Nhận diện giá trị di sản trong công tác bảo tồn

Thời gian qua, cùng với sự phát triển của đất nước, đô thị mở rộng, nông thôn mới được xây dựng, đời sống nhân dân được nâng cao. Nhưng chính sự phát triển đó cũng đã cuốn đi nhiều giá trị di sản văn hóa vô giá mà các thế hệ cha ông đã để lại cho chúng ta.

Trong sự lúng túng, chậm trễ, hoạt động chưa hiệu quả của công tác bảo tồn có một phần lỗi từ sự thiếu vắng các cơ sở lý luận, trong đó lý luận về nhận diện giá trị di sản tại Việt Nam, (một trong những lý luận quan trọng, là cơ sở để có các giải pháp bảo tồn đúng đắn) thực sự chưa được quan tâm nghiên cứu và xây dựng một cách có bài bản.

Giếng làng thôn Khúc Thụy và nhà phụ xây bằng gạch đất ở Mông Phụ , Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội

Vai trò của lý luận nhận diện giá trị di sản

Trước hết, phải khẳng định rằng nhận diện giá trị di sản là công việc khó khăn, phức tạp. Nếu nói về niên đại, không hẳn cứ công trình cũ hơn thì giá trị hơn công trình mới. Di sản kiến trúc, đô thị, cảnh quan không phải là đồ cổ. Một cái bát cổ sứt sẹo với người buôn đồ cổ thì quý, với người thường thì nó không bằng cái bát lành lặn có thể dùng ăn cơm hàng ngày.

Nói về thẩm mỹ kiến trúc hay nghệ thuật, cũng chưa hẳn những công trình cũ đã đẹp hơn những công trình mới. Nói về công năng, một ngôi nhà ở sắp đổ, dù có niên đại vài trăm tuổi, phải đóng cửa, xiêu vẹo rêu phong cũng đâu có giá trị bằng ngôi nhà mái bằng mới xây có đủ tiện nghi.

Trong công trình tưởng niệm, có những miếu cổ đổ nát bên gốc đa già luôn có người đi qua khấn vái, hương hoa mùng một, ngày rằm, còn nhiều tượng đài nguy nga lại vắng vẻ. Giá trị tinh thần, tâm linh không hẳn đo đếm bằng khối tích và tiền bạc xây dựng.

Rồi ngay trong một chiếc cổng làng có rễ cây xù xì bám xung quanh, cũng cần bàn luận xem cái cổng cũ sắp đổ quý hơn hay cái cây cổ với rễ cây xù xì đó, nguyên nhân làm cái cổng bị đổ quý hơn, dù cái cây hình thành sau cái cổng cả trăm năm.

Phức tạp hơn nữa là sự chồng lớp nhiều dấu ấn kiến trúc, lịch sử qua thời gian. Công trình kiến trúc ở nước ta thường làm bằng gỗ, nhiều lắm sau 50 năm cũng phải thay thế, trùng tu. Có khi móng nhà thời Lý, cột thời Trần – Lê, mái thời Nguyễn, thật khó biết đâu gọi là di tích gốc trong trùng tu, sửa chữa. Hơn thế nữa, với từng nhóm người tham gia công tác bảo tồn, nhận diện giá trị di sản khác nhau thì cũng dễ có quan điểm khác nhau. Với các nhà chuyên môn, mặc dù đã được đào tạo tuân thủ một số nguyên tắc trong bảo tồn như Hiến chương Athens về trùng tu di tích lịch sử (1931), Hiến chương quốc tế về Bảo tồn và Trùng tu di tích, di chỉ (Hiến chương Venice- 1964), Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (1972), Hiến chương của ICOMOS Australia về bảo vệ các địa điểm di sản có giá trị văn hóa (Hiến chương BURRA- 1979, sửa đổi 1981,1988,1999), Hiến chương Florence (1981) về bảo tồn các hoa viên lịch sử, Hiến chương về bảo vệ và quản lý di sản khảo cổ học (1990), Văn kiện Nara về tính xác thực (1994), Công ước quốc tế về du lịch văn hóa (1999), Hiến chương về di sản xây cất bản xứ (1999)… Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh (Bộ Văn hóa – Thông tin, 2003)… Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng vẫn có những cách hiểu khác nhau gây tranh cãi, bởi những văn kiện, hiến chương đó cũng vẫn chỉ là các nguyên tắc cơ bản, với điều kiện bối cảnh của mỗi nước, mỗi trường hợp cần có sự vận dụng cho phù hợp.

Giếng làng thôn Khúc Thụy

Khó hơn nữa đó là với cộng đồng xã hội, những người không có chuyên môn, không được học về bảo tồn, nhưng có quyền bàn luận, có quyền đưa ra quan điểm về nhận diện giá trị. Vì giá trị văn hóa cũng chính là giá trị được cộng đồng công nhận qua thời gian. Tiếng nói của số đông, nói nhiều trở thành chân lý, đúng đắn, đặc biệt trong thời đại truyền thông kỹ thuật số phát triển.

Một nghịch lý là những người đang sở hữu di sản đó thường không đồng tình, thậm chí bất bình với những nhận diện giá trị khác với mình. Có một giếng cổ trong một ngôi nhà ở tại một làng chúng tôi nghiên cứu, hàng ngày lác đác lại có người đến xem, quấy rầy gia chủ, người chủ nói đùa rằng: “Thôi tôi cho các anh cái giếng, mang nó đi đâu cũng được” vì giếng này gia đình cũng đâu có cần nữa, họ dùng nước máy từ lâu rồi, xét về sử dụng nó cũng chẳng còn giá trị.

Những lập luận trên đây đưa ra để thấy vai trò quan trọng của lý luận nhận diện giá trị của di sản. Cần đưa ra được những nguyên tắc, cách làm sao cho những quan điểm, cách đánh giá đưa ra được nhiều người đồng thuận nhất rồi mới bàn đến cách làm, phương pháp để nhận diện giá trị đó. Nếu nhận diện giá trị không đúng, không thống nhất thì các giải pháp bảo tồn đưa ra lại còn tranh cãi theo cấp số nhân, phức tạp gấp bội.

Cần xây dựng lý luận nhận diện giá trị tích hợp

Thực tế trong công tác bảo tồn thời gian qua cho thấy, dù chúng ta đã có các phương pháp nhận diện giá trị khoa học, tuy nhiên đánh giá thường là tốt với các công trình bảo tồn di sản “tĩnh”, độc lập, ít liên đới đến đời sống đương đại như lăng tẩm, cung điện, thành cổ, chùa, tháp…Với các di sản văn hóa “sống” như Đình làng, nhà cổ, khu vực đô thị cũ, khu vực làng cổ… các di sản cùng tồn tại với cuộc sống đương đại thì việc nhận diện di sản chưa thật sự được nhìn nhận đầy đủ.

Điều quan trọng nhất là cần có quan điểm nhìn nhận giá trị tích hợp. Trong bối cảnh lịch sử, văn hóa của Việt Nam, với đặc trưng di sản đô thị, nông thôn, xin đưa ra 3 nhóm giá trị:

  • Nhóm 1: Giá trị tự thân của công trình, khu vực di sản. Bao gồm các giá trị như:
    Giá trị kiến trúc, nghệ thuật: Những giá trị kiến trúc, nghệ thuật nổi bật, tiêu biểu cho một phong cách, loại hình kiến trúc, trang trí hay điêu khắc, tiêu biểu cho một giai đoạn, có tính toàn vẹn còn được giữ gìn…;
    Giá trị lịch sử: Giá trị về niên đại, thể hiện sự hiếm có của di sản còn lại qua thời gian, thể hiện sự tiêu biểu của hiện vật với một giai đoạn lịch sử, công trình hay không gian là chứng tích cho những sự kiện lịch sử;
    Giá trị phương thức xây dựng truyền thống, tri thức bản địa: Giá trị văn hóa của phương thức xây dựng, kỹ thuật xây dựng, các kinh nghiệm bản địa đặc sắc, rất đáng để các thế hệ sau học tập.\;
    Giá trị văn hóa phi vật thể trong công trình: Các giá trị văn hóa về tín ngưỡng, phong tục tập quán truyền thống, nghệ thuật biểu diễn… tồn tại đi kèm với công trình kiến trúc, không gian.
  • Nhóm 2: Giá trị kế thừa, chuyển tiếp trong bối cảnh đương đại. Giá trị này nếu nhìn về thời gian (coi là gốc) của di sản thì nó chưa hình thành, mà được hình thành dần cho đến ngày hôm nay:
    Giá trị cảnh quan: Các tổ hợp cây xanh, mặt nước, địa hình, bầu trời. Các yếu tố này thường xuyên thay đổi, tuy có được dựa trên một số yếu tố chính như cây cổ thụ, bờ sông, bến nước…nhưng vẻ đẹp của nó là sự kết tinh qua thời gian, đặc trưng của sự phát triển sinh học của cây, của sự thay đổi tự nhiên khí hậu, thời tiết tác động đến địa hình, không có các giá trị gốc tuyệt đối;
    Giá trị dấu ấn nơi chốn, tạo bản sắc, tính biểu tượng cho khu vực: Giá trị này không hẳn là giá trị lịch sử bởi có thể nó được tái hiện, tái tạo hoặc phục dựng phần vỏ để giữ phần hồn. Một chiếc cổng làng xây mới, không đặt ở vị trí cũ, không có chút nào giống với mẫu cũ vẫn mang giá trị dấu ấn nơi chốn, tạo bản sắc làng Việt vì nó đã chuyển hóa thành giá trị biểu tượng về tính riêng của làng trong đời sống đương đại;
    – Giá trị tạo lập môi trường sống, sinh thái, sinh thái nhân văn: Giá trị này cũng có tính động rất cao. Hệ thống mặt nước làng xã giai đoạn trước 1954 có vai trò tạo lập cân bằng hệ sinh thái nước, tạo sự đa dạng sinh học. Hiện nay chu trình cấp – thoát nước đã có sự can thiệp thêm của công nghệ, vai trò sinh thái của nó suy giảm nhưng vẫn có vai trò về môi trường giảm nhiệt đô thị… vẫn có thể khôi phục được sự đa dạng sinh học nếu có các giải pháp phù hợp;
    Giá trị văn hóa xã hội đương đại: Khi một công trình cũ nằm trong một khu vực dân cư hiện tại thì phải có sự chuyển biến để có một giá trị nhất định trong đời sống đương đại, nếu không trước sau cũng bị phá bỏ. Cổng làng, giếng làng, cầu đá, nhà cổ, cổng nhà, tường rào cũ… trong làng truyền thống là những ví dụ điển hình về sự mong manh trong giá trị văn hóa xã hội đương đại. Vì vậy, đánh giá giá trị của chúng cũng phải đặt câu hỏi: Liệu chúng có giá trị gì trong đời sống đương đại, chúng có khả năng tiếp nhận, dung nạp thêm các chức năng mới, phù hợp với cuộc sống đương đại không?
  • Nhóm 3: Giá trị tích hợp nâng cao. Sự tích hợp giá trị của nhóm 1 và nhóm 2 không phải là phép cộng. Giá trị di sản khi tích hợp các giá trị sẽ được nhân lên gấp bội. Vì vậy, rất cần nhìn nhận giá trị một cách đầy đủ, hệ thống.
Cảnh người dân trò chuyện trao đổi việc làng tại đình làng Huyền Kỳ, phường Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội (2008). Ngôi đình thực sự là công trình của cộng đồng làng

Nhóm 1 thiên về giá trị tự thân của di sản, khả năng bảo tồn, nhóm 2 thiên về giá trị đương đại, khả năng phát huy giá trị. Nếu tích hợp đầy đủ thì ý nghĩa bảo tồn và phát huy giá trị đã có cơ sở để cùng tồn tại. Nếu di sản chỉ có giá trị nhóm 1 thì chưa có gì chắc chắn để có thể bảo tồn thành công.

Ví dụ, ngôi nhà cổ xây bằng gạch đất, gạch đá ong ở Đường Lâm có giá trị về phương thức xây dựng truyền thống. Nhưng với trào lưu chụp ảnh lưu niệm hiện nay, giá trị cảnh quan, màu sắc, chất cảm của các vật liệu đó đã trở thành giá trị chính, được rất nhiều khác du lịch tìm đến để chụp ảnh nghệ thuật, ảnh cưới.

Nhìn nhận đầy đủ nhóm giá trị giúp cho việc định hướng gìn giữ phát huy giá trị có tính khả thi vì có thể giá trị này không cao, bù lại đã có các giá trị khác. Các giải pháp bảo tồn, tu bổ cũng cần nhìn tới mục tiêu tích hợp này, tránh những mục tiêu đơn lẻ, việc đầu tư kém hiệu quả.

Giữa nhóm 1 và nhóm 2, việc tích hợp cũng có thể tạo ra xung đột, ví dụ lũy tre làng nếu giữ thì tốn đất, khó mở rộng quy mô đất ở, cổng làng nếu giữ thì không có lối ô tô vào làng, nhà cổ đô thị giữ thì khó xây dựng nâng tầng tạo hiệu quả sử dụng đất. Việc giải bài toán xung đột đó chính là chìa khóa để công tác bảo tồn có kết quả.

Giếng làng chuyển tiếp thành chức năng gì? Chắc không thể là thành bể bơi cho trẻ em. Nhà bếp với tường xây gạch đất sẽ chuyển chức năng thành gì, gia cố như thế nào? – Tìm câu trả lời cho vai trò mới của di sản chính là tìm lời giải cho định hướng bảo tồn.

Những hạn chế của công tác bảo tồn

Một ví dụ của việc cần thiết đánh giá giá trị tích hợp trong bảo tồn đó là trường hợp bảo tồn nhà ở truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Hiện nay, công tác bảo tồn di sản mới chỉ tập trung tu bổ nhà cổ và các công trình phụ trợ (bếp, kho) của ngôi nhà mà hiện vẫn bỏ qua một số các giá trị khá cốt lõi của ngôi nhà truyền thống:

  • Trong giá trị văn hóa của ngôi nhà cũng có giá trị về sinh kế, sinh thái: Mô hình V-A-C (vườn-ao-chuồng) trong nhà ở nông thôn truyền thống đã minh chứng một giá trị lớn của ngôi nhà truyền thống là khả năng tạo ra giá trị kinh tế, nuôi sống người dân qua hoạt động trồng rau, nuôi lợn, gà, gia cầm, nuôi cá, mà lại diễn ra trong một khuôn viên không lớn, công nghệ hoàn toàn dựa trên những chu trình sinh thái rất tự nhiên. Mô hình này tiêu biểu cho tính khép kín, tự cung, tự cấp, cân bằng sinh thái trong một phạm vi nhỏ của làng xã truyền thống Việt Nam.
  • Giá trị cảnh quan, văn hóa của cây trồng trong khuôn viên vườn nhà nông thôn truyền thống không chỉ ở vẻ đẹp cảnh quan với các tổ hợp giàu chất thơ như dàn trầu, cây cau, bờ ao bèo, cây rơm hay cây trồng đón gió mát, che chắn gió lạnh với công thức “Chuối sau, Cau trước” mà còn ở cả giá trị về y tế, bảo vệ sức khỏe của người ở. Vườn nhà cũng là vườn thuốc: Cây hoa Cúc làm sáng mắt, hoa Nhài ướp chè, lá Hẹ chữa viêm họng, rau Sam chữa nhiệt, lá ổỉ chữa đi ngoài… Nền thuốc Nam của dân tộc cũng phát triển từ đây mà ra. Những giá trị đó mà không gìn giữ được trong công tác bảo tồn thì quả là sự mất mát lớn.

Trường hợp thứ hai: Phương pháp xây dựng, đầu tư xây dựng công trình kiểu truyền thống cũng là một giá trị, nếu máy móc áp dụng các phương pháp bảo tồn tu bổ Di tích chính quy, chuẩn quốc tế hiện đại cũng có thể làm mất đi các giá trị đó.

Ví dụ, việc đóng góp tiền của cộng đồng dân cư một cách tự nguyện để xây dựng lại Đình, chùa theo cách thức các làng vẫn làm đã hàm ý những giá trị tinh thần gắn kết cộng đồng. Quá trình người dân đóng góp, thảo luận, kêu gọi con cháu khắp miền về ủng hộ, công đức chính là một quá trình góp phần gắn kết thêm cộng đồng thôn, làng. Người dân có quyền tự hào vì mình có tên trong các bảng, biển đá công đức gắn cạnh đình, chùa đó (hoàn toàn tự nguyện, không có ý nghĩa bắt buộc).

Với ý nghĩa này thì việc sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước để tu bổ, tôn tạo di tích đã gạt người dân ra khỏi quá trình tu bổ, phần nào làm giảm đi giá trị của công tác bảo tồn. Một số nơi, quá trình tu bổ bị người dân phản đối chính vì cảm giác bị đứng ra khỏi một việc rất quan trọng của làng trước đây vốn là việc thiêng liêng với cộng đồng, từng được mọi người tham gia, qua đó vai trò vị thế của mỗi cá nhân được nâng cao, được khẳng định.

Trường hợp thứ 3, đánh giá về giá trị không gian sinh hoạt cộng đồng, có ý nghĩa gắn kết cộng đồng của ngôi Đình làng chưa thật đầy đủ. Nếu thực sự coi trọng thì phải tìm cách khôi phục lại giá trị này.

Hiện nay, nhiều đình làng đã được khôi phục khang trang nhưng có xu hướng chỉ còn chức năng thờ, chức năng quản lý hành chính mất hẳn, chức năng sinh hoạt cộng đồng giảm sút, Đình đã bị thánh hóa toàn bộ, trở thành đền. Chính việc xây thêm nhà văn hóa thôn đã cạnh tranh với chức năng là nơi sinh hoạt cộng đồng của Đình làng, làm mất đi một phần giá trị văn hóa tinh thần của nó. Nếu các Đình làng đã được tu bổ tôn tạo tốt, cần được trang bị thêm một số thiết bị âm thanh, tiện nghi để tăng cường hoạt động sinh hoạt cộng đồng tại Đình, tại sân Đình.

Bờ ao làng đã được kè cứng, lát thành hè đường như đô thị (Làng cổ Đường Lâm)

Sự coi nhẹ các giá trị tích hợp trong công tác bảo tồn kể cả khi đã có những định hướng quy hoạch đúng

Việc coi nhẹ các giá trị tích hợp ngoài giá trị kiến trúc dường như vật thể đã ăn sâu vào ý thức của những người làm công tác bảo tồn, quản lý di sản, ngay cả khi có những bản quy hoạch đúng đắn, khi triển khai thực hiện vẫn không tuân thủ.

Trường hợp triển khai công tác bảo tồn ở xã Đường Lâm (Hà Nội) hiện nay điển hình cho việc coi nhẹ các giá trị tích hợp. Quy hoạch Bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị các làng cổ ở Đường Lâm (phê duyệt năm 2013) đã xác định rõ giá trị cảnh quan là một phần trong hệ thống giá trị của di sản, đã có những minh họa rất cụ thể cho những yếu tố cảnh quan phải gìn giữ, bảo tồn, những định hướng bảo tồn nhưng thực tế xây dựng đã không hoàn toàn làm như vậy.
Sự khác biệt giữa ý đồ quy hoạch và thực tế xây dựng là quá lớn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan của khu vực cổng làng. Đây thực sự là cách làm sai khó có thể chấp nhận.

Cũng tại Đường Lâm, lũy tre làng, một thành tố quan trọng của làng truyền thống còn duy nhất là ở thôn Đông Sàng đã được đề xuất đưa vào danh mục bảo tồn, cũng đã được phê duyệt trong đồ án Quy hoạch năm 2013, nhưng đến tháng 10-2018, không thể nhận diện được lũy tre đó nữa.

Kết luận

Nhận diện, đánh giá giá trị di sản là công việc quan trọng, là cơ sở khoa học cốt lõi để đề xuất các giải pháp bảo tồn. Các giá trị di sản phải được khảo cứu, đánh giá kỹ trên nhiều khía cạnh, tìm ra được các giá trị tích hợp nâng cao. Đặc biệt với các di sản “sống”, mang tính khu vực, việc đánh giá di sản trên các góc nhìn chuyển tiếp giá trị, khả năng thích ứng với cuộc sống đương đại là rất có ý nghĩa vì chính cơ sở này sẽ tạo tiền đề cho các giải pháp bảo tồn có hiệu quả.
Việc triển khai công tác bảo tồn cần chú ý các giá trị tích hợp, không coi nhẹ bất cứ giá trị nào.

Các giá trị phi vật thể, giá trị cảnh quan hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, trong cả quá trình đánh giá di sản và quá trình thực hiện bảo tồn. Rất cần có sự thay đổi mạnh trong nhận thức để công tác bảo tồn có kết quả tốt hơn trong giai đoạn tới .

Cần xây dựng các hướng nghiên cứu đa dạng cho các khu vực có di sản của đất nước để hình thành nên các lý luận nhận diện giá trị di sản đầy đủ, không bị động trong quá trình thực hiện công tác bảo tồn.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phạm Hùng Cường. (2014). Làng xã truyền thống Việt Nam – Bảo tồn và phát triển. 2014. Nhà Xuất bản Nông nghệp.
  2. Phạm Hùng Cường (2009). Làng Việt và những giá trị di sản Kiến trúc cảnh quan. Tạp chí Kiến trúc số 5- 2009
  3. Pham Hùng Cường (2009). Quy hoạch bảo tồn làng cổ ở Đường Lâm. Tạp Chí Kiến trúc Việt Nam – số 1 -2009
  4. Lê Quỳnh Chi (2014). Nhận diện giá trị giao thoa văn hoá Đông – Tây trong không gian kiến trúc quy hoạch và thách thức cho công tác bảo tồn Làng Cựu, Phú xuyên, Hà nội. Tạp chí Khoa học Công nghệ Xây dựng, Số 19/5-2014.

PGS.TS. Phạm Hùng Cường – Đại học Xây dựng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2018)