Kiến trúc nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, Thành Phố Huế

Thánh đường Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (hay còn gọi là nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế) là một trong những công trình kiến trúc đồ sộ mang phong cách Á Đông ở trung tâm TP Huế. Công trình do KTS Nguyễn Mỹ Lộc thiết kế được khởi công xây dựng tháng 01/1959 và khánh thành tháng 08/1962. Đây là công trình đầu tiên mang nét kiến trúc cộng sinh Đông – Tây với bố cục hợp lý, kết hợp sử dụng kết cấu hiện đại phương Tây và các yếu tố truyền thống phương Đông.

1. Lịch sử về sự hình thành và phát triển

Ban đầu, giáo xứ có một nhà nguyện nhỏ, tọa lạc phía sau nhà thờ hiện tại. Nguyện đường này được khởi công xây dựng vào ngày 13/01/1933 và được sử dụng dùng làm nhà thờ. Năm 1954, Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được thành lập và cần có một nhà thờ to và khang trang hơn để phục vụ giáo dân. Chính vì vậy, tháng 01/1959, nhà thờ được khởi công xây dựng trên dải đất hình tam giác nằm cạnh Nhà Dòng, giữa hai con đường Nguyễn Huệ và Nguyễn Khuyến. Sau 3 năm, nhà thờ khánh thành vào tháng 8/1962 theo bản vẽ thiết kế của KTS. Nguyễn Mỹ Lộc. Việc thi công nhà thờ do tu sĩ Bùi Văn Khắc, Dòng Chúa Cứu Thế đảm nhận với sự hợp tác của 150 tay thợ. Tổng kinh phí xây dựng được tính vào thời bấy giờ là 47 triệu đồng (tương đương với 15667 lượng vàng tính theo tỷ giá thời bấy giờ) [8, tr. 129)].

Vị trí nhà thờ

Đến nay, nhà thờ đã trải qua vài đợt trùng tu, sơn sửa. Lần sửa chữa đầu tiên ngay sau sự kiện Mậu Thân 1986 khi nhà thờ bị bom đạn bắn trúng và hư hại khá nhiều. Năm 1997, tường rào bao quanh Tu Viện và nhà thờ được xây dựng. Đến năm 1999, thánh đường được sơn lại mới. Vào năm 2013, nhà thờ đã được lợp lại toàn bộ ngói và hoàn thành sau gần 4 tháng thi công, với nhân lực hoàn toàn là những người trong giáo xứ, với sự tư vấn và trợ giúp của công ty xây dựng công trình công nghiệp Quốc Thái An.

2. Kiến trúc Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế

.Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế là một trong những điển hình cho sự kết hợp hài hoà, đặc sắc giữa nghệ thuật kiến trúc phương Đông và phương Tây trong thiết kế, dựa trên việc tuân thủ những quy tắc của một nhà thờ Công giáo La Mã nhưng vẫn mang nhiều nét kiến trúc truyền thống Việt Nam. Nhìn tổng thể kiến trúc nhà thờ, ta có thể cảm nhận đây là một quần thể kiến trúc vừa thanh vừa trầm, vừa sáng thoáng vừa cổ kính, vừa rất Tây phương lại cũng rất Đông phương.

2.1. Mặt bằng tổng thể

Tọa lạc trên khu đất hình tam giác có đỉnh là giao giữa hai đường Nguyễn Huệ và Nguyễn Khuyến, Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế nằm sâu trong bờ Nam của TP, dựa vào quy hoạch sẵn có của tuyến phố Tây của Pháp trước đây (hình 1). Có thể thấy vị trí của nhà thờ được đặt nằm ở trung tâm một khu vực dân cư cũng như vị trí của một ngôi đình làng ở Việt Nam, để dễ dàng thuận tiện cho việc tham dự thánh lễ cũng như tổ chức các sinh hoạt cộng đồng của các tín hữu.

Nhà thờ nhìn về hướng Đông, theo dạng thánh thất Basilica với mặt bằng hình chữ thập Latinh, gồm một gian lớn chính giữa, hai hành lang cánh, và hậu cung hình bán nguyệt, phía trên có gác đàn, nổi bật ở giữa một tháp chuông cao vút. Mặt bằng kiến trúc chính sâu 70m, bề ngang từ 15-37m, dài 72m và sức chứa hơn 1000 người. Phía trước có tượng Chúa, toàn bộ sân được đổ nhựa. Phía sau, bên trái là hang Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng được trang trí khá giản dị và hài hoà.

2.2. Mặt bằng và nội thất nhà thờ

Mặt bằng nhà thờ

Nhà thờ có kích thước tổng chiều dài và chiều rộng là 78x52m. Các không gian trong nhà thờ từ mặt chính vào lần lượt là hiên đôn, tiền sảnh, gian chính, cung thánh và phòng thay áo phía sau cùng.

Nội thất thánh đường tuy đơn giản, nhưng lại tạo sự uy nghiêm với cấu trúc mái vòm cao lồng lộng không có cột và luôn được chiếu sáng bởi hệ thống những tấm kính màu cỡ lớn trên các mảng tường. Vòm nhà thờ cao rộng bởi sử dụng kĩ thuật cột chống cung nhọn theo phong cách kiến trúc Gothic. Hệ thống cửa sổ dày đặc với hệ khung gương kéo lên tận vòm mái với nhiều màu sắc khác nhau. Hệ thống này tách khỏi chặng Đàng Thánh Giá bên dưới bằng một hình Thánh Giá cách điệu, thông với phần mái bên ngoài và có hình thức tháp nhọn đem lại cảm giác hướng thượng, phù hợp với các cung nhọn hai bên. Qua những khung kính lớn sắc màu, hệ thống cửa trên mảng tường và những ô thông gió với những họa tiết đơn giản nhằm phá vỡ cấu trúc nặng nề của những mảng tường giúp không gian thánh đường luôn ngập tràn ánh sáng lung linh, huyền ảo, tạo sự nhẹ nhàng, duyên dáng cho toàn bộ công trình.

Lòng nhà thờ có bảy gian chính, ngăn cách bởi các cột trụ, giữa mỗi gian bố trí hệ thống cửa gỗ lớn, bên trên là các bức tranh tượng được điêu khắc tỉ mỉ, gồm 14 bức tượng trưng cho 14 chặng Đàng Thánh Giá của Chúa. Ngoài ra còn có mười hai hình Thánh Giá được chạm trên mười hai tấm cẩm thạch rất đẹp, gắn trên mười hai cột trụ (mười trụ dưới gian chính và hai trụ đầu của gian cung thánh), tượng trưng cho mười hai thánh Tông đồ. Dưới mỗi Thánh Giá có một đèn chầu.

Màu xanh nước biển cũng là màu tượng trưng cho Đức Mẹ, nên thánh đường này đã sử dụng tông màu xanh và trắng là chủ đạo, tuy đơn giản nhưng tạo cảm giác êm dịu, thanh bình, nhẹ nhàng như chính tấm lòng nhân từ, bao dung của Mẹ Maria.

Hai bên nhà thờ có hai hiên rộng 4m có thể làm lối rước kiệu khi thời tiết xấu. Hành lang hai bên dài 26m, rộng 4,2m thoáng đạt. Kiến trúc đặc biệt của nhà thờ là cửa rộng và không có vách. Phần hiên của thánh đường được thiết kế rất rộng, khi đông người dự lễ có thể mở rộng cửa. Vì thế người ở ngoài hiên vẫn có cảm giác như đang trong thánh đường. Ngoài ra, trong thánh đường còn có trống, chiêng đậm tính Á Đông, thường được sử dụng trong những dịp lễ đặc biệt. Nhà thờ còn có gác đàn với lối đi lên ở hai bên hiên trước để dành cho ca đoàn, tuy nhiên, vì bất tiện cho việc lên bục đọc sách thánh nên hiện tại không còn được sử dụng.

Cung thánh với hậu cung có hình bán nguyệt, gần và giáp cung thánh, các đường cong uốn lên, mềm mại và chụm lại với nhau, gợi người xem những bàn tay đang chắp lại đọc kinh, trong một tư thế tĩnh lặng như không bao giờ biết mệt mỏi, cứ giơ cao và khép lại nguyện cầu.

Bên cạnh đó, để khai thác hiệu quả ánh nắng mặt trời của hai hướng Đông và Tây, các nhà thiết kế đã cho lắp nhiều loại kính màu xanh, đỏ vào các cửa vòm Gothic tạo nên vẻ rực rỡ nhưng vẫn không kém phần uy nghi cho khu vực cung thánh. Sự phối hợp hài hòa về màu sắc của hệ thống kính màu gợi sự liên tưởng đến hệ ngũ sắc truyền thống được sử dụng trong ô hộc pháp lam và những trang trí thường gặp ở các công trình cung điện đền đài trong kinh thành Huế, đồng thời sử dụng rộng rãi hoa bê tông trang trí. Sự kết hợp này đem lại hiệu quả về tính thực dụng lấy sáng, che mưa, che nắng, đồng thời mang tính thẩm mỹ rất cao, cả trong nội thất lẫn ngoại thất

Giữa cung thánh có đặt bàn thờ chính bằng đá cẩm thạch lấy tại Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), mặt bàn thờ là một khối đá nguyên (dài 3,6m; rộng 1,2m; dầy 0,2m), phía trước có khắc bức họa “Bữa tiệc ly” nổi tiếng. Cạnh đó có 2 bàn thờ nhỏ thờ Đức Mẹ và Thánh Giuse cũng làm bằng loại đá quý này. Phía sau cung thánh là hệ thống gương màu rực rỡ. Vào buổi chiều, khi nắng phía Tây chiếu vàothờ, những mảng gương hiện lên một màu chói chang, nóng bức. Cây Thánh Giá nằm trong một vũng sáng đến chói mắt, thật gợi hình và xúc cảm, đưa người nhìn vào bối cảnh lịch sử có thật của chiều Thứ Sáu, chiều mà con Thiên Chúa bị hiểu lầm và kết án đóng đinh vào cây Thập giá.

Kiến trúc của thánh đường đã tạo nên một hiệu ứng ánh sáng tuyệt vời trong nội thất, cho một cảm giác tĩnh lặng, thánh thiện và trang nghiêm. Ánh sáng huyền ảo cũng làm các chi tiết kiến trúc, nội thất bên trong thánh đường nổi bật và đẹp hơn. Tất cả đã tạo nên một cảnh sắc tuyệt đẹp và nhẹ nhàng, làm dịu đi bầu không khí trang nghiêm vốn có thường thấy ở những nơi thờ phụng.

2.3. Mặt đứng nhà

Mặt đứng nhà thờ có tính đối xứng, khá đồ sộ, bề thế theo ý tưởng thiết kế “muốn có một Thánh Đường bên ngoài đồ sộ như một thành trì trên núi” [8, tr. 129] nhưng vẫn mềm mại uyển chuyển nhờ sự khéo léo lồng ghép những chi tiết, yếu tố truyền thống phương Đông. Để khai thác hiệu quả ánh nắng mặt trời của hai hướng Đông và Tây, nhà thiết kế đã cho lắp loại kính viền vàng bao bọc nền xanh vào các cửa vòm ở mặt tiền đường của nhà thờ. Xung quanh mảng gương màu là một xâu chuỗi nhiều hạt, rải đều, như nhắc nhở mọi tín hữu, con cái Mẹ Hằng Cứu Giúp siêng năng lần hạt mân côi. Ở chính giữa mảng gương được treo một cây Thánh Giá làm bằng thép. Bên trên mảng gương là một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ khá lớn (tuy nhiên đồng hồ này hiện không còn hoạt động) và trên cùng là một tượng thánh khá lớn.

Mặt đứng chính nhà thờ

Yếu tố phương Đông được thể hiện qua những đường nét cách điệu của những cuốn góc giả dán ngói âm dương ở các bậc nhảy 2 bên mặt đứng khiến ta liên tưởng đến hình ảnh của các mái đình làng quê, hay những nét đầu mái ngói uốn lượn kiểu đầu rồng Đông phương trên các chùa chiền hay cung điện vua chúa, vừa mềm mại nhưng khỏe khoắn. Bên cạnh đó, chi tiết mái đắp vữa giả ngói âm dương của Huế được sử dụng trên các bậc nhảy lên tới đỉnh nhà thờ tạo cảm giác gần gũi, quen thuộc. Tất cả làm nên một tổng thể vừa đồ sộ, vừa thanh tao, vừa góc cạnh, mềm mại trong chi tiết, đơn giản trong các hoa văn, thể hiện sự tài tình trong việc kết hợp hài hòa giữa các yếu tố kiến trúc Tây phương và Đông phương.

Mặt bên nhà thờ cũng có hình thức giống mặt đứng chính nhưng nhỏ hơn. Mỗi cánh nhà thờ là sự kết hợp kiến trúc Đông – Tây hài hòa và xinh xắn. Những tháp nhỏ kiểu Gothic nằm thành từng cụm, gần gũi khắng khít với những hàng cột thanh mảnh chống hai bên mỗi đầu tháp như những hàng cột hiên của những ngôi nhà truyền thống Việt Nam. Dưới những tháp nhỏ là khuôn kính màu cao vút thanh nhã thoát tục với các ô cửa hình tam giác có màu sắc nổi bật, làm thành một quần thể kiến trúc, càng nhìn càng thấy hài hòa, cuốn hút vào nét đẹp của nó. Dưới tầng mái cuối cùng của hàng hiên là những ô cửa đá hình vòm cung kiểu Romance mạnh mẽ và huyền bí. Phía đầu nhà thờ, cũng với lối kiến trúc tháp lớn nhỏ dựa sát vai nhau gần gũi mà thanh thoát, nối hai cánh tả hữu là kiến trúc bán nguyệt ăn khớp với hai cánh.

Hệ thống mái tầng tầng lớp lớp với độ xuôi rất lớn cùng các mái nhỏ hai bên cánh, trên các lớp tường giật cấp và những mái ngói xô lệch, mái chồng mái rất Á Đông. Phía đầu nhà thờ, cũng với lối kiến trúc tháp lớn nhỏ dựa sát vai nhau gần gũi mà thanh thoát ấy, nối hai cánh tả hữu là kiến trúc bán nguyệt ăn khớp với hai cánh. Ngoài ra còn rất nhiều lớp mái phụ che nắng và chống mưa hắt cho các lối vào, các cửa thông gió lấy sáng, thậm chí còn có những lớp mái nhỏ chỉ mang tính chất trang trí đơn thuần.

Ở trung tâm nhà thờ là một ngọn tháp ba tầng mái giật cấp hình bát giác được điều khiển bằng điện, với ngọn tháp cao vút vươn thẳng lên trời ở độ cao 53m. Mái tháp xoè rộng trên các tầng tháp nằm chồng nhau gần gũi như kiểu ngọn tháp thường thấy ở chùa truyền thống Việt Nam, nhưng lại kèm theo một chóp tháp cao vút theo kiểu kiến trúc Gothic. Ngọn tháp này được làm hoàn toàn bằng khung sắt và có cấu trúc tách rời với nhà thờ kiên cố bên dưới, được chính công ty Eiffel thiết kế và thi công. Trên đỉnh chóp nhọn có gắn cây Thánh Giá bằng thép phản chiếu lấp lánh ánh mặt trời, sáng bền với thời gian, vươn thẳng lên cao, như là dấu chỉ cho mọi người dù ở xa nhưng vẫn nhận biết được vị trí của nhà thờ, kết hợp với phần thân lợp ngói có mái, có thể thấy đây thể hiện sự kết hợp một cách khéo léo, hài hòa giữa nghệ thuật kiến trúc phương Tây và phương Đông. Bên ngoài các tầng của tháp chuông được trang trí bởi những ô thông gió với những hình kỉ hà (hình chữ thập, hình tròn, tam giác,…). Ngoài ra còn có những ô hoa gió với họa tiết hoa lá thường thấy trong các cung điện, chùa chiền Việt Nam. Nếu đứng trên tầng 3 của tháp chuông ta có thể quan sát được toàn cảnh TP Huế, với núi Ngự sông Hương tạo cho xứ Huế một phong cảnh thật nên thơ và hữu tình.

2.4. Kết cấu nhà thờ

Nhà thờ được xây bằng bê tông cốt thép, mái lợp ngói đất nung, các đòn tay và rui ở mái bằng gỗ, với tháp chuông bát giác bằng thép chữ I do hãng Eiffel lãnh thầu (hình 8, 9). Mặt bằng nhà thờ kiểu chữ thập Latinh. Nhịp giữa rất lớn tạo bởi hệ cột chịu lực chạy thẳng lên đỉnh vòm nâng đỡ hệ mái, vì vậy tạo ra một không gian rộng lớn giữa lòng nhà thờ, hai hành lang hai bên dài 26m, rộng 4,2m được che bởi hệ mái thấp hơn. Nhìn chung, kết cấu nhà thờ được xây dựng theo kỹ thuật hiện đại, nhưng trang trí thì vẫn theo nghệ thuật cổ điển Tây phương. Các trụ đỡ mái được đúc sát vào hai chân tường trong của nhà thờ, uốn dần ra phía trước theo hình thức cung gãy của kiến trúc Gothic, rồi nối lại với nhau từng cặp bằng một đường cong trên đỉnh, tạo ra các khe hở giữa mỗi trục nhà thờ.

Vật liệu xây dựng chủ yếu là vật liệu địa phương như sắt thép được mang về từ Đà Nẵng, đá xanh được khai thác từ mỏ đá Nhà Dòng dưới Thừa Lưu, cát được mang về từ Cù Bi (sông An Lỗ bây giờ). Ngoài ra, chiếc Thánh giá gắn ở trước tiền đường, 2 bên cánh và trên đỉnh chóp của nhà thờ được làm hoàn toàn bằng thép từ xác máy bay, lấy trên núi Bạch Mã. Tuy nhiên, toàn bộ ngói của nhà thờ được nhập hoàn toàn từ Pháp.

Tháp bát giác có 3 tầng và một chóp, với kết cấu bằng khung sắt. Ở bên trong tháp có 4 quả chuông (nặng 1,5 tấn) được điều khiển bằng điện và có hệ thống tự động được sản xuất và vận chuyển từ bên Pháp về. Ngoài ra, trước đây nhà thờ còn có hệ thống điện ngầm kết nối với đồng hồ, cây đàn dương cầm bên dưới, và các chuông bên trên mỗi khi chuông nhà thờ điểm đúng 12h, thì đàn dương cầm sẽ tự động vang lên bài hát thánh ca rồi hệ thống điện ngầm bên dưới sẽ truyền lên tháp chuông làm các chuông vang lên báo hiệu đúng 12h. Tuy nhiên hiện nay toàn bộ hệ thống điện, cây đàn vĩ cầm, cũng như bộ máy đồng hồ từ Thụy Sĩ đã không còn hoạt động, ngoại trừ hệ thống chuông được điều khiển bằng điện là còn hoạt động.

3. Kết luận

Ngày nay, nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế không chỉ là trung tâm hoạt động Công giáo tại Huế và các vùng lân cận, mà đây đã trở thành chốn dừng chân lý tưởng của nhiều du khách thập phương đến tham quan. Có thể nói nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế là một trong những di sản, công trình nghệ thuật ghi dấu sự giao lưu văn hoá Đông – Tây về quy hoạch, kết cấu kiến trúc, đặc trưng phong cách, vật liệu kiến trúc và đặc biệt là kỹ thuật xây dựng trong một giai đoạn lịch sử quan trọng của đô thị di sản Huế.

Tài liệu tham khảo
[1] Hồ Hải Nam (2016), Kiến trúc Đông Dương ở Huế, Tạp chí Kiến trúc số 03-2016.
[2] Lê Thanh Sơn (1990), Kiến trúc & Hiện tượng cộng sinh văn hóa, T.P Hồ Chí Minh
[3] Nguyễn Hồng Dương (2013), Nhà thờ Công giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội.
[4] Nguyễn Nghị và các cộng sự (2004), Nhà thờ Công giáo ở Việt Nam, Nxb tổng hợp TP. HCM
[5] Nguyễn Ngọc Tùng, Nguyễn Thị Minh Xuân, Lê Ngọc Vân Anh (2017), Đặc điểm kiến trúc Pháp tại Huế. Tạp chí Huế xưa & nay, Số 142 (7-8/2017), tr. 53-57. ISSN: 1859-2163.
[6] Phạm Đình Ái (2017), Ba kiểu mẫu kiến trúc nhà thờ Công giáo trong lịch sử, Báo Công giáo và dân tộc, Web: http://www.cgvdt.vn/cong-giao-viet-nam/ba-kieu-mau-kien-truc-nha-tho-trong-lich-su_a5384 (truy cập 22/02/2019).
[7] Steven J.Schloeder (2015), Kiến trúc nhà thờ Công giáo theo tinh thần Cộng đồng Vanticanoo II, Nxb Tôn giáo
[8] Tổng giáo phận Huế (2001), Lược sử giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Lược sử các giáo xứ, quyển 1, tr. 127-130. Lưu hành nội bộ.
[9] Trần Thái Hiệp (1972), Cách sắp đặt và bài trí Thánh Đường, Phụng vụ, số 8 tháng 2-1972.
[10] Trần Thiện (1970), Nghệ thuật kiến trúc công giáo, Nhà Chúa, Số 17.

KTS. Trần Đình Diễm Thi  – TS. KTS. Nguyễn Ngọc Tùng
Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2019)