Ngoài những bắt buộc về thủ tục quy trình thiết kế, thẩm định trong hồ sơ công trình, những hành động “xé rào” của chủ đầu tư cũng như những tiêu cực khác đã ảnh hưởng đến an toàn PCCC. Chúng ta thử đặt mình vào vị trí người dân bình thường để nhìn ra những nguyên nhân khác ít được để ý.
“Khi người ta giàu, có tiền thuê KTS, người ta không coi KTS ra ký lô nào hết nên KTS phải dùng bản lĩnh của mình mà thuyết phục thân chủ ” (Lời thầy KTS Phạm Văn Thâng trong bài giảng khai tâm kiến trúc nhập môn).
Việc thuê/cho thuê mặt bằng
Thông thường, hợp đồng thuê nhà thường ký với thời hạn 1 năm. Mặt khác, giá thuê mặt bằng được điều chỉnh khi ký hợp đồng mới với giá tăng theo ý chủ mặt bằng (thay vì tăng theo chỉ số lạm phát như ở một số nước). Do đó, người thuê không dám đầu tư lâu dài mặt bằng đúng chuẩn / luật. Chủ cho thuê có thể thu hồi mặt bằng (kể cả chấp nhận bồi thường) hay tăng giá hay/và cho người khác thuê sau thời gian hợp đồng ngắn hạn nên người thuê thà tìm cách đối phó tức thời với cơ quan chức năng (kèm theo tiêu cực) vẫn rẻ hơn đầu tư PCCC đàng hoàng.
Bên cạnh sự lãng phí tiền bạc (người thuê cũ phải tháo gỡ hoàn trả hiện trạng mặt bằng, bỏ tiền cải tạo mặt bằng theo nhu cầu của mình…) khi đổi người thuê, hầu hết các nơi cũng chỉ trang bị bình chữa cháy là chính, và để tăng lợi nhuận, việc tận dụng tối đa không gian để bày bán, chiếm dụng lối giao thông công cộng, lối thoát hiểm bị thu hẹp là không tránh khỏi. Thậm chí lối đi xe chữa cháy quanh công trình bị biến thành bãi giữ xe. Đặc biệt các nơi thường kèm theo bảng “cấm chụp ảnh” !
Sợ chết để … chết
– Nhiều người thành đạt và quá giàu (nhất là chưa từng bị thất bại) hay sinh kiêu ngạo và thích can thiệp vào những lĩnh vực ngoài chuyên môn và coi thường ý kiến các chuyên gia. Họ có thể tự đặt các yêu cầu cao hơn tiêu chuẩn thực tê với lý do “nhằm tuyệt đối an toàn”. Đồng thời, càng có tiền, tâm lý “sợ chết bỏ lại của” càng cao! Mà tâm lý sợ chết cháy là một.
– “Mất bò mới lo làm chuồng” hiện tượng này là tâm lý chung. Cứ thấy mỗi khi có vụ cháy gây chết người, dân chúng cuống cuồng đổ xô bỏ tiền không tiếc để mua các dụng cụ PCCC và thiết bị thoát hiểm để tích trữ trong nhà cho yên bụng: dây/thang thoát hiểm, bình chữa cháy, mặt nạ chống khói… Dù thực tế thoát hiểm (theo tiêu chuẩn quy định) chưa chắc lúc nào cũng cần đến, đa số cho rằng “mua cho chắc ăn” dù hàng tốt xấu ra sao và cách dùng thế nào chưa chắc ai rành rẽ. Không bàn đến chất lượng vì năm thì mười họa mới có trường hợp sử dụng nên khi có cháy thì nếu dính “hàng dỏm” cũng chịu không ai có dịp rút kinh nghiệm cho lần sau! Hơn nữa, các thiết bị mua về bỏ đó không bảo trì hay kiểm tra như hướng dẫn.
– Thiếu kỹ năng lẫn tập luyện: Như đã nói, ai nấy “mua cho yên bụng”. Việc sử dụng, cũng như huấn luyện kỹ năng phòng cháy gần như là con số không với nhiều người. Dù thiết bị có an toàn nhưng với kỹ năng và sức khỏe từng cá nhân thì trang bị an toàn xem ra không khả thi. Một căn hộ ở độ cao cách mặt đất vài chục mét, dù có dây thang thoát hiểm nhưng không phải ai cũng có khả năng sử dụng để thoát xuống đất vì vấn đề sức khỏe, tâm lý sợ độ cao và chưa qua tập luyện trải nghiệm. Trẻ em là vấn đề lớn trong khi thoát hiểm. Không loại trừ trường hợp nếu một thành viên trong gia đình, dù là trẻ em hay bất cứ ai, khi cháy, sợ không dám (hay không biết) sử dụng các thiết bị này để thoát ra ngoài thì quan niệm “sống chết có nhau” sẽ vô hiệu hóa việc đầu tư thiết bị thoát hiểm.
Rủi ro từ phương tiện đi lại, thiết bị điện trong nhà và thi công
- (Hiện tượng “xe tự cháy” vì nhiên liệu không đúng chuẩn sử dụng từng gây hoang mang cho nhiều người trong những năm gần đây có thể gây hỏa hoạn trong công trình bất cứ khi nào;
- Quy định trang bị bình chữa cháy trong xe hơi: Thực tế, khi xảy ra cháy, cùng với hiện tượng “xe tự cháy” đã nêu, bình chữa cháy trong những trường hợp này xem như vô dụng do cháy xảy ra quá nhanh vì có xăng, đồng thời dung tích bình chữa cháy không bao giờ đáp ứng quy mô cháy quá lớn. Bình chữa cháy trên xe chỉ có tính đối phó tránh bị phạt hơn là mục đích an toàn (Có trường hợp xe bồn xăng đặt duy nhất một bình chữa cháy ngay sau đuôi xe bồn thì ta đủ hiểu)
- Đấu nối hai cực dây điện không so le: Chuyện này thường xuyên xảy ra đối với những nhà thầu/thợ “tay ngang” làm ẩu khi chủ nhà sơ ý không giám sát kỹ. Đây cũng là một trong những nguy cơ chập điện gây cháy sau này;
- Thiết bị điện gia dụng chất lượng kém gây cháy;
- Nhiều người có thói quen ở trong nhà bật hết các thiết bị đèn điện, kể cả TV, máy tính với lý do tạo sinh khí trong nhà bớt lạnh lẽo (thậm chí là sợ ma !!!), có người đi vắng lâu ngày không thèm ngắt điện những thiết bị không cần thiết. Nhiều nguy cơ hỏa hoạn cũng từ đó mà ra.
- Sự ỷ y của chủ nhà/chủ đầu tư: Với ý thức sự kém về an toàn cháy cho công trình, nên việc lắp trang thiết bị PCCC giá “phải chăng” nhằm đối phó cơ quan chức năng với tư tưởng “có cháy thì cũng khỏi chữa nổi, sắm đồ tốt cũng vậy”.
Đối với các văn phòng cao tầng với vách kính cố định bao hết công trình, thoát hiểm duy chất chỉ bằng thang bộ, chưa thấy ai để cập và dự phòng tới nguy cơ cháy hệ thống điều hòa không khí và thông gió (ACMV). Trường hợp này, khả năng và số lượng người chết ngạt cao hơn rất nhiều so với trường hợp cháy thông thường.
Thói quen xấu khác của người sử dụng công trình
- Cúng, đốt giấy vàng mã hàng tháng: Với cái gọi là “tâm linh”, những hủ tục này có thể kích hoạt hệ thống báo cháy. Tác giả đã từng chứng kiến trường hợp này làm nhiều người nhốn nháo thoát hiểm tại một cao ốc văn phòng ngày rằm tháng bảy và ban quản lý sau đó phải đến xin lỗi từng văn phòng.
- Đặt bàn thờ ngoài hành lang công cộng: Thường xảy ra tại các chung cư giá rẻ ngay trước cửa nhiều căn hộ, Dù tới nay chưa thấy hỏa hoạn nhưng cũng nên đưa trường hợp này ra để tham khảo thêm;
- Nấu nướng ngoài hành lang: Một số dân trong các chung cư bậc trung trở xuống hay nướng thức ăn trong hành lang và khói sinh ra kích hoạt hệ thống báo động. Nhiều nơi ban quản lý tòa nhà bực mình và tắt hệ thống báo cháy cho yên ổn!
- Không ý thức phòng cháy: nhiều nơi buôn bán (với người buôn bán ít học), ngoài việc đặt bàn thờ, đốt nhang, đốt vàng mã, thỉnh thoảng thấy người bán hóa chất vừa hút thuốc vừa đổ hóa chất (như cồn). Khi thắc mắc về việc này thì họ trả lời tỉnh queo: “Xưa giờ có sao đâu !”
Lời kết
Trên đây dù không đầy đủ cũng nêu lên cho thấy ít nhiều các nguyên nhân chủ quan gây ra cháy khác cũng như những sơ suất có thể dẫn đến thiệt hại chết người kèm theo. Ngoài ra việc khắc phục lại không dễ dàng do quá nhiều lý do khách quan ràng buộc.
Đối với các văn phòng cao tầng với vách kính cố định bao hết công trình, thoát hiểm duy chất chỉ bằng thang bộ, chưa thấy ai để cập và dự phòng tới nguy cơ cháy hệ thống điều hòa không khí và thông gió (ACMV). Trường hợp này, khả năng và số lượng người chết ngạt cao hơn rất nhiều so với trường hợp cháy thông thường.
KTS Cổ Minh Tâm
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2018)