướng tới xuất khẩu dịch vụ tư vấn, theo sau là các dịch vụ thương mại và hợp đồng cung ứng sản phẩm / vật liệu / văn hóa,…

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi cho rằng, mọi không gian to đẹp đến mấy nếu không có hoạt động của con người, nếu không tạo ra sự thân thuộc gần gũi với đối tượng mà nó phục vụ, nếu không kích hoạt được cảm xúc tốt đẹp của con người, thì chúng ta mãi sẽ không tìm thấy được HẠNH PHÚC THÔNG QUA KIẾN TRÚC.

Tạm biệt ARCASIA 19 Jaipur.
Hẹn gặp lại tại ARCASIA 20 Tokyo vào tháng 9.2018.

TS.KTS. Nguyễn Quốc Tuân – ThS.KTS. Hồ Phương Thành
Trường Đại học Phương Đông
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 5 – 2017)