Phòng cháy chống cháy trong đô thị: Từ các văn bản pháp lý đến thực tiễn

Theo thống kê của Cảnh sát PCCC Hà Nội, năm 2017, tại Hà Nội xảy ra 820 vụ cháy, quý I-2018 xảy ra 280 vụ, làm chết  và bị thương nhiều người, thiệt hại tài sản ước tính 617 tỷ đồng. Tại TP HCM năm 2017 xảy ra hơn 1.000 vụ cháy, quý I-2018 đã xảy ra 121 vụ, làm chết  và bị thương nhiều người, thiệt hại về tài sản khoảng 92,5 tỷ đồng.

Việt Nam có tốc độ đô thị hóa nhanh, đến năm 2017 Việt Nam đã có 813 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc khoảng 37,5% trong đó 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP HCM có dân số đô thị chiếm sấp xỉ 30% dân số đô thị trong toàn quốc. Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, tình hình cháy nổ đang có chiều hướng diễn ra ngày càng phức tạp, các vụ cháy nổ ngày càng đa dạng, từ công trình chợ, quán karaoke, kios bán hàng, nhà ở và đặc biệt là nhà ở cao tầng. Điều đó cho thấy việc tổ chức hệ thống hạ tầng phục vụ PCCC trong quy hoạch đô thị và việc nâng cao ý thức của người dân về việc PCCC cần được quan tâm đúng mức.

Quy hoạch khu dân cư
Khu đô thị Dương Nội

Các văn bản pháp lý quy định PCCC trong đô thị và các công trình

Màn biểu diễn thực tập PCCC ở một khu chung cư

Hệ thống các văn bản của Việt Nam đã được ban hành rất đầy đủ để lập quy hoạch đô thị cũng như thiết kế công trình đảm bảo phòng cháy và chữa cháy hiệu quả, trong các văn bản hiện hành phải kể đến Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10; Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình QCVN 06:2010/BXD; 37 Tiêu chuẩn TCVN quy định về việc PCCC cho nhà và các công trình với các quy định về vật liệu xây dựng, trang thiết bị đảm bảo an toàn cháy nổ trong công trình…

1. Quy hoạch đô thị: Các văn bản pháp lý quan trọng đều quy định rất rõ những yêu cầu tối thiểu về PCCC khi lập quy hoạch đô thị phải tuân thủ.

– Quy định về đường cho phương tiện PCCC trong đô thị: Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình QCVN 06:2010/BXD đã có những quy định rất rõ, trong đô thị và các khu dân cư phải bố trí các đường cho xe chữa cháy và lối tiếp cận cho lực lượng và phương tiện chữa cháy, kết hợp chung với các đường và lối đi theo công năng của ngôi nhà hoặc bố trí riêng.
Đường cho xe chữa cháy phải đảm bảo chiều rộng của mặt đường không được nhỏ hơn 3,50m cho mỗi làn xe. Chiều cao của khoảng không tính từ mặt đường lên phía trên không được nhỏ hơn 4,25m. Mặt đường phải đảm bảo chịu được tải trọng của xe chữa cháy theo yêu cầu thiết kế, phù hợp với chủng loại phương tiện của cơ quan Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ nơi xây dựng công trình. Đường cụt dùng cho một làn xe không được dài quá 150m, cuối đường phải có bãi quay xe theo các quy định, nếu dài quá 100m phải có chỗ tránh xe với kích thước phù hợp. Đường cho xe chữa cháy có thể tiếp cận tới các nguồn nước chữa cháy của công trình cũng như tới các điểm thuận lợi cho việc chữa cháy, cứu nạn. Khoảng cách từ nơi đỗ xe chữa cháy tới họng tiếp nước vào nhà không được lớn hơn 18m.

Đối với đường giao thông nhỏ hẹp chỉ đủ cho 1 làn xe chạy thì cứ ít nhất 100m phải thiết kế đoạn mở rộng tối thiểu 7m dài 8m để xe chữa cháy và các loại xe khác có thể tránh nhau dễ dàng. Phải đảm bảo đường cho các xe chữa cháy tiếp cận đến các nhà ở và công trình công cộng, đường và bãi đỗ cho xe thang hoặc xe có cần nâng để có thể tiếp cận đến từng căn hộ hoặc gian phòng trên các tầng cao. Khoảng cách từ mép đường xe chạy đến tường nhà cho phép từ 5m đến 8m (đối với các nhà cao đến 10 tầng), và từ 8m đến 10m (đối với các nhà cao trên 10 tầng). Trong các vùng có khoảng cách này không cho phép bố trí tường ngăn, đường dây tải điện trên không và trồng cây cao thành hàng. Dọc theo các mặt ngoài nhà nơi không có lối vào, cho phép bố trí các khoảng đất có chiều rộng tối thiểu 6 m và chiều dài tối thiểu 12m dùng đậu xe chữa cháy, có tính tới tải trọng cho phép của chúng trên lớp áo và đất nền.

Ngoài ra, Quy chuẩn còn quy định về việc bố trí các thang chữa cháy ngoài nhà và bảo đảm các phương tiện cần thiết khác để đưa lực lượng chữa cháy cùng các trang thiết bị kỹ thuật chữa cháy đến các tầng và mái của các ngôi nhà, trong đó gồm cả việc bố trí các thang máy có chế độ “chuyên chở lực lượng chữa cháy”. Các nhà cao trên 10 tầng, các nhà công cộng tập trung đông người, gara, nhà sản xuất, kho có diện tích trên 18.000 m2 phải có phòng trực PCCC và người trực có chuyên môn điều khiển chống cháy.

– Quy chuẩn Quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN 01: 2008/BXD quy định trong các khu dân dụng phải bố trí hợp lý đường giao thông phục vụ chữa cháy, bề rộng đường xe chạy từ 4m trở lên, khoảng cách giữa các đường giao thông xuyên qua hoặc xen giữa các ngôi nhà không được dài quá 180m. Công trình công nghiệp có chiều rộng nhà nhỏ hơn 18m phải bố trí đường cho xe chữa cháy bên ngoài dọc theo một phía nhà, và khi nhà rộng từ 18m trở lên phải bố trí đường cho xe chữa cháy chạy dọc theo 2 phía nhà. Phải đảm bảo đường cho xe chữa cháy tới nơi lấy nước chữa cháy (trụ nước chữa cháy, bể dự trữ nước chữa cháy, hồ, ao, sông).

Lối thoát hiểm tại một toà nhà ở Green Village, New York, Mỹ (Ashui.com)

Bên cạnh đó, các trạm phòng, chữa cháy gồm các trạm trung tâm và các trạm khu vực với bán kính phục vụ của Trạm phòng, chữa cháy trung tâm ≤ 5km; Khoảng cách giữa các trạm phòng, chữa cháy khu vực ≤ 3km. Vị trí đặt trạm phòng chữa cháy phải đảm bảo xe và phương tiện chữa cháy ra vào trạm an toàn, nhanh chóng và phải đảm bảo có địa hình bằng phẳng và có đủ diện tích để xây dựng công trình, sân bãi theo quy định. Liên hệ thuận tiện với các đường giao thông, không được tiếp giáp với các công trình có đông người, xe cộ ra vào.
Quy hoạch cải tạo các khu vực cũ trong đô thị thì hệ thống hạ tầng kỹ thuật cần được cải tạo đồng bộ, lộ giới đường giao thông trong nhóm nhà ở hiện trạng cải tạo phải đảm bảo ≥ 4m, đường cụt một làn xe không được dài quá 150m và phải có điểm quay xe để đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy.
– Quy định về hệ thống cấp nước PCCC: Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình QCVN 06:2010/BXD yêu cầu bố trí đường ống cấp nước chữa cháy kết hợp với các đường ống cấp nước sinh hoạt hoặc bố trí riêng, và khi cần thiết, bố trí các họng tiếp nước, đường ống tiếp nước vào trong nhà cho lực lượng chữa cháy, các trụ nước, bể chứa nước chữa cháy hoặc các nguồn cấp nước chữa cháy khác. Các hệ thống cấp nước chữa cháy cho nhà ở phải bảo đảm để lực lượng và phương tiện chữa cháy có thể tiếp cận và sử dụng ở mọi thời điểm.

Trong các khu chức năng đô thị, phải tận dụng các sông hồ, ao để dự trữ nước chữa cháy, phải đảm bảo có đủ lượng nước dự trữ tại mọi thời điểm và có đường cho xe chữa cháy tới lấy nước. Chiều sâu mặt nước so với mặt đất không lớn quá 4m và chiều dày lớp nước không nhỏ hơn 0,5m. Trên mạng ống cấp nước đô thị, dọc theo các đường phố phải bố trí các họng lấy nước chữa cháy (trụ nổi hoặc họng ngầm dưới mặt đất), đảm bảo các khoảng cách tối đa giữa các họng tại khu trung tâm đô thị loại đặc biệt, loại I và loại II, khu có mật độ dân cư cao là 150m, tại các khu vực khác là 150m. Khoảng cách tối thiểu giữa họng và tường các ngôi nhà là 5m. Khoảng cách tối đa giữa họng và mép đường (trường hợp họng được bố trí ở bên đường, không nằm dưới lòng đường) là 2,5m. Họng chữa cháy phải được bố trí ở nơi thuận tiện cho việc lấy nước chữa cháy như: ở ngã ba, ngã tư đường phố. Đường kính ống dẫn nước chữa cháy ngoài nhà phải không nhỏ hơn 100mm.

2. Công trình xây dựng

– Trang thiết bị: Trong các công trình xây dựng phải trang bị các phương tiện cứu người cho cá nhân và tập thể trong trường hợp cần thiết. Với các tòa nhà từ 05 tầng trở lên phải trang bị hệ thống báo cháy tự động, đảm bảo phát hiện cháy nhanh, chuyển tín hiệu rõ ràng và đảm bảo độ tin cậy. Sau khi đưa vào hoạt động, hệ thống này phải được kiểm tra mỗi năm ít nhất 02 lần; được bảo dưỡng ít nhất 2 năm một lần. Theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3890;2009 tất cả các khu vực trong tòa nhà đều phải trang bị bình chữa cháy xách tay hoặc bình chữa cháy có bánh xe 50 – 150m2 có 1 bình chữa cháy, với mức độ nguy hiểm thấp, định mức trang bị bình chữa cháy là 150m2/bình; mức độ nguy hiểm trung bình là 75m2/bình và với mức độ nguy hiểm cao là 50m2/bình.

– Cửa PCCC: Cửa của các lối ra thoát nạn từ hành lang các tầng, không gian chung, phòng chờ, sảnh và buồng thang bộ phải không có chốt khóa để có thể mở được cửa tự do từ bên trong khi có sự cố. Với các tòa nhà có chiều cao lớn hơn 15m, các cánh cửa này phải là cửa đặc hoặc với kính cường lực. Đối với các buồng thang bộ, cửa ra vào phải có cơ cấu tự đóng và khe cửa phải được chèn kín, các cửa này nếu cần để mở khi sử dụng phải được trang bị cơ cấu tự đóng khi có cháy.

– Họng nước chữa cháy: Theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình QCVN 06:2010/BXD phải bố trí 1 – 2 họng nước tại mỗi điểm ngôi nhà. Các tòa chung cư phải bố trí từ 01 – 02 họng nước chữa cháy cho mỗi điểm bên trong nhà với lượng nước tính cho mỗi họng là 2,5 lít/giây. Các họng chữa cháy bên trong tòa nhà phải bố trí cạnh lối ra vào, trên chiếu nghỉ buồng thang, ở sảnh, hành lang và những nơi dễ thấy, dễ sử dụng, tâm của họng chữa cháy phải đặt ở độ cao 1,25m so với mặt sàn; mỗi họng chữa cháy trong tòa nhà phải có đặt van khóa, lăng phun nước và cuộn vòi mềm có đủ độ dài theo tính toán.

– Lối thoát nạn trong công trình: Theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2622:1995, trong các nhà cao tầng phải có ít nhất 02 lối ra thoát nạn để đảm bảo cho người thoát nạn an toàn khi có cháy, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chữa cháy hoạt động. Trong các nhà cao tầng có diện tích mỗi tầng lớn hơn 300m2 thì hành lang chung hoặc lối đi phải có ít nhất hai lối thoát ra hai cầu thang thoát nạn. Cho phép thiết kế một cầu thang thoát nạn ở một phía, còn phía kia phải thiết kế ban công nối với thang thoát nạn bên ngoài nếu diện tích mỗi tầng nhỏ hơn 300m2.

Thực trạng hạ tầng kỹ thuật phục vụ PCCC

Về thực trạng hạ tầng kỹ thuật, giao thông phục vụ công tác PCCC còn bất cập, các quy chuẩn, tiêu chuẩn hầu như chưa được áp dụng thực hiện trong quy hoạch đô thị. Hiện nay ở TP Hà Nội có hơn 1.200 tuyến phố nhỏ, ngõ sâu, xe cứu hỏa không vào được, mật độ dân cư đông đúc, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Trong số hơn 3.700 trụ nước chữa cháy hiện có ở Thành phố Hà Nội, 117 trụ không lấy được nước do bị kẹt nắp, mất nắp, hoặc bị xây lấp, 182 trụ không có nước, theo quy chuẩn hiện hành, Hà Nội còn thiếu 4.000 trụ nước. TP HCM hiện có hơn 9.600 trụ nước cứu hỏa, còn thiếu hơn 11 nghìn trụ nước chữa cháy ở các khu dân cư. Trong số đó, 668 trụ bị hư hỏng không lấy nước được do không được duy tu sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ theo quy định. Tình trạng mất nắp bảo vệ họng chờ trụ nước chữa cháy xảy ra thường xuyên.
TP Hà Nội có khoảng 4.100 cơ sở vui chơi giải trí, trong đó có 1.000 cơ sở ka ra ô ke, TP HCM có khoảng hơn 2.000 cơ sở. Thành phố Hà Nội đã rà soát hoạt động kinh doanh dịch vụ, tuy nhiên, qua kiểm tra của Công an Hà Nội mới chỉ có các cơ sở tại các quận: Cầu Giấy, Ba Ðình, Hoàn Kiếm, Long Biên… sửa chữa để đạt các tiêu chuẩn về PCCC, còn lại phần lớn quán karaoke chưa đạt nhưng vẫn đang hoạt động. TP HCM cũng ở tình trạng tương tự.

Chợ cũng là những nơi có nguy cơ gây cháy nổ cao, không kể các chợ tạm chưa phân hạng, ngay cả các chợ hạng 2, hạng 3 tại các đô thị đều đã xuống cấp, không đủ các tiêu chuẩn, điều kiện PCCC. TP Hà Nội và TP HCM cũng là những địa phương có số lượng chợ nhiều nhất cả nước, hằng ngày tập trung số lượng lớn tiểu thương, người dân tham gia mua bán, trao đổi hàng hóa, tuy nhiên công tác PCCC chưa được quan tâm đúng mức.

Nhà ở là một trong các thể loại công trình thường xuyên có nguy cơ cháy nổ, đặc biệt các chung cư cao tầng gần đây xảy ra quá nhiều những trận hỏa hoạn như cháy chung cư Fodacon Hà Đông, chung cư Carina Plaza TP HCM… làm dân cư trong các khu chung cư vô cùng bất an. Thực trạng đáng lo ngại nêu trên cho thấy các đô thị lớn cần thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy và PCCC có hiệu quả.

Các giải pháp PCCC

a. Quy hoạch và kiến trúc công trình

Trong quá trình thực hiện các quy hoạch xây dựng cần tuân thủ các yêu cầu PCCC trong đô thị từ việc bố trí đường giao thông đến bố trí các họng chữa cháy và lưu lượng nước phục vụ cho công tác phòng chống cháy theo QCXDVN

Khi thiết kế các công trình cần tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn lắp đặt các thiết bị báo cháy cũng như PCCC. Bất cứ công trình nào chỉ được đưa vào sử dụng sau khi đã được các cơ quan chức năng nghiệm thu hệ thống PCCC. Trước khi bàn giao tòa nhà, các nhà quản lý sẽ làm việc với chủ đầu tư kiểm tra toàn bộ hệ thống báo cháy và chữa cháy, đồng thời, người dân cần luôn được nhắc nhở ý thức phòng chống cháy nổ và được rèn luyện kỹ năng thoát hiểm. Tất cả đều hướng tới sự an toàn, chất lượng sống của người sử dụng. Với các tòa nhà, được yêu cầu có thêm những tầng được gọi là tầng tị nạn, đây là khu vực có không gian mở ra bên ngoài để khói không bị tích tụ một chỗ, giúp sơ tán nhanh trong trường hợp khẩn cấp. Cứ khoảng 6 tháng, hệ thống PCCC của các tòa nhà sẽ được yêu cầu kiểm tra. Các buổi diễn tập PCCC để nâng cao khả năng ứng phó của người dân cũng được tổ chức.

b. Công tác thông tin, tuyên truyền ý thức về PCCC

– Tại các đô thị, các khu dân cư cần giáo dục ý thức PCCC cho mọi lứa tuổi, với mục đích mang lại kiến thức cho mỗi cá nhân, giúp họ bảo vệ tính mạng của mình, mang lại sự an toàn cho cộng đồng, bảo vệ tài sản chung của xã hội. Giáo dục ý thức PCCC trong cộng đồng và đào tạo các cư dân đô thị thành những người có ý thức bảo vệ an ninh và phòng chống thiên tai, thảm họa trong khu vực, hướng dẫn cụ thể cách sử dụng bình cứu hỏa cũng như cách xử lý các tình huống cháy nổ, đưa ra những bài học, lời khuyên dành cho các thế hệ về các vấn đề PCCC, để mỗi người có thể bảo vệ được mình, bảo vệ được người khác, và những người thân xung quanh mình.

– Qui hoạch đô thị có vai trò quan trọng tham gia vào giải quyết được việc giảm thiểu được sự thiệt hại do cháy gây ra. Các giải pháp PCCC trong qui hoạch đô thị là các đề xuất mang tính diện rộng, đòi hỏi kết hợp hài hoà, hợp lí nhiều yếu tố xã hội của một đô thị. Mặc dù đã có những nội dung được lồng ghép trong các nguyên lí qui hoạch, các hướng dẫn trong qui trình lập qui hoạch hiện hành song vấn đề PCCC đặt ra như một yêu cầu lớn trong các đồ án qui hoạch đô thị. Những giải pháp chính và những hướng dẫn gợi ý đặt ra để giải quyết PCCC cho đô thị tuân thủ theo khuôn khổ các qui trình lập qui hoạch và sử dụng các tiêu chuẩn, qui chuẩn hiện hành về PCCC cho các đô thị.

– Bên cạnh đó, các công trình kiến trúc, đặc biệt là nhà chung cư sử dụng rất nhiều vật liệu bằng gỗ và các vật liệu dễ cháy, dễ phát sinh hỏa hoạn. Vì thế, các tòa nhà chung cư đều phải trang bị các công cụ cứu hỏa và có khả năng thông tin nhanh nhất. Trong thời đại công nghệ 4.0, cần có hệ thống truyền tin về cháy nổ nhanh nhất qua điện thoại di động, tin nhắn, truyền thông để người dân nhanh chóng chủ động xử lý các tình huống PCCC.

Thay lời kết

Hiện nay, trên cả nước, các ban ngành, đặc biệt là Công an PCCC đang tích cực kiểm tra, rà soát lại về công tác PCCC trong các đô thị và các khu đô thị. Công tác kiểm tra PCCC hiện nay chủ yếu là kiểm tra các trang thiết bị PCCC trong các tòa nhà, kiểm tra hệ thống báo cháy cũng như phương tiện chữa cháy, điều đó là cần thiết nhưng chưa đầy đủ. Cần phải bổ sung chương trình, rà soát lại hệ thống giao thông trong đô thị đảm bảo các xe cứu hỏa đến được từng gia đình, từng tầng cao nhất của công trình. Rà soát toàn bộ hệ thống cấp nước PCCC, đảm bảo các họng chữa cháy phải được kiểm tra thường xuyên để đáp ứng PCCC. Cần đưa vào chương trình nghị sự các chương trình thu gom nước mưa làm hệ thống PCCC khu đô thị, Thành phố hướng tới PCCC bền vững. Bên cạnh đó, các đô thị cần chú trọng công tác giáo dục ý thức của cộng đồng dân cư trong việc PCCC, xây dựng các đô thị thông minh, an toàn với tất cả mọi người.

TS.KTS.Lê Thị Bích Thuận
Nguyên PVT Viện Kiến trúc, Quy hoạch ĐT&NT – Bộ Xây dựng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2018)