Phương pháp xây dựng chân dung khách hàng làm cơ sở tạo lập không gian sống cá tính

Xu hướng cá nhân hoá trong thiết kế nội thất

Có thể thấy, từ buổi sơ khai, con người đã biết chế tạo ra các loại đồ đạc nội thất để phục vụ cho các hoạt động trong không gian sống của mình. Việc trang trí làm đẹp cho không gian sống tuy còn thô sơ nhưng cũng cho thấy ngoài các nhu cầu thể “lý”, con người cũng quan tâm, chú trọng tới nhu cầu về tinh thần (thể hiện ở sự chú trọng tới thẩm mĩ nội thất). Nhu cầu đó được nâng cao dần theo sự phát triển chung và văn minh của nhân loại, theo điều kiện chủ quan của từng đối tượng người sử dụng. Càng ngày, con người càng có nhu cầu thể hiện thể hiện cái tôi, vị trí xã hội, tài sản, phong cách của cá nhân…thông qua ngôi nhà của mình.

Nhà ở là công trình được xây dựng để bảo vệ con người trước những tác động xấu của thiên nhiên như bão lụt, mưa gió và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của cá nhân hoặc hộ gia đình. So với các thể loại công trình kiến trúc khác, nhà ở có thể được coi là đơn vị cư trú có tính riêng tư cao nhất, mang tới cho người sử dụng cảm giác tự do, thân thuộc, ấm áp, thoải mái… Ở đó, luôn phản ánh rõ nét tâm tư, thói quen và tính cách của gia chủ thông qua cách bài trí đồ đạc trong không gian. Tự thân ngôi nhà qua quá trình sử dụng của gia chủ cũng sẽ toát lên cá tính riêng của nó. Tuy nhiên, nét “cá tính” đó có được bộc lộ ra một cách hợp lý và thẩm mĩ hay không đòi hỏi sự phối hợp của những nhà thiết kế chuyên nghiệp ngay từ giai đoạn đầu.

Ngày nay, xu hướng cá nhân hoá phát triển mạnh và phủ khắp hầu hết các lĩnh vực từ: Giáo dục, du lịch, marketing, truyền thông, kinh doanh và cả thiết kế nội thất. Có quan điểm cho rằng: Thiết kế cá nhân hoá là phải làm cho hình thức không gian mang tính “độc bản”, không giống ai. Tuy nhiên, theo tôi, thiết kế cá nhân hoá là chiến lược thiết kế lấy người dùng làm trung tâm với phương châm: Hãy để cho ngôi nhà không có “phong cách” đặc biệt mà chỉ mang dấu ấn của người chủ sở hữu. Sản phẩm thiết kế chỉ nên là 1 phần của câu chuyện và gia chủ là người viết tiếp câu chuyện đó trong quá trình sử dụng. Thiết kế cá nhân hoá cần linh hoạt, có tính dự báo, và khả năng ứng phó với những thay đổi nhu cầu của khách hàng cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Bởi suy cho cùng, đối tượng sử dụng của một ngôi nhà cũng là một biến số vừa có tính đa dạng vừa có tính bất định (VD: Đối tượng sử dụng là một gia đình với đa dạng các thành viên hay sự thay đổi gia chủ của một công trình). Thiết kế nên là tiền đề cho sự phát triển đa dạng của hình thức chứ không phải là một hình thức cố định. Và cá tính của một không gian nội thất nhà ở không nhất thiết phải biểu hiện ở một hình thức thẩm mĩ bắt mắt mà có thể biểu hiện một tư tưởng, một lối sống, một quan điểm, một tinh thần… rõ ràng và nhất quán ở bên trong.

Quá trình thiết kế một công trình nhà ở cá tính, có linh hồn không thể thiếu được sự song hành của chủ nhà. Họ có thể là những người duy mỹ, có thẩm mỹ cao, có óc sáng tạo. Họ có thể tham gia vào các giai đoạn thiết kế như lên ý tưởng, chọn vật liệu, màu sắc, kiểu dáng đồ đạc…cùng với tự tư vấn của nhà thiết kế chuyên nghiệp. Khái niệm “Đồng thiết kế” (Co-Design session) là một khái niệm mới trong thiết kế khi khách hàng, người sử dụng hay chủ đầu tư không chỉ là người đưa ra yêu cầu thiết kế mà họ cũng sẽ tham gia vào một phần của quá trình làm dự án. Đây cũng là cách gia chủ khẳng định cái tôi cá nhân khi có thể “khoe” về việc có thể tự trang trí ngôi nhà của mình ra sao.

Thiết kế nội thất lấy người dùng làm trung tâm

Không có quy trình chung cho tất cả các dự án thiết kế nội thất. Các bước thực hiện mỗi đồ án tùy thuộc vào cách tiếp cận và phương pháp đặc thù của mỗi đơn vị thiết kế. Có nhiều cách tiếp cận khi thiết kế Kiến trúc – Nội thất nói chung, như: Cách tiếp cận từ yếu tố xã hội, cách tiếp cận từ yếu tố môi trường, các tiếp cận từ yếu tố bảo tồn, cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm… Nếu như các dự án thiết kế kiến trúc thường có cách tiếp cận từ yếu tố môi trường thì các dự án thiết kế nội thất lại có cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm (Human-Centered- Design).

“Thiết kế lấy con người làm trung tâm (Human-centered design – HCD) là một quá trình thiết kế và quản lý nhằm tìm giải pháp cho các vấn đề liên quan đến quan điểm của người dùng. Quan điểm của người dùng được đặt ra xuyên suốt quy trình giải quyết từ bối cảnh, phát triển ý tưởng, khái niệm hoá và đến thực hành.”

Phương pháp thiết kế lấy con người làm trung tâm trong kiến trúc – nội thất có tiêu chí phục vụ, thỏa mãn tối đa mọi cảm quan và tư duy của những người sinh sống ở nơi đó, nhằm giữ gìn và mang đến sự phát triển đời sống, cả về vật chất và tinh thần cho con người. Phương pháp tiếp cận này đặc biệt thích hợp khi đặt mục tiêu tạo lập không gian sống cá tính trong lĩnh vực nhà ở. Với phương pháp thiết kế này, kỹ năng giải quyết vấn đề là chưa đủ mà còn đòi hỏi năng lực cảm xúc và khả năng “đồng cảm” của người thiết kế với đối tượng khách hàng.

“Theo IDEO, sự đồng cảm là khả năng thấu hiểu người khác, đặt mình vào vị trí của người khác, quan sát thế giới bằng con mắt của họ, lắng nghe bằng đôi tai của họ, cảm nhận bằng trái tim của họ. Bằng việc đặt con người vào vị trí trung tâm và đắm mình vào thế giới của người dùng, bạn có thể mường tượng ra các giải pháp sáng tạo, phù hợp với những nhu cầu đặc thù nhất. Bên cạnh đó, đồng cảm với những người mà bạn đang thiết kế là cách tốt nhất để thực sự nắm bắt được bối cảnh và sự phức tạp trong cuộc sống của họ, chú ý đến những chi tiết mà nhiều người không để ý, sử dụng chúng để tạo nên sự đổi mới.”

Tuy nhiên, trong đào tạo chuyên ngành thiết kế nội thất hay mở rộng hơn là trong lĩnh vực hành nghề thiết kế nội thất, yếu tố này chủ yếu phụ thuộc vào “sự nhạy cảm riêng” của mỗi nhà thiết kế mà chưa có phương pháp phân tích và xây dựng chân dung khách hàng một cách bài bản và cụ thể, làm cơ sở cho thiết kế và sáng tạo

Tầm quan trọng của sự “đồng cảm” với khách hàng trong việc lên ý tưởng thiết kế nội thất

Có thể nói, để tạo lập được một không gian sống cá tính, nhu cầu của khách hàng là nguồn cảm hứng sáng tạo đầu tiên trong quá trình thiết kế nội thất. Cá tính của thiết kế nội thất phải được chuyển hoá từ chính cá tính của người dùng. Một thiết kế dù đẹp hay độc đáo bao nhiêu mà chỉ xuất phát từ thẩm mĩ chủ quan của người thiết kế thì cũng không hữu dụng bởi suy cho cùng, người sử dụng trực tiếp không gian đó chỉ là gia chủ chứ không phải người làm thiết kế.

Đối với thể loại thiết kế nội thất nhà ở, khách hàng của bạn có thể chỉ là một người, một nhóm người (một gia đình) hay là một cộng đồng người (có cùng đặc điểm). Đôi khi, chủ đầu tư của bạn là một cá nhân có khả năng kinh tế dư giả (với dự án biệt thự, lâu đài …); và nhiều khi thiết kế của bạn mang tính chất xã hội (VD như thiết kế nội thất nhà ở cho nhóm người thu nhập thấp…). Khi bắt đầu một dự án, thay vì ngồi tại chỗ để lên kế hoạch và tìm ý tưởng, người thiết kế cần phải khơi gợi nguồn cảm hứng bằng việc đứng dậy và đi ra ngoài quan sát thế giới, quan sát môi trường sống của chính khách hàng, phân tích tâm lý, hành vi, thói quen… của họ.. Yếu tố “Đồng cảm” ở đây rất quan trọng khi những câu hỏi tiếp xúc với khách hàng không đơn thuần là khai thác thông tin mà còn phải thể hiện cảm xúc, sự quan tâm chân thành sẽ giúp bạn hiểu đối tượng thiết kế của mình còn hơn chính đối tượng đó, giúp bạn có thể hình dung ra được nguyên nhân sâu xa ẩn chứa đằng sau vấn đề. Bên cạnh đó, việc xin ý kiến từ các chuyên gia cũng rất cần thiết, họ có thể cung cấp cho bạn một vài quan điểm khác nhau để cân đối lại thông tin thu thập của bạn, tránh việc thiết kế theo bản năng. Những kinh nghiệm thiết kế của người đi trước có thể giúp bạn có một cái nhìn ở cấp độ hệ thống của dự án bạn đang thực hiện, cho bạn biết về những xu hướng thiết kế hiện tại, sự sáng tạo, sự thành công cũng như những thất bại. Những nghiên cứu thực địa thông qua quan sát, phỏng vấn và những dữ liệu tìm được qua nghiên cứu thứ cấp sẽ giúp bạn đưa ra một số kết luận vừa đủ để lật lại vấn đề, từ đó đạt được những hiểu biết sâu sắc về chúng, chính là bản chất của vấn đề.

Ở cấp độ giáo dục Đại học, trong các môn học đồ án nói chung và đồ án Nội thất nhà ở nói riêng, sinh viên thường được yêu cầu xây dựng kịch bản gia chủ trước khi xây dựng nhiệm vụ thiết kế. Tuy nhiên, kịch bản các em xây dựng đa phần chỉ dừng lại ở các thông tin đơn giản như: Số lượng người sử dụng, giới tính, tuổi tác, công việc, sở thích… mà chưa liên kết được thành một câu chuyện đủ hấp dẫn để truyền cảm hứng cho chính thiết kế của mình. Do đó, tôi thường gợi ý cho các em lựa chọn đối tượng là những người thân xung quanh mình hoặc các nhân vật ở trong truyện hoặc phim ảnh… để tăng lượng thông tin cũng như mức độ kịch tính cho kịch bản gia chủ, giúp cho sinh viên có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về đối tượng mình thiết kế.

Hình ảnh sơ đồ kịch bản gia chủ sinh viên thường giả định

Không chỉ sinh viên mà kể cả những người hành nghề thiết kế nội thất trên thực tế cũng ít coi trọng việc phải “đồng cảm” với khách hàng. Đa phần chỉ dừng lại ở mức độ tìm hiểu và đáp ứng những nhu cầu cơ bản hoặc để tự khách hàng đề xuất. Tuy nhiên, cũng không phải khách hàng nào cũng sẵn sàng hoặc dễ dàng chia sẻ những “tâm tư” của mình mà đòi hỏi người thiết kế phải có kỹ năng khai thác, quan sát và phân tích thông tin.

Các yếu tố tạo nên chân dung khách hàng

Phương pháp xây dựng chân dung khách hàng làm cơ sở tạo lập không gian sống cá tính

Khái niệm “Xây dựng chân dung khách hàng” bắt đầu từ lĩnh vực marketing và mở rộng sang các ngành dịch vụ khác trong đó có lĩnh vực thiết kế Kiến trúc – Nội thất với 4 mục tiêu chính: Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, tạo ra sản phẩm (thiết kế) phù hợp, thuyết phục khách hàng và tìm kiếm khách hàng mục tiêu thông qua các hoạt động truyền thông.

Các yếu tố nhân khẩu học
Các câu hỏi đặt khi xây dựng chân dung khách hàng

Trong lĩnh vực kiến trúc – nội thất, chân dung khách hàng là khái niệm dùng để chỉ một bản phác thảo chi tiết và toàn diện về đối tượng khách hàng của dự án nói riêng và của doanh nghiệp nói chung. Để xây dựng được chân dung khách hàng thường bao gồm các thông tin như nhân khẩu học (giới tính, nhóm tuổi, nơi ở, thu nhập,…), sở thích của họ, hay quan điểm, văn hoá, kí ức, khát vọng, trải nghiệm và các giá trị họ đề cao…. Nắm bắt được những thông tin trên, đơn vị thiết kế có thể đưa ra được giải pháp thiết kế hiệu quả và chính xác hơn, hoặc có được chiến lược thuyết phục khách hàng dễ dàng hơn.

Việc xây dựng chân dung khách hàng trên thực tế không phải là điều dễ dàng và chỉ đơn thuần là thu thập thông tin mà nhà thiết kế còn phải phân tích, đánh giá và dùng sự nhạy cảm của mình, tìm ra “điểm chạm” của họ để tư vấn và thiết kế. Đó có thể là “nỗi đau”, những vấn đề gia chủ gặp phải trong cuộc sống mà chưa thể giải quyết, hay là những “khát vọng” thầm kín đằng sau những mong ước về ngôi nhà của họ…

Việc thu thập thông tin là một bước rất quan trọng trước khi bắt tay vào thiết kế. Nếu như nhà thiết kế không hiểu được yêu cầu của khách hàng ngay từ đầu thì sẽ có thể đi chệch hướng dẫn tới sự lãng phí thời gian, nhân lực trong quá trình làm việc. Vì vậy, việc tạo được mối quan hệ tốt với khách hàng ngay từ đầu là bước quan trọng để hiểu sâu hơn về họ, từ đó đánh giá được những ưu, nhược điểm, những thách thức và cơ hội làm cơ sở thiết kế. Có những khách hàng sẽ cung cấp cho bạn thông tin rõ ràng, dễ nắm bắt và ngắn gọn, nhưng nhiều khi, bạn sẽ phải tự đặt câu hỏi cho họ và phải cực kỳ tinh ý để trích xuất các thông tin cần thiết. Tóm lại, bạn sẽ vừa đóng vai trò là người tư vấn vừa là nhà tâm lý học. Nhưng trước tiên, bạn không được áp đặt ý tưởng của mình cho khách hàng, vai trò của bạn ở đây là để tư vấn và hiểu được những yêu cầu của họ.

Mọi thông tin của khách hàng thu thập trong một thời điểm chưa chắc đã là cố định trong một khoảng thời gian dài, vì vậy người tư vấn thiết kế luôn phải lưu ý mở rộng câu hỏi sang thì tương lai, về những thay đổi có thể xảy ra, giúp khách hàng thật sự hiểu mình cần gì, tạo tiền đề cho những giải pháp thiết kế có tính cá nhân hoá cao với các không gian có khả năng thay đổi theo thời gian với các sắc thái riêng biệt. Cá tính xuất phát từ con người, một ngôi nhà cá tính chỉ khi nó gắn chặt với con người và được coi như một thực thể sống.

ThS.KTS Trần Ngọc Thanh Trang
Khoa Nội thất – Đại học Kiến trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2022)


Nguồn tham khảo
1. Ngôi nhà nơi trú ngụ của trái tim-Tâm lý học nhà ở và nội thất, Tomoda Hiromichi, NXB Xây dựng.
2. Thiết kế lấy người dùng làm trung tâm, Don Norman, NXB Công thương.
3. Tư duy thiết kế – Phương pháp tiếp cận thay đổi bản chất của việc dạy và học đồ án truyền thống, Phạm Ngọc Tú