Nhà phố Pháp trong khu phố cổ (P2) – Giá trị và đánh giá giá trị các ngôi nhà

Tiếp theo phần 1: Nhà phố Pháp trong khu phố cổ Hà Nội – Phần 1

Thực tế đang tiếp diễn là nhà phố Pháp ở Hà Nội nói chung và nhà phố Pháp trong Khu phố Cổ (KPC) nói riêng chưa thể được bảo tồn có hiệu quả. Nguyên nhân chính là nhà phố Pháp vẫn chưa được công nhận là di sản vì thiếu một số căn cứ vững chắc. Vì vậy, cần nhìn nhận giá trị thực của ngôi nhà dưới nhiều góc độ và xây dựng một hệ thống các tiêu chí đánh giá toàn diện, phù hợp với đặc điểm và giá trị của ngôi nhà, làm cơ sở cho việc bảo tồn một bộ phận của kiến trúc thuộc địa Pháp ở Hà Nội đang có nguy cơ bị thu hẹp nhanh chóng dưới tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa và nền kinh tế thị trường.

Sơ bộ phân loại các ngôi nhà dựa trên giá trị kiến trúc theo kết quả khảo sát thực tế
(Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2017) – Tư liệu bản đồ nền: Ban QL Phố cổ Hà Nội

Giá trị kiến trúc của nhà phố Pháp trong KPC Hà Nội

Đây có thể coi là giá trị nổi bật nhất của loại hình nhà ở này, không chỉ trong KPC mà còn trong hai khu phố Pháp ở Hà Nội được người Pháp quy hoạch và xây dựng. Qua công tác khảo sát thực địa, trong đại đa số các trường hợp, giá trị kiến trúc của ngôi nhà phố Pháp được thể hiện chủ yếu qua mặt đứng công trình (hầu hết là mặt đứng tầng hai, đôi khi có thêm mặt đứng tầng ba, mặt đứng tầng một đã biến đổi do bị cải tạo, sửa chữa, cơi nới phục vụ nhu cầu kinh doanh) cùng những thành phần và thuộc tính đi kèm, chẳng hạn như hình khối, đường viền, tỷ lệ chiều rộng/chiều cao, điểm nhấn, phân vị ngang, phân vị dọc, sự hài hòa của cửa đi, cửa sổ, ban công, chi tiết trang trí,… Màu sắc và chất liệu cũng góp phần đáng kể vào vẻ đẹp ngoại thất của công trình. Phong cách kiến trúc với những nét tiêu biểu giúp định hình cũng như nhận diện phong cách đó, chẳng hạn như phong cách cổ điển Pháp thể hiện qua những chi tiết tường đỉnh mái có các hoa văn tinh tế (đôi khi hơi cầu kỳ) bo viền quanh và đường diềm gắn/đắp bên dưới phần đua ra của mái cũng như họa tiết trên/dưới cửa sổ; trong khi đó, phong cách kiến trúc Art-Déco lại đặc trưng ở hình khối, bề mặt và chi tiết đơn giản, tính hình học rõ nét với các ô cửa sổ tròn, chi tiết trang trí phần lớn là hình tròn cùng hệ lam bê-tông mỏng trên sân thượng kiểu giàn hoa…

Chi tiết đỉnh mái của một số nhà phố Pháp có giá trị trong KPC Hà Nội. (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2017)

Nếu chỉ đơn thuần xét giá trị kiến trúc của mỗi công trình thì việc đánh giá có phần đơn giản, chỉ cần quan sát kỹ và chụp ảnh rõ mặt đứng công trình ở ba góc độ khác nhau (chính diện, góc bên trái và góc bên phải) rồi chuyển cho chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu về nhà phố Pháp nhận xét. Có thể phân thành hai hạng mục là nhà phố Pháp có giá trị kiến trúc và nhà phố Pháp ít có giá trị kiến trúc.

Nhà phố Pháp ít có giá trị kiến trúc là những ngôi nhà rơi vào một trong ba trường hợp sau:

  • Đã bị cải tạo, cơi nới, hiện đại hóa hầu hết mặt tiền, chỉ còn lộ diện một vài chi tiết chứng tỏ đó là công trình do người Pháp xây dựng trước năm 1954;
  • Chưa được cải tạo hay sửa chữa nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng đến mức rất khó, hoặc không có khả năng khôi phục/bảo tồn;
  • Vẫn còn nguyên vẹn, hoặc tương đối nguyên vẹn, nhưng có hình khối và chi tiết quá đơn giản, tính thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật không cao.

Qua công tác khảo sát và đánh giá sơ bộ riêng về kiến trúc công trình, trong số 1.213 nhà phố Pháp trong KPC Hà Nội còn tồn tại thì có đến 832 ngôi nhà ít có giá trị, chiếm tỷ lệ 68,6%. Số còn lại – 381 căn – được coi là có giá trị về kiến trúc. Ngoại trừ một số ít trường hợp đặc biệt có thể coi như “hoàn hảo” khi ngôi nhà vừa có tỷ lệ chuẩn mực, vừa có điểm nhấn và đường viền rõ nét, kết hợp hài hòa các thành phần, chi tiết trang trí rất đẹp, cao hơn nữa là ấn tượng, còn nguyên vẹn, chưa bị chỉnh sửa hoặc cải tạo sau hơn 80 năm sử dụng dù có thể bị xuống cấp hoặc hư hại đôi chút, ngôi nhà có thể được xem là có giá trị về kiến trúc cần thỏa mãn ít nhất một trong số những điều kiện sau:

  • Các mặt đứng tầng trên (tầng hai và đôi khi có thêm tầng ba) còn tương đối nguyên vẹn, có tính thẩm mỹ khá cao cả về tổng thể lẫn chi tiết;
  • Ngôi nhà có thể bị cơi nới, đua ra phía trước hoặc bên hông, hoặc nâng tầng, ảnh hưởng phần nào đến tính thẩm mỹ, nhưng các kết cấu này không phải là kiên cố, có thể được tháo dỡ dễ dàng, trả lại trạng thái ban đầu mà không gây ảnh hưởng nhiều đến giá trị mặt đứng;
  • Ngôi nhà có thể không có gì đặc biệt về hình khối, không thật sự hài hòa về tỷ lệ, không có điểm nhấn, nhưng lại giữ được một hoặc một vài họa tiết trang trí rất độc đáo hoặc một chi tiết rất hiếm gặp (chẳng hạn như năm xây dựng hoặc tên chủ nhà/tên cửa hàng trên mặt đứng).

Giá trị của nhà phố Pháp trong KPC Hà Nội…

Vấn đề đặt ra là cần có sự đánh giá đầy đủ, chính xác giá trị của 381 nhà phố Pháp có giá trị về mặt kiến trúc đã qua sàng lọc. Qua tham khảo hai dự án nghiên cứu kiến trúc thuộc địa Pháp của Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị (UAI) thuộc Đại học Xây dựng (tiến hành theo yêu cầu của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội những năm 2010 – 2012) và một số đề tài nghiên cứu khác, chẳng hạn như luận án của TS. Trần Quốc Bảo (năm 2016), kết hợp với các kết quả khảo sát và nghiên cứu cá nhân khá kỹ các đặc điểm công trình, nhà phố Pháp trong KPC Hà Nội có những giá trị sau:

  • Giá trị kiến trúc: Như đã trình bày ở trên, đây là giá trị nổi bật nhất của ngôi nhà. Nếu tính thang điểm 100 thì giá trị kiến trúc của ngôi nhà có thể được tính đến 50 điểm, theo đề xuất của tác giả, được trình bày cụ thể và chi tiết qua Bảng 1.

Bảng 1: Hệ thống tiêu chí đánh giá giá trị nhà phố Pháp trong KPC và mức điểm cho mỗi tiêu chí (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2017)

 

  • Giá trị lịch sử và văn hóa: Một số ngôi nhà có liên quan đến một sự kiện lịch sử trọng đại, chẳng hạn như: Nhà số 48 phố Hàng Ngang là nơi Bản Tuyên ngôn Độc lập được viết những ngày cuối tháng 08/1945 để chuẩn bị cho buổi lễ ngày 02/09/1945; Nhà số 51 phố Hàng Bồ là địa điểm chứng kiến lễ thành lập Trung đoàn Liên khu 1 (tức Trung đoàn Thủ đô sau này) ngày 06/01/1947… Giá trị văn hóa của ngôi nhà thể hiện qua trường hợp một nhà văn, họa sỹ hay nhạc sỹ có tên tuổi đã sống và sáng tác trong ngôi nhà một thời gian. Điều này không thể hiện ra bên ngoài và do đó chỉ có thể được biết qua khảo sát thực tế, do chính cộng đồng địa phương, trước hết là các hộ dân sống trong ngôi nhà cung cấp, không được ghi chép trong bất kỳ tài liệu nào. Những không gian nội thất được bài trí đúng kiểu ngày xưa với gian thờ sơn son thếp vàng, sập gụ – tủ chè, hoặc phong cách sinh hoạt của gia đình vẫn còn duy trì qua nhiều năm như những dịp cúng giỗ, lễ Tết, mừng thọ quây quần cả đại gia đình ba bốn thế hệ, nghệ thuật pha trà, têm trầu, làm các món ăn, bánh mứt kẹo theo công thức gia truyền, … cũng được coi là giá trị văn hóa. Giá trị này được đề xuất 10 điểm trên thang 100 điểm.
  • Giá trị quy hoạch và cảnh quan: Thể hiện qua vị trí, giá trị của ngôi nhà sẽ lớn hơn nếu tọa lạc ở các vị trí đẹp như ngã ba, ngã tư, nơi căn nhà có điểm nhìn tốt ra khoảng không gian tương đối rộng, hoặc trên các tuyến phố chính với chiều rộng đủ lớn, được quan sát dễ dàng hơn và cảm thụ đầy đủ từ xa lại gần. Vì là nhà liền kề nên tính liền mạch của các ngôi nhà tạo thành một dãy sẽ là một tiêu chí cần xem xét. Theo đó, ngôi nhà được ghép đôi hoặc tạo thành bộ ba, bộ bốn, hoặc nhiều hơn nữa, sẽ có giá trị hơn là nhà đứng riêng lẻ. Các căn nhà có thể giống hệt nhau, hoặc tương tự nhau, hoặc khác nhau về hình thức. Nếu có sự tương đồng ở một mức độ nhất định sẽ tạo nên sự thống nhất. Khác biệt sẽ tạo ra sự đa dạng về phong cách. Tính tương phản sẽ đạt được khi sự khác biệt đủ lớn. Như vậy, ứng với mỗi trường hợp sẽ có một giá trị riêng, và cần được xem xét cụ thể. Giá trị này được đề xuất ở mức 15 điểm trên thang 100 điểm.
  • Tính nguyên bản: Thể hiện qua mức độ gìn giữ các chi tiết, cấu kiện và toàn thể hình khối công trình gần với “bản gốc”. Công trình khi xuống cấp, nếu được chỉnh trang, sửa chữa đúng với trạng thái ban đầu nhờ có tài liệu lưu trữ đầy đủ (ảnh chụp, bản vẽ, …) vẫn được chấp nhận, chứ không nhất thiết phải duy trì tình trạng nứt vỡ, bong tróc, rêu phong mới được coi là giữ tính nguyên bản. Giá trị này được đề xuất ở mức 15 điểm trên thang 100 điểm.
  • Giá trị đương đại của ngôi nhà: Đây cũng là một yếu tố cần xem xét trên quan điểm bảo tồn đi đôi với phát triển, gắn công trình di sản với cuộc sống đô thị đương đại, khiến công trình có cuộc sống riêng, không tách biệt với bối cảnh chung, hơn nữa còn có mối tương tác hữu cơ với đô thị, khi các hoạt động kinh doanh thương mại diễn ra và có ảnh hưởng nhất định đến hình ảnh của ngôi nhà. Bên cạnh những nghề truyền thống ở một số phố nghề vẫn được vài hộ gia đình duy trì đến ngày nay (phố Hàng Đường nổi tiếng với nghề làm mứt và ô mai, phố Hàng Bạc chuyên đồ kim hoàn, phố Hàng Đồng bày bán lư hương, hạc đồng, lọ hoa đồng bày bàn thờ, phố Hàng Mã sản xuất các đồ chơi dân gian cho trẻ em dịp Trung Thu cũng như đồ vàng mã cúng tổ tiên và thần linh, phố Lãn Ông kinh doanh thảo mộc dược liệu),… các loại hàng hóa – dịch vụ có thể thay đổi theo thời gian, phục vụ chính nhu cầu của cư dân và khách du lịch, góp phần làm cuộc sống trong KPC thêm phong phú, sinh động. Điều quan trọng nhất ở đây không phải là loại hình mới hay cũ, quy mô nhỏ hay lớn, mà ở tính văn minh thương mại khi hàng hóa được bày biện gọn gàng, không lấn chiếm vỉa hè, biển quảng cáo được thiết kế với kích thước và màu sắc phù hợp, có tính mỹ thuật cao, góp phần làm đẹp mặt đứng công trình, giấu đi các cục nóng điều hòa. Ngược lại, khi kích thước quá lớn, biển quảng cáo khó gây được ấn tượng tốt cho người quan sát, mà còn che lấp những chi tiết trang trí đáng giá trên mặt đứng, thậm chí việc mở cửa sổ ở tầng hai cũng khó khăn vì bị vướng, khiến căn phòng không nhận đủ ánh sáng tự nhiên, sự lưu thông không khí cũng bị hạn chế. Nếu biển quảng cáo được chiếu sáng quá mạnh hoặc nhấp nháy quá nhanh vào buổi tối sẽ gây chói và nhức mắt cho người đi đường, có thể không đảm bảo an toàn giao thông. Giá trị này được đề xuất ở mức 10 điểm trên thang 100 điểm.

Tiêu chí đánh giá và phân loại nhà phố Pháp trong KPC Hà Nội

Trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm của nhà phố Pháp trong KPC Hà Nội, đã được trình bày trong Phần 1 đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 271 (11/2017) cũng như các giá trị đã được phân tích ở trên, hệ thống tiêu chí đánh giá và thang điểm chi tiết được đề xuất như sau:

Mỗi nhà phố Pháp sẽ được thu thập thông tin, chụp ảnh hiện trạng nội ngoại thất đầy đủ và chuyển cho ít nhất ba chuyên gia đánh giá. Nếu kết quả không chênh lệch nhiều (chỉ 1 – 2 điểm) thì điểm trung bình cộng sẽ được lấy làm căn cứ để xếp loại và được ghi vào hồ sơ lưu của công trình, phục vụ công tác bảo tồn. Còn nếu sự chênh lệch tương đối lớn (từ 5 điểm trở lên) thì nên được đánh giá thêm bởi một vài chuyên gia khác nhằm đảm bảo tính khách quan và chính xác.

Đề xuất xếp hạng áp dụng với 381 nhà phố Pháp cần xem xét trong KPC Hà Nội như sau:

  • Nhà loại 1 (có giá trị đặc biệt): Có thể lấy mốc 2/3 làm chuẩn, với tổng điểm từ 67/100 trở lên, trong đó giá trị kiến trúc không dưới 33/50 điểm.
    Đề xuất: Các nhà phố Pháp thuộc nhóm 1 được đề nghị ưu tiên bảo tồn;
  • Nhà loại 2 (có giá trị cao): Có thể lấy mốc 1/2 làm chuẩn, với tổng điểm từ 50 đến 66,5/100, trong đó giá trị kiến trúc không dưới 25/50 điểm.
    Đề xuất: Các nhà phố Pháp thuộc nhóm 2 có thể được xem xét bảo tồn theo từng trường hợp, nhất là những nhà có tổng điểm từ 60 đến 66,5/100 – gần sát mức điểm loại 1;
  • Nhà loại 3 (ít có giá trị): Cũng lấy mốc 1/2 làm chuẩn, với tổng điểm dưới 50/100 và điểm kiến trúc dưới 25/50.
    Đề xuất: Các nhà phố Pháp thuộc nhóm 3 có thể đưa ra khỏi danh mục 381 nhà cần xem xét và cho phép cải tạo hoặc xây mới tuân thủ quy định của Ban Quản lý KPC Hà Nội nếu ngôi nhà đã xuống cấp và các hộ gia đình có nguyện vọng cũng như điều kiện tài chính.

Ghi chú:

  • Các thang điểm trong các tiêu chí nhỏ 3a, 3b và 3c là 3 điểm. Nếu có giá trị cao sẽ được trọn vẹn 3 điểm, tương đối cao 2 điểm, trung bình 1 điểm và ít giá trị 0 điểm.
  • Tiêu chí nhỏ 5c – tính mỹ thuật của biển quảng cáo còn được xét đến thời điểm buổi tối và ban đêm với chiếu sáng nhân tạo.
  • Căn nhà bị cơi nới gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ nhưng không tác động đến tính nguyên bản vì kết cấu tạm (mái tôn, khung thép, vách nhẹ bằng nhựa hoặc nhôm kính bao che, …), có thể được tháo dỡ mà không phải đục phá gây ảnh hưởng đến mặt đứng, do đó không được tính vào tiêu chí 4.

TS. KTS Nguyễn Quang Minh
Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – Đại học Xây dựng Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2017)

Xem tiếp phần 3: Nhà phố Pháp trong KPC Hà Nội – Bảo tồn các ngôi nhà có giá trị cao

Tài liệu tham khảo

  • Doãn Minh Khôi, Báo cáo tổng hợp đề tài “Rà soát, phân loại và lập danh mục quỹ biệt thự Pháp trên địa bàn thành phố Hà Nội” và “Bảo tồn và phát triển khu phố Pháp quận Ba Đình”, Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị (UAI), Đại học Xây dựng, 2010 – 2012
  • Trần Quốc Bảo, Luận án Tiến sỹ Kiến trúc “Nhận dạng di sản kiến trúc thuộc địa Pháp ở Hà Nội và giải pháp bảo tồn bền vững”, Đại học Xây dựng, 2016
  • Nguyễn Quang Minh, Kết quả khảo sát nhà phố Pháp trong KPC Hà Nội, 2017