Ký ức thời gian – Nhân dịp Đại hội IX Hội Kiến trúc sư Việt Nam 2015

Trở lại thời điểm Đại hội lần thứ III Hội KTS Việt Nam – bị ngắt quãng 1 thời gian khá dài từ đại hội II, phần do chiến tranh triền miên (đất nước không xây dựng được gì nhiều mà trái lại còn bị tàn phá nặng nề), phần do lực lượng KTS nước ta bấy giờ còn quá mỏng, lớp đi trước được đào tạo chủ yếu ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương có mấy mươi người. Thập kỷ 60 của thế kỷ trước thực sự bắt đầu sản sinh “thế hệ KTS thứ 2”, họ được đào tạo từ nước ngoài (mà chủ yếu ở Liên Xô, Trung Quốc), và lớp KTS các khóa đầu (do ta tự tổ chức) lần lượt ra trường. Cũng từ đó, các cơ quan từ TƯ đến địa phương lần lượt hình thành, phát triển và được bổ sung KTS. Tiếp đến, sau ngày thống nhất (1975) lực lượng này được hoàn thiện trong 1 hệ thống chung cả nước. KTS bắt đầu được xã hội biết đến và vai trò của họ ngày càng rõ trong sự nghiệp phát triển kiến trúc đất nước.

ngay KT1
Đoàn Chủ tịch Đại hội – Đại hội KTS Việt Nam tháng 4-2010

Trải qua 20 năm hoạt động thực tiễn, lớp đầu của thế hệ thứ 2 này đã dần trưởng thành, đóng góp thành quả đáng kể về mọi mặt cho đất nước, cho ngành, và được ghi nhận. Sự tin cậy của xã hội đã tác động làm tăng sự tin cậy trong giới, giữa lớp người đi trước với lớp trẻ kế tục.

Năm 1983, đại hội KTS Việt Nam lần thứ III được tiến hành, trong bối cảnh đông đảo về số lượng, đồng đều về chất lượng, hòa đồng trong sự thống nhất, hồ hởi phấn khích trong một mục tiêu chung là “Xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Cũng vì vậy mà Đại hội III là một đầu mối đáng nhớ: Ban chấp hành có số lượng đông và trẻ, bắt đầu có đại diện ở nhiều cơ sở địa phương, có nữ KTS, cơ cấu tổ chức có Chủ tịch Hội, Tổng thư ký và Ban thư ký điều hành, Ban Cố vấn… thích ứng sự chuyển giao trong hoạt động Hội. Sự tinh tế của tổ chức, bình đẳng của thế hệ trước, sự khiêm nhường của thế hệ sau, đã gắn bó với nhau thân thiết như trong một gia đình dưới mái nhà chung. Đó là thời kỳ ghi dấu ấn khó khăn gian khổ trong cuộc sống cũng như trong nghề, hạnh phúc và vui vẻ, hoạt động Hội sôi nổi, tự nguyện đầy nhiệt huyết, lồng ghép một cách vô tư giữa nghề và nghiệp, giữa công việc với con người.

Thấm thoát đã 30 năm, qua 6 kỳ đại hội, thời thế thay đổi, đất nước phát triển, đội ngũ KTS đã phát triển lên đến con số sáu chục ngàn, thành quả kiến trúc phủ khắp mọi vùng miền. Điều kiện làm nghề có nhiều lợi thế, từ ý thức xã hội, điều kiện đầu tư, kỹ thuật công nghệ tiên tiến… đến khả năng thông tin giao lưu hội nhập rộng rãi, kiến thức và kỹ năng hoàn thiện nâng cao, thành quả kiến trúc chất lượng và giá trị hơn…

Với sự tin cậy của nhà nước và xã hội nói chung, vai trò của giới KTS được ghi nhận, họ đã và đang kế tục sự nghiệp của lớp người đi trước.

Hoạt động Hội cũng có nhiều yếu tố tích cực hơn trong điều kiện nhà nước quan tâm, môi trường hội nhập, quan hệ quốc tế và khu vực gắn bó hơn.

Đại hội IX sẽ đề ra những đột phá gì để thích ứng, không chỉ trong hoạt động nghệ thuật mà cả trong hoạt động Hội giai đoạn hội nhập. Biết rằng trong thuận lợi của giai đoạn tới cũng không ít thử thách, đặc biệt trong bối cảnh thị trường cạnh tranh, phải lo bươn trải, trong sự phát triển lúc lên xuống của nền kinh tế, của lĩnh vực kiến trúc xây dựng đất nước…

Hoạt động Hội của thế hệ trẻ sẽ ra sao để sự nghiệp kiến trúc vẫn đáng tự hào, “gia đình” KTS vẫn đầm ấm dưới mái nhà chung có nhiều thế hệ, cái tên KTS được xã hội tôn trọng như giá trị của nó? Điều này phụ thuộc vào sự chung tay của thế hệ KTS trẻ, sự dìu dắt của các thế hệ KTS lão thành.

Chúng ta hy vọng vào sự phát triển của kiến trúc Việt trong tương lai với vai trò không nhỏ của Hội KTS Việt Nam – “Mái nhà chung” của giới nghề.

Đoàn Chủ tịch Đại hội – Đại hội KTS Việt Nam tháng 4-2010
TCKT số 03/2015