Hệ thống văn phòng hành nghề kiến trúc trong xu hướng hội nhập quốc tế

Tôi trở về Việt Nam mở văn phòng thiết kế năm 2016, vừa tìm hiểu và làm nghề. Năm 2019, Luật Kiến trúc được Quốc Hội thông qua, điều này thực sự làm tôi bất ngờ – Tôi tự hỏi sao: Lạ vậy, đến tận bây giờ mới có Luật Kiến trúc ở Việt Nam? Ở Pháp, Luật Kiến trúc (Luật MOP) đã có từ năm 1985. Và mới đây, năm 2020, một loạt các thay đổi về quy định cấp chứng chỉ hành nghề KTS, các quy tắc ứng xử nghề nghiệp cũng như các khóa học phát triển nghề nghiệp liên tục năm 2021… trong hành nghề kiến trúc chuyên nghiệp ở Việt Nam, trong khi ở các nước phát triển họ đã thực hành khá lâu rồi.

Khi còn làm việc ở Pháp, tôi thấy các văn phòng quốc tế đang tìm cách tiếp cận thị trường xây dựng ở các quốc gia Châu Á như Trung Quốc, Singapore, Việt Nam…, nơi đang có một thị trường xây dựng sôi động với nhiều dự án lớn dành cho các KTS. Ở những nước phát triển, việc xây dựng gần như là là rất ít, các công trình xây mới thường quy mô nhỏ, các văn phòng kiến trúc thiết kế một vài tòa chung cư mini khoảng 25 đến 50 căn hộ cao từ 5-7 tầng, chủ yếu là các công trình cải tạo, bảo tồn… Trong khi đó, ở Việt Nam nói riêng hay các nước châu Á nói chung, có rất nhiều dự án chung cư đến hàng nghìn căn hộ, quy hoạch đến cả nghìn ha, giống như thời điểm ở các nước Châu Âu vào những năm 1950-1980 đâu đâu cũng thấy cần cẩu tháp.

Như vậy, để chúng ta thấy rằng KTS Việt Nam trong xu hướng hội nhập quốc tế đang có nhiều cơ hội để thể hiện mình, nhưng hơn bao giờ hết, thách thức thời điểm này được xem là chưa bao giờ lớn đến như vậy, các văn phòng phương Tây với uy tín trên trường quốc tế cùng với kinh nghiệm đồ sộ đang có được nhiều hợp đồng lớn ở Việt Nam. Với hệ thống tổ chức văn phòng khoa học và đã được trải nghiệm trong một thời gian dài, các công ty đến từ các quốc gia phát triển như Nhật, Mỹ, Pháp… thường có được lợi thế hơn hẳn so với các văn phòng kiến trúc ở Việt Nam.

Kiến trúc ngày nay đã có nhiều thay đổi rất lớn, trong đó đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Một công trình đứng trước rất nhiều rủi ro như cháy nổ, thiên tai, hay dịch bệnh – “KTS giờ đây không còn biết gì cả” – KTS Daniel Romeo, chủ nhiệm dự án 18 năm trong văn phòng 2/Portzamparc đã từng chia sẻ với tôi. Thực vậy, ngày nay hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, càng ngày càng dày lên không chỉ trong kiến trúc, mà còn tất cả các bộ môn, chưa kể sự cập nhật, thay đổi hàng năm để có được một công trình giảm thiểu tối đa tất cả các rủi ro trong tương lai càng xa càng tốt – Đúng vậy, chỉ có thể giảm thiểu tối đa và trong một tương lai càng xa càng tốt, chúng ta không thể chắc chắn rằng sự hoàn thiện và tồn tại mãi mãi của một công trình. “Một ngôi nhà bê tông cốt thép cũng có thể chỉ là một thứ tạm bợ, như những gì chúng ta đã thấy trong các trận động đất” – theo KTS Shigeru Ban thì KTS giờ đây không chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu của chủ đầu tư còn phải giải quyết các vấn đề của xã hội và đồng thời phải mang cho nó một tâm hồn để: “Ngay cả một ngôi nhà làm từ giấy cũng có thể trường tồn, nếu người ta yêu mến nó”.

Ngày nay, chúng ta chứng kiến có rất nhiều các văn phòng KTS Quốc tế đang thực hiện vô vàn các dự án to nhỏ với sự phức tạp rất lớn, trong đó họ đã sử dụng đến rất nhiều công nghệ máy tính và tri thức của nhiều chuyên ngành khác mới có thể tìm ra được giải pháp. Thành công của những dự án như vậy đã khẳng định mạnh mẽ về tầm quan trọng của công nghệ trong kiến trúc ngày nay. Chúng ta thấy những công trình của KTS Jean Nouvel qua công trình bảo tàng Louvre Abu Dhabi; hay Christian de Portzamparc với tòa tháp Lyonnais ở Lille; hay Zaha Hadid với Port House ở TP Belgian… Và còn rất rất nhiều các KTS khác nữa với các dự án phức tạp hơn, tinh vi hơn…

Để chúng ta nắm bắt được cơ hội này trong xu hướng hội nhập quốc tế đòi hỏi các KTS Việt Nam luôn luôn học tập để đón nhận, tiếp thu tri thức khoa học. Chúng ta cần phải xây dựng một hệ thống làm việc khoa học ngay từ văn phòng lúc quy mô còn nhỏ chỉ có 1,2 KTS. Và song hành các văn phòng kiến trúc không thể thiếu được các hội đoàn nghề nghiệp cũng như sự tham gia của Bộ Xây dựng.

Bảo tàng Louvre Abu Dhabi -Tọa lạc trên khu vực bán đảo Saadiyat, khánh thành vào ngày 08/11/2017.
Tòa nhà văn phòng Tamedia ở Zurich-KTSShigeru Ban (không dùng đinh và keo)

Khi còn làm việc ở Pháp, tôi thấy rằng, một văn phòng kiến trúc khi được lập ra thì ngoài việc có Luật Kiến trúc (loi MOP) định hướng rõ và chi tiết các công việc của KTS thì có một số các tài liệu văn bản được cung cấp bởi Đoàn KTS Pháp giúp cho hệ thống văn phòng kiến trúc vào “đường ray” một cách dễ dàng như:

  • Thứ nhất là tài liệu về quy chế – nghĩa vụ hành nghề hay còn gọi là quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp… trong đó quy định các quy tắc ứng xử của bản thân KTS khi hành nghề chuyên nghiệp, giữa KTS với khách hàng, KTS với đồng nghiệp, KTS với nghề nghiệp, mối quan hệ với Đoàn KTS và chính quyền. Đồng thời quy định về quy tắc ứng xử trong vấn đề thù lao KTS khi làm việc tự do hay làm thuê trong một công ty. Với các quy chế này, các KTS dù làm thuê, làm chủ, làm tự do, trong nhà nước, hay tư nhân đều có được sự bình đẳng trong hành nghề; đồng thời đảm bảo được quyền lợi (win-win) giữa các bên: Khách hàng, đồng nghiệp, hội đoàn…
  • Thứ hai là văn bản thỏa ước lao động quốc gia của các doanh nghiệp kiến trúc Pháp, các văn phòng kiến trúc lấy làm cơ sở, từ đó có thể xây dựng tiếp các quy tắc nội bộ đảm bảo tuân thủ chúng thỏa ước và có những cái riêng theo văn hóa công ty. Bộ văn bản này giúp cho công ty có được đình hướng cho sự phát triển quy mô của văn phòng kiến trúc từ 1 nhân sự cho đến không giới hạn. Văn bản này được xây dựng dựa trên luật lao động của nhà nước Pháp, đồng thời có nghiên cứu đến tính đặc thù của nghề kiến trúc. Đó là các văn bản với các chủ đề cụ thể như: Luật công đoàn, các điều kiện về vấn đề kí kết hợp đồng, sa thải nhân sự, đặc biệt là làm rõ phân loại nghề nghiệp thù lao KTS, đào tạo thăng tiến, nghỉ phép….
  • Thứ ba là các mẫu hợp đồng, được xem là một trong những văn bản quan trọng mà Hội đồng KTS Pháp đã nghiên cứu cùng các luật sư và các bên liên quan để đảm bảo tính công bằng cho khách hàng và KTS. Các mẫu hợp đồng này được áp dụng cho tất cả các hợp đồng tư vấn thiết kế theo luật định và bắt buộc dù cho chủ đầu tư là công hay tư, ớn hay bé. Mẫu hợp động được chuẩn bị là định dạng pdf, các điều luật được in đen và cố đinh không thay đổi, những chỗ cần thông tin thì được để trống cho các bên điền thông tin nhằm tránh nhầm lẫn cũng như là rút ngắn thời gian cho công việc này. Đi cùng với mẫu hợp đồng thì các mẫu giấy tờ thủ tục pháp lý cũng được biên soạn theo tinh thần như trên, ví dụ như văn bản xin giấy phép xây dựng, xin phá dỡ, xin cải tạo… các văn bản được cung cấp trên trang web của Đoàn KTS Pháp và tải về miễn phí.
  • Thứ tư là các văn bản liên quan đến quản trị tài chính: Phiếu lương, công thức tính hóa đơn theo giờ của các văn phòng kiến trúc. Những văn bản này là những văn bản liên ngành, được sử dụng cho toàn nước Pháp, kiến trúc không ngoại lệ. Trên phiếu lương luôn làm rõ: Trên cùng là tên công ty, mã số thuế, tên nhân viên, và các thông tin liên quan như thời gian làm việc, các khoản thanh toán: lương chính, thường trách nhiệm, thêm giờ…; tiếp đến là các khoản đóng bảo hiểm: Bảo hiểm xã hội, thất nghiệp, y tế…, các khoản hỗ trợ của công ty như đi lại, phiếu ăn; các khoản đóng chi phí học tập liên tục…Cuối cùng là các thông tin tổng hợp cùng các chế độ như ngày nghỉ có lương. Về công thức tính giá bán trung bình của văn phòng theo giờ là công cụ cơ bản để một văn phòng nhỏ bắt đầu thực hiện quản lý dự án, khi sự phát triển quy mô đi kèm với phát triển các công cụ liên quan.

Trên đây là một số văn bản thường được sử dụng khi một văn phòng kiến trúc bắt đầu đi vào hoạt động ở Pháp. Ngoài ra các chương trình đào tạo hành nghề liên tục rồi các văn bản chi tiết, hay các hướng dẫn về việc hành nghề đều được thông tin ở một trang web duy nhất là trang của Đoàn KTS Pháp (https://www.architectes.org/)

Sau 5 năm thực hành và áp dụng các tham khảo cũng như luật pháp Việt Nam thì tôi đã áp dụng vào hệ thống văn phòng của mình một số các vấn đề sau:

1. Hệ thống các nội quy thỏa ước hành nghề, phân loại trình độ rõ ràng.

2. Thiết lập các hoạt động văn hóa văn phòng:

  • Văn hóa đào tạo liên tục trong công ty dưới hình thức tài khoản học tập cá nhân.
  • Văn hóa chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn dưới hình thức ngày thứ 5 chuyên môn.
  • Văn hóa chia sẻ sở thích dưới hình thức ngày thứ 6 hạnh phúc.

3. Các văn bản về chấm công, phiếu lương minh bạch.

Zaha Hadid với Port House ở thành phố Belgian,
Tòa tháp Lyonnais ở Lille

Từ những áp dụng này phần nào đó đã giúp cho tôi có được nhiều thời gian hơn với dự án, nhân sự cũng ít có nhiều biến động lớn, hiện có những người vẫn còn tham gia từ ngày đầu tiên thành lập văn phòng. Và nhiều bạn khi thực tập xong nộp hồ sơ xin vào tiếp tục làm việc tại văn phòng… Với các KTS, được xem là khối kĩ thuật, việc quản lý một văn phòng chỉ với kinh nghiệm nghề nghiệp và các kiến thức học mót, học truyền miệng sẽ vô cùng khó khăn và nhiều sai lầm. Bởi trước hết góc nhìn của chuyên môn khác với góc nhìn của công việc quản lý văn phòng, và kinh nghiệm hành nghề chỉ chạm đến một phần nhỏ chứ chưa có được một góc nhìn toàn diện về hệ thống của một văn phòng hành nghề chuyên nghiệp. Các nước phát triển họ đã nhận thấy vấn đề này rất thấu đáo. Từ lúc bắt đầu thi cấp chứng chỉ hành nghề KTS thì họ đã lồng ghép các chương trình đào tạo về quản trị văn phòng. Sau này, khi các chương trình phát triển hành nghề liên tục lại tiếp tục đào tạo để nâng trình độ, đồng thời với việc ban hành các tài liệu, công cụ được thực hiện bởi các chuyên gia mà bài viết đã nhắc đến, để có thể hỗ trợ gián tiếp cho các KTS được thực sự dành trọn vẹn đam mê cho các dự án kiến trúc vốn dĩ phải cần đầu tư rất nhiều thời gian để có được chất lượng cao nhất.

ThS.KTS Ngô Ngọc Lê
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2022)


Tài liệu tham khảo:

  • Convention collective nationale des entreprise d’architecture du 27 février 2003. (Thỏa ước hành nghề quốc gia các văn phòng kiến trúc Pháp 27/2/2003)
  • Code de déontologie des architectes (quy chế – nghĩa vụ hành nghề)
  • https://www.architectes.org/ (trang web của đoàn kiến trúc sư Pháp)