Mà chả riêng gì tôi, nhiều người cũng không còn thói quen ấy.
Có những điều, có những việc nó không hẳn là cần hay không cần, có quan trọng hay ý nghĩa gì không, đơn giản nó là thói quen – thói quen của mỗi người, thói quen của cuộc sống. Ngày tôi còn bé, vào mùa hè, bố tôi đi làm về hay rủ tôi đi hóng mát, đi bộ loanh quanh khu tập thể gần nhà, rồi tìm một chỗ nào đó thoáng mát ngồi chơi. Ngày đó nhà vừa thưa vừa thấp, người ít nên đi hóng mát là được… mát thật. Để tìm một chỗ ngồi đón gió quả thật là không khó. Ngày ấy làm gì có máy lạnh, quạt máy cũng đâu sẵn, điện đóm thì phập phù khi có khi không. Và những buổi tối mùa hè, sau bữa cơm, người ta cũng rủ nhau đi hóng mát, cả người lớn lẫn trẻ con. Đi hóng mát thú hơn nhiều ngồi trong nhà nóng nực, mà chẳng có gì để giải trí. Với lũ trẻ con đó là một cái cớ để “sổ lồng”, để tụ tập đàn đúm với nhau.
Lại nhớ những ngày hè về quê, tối đến cả nhà trải chiếu ra hè, ra sân đón gió. Gió ở quê trong lành và mát hơn nhiều. Thế nhưng ngồi nhà chưa đã, người ta còn rủ nhau ra đình, ra bờ ao, ra cây đa đầu làng hóng mát. Chuyện trò rôm rả bất tận trong buổi tối mùa hè. Có nhiều khi ngồi hóng mát ở hiên nhà, nằm ngửa ngắm trăng, ngắm bầu trời sao rồi thiu thiu chìm vào giấc ngủ…
Cuộc sống bây giờ tất bật ồn ào hơn. Ở nhà có sẵn nhiều phương tiện hiện đại như quạt điện, điều hoà, và cả tủ lạnh để làm dịu đi cơn nóng. Công việc cũng bận bịu và mệt mỏi – căng thẳng, quỹ thời gian eo hẹp lắm. Ở nhà cũng có đủ các phương tiện nghe nhìn và giải trí. Cuộc sống cũng khép kín hơn, người ta không thích ra ngoài va chạm, tiếp xúc nhiều. Vậy thì làm gì có thời gian và hứng thú đi hóng mát?
Mà nếu còn hứng thú thì đi hóng mát ở đâu? Như tôi chẳng hạn, nếu có một ngày mùa hè đẹp giời nổi hứng đi hóng mát thì cũng chả biết đi đâu. Xung quanh nhà chẳng còn chỗ trống để mà thở. Nhà cửa san sát, hàng quán nhốn nháo, không khí quánh đặc bụi bặm và các loại âm thanh. Nếu quyết tâm lắm chắc phải đi hóng mát xa xa bằng xe máy, mới may ra đón được ngọn gió mát lành. Cái thú, cái thói quen hóng mát biến mất từ khi nào chẳng rõ.
Lâu lâu rồi, đọc báo thấy chính quyền một phường ở Hà Nội sắp khai tử một sân chơi công cộng để sân chợ hay siêu thị gì đó, gặp phải phản ứng quyết liệt của người dân, thấy buồn và bức xúc. Người ta cứ cố tình lấy đi nốt những khoảng trống cuối cùng, những quyền lợi chính đáng nhỏ nhoi nhất của người dân – là dạo chơi và hóng mát. Rồi người ta lại cắt cả đất công viên lớn nhất thủ đô để xây khách sạn. Những không gian công cộng cứ thu hẹp dần, hẹp dần. Lúc nào, ở đâu cũng thấy dự án văn phòng, siêu thị…
Hóng mát thích nhất là ở hồ, chắc rằng như thế. Hồ rộng thì dễ có gió hơn bởi không bị ngăn bởi những toà nhà, không khí ở hồ có hơi nước cũng mát hơn. Không gian hồ thoáng đãng dễ làm người ta có cảm giác nhẹ nhàng, thư thái hơn. Nhưng có phải chỗ nào cũng có hồ, nhà ai cũng gần hồ đâu nhỉ! Mà hình như những cái hồ Hà Nội cũng đang bị chèn ép dần dần bởi những toà cao ốc vây quanh, những nhà hàng gặm nhấm, xâm lấn tứ bề. Nhưng trong những nỗi buồn cũng lại có niềm vui nho nhỏ. Sau rất nhiều nỗ lực, khu vực đẹp nhất ở Hồ Tây là bờ hồ phía đường Thanh Niên đã đuợc giải toả khỏi sự “áp bức” của những bến thuyền, nhà nổi – trả lại một không gian đẹp. Và hiển nhiên nguời dân có thể hóng mát – đón gió hồ dễ dàng hơn.
Hóng mát
Nghĩ đi nghĩ lại thì vẫn thấy rằng tìm chỗ hóng mát khó thế, khổ thế! Ở thành phố đông đúc và chật chội, mấy nhà có sân, có hiên mà hóng mát, ra ngoài thì cũng vậy, những khoảng trống, những khoảng xanh nhỏ bé cứ biến mất từng ngày. Tất cả dồn lên mấy cái hồ, tưởng lớn mà cũng thành nhỏ bé. Thôi thì nếu đã muốn hóng mát cố tìm lấy một chỗ, chẳng nhất thiết phải là hồ hay phải có cây. Ra sông cũng mát chứ sao, dù đi hơi xa một chút. Hoặc… chui vô quán nào thoáng thoáng cũng được. Bí quá thì ra vỉa hè vậy, hy vọng có ngọn gió nào lạc qua đây!
Có những ngày hè nóng như đổ lửa, người ta hóng mát bằng cách ngồi lên xe máy và phóng đi – Đi đâu cũng được, miễn là đừng dừng lại…
Hà Nội 10/08/2017,
Bài và ảnh: Hà Thành
© Tạp chí Kiến trúc
Trong cuộc sống hiện đại, vai trò của kiến trúc và Kiến trúc sư không chỉ dừng lại ở việc thiết kế, sáng tạo những không gian chất lượng mà còn có vai trò kết nối con người với thiên nhiên, con người với không gian (thực và ảo), và con người với con người.
Kể từ Tháng 08/2017, Tạp chí Kiến trúc mở chuyên mục “Nhà ở“ hướng đến việc giới thiệu những sáng tác mới của các KTS; Truyền tải những mong muốn, kỳ vọng của xã hội đối với kiến trúc cũng như KTS đồng thời Kết nối KTS – Chủ đầu tư và các đơn vị thiết kế cũng như doanh nghiệp cung cấp vật liệu – công nghệ mới và góp phần định hướng thẩm mỹ kiến trúc cho đông đảo người dân; góp phần nâng cao vai trò xã hội của giới KTS. Tất cả các đối tượng quan tâm đều có thể tham gia chuyên mục “Nhà ở” thông qua đa dạng các hình thức như:
- Những bài viết thể hiện những mong muốn, kỳ vọng của người dân về “nơi chốn”, không gian ưa thích – mơ ước: Có thể là nhà ở hoặc không gian công cộng (phố phường, chợ, trung tâm thương mại, công viên, vườn hoa….);
- Bài viết, hình ảnh, tranh vẽ, clip về không gian và sự đan xen, kết nối giữa cuộc sống con người – thiên nhiên và kiến trúc;
- Những thiết kế mới của KTS trẻ thể hiện sự sáng tạo và những công nghệ – vật liệu mới; Xu hướng mới về Nhà ở
- Kiến trúc gắn với phong cách, văn hóa sống hiện đại;
Tác phẩm tham gia chuyên mục “Nhà ở“ xin gửi đến email: info@tckt.vnhoặc tòa soạn Tạp chí Kiến trúc tại: 40 Tăng Bạt Hổ, P. Phạm Đình Hổ, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội. (ĐT: 024 3934 0262)