Một vài suy nghĩ về giá trị bản địa trong kiến trúc đương đại

Đền thờ Hy Lạp – ở Agrigento ở Italia

1.

SỰ THẬT LUÔN LÀ SỰ THẬT

Nhà thờ Lớn của người thiên chúa giáo Laon – Pháp

Thế kỷ 20, với những biến động lớn xuất hiện bởi sự phát triển của xã hội công nghiệp, một thế kỷ của quốc tế hóa theo thời gian, một thế kỷ với những ước mơ “con người toàn cầu” không biên giới.
Phong trào “hiện đại hóa”, hay các trào lưu thiết kế kiến trúc hiện đại đã thể hiện một mong muốn của con người muốn xây dựng một thế giới không có “hàng rào”, một thế giới “của sự thật, kiến thức, thực hành phổ cập”…
Thực sự có thể nói, trong bất kỳ đô thị nào trên thế giới rộng lớn đều thấy có xuất hiện những mô hình kiến trúc đơn điệu và lặp đi lặp lại ở khắp mọi nơi: Các tòa nhà chung cư, các tòa nhà văn phòng, thậm chí là các đơn vị ở…
Tuy nhiên việc tạo ra những kiểu hình kiến trúc thống nhất này đã sớm tạo ra những lo lắng cho nhiều người: Một thực tế là tất cả con người chúng ta đều không muốn ở trong những ngôi nhà hoàn toàn giống nhau, thậm chí là cùng màu sắc.
Chúng ta biết một câu nói rất nổi tiếng của Stalin với Le Corbusier, người đã trình bày dự án của mình cho Soviet với những hình thức kiến trúc giống nhau và “quốc tế hóa”: “Tôi không phải là một KTS, tôi không thể đánh giá hết về kiến trúc… nhưng tôi biết rằng người dân Nga không đánh giá cao điều đó”.

Quan điểm về đô thị của Le Corbusier

2.

“CHÚNG TA ĐÃ PHÁ BỎ RẤT NHIỀU CÔNG TRÌNH MÀ CHÚNG TA KHÔNG THỂ TÌM THẤY Ở NƠI NÀO KHÁC, ĐỂ XÂY VÀO ĐÓ NHỮNG CÔNG TRÌNH MÀ CHÚNG TA CÓ THỂ THẤY Ở BẤT CỨ NƠI ĐÂU”phát ngôn rất nổi tiếng của Hoàng đế La Mã Charle QUINT (1500-1558)

Thực tế cho thấy, lịch sử đã để lại rất nhiều những ví dụ minh chứng cho luận điểm này. Có rất nhiều lý do dẫn đến các công trình kiến trúc mang đậm tính bản địa bị phá hủy bởi việc giành ngôi vị giữa các triều đại thời phong kiến, hay các cuộc cách mạng, hay thậm chí là các quan điểm triết học khác nhau qua những thời kỳ – Bao gồm cả sự thay đổi trong nhận thức của con người với thế giới.

Vì thế mà các công trình kiến trúc qua các triều đại phong kiến tại Việt Nam hầu như không còn nữa, có chăng cũng chỉ là những tàn tích của lịch sử.

Nhà thờ của người Hồi giáo và Thiên chúa giáo ở Cordoba – Tây Ban Nha

Vậy còn những nhà thờ, hay những công trình từ thời La Mã vẫn còn tồn tại ở một số nước châu Âu? Người Pháp không phá những nhà thờ Gothique bởi tại thời điểm đó họ không biết phải làm thế nào để phá chúng, và cũng không có bất cứ chứng cứ nào cho việc xác định lưu giữ lại các công trình đó.

Nhưng quả thực, các công trình kiến trúc trong quá khứ có một tầm ảnh hưởng vô cùng lớn cho bây giờ và cả mai sau. Chính những công trình kiến trúc đó tạo ra các giá trị văn hóa lịch sử rất quan trọng cho mỗi vùng miền. Kiến trúc cũng như âm nhạc, có thể tạo ra những giá trị văn hóa trong mỗi xã hội – một văn hóa có thể sẻ chia.

Nếu thiếu đi các công trình kiến trúc trong quá khứ, chúng ta thấy ngay như các xã hội đó đang thiếu đi nguồn cội, thiếu đi cái gốc của nền văn hóa đó. Thực tế cho thấy các nền văn minh lớn trên thế giới (Incas, Mayas, Mongoles, Ottomanes, Européennes) luôn tự hào với các hình ảnh công trình kiến trúc rất riêng của mỗi nền văn minh đó.

3.

KIẾN TRÚC BẢN ĐỊA HAY KIẾN TRÚC TOÀN CẦU?

Một câu hỏi đặt ra không đúng, thì câu trả lời không bao giờ đúng….
Một cách hiểu đơn giản: Để có một kiến trúc tốt chính là việc tạo ra những không gian để giúp cho con người có cuộc sống hài hòa nhất với thiên nhiên, với môi trường xung quanh và với thế giới của họ.

Kiến trúc là siêu hình: Nó kết nối con người, xã hội loài người, với thế giới. Kiến trúc được cấu thành bởi những vật liệu trơ, tuy nhiên công trình kiến trúc có ý nghĩa và giá trị nhiều hơn là một tòa nhà hoặc một chức năng nào đó nhất định: Kiến trúc vượt qua chức năng của nó để truyền tải một cảm xúc phục vụ cho mức độ ẩn dụ nhất trong ý thức con người – Kiến trúc là một nghệ thuật.

Kiến trúc luôn được định vị, nó kết nối trái đất với bầu trời, có nghĩa là nó sử dụng một cách hài hòa với những cao độ của đường đồng mức, nó sử dụng và tận dụng hợp lý các diện tích mặt nước, nó đưa ra các giải pháp hữu ích với khí hậu và môi trường tự nhiên.

Chính vì vậy, kiến trúc một công trình hay một thành phố, phải hài hòa với vị trí địa lý mà công trình đó được xây dựng, phải đáp ứng các điều kiện khí hậu tự nhiên của khu vực. Điều đó đòi hỏi các công trình kiến trúc, dù là địa phương hay toàn cầu đều có những hình ảnh rất khác nhau.

Những ví dụ cụ thể mà chúng ta có thể nêu ra, từ quá khứ tới hiện tại: Văn Miếu tại Hà Nội, nhà hát Opera Sydney, cầu cạn Viaur, ngôi làng Mykonos…

Kiến trúc là duy nhất, không thể có kiến trúc áp dụng toàn cầu: Những khối hộp khổng lồ bằng kính có vai trò cho chức năng văn phòng hay căn hộ trên cao, có những hình ảnh như nhau ở khắp nơi trên từng vĩ độ (từ Panama, đến Thượng Hải hay Frankfurt…) không phải là kiến trúc. Đó chỉ là những khối vật thể vô hồn được sử dụng cho một số chức năng nhất định, chúng ta không thể nào tìm thấy ở đó những yếu tố về văn hóa xã hội hay lịch sử.

Những khối hộp chứa đựng rất nhiều căn hộ cao tầng, với hàng triệu ô cửa sổ giống hệt nhau từ trên xuống dưới, từ trái qua phải mà chúng ta có thể nhìn thấy ở khắp nơi, dưới các điều kiện khí hậu và tự nhiên khác nhau, ở tất cả các thành phố ở các nước, đó là những vật thể thô cứng không hồn. Dường như những thứ đó không hề liên quan đến kiến trúc.

Các hộp kính có thể thấy ở khắp nơi

Không hề có kiến trúc toàn cầu nhưng bất động sản thì phát triển rộng khắp và chính điều đó đã làm cho con người hiểu sai và chính điều đó đã và đang giết chết khái niệm về kiến trúc.

Phải khẳng định rằng, tại mỗi địa điểm khác nhau trên địa cầu đều có những tính chất và đặc điểm riêng, chính vì vậy, đối với mỗi địa điểm khác nhau sẽ có những hình thức kiến trúc và công trình kiến trúc phù hợp cho từng địa điểm đó.

Nhà hát Opera Sydney – Úc

4.

Cứ mỗi giờ trôi qua, thế giới của chúng ta lại phải chịu đựng thêm những tác động của con người, để có một công trình kiến trúc thú vị, đáng quan tâm, chúng ta phải chấp nhận hàng triệu công trình xây dựng khác phá hủy cảnh quan thiên nhiên của địa cầu.

Khi chúng ta bị ốm, chúng ta có thể thăm khám và được các bác sỹ thăm khám. Vậy còn các thành phố của chúng ta bị “đau ốm”, ai sẽ là bác sỹ?

Vua Louis XIV của Pháp (ông vua “mặt trời”) người đã có tầm ảnh hưởng văn hóa rất rộng lớn khắp châu Âu trên cả một thế kỷ. Vào mỗi buổi sáng, trước khi làm việc với bất cứ ai khác, việc đầu tiên ông gặp và làm việc với KTS Jules Mansart của mình cho dù trong bất cứ hoàn cảnh chính trị và quân sự nào. Điều đó cho thấy, tầm quan trọng và ảnh hưởng rất lớn của KTS trong việc xây dựng và bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên.

Có thể nói, KTS là người có những kinh nghiệm nhất trong việc xử lý các không gian và kiến tạo ra các công trình kiến trúc. Để có được những công trình đẹp, những thành phố xanh hài hòa với các điều kiện về văn hóa, xã hội và thiên nhiên, chúng ta cần những KTS nghiêm túc, được đào tạo bài bản, luôn có hăng say sáng tạo. Tuy nhiên họ cũng cần được sự tin tưởng, lắng nghe và tôn trọng.

Phương án dự thi – Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam – Dubosc et Associes

Ngày nay, năm 2017, có thể khẳng định chúng ta rất tự hào bởi có một đội ngũ KTS trẻ, thậm chí là rất trẻ, được đào tạo bài bản, hiểu biết rất sâu và rộng về nghề nghiệp của mình. Điều này được chứng minh bởi rất nhiều những tạp chí, những bài viết và những công trình do đội ngũ kiến trúc sư trẻ đó thực hiện.

Cheering Beer – Hà Nội – Việt Nam – KTS HP

Việc tin tưởng, tôn trọng và trao cơ hội cho các KTS trong việc kiến tạo công trình và không gian, xây dựng đất nước là rất cần thiết cho tương lai của chúng ta. Làm được điều đó, hy vọng trong thời gian tới sẽ không phải đặt câu hỏi về kiến trúc bản địa hay toàn cầu.

TS.KTS DPLG Nguyễn Việt Huy — GS.KTS DPLG Eric Dubosc
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05 – 2017)

Xem thêm: