Quy hoạch xây dựng chuỗi đô thị ven biển tạo động lực phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Nam

Khu vực ven biển giàu tiềm năng, nhưng còn thiếu động lực phát triển

Trong giai đoạn từ 2021 đến 2030, với tầm nhìn hướng đến năm 2050, Quảng Nam đang định hình một hệ thống đô thị xanh, thông minh nhằm đáp ứng sự tăng trưởng đô thị nhanh chóng, hỗ trợ việc bảo tồn và phát huy di sản, bảo vệ hệ sinh thái rừng, biển đảo. Kể từ khi Cầu Cửa Đại và đường ven biển Võ Chí Công đi vào hoạt động, khu vực ven biển phía Đông của Quảng Nam đã bắt đầu phát triển thành các điểm đô thị ven biển, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tỉnh Quảng Nam cũng đã xác định đường Võ Chí Công là tuyến đường du lịch ven biển, kết hợp phát triển đô thị và công nghiệp, có cảnh quan đẹp và là hạ tầng quan trọng với nhiều hình thức giao thông khác nhau.

Biển Nam Hội An, Quảng Nam
(Nguồn: Tác giả)

Việc phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn tới sẽ có nhiều thách thức, do tính cạnh tranh giữa trong khu vực và cạnh tranh liên vùng, quốc tế ngày càng quyết liệt. Tận dụng lợi thế của đường Võ Chí Công và với đường bờ biển dài 125 km, hình thành chuỗi đô thị du lịch dịch vụ ven biển có thể là một chiến lược cạnh tranh hiệu quả cho Quảng Nam vì đây là lợi thế rõ ràng của tỉnh. Trong giai đoạn từ 2016 đến 2020, tốc độ đô thị hóa của Quảng Nam tăng khoảng 1,66%, với tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, đạt gần 1% trong khoảng thời gian từ 2019 đến 2020. So với các tỉnh trọng điểm kinh tế miền Trung, tỉnh Quảng Nam có tỷ lệ đô thị hóa khiêm tốn, chỉ đạt 26,3%, đứng trên Quảng Ngãi – tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa thấp nhất (21,1%) nên còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Tuy nhiên, quá trình phát triển hệ thống đô thị ven sông và ven biển ở tỉnh Quảng Nam đang đối mặt với nhiều thách thức do tỉnh thuộc nhóm vùng chịu tác động trực tiếp và tổn thương nặng do biến đổi khí hậu. Với các điều kiện sẵn có, việc phát triển chuỗi đô thị du lịch dịch vụ ven biển này tạo ra một số lợi thế cho địa phương:

  • Tăng cường thu hút du khách: Với cảnh quan đẹp, bãi biển đẹp và hoang sơ và các hoạt động giải trí đa dạng và liên hoàn, du khách sẽ có động lực để đến và khám phá chuỗi đô thị này. Điều này sẽ tạo ra nguồn lưu thông khách du lịch mới, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho người dân địa phương;
  • Phát triển ngành du lịch và dịch vụ: Tạo ra cơ sở phát triển các khu vực mua sắm, nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ khác. Điều này không chỉ tạo ra cơ hội kinh doanh mới và thu hút các nhà đầu tư;
  • Đóng góp vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương. Hệ thống hạ tầng đồng bộ và hiện đại, cùng với việc bảo tồn và phát huy các di sản và hệ sinh thái biển đảo sẽ tạo ra môi trường sống tốt hơn cho người dân, tạo ra cơ hội học tập, đào tạo và nâng cao năng lực cho họ;
  • Gắn kết liên kết phát triển vùng: Việc xây dựng chuỗi đô thị ven biển kết nối Quảng Nam với các đô thị ven biển lân cận như Đà Nẵng và khu đô thị công nghiệp Dung Quất sẽ tạo ra một mạng lưới liên kết phát triển vùng mạnh mẽ và tăng cường cạnh tranh quốc tế.
Tỷ lệ đô thị hóa các đơn vị hành chính của Quảng Nam 2020 cho thấy nhiều dư địa phát triển ở khu vực ven biển (nguồn: Tác giả, số liệu: Niên giám thống kê 2020)

Phân tích các thế mạnh và hạn chế của khu vực

Các khu đô thị ven biển tại tỉnh Quảng Nam có nhiều thế mạnh về du lịch và dịch vụ cho khách du lịch, gồm:

  1. Vị trí địa lý thuận lợi: Quảng Nam nằm gần Đà Nẵng, cạnh quốc lộ, có cảng biển, sân bay, có lợi thế đối diện với Biển Đông. Các khu đô thị ven biển như Hội An, Cửa Đại, An Bàng và Tam Thanh, Tam Hải nằm gần các bãi biển đẹp, với cảnh quan thiên nhiên đa dạng;
  2. Di sản văn hóa và kiến trúc: Quảng Nam nổi tiếng với “một điểm đến, hai di sản” được UNESCO công nhận, gồm Hội An và Mỹ Sơn. Với Huế và Đà Nẵng kề cận, Quảng Nam càng có cơ hội phát huy giá trị di sản qua liên kết chuỗi;
  3. Du lịch biển: Quỹ đất trống lớn với các bãi biển dài và cát trắng mịn, các khu đô thị ven biển ở Quảng Nam thu hút du khách bởi các hoạt động như bơi, lặn biển, lướt sóng, câu cá và thể thao dưới nước khác. Các khu nghỉ dưỡng sang trọng và các khu phức hợp tại đây cung cấp dịch vụ tốt và tiện ích cao cấp cho du khách;
  4. Ẩm thực độc đáo: Quảng Nam có ẩm thực phong phú và độc đáo. Một số món ngon nổi tiếng bao gồm Cao lầu, Mì Quảng và Bánh đập Hội An, luôn sẵn sàng tại các nhà hàng và quán ăn địa phương;

Mặc dù các khu đô thị ven biển tỉnh Quảng Nam có nhiều thế mạnh về du lịch và dịch vụ, nhưng cũng tồn tại một số rủi ro và hạn chế:

  1. Nguy cơ ô nhiễm môi trường do sự tăng trưởng du lịch có thể gây ra, đặc biệt là trong việc xử lý chất thải và nước thải, ảnh hưởng đến các sinh vật biển và đời sống của cộng đồng địa phương;
  2. Quản lý du lịch không hiệu quả: Có thể dẫn đến tình trạng quá tải du lịch, quá đông du khách trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này có thể gây áp lực lớn cho cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch, gây ra sự không hài lòng và giảm chất lượng trải nghiệm du lịch;
  3. Thiếu hạ tầng và dịch vụ (giao thông, cũng như các tiện nghi như nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí) ở các khu vực còn hoang vắng ven biển có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm du lịch;
  4. Giữ gìn di sản văn hóa: Việc tăng cường du lịch có thể gây ra tác động tiêu cực đến các di sản văn hóa, như việc tăng cường thương mại hóa và biến đổi không gian sống truyền thống của cộng đồng địa phương;
  5. Phụ thuộc quá mức vào một nguồn thu nhập, chủ yếu là ngành du lịch và dịch vụ, điều này có thể gây ra rủi ro. Nếu có biến đổi tình hình du lịch hoặc suy thoái kinh tế, các khu vực này có thể gặp khó khăn về kinh tế và sự phát triển;
  6. Tác động của biến đổi khí hậu: Các khu đô thị ven biển Quảng Nam, đặc biệt là Cửa Đại và Hội An, đã phải đối mặt với sự chênh lệch mực nước biển và sạt lở bờ biển do biến đổi khí hậu. Điều này có thể gây tổn hại đáng kể đến cơ sở hạ tầng, nhà cửa, và dịch vụ của khu vực, đồng thời làm mất mát về đất đai. Các dự án bất động sản cũng có thể gặp nguy cơ mất giá trị do tác động của biến đổi khí hậu.

Những mô hình thành công của các đô thị biển

Barcelona đã khéo léo tận dụng các tài nguyên du lịch của mình, bao gồm vị trí địa lý, bãi biển đẹp, văn hóa độc đáo và kiến trúc nổi tiếng. TP đã tạo ra các khu vực tham quan và giải trí như công viên, quảng trường, khu mua sắm và nhà hàng để mang lại trải nghiệm đa dạng cho du khách. Barcelona đã thành công trong việc kết hợp giữa di sản văn hóa và kiến trúc cổ với kiến trúc hiện đại. TP có những công trình kiến trúc độc đáo như Nhà thờ Sagrada Familia hay công viên Güell. Đồng thời, Barcelona cũng đảm bảo bảo tồn và tôn vinh di sản văn hóa của mình, bao gồm các sự kiện, lễ hội và biểu diễn nghệ thuật địa phương. Barcelona đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo và đổi mới (công nghiệp creativo).

Một mô hình quốc tế khác là đảo Jeju (Hàn Quốc). Đảo Jeju là một điểm đến du lịch biển nổi tiếng, và nó có nhiều điểm tương đồng với khu vực ven biển Quảng Nam. Jeju đã thành công trong việc bảo tồn và khai thác bền vững các tài nguyên tự nhiên của mình, bao gồm bãi biển, rừng, hệ thống hang động và di sản thiên nhiên và thực hiện bảo vệ cảnh quan và hệ sinh thái của đảo. Jeju còn phát triển mô hình du lịch nông nghiệp và trải nghiệm địa phương thành công, giúp đa dạng hóa hoạt động kinh tế. Du khách có thể tham gia vào các hoạt động trồng cây, thu hoạch nông sản, trải nghiệm nông nghiệp và thưởng thức các món ăn địa phương, mang đến trải nghiệm gần gũi với cuộc sống nông thôn cho du khách.

Từ một thị trấn đánh cá nghèo, những năm 1960 Pattaya (Thái Lan) bùng nổ như là một điểm đến sextour cho người nước ngoài trong chiến tranh Việt Nam. Pattaya hiện giờ có dịch vụ đã được đa dạng hóa cho mọi đối tượng hưởng thụ. Các hoạt động phổ biến bao gồm chơi golf (19 sân golf trong vòng 40 phút từ Pattaya), đua xe go-kart, và tham quan các công viên và vườn thú như Làng Voi, Vườn thú tư nhân Sriracha Tiger. Tàu ngầm du lịch Vimantaitalay lặn biển trong vòng 30 phút dưới nước để ngắm san hô và sinh vật biển. Vườn thực vật nhiệt đới Nong Nooch lớn nhất Đông Nam Á, rộng khoảng 2.0km2 với vườn ươm hoa, nơi biểu diễn các chương trình văn hóa và show voi được huấn luyện. Các điểm tham quan khác ở Pattaya rất đa dạng bao gồm Công viên đá triệu năm, trang trại cá sấu Pattaya, công viên nước Pattaya Park Beach Resort, công viên giải trí Funny Land, trang trại hoa lan Siriporn, xưởng rượu vang Silverlake, thế giới dưới nước Pattaya, show của người chuyển giới… Chính quyền đã phát triển một hệ thống các dịch vụ vui chơi giải trí đa dạng biến TP thành điểm đến hàng đầu Thái Lan.

Định hướng trong kiến trúc và quy hoạch đô thị ven biển ở Quảng Nam

Với hình thái tập trung cư dân và dịch vụ du lịch hiện nay, Quảng Nam nên mạnh dạn hình thành chuỗi đô thị động lực của tỉnh: Với lợi thế biển, cảnh quan, giao thông kết nối vùng và sự tập trung dân cư dọc tuyến quốc lộ và các đô thị Tam Kỳ, Hội An, Vĩnh Điện, các khu du lịch và giải trí hiện có… việc hoàn chỉnh chuỗi đô thị ven biển là có cơ sở vững chắc, phù hợp với Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Nghị quyết số 06- NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị. Việc này sẽ giúp nâng tỷ lệ đô thị hóa vùng phía Đông đạt trên 50%-60% trong phạm vi năm 2030, tạo động lực kinh tế cho cả tỉnh và khai thác triệt để các vùng đất còn hoang hóa ven biển. Để làm được điều này cần nhanh chóng hình thành các đô thị mới Cù Lao Chàm, Nam Hội An, Bình Hải (tại xã Bình Hải), Tam Tiến, Chu Lai từ các điểm dân cư hiện hữu (xem hình 2). Đồng thời hoàn thiện hệ thống giao thông Đông – Tây kết nối biển với tuyến quốc lộ 1A, cao tốc Bắc Nam và các tuyến đường phía Tây để lan tỏa động lực cho vùng chậm phát triển.

Quảng Nam có nhiều di sản kiến trúc đô thị và văn hóa độc đáo và quan trọng, như Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại. Do đó, kiến trúc và quy hoạch đô thị ở đây phải tôn trọng và bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời tận dụng lợi thế này phát triển du lịch văn hóa và tạo ra giá trị cho cộng đồng địa phương.

Bản đồ đề xuất xây dựng chuỗi đô thị ven biển tỉnh Quảng Nam với các đô thị mới (vòng tròn nét đứt) (Nguồn: Tác giả)

Các khu đô thị ven biển Quảng Nam nằm trong môi trường tự nhiên tươi đẹp, bao gồm biển, rừng, những khu đồng cỏ, xen lẫn những cánh đồng lúa ven sông. Đô thị ven biển cần tận dụng và tôn trọng cảnh quan tự nhiên này, đặc biệt bảo vệ lưu vực và môi trường tự nhiên của sông Cổ Cò và sông Trường Giang. Với vị trí ven biển, các khu đô thị ở Quảng Nam đang đối mặt với những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu, tăng mực nước biển và sạt lở bờ biển. Giải pháp kiến trúc và quy hoạch đô thị cần tập trung vào bảo vệ môi trường, sử dụng công nghệ xanh, phát triển năng lượng tái tạo và áp dụng các biện pháp thích ứng, cân nhắc giữa phát triển kinh tế và bảo tồn môi trường. Điều này đòi hỏi nhà quy hoạch xác định rõ ràng các khu vực phát triển và bảo tồn, quản lý quy hoạch và phát triển hợp lý để đảm bảo sự cân bằng và bền vững.

Khuôn khổ quy hoạch vùng đô thị ven biển
(Nguồn: Tác giả)

Các khu đô thị ven biển Quảng Nam cũng cần tập trung vào việc tạo ra trải nghiệm dịch vụ độc đáo và đặc biệt để thu hút khách du lịch. Điều này có thể bao gồm phát triển các điểm tham quan, nhà hàng, quán cà phê, các hoạt động ngoài trời và trải nghiệm văn hóa độc đáo khác biệt.

Đề xuất duy trì sự đa dạng các ngành kinh tế địa phương ven biển

Trong bối cảnh bùng nổ du lịch và dịch vụ, việc tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động nông nghiệp và ngư nghiệp và thủ công mỹ nghệ của người dân địa phương ven biển có thể gặp một số thách thức. Tuy nhiên, vẫn có thể tìm được cách để cả hai ngành này đồng tồn tại và phát triển, bảo đảm sự cân bằng và bền vững (hình 4).

  1. Đa dạng hóa hoạt động kinh tế: Ngư nghiệp và nông nghiệp và thủ công có thể được phát triển song song với ngành du lịch và dịch vụ. Việc đa dạng hóa hoạt động kinh tế sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và phụ thuộc quá mức vào một ngành duy nhất và vào khu kinh tế mở Chu Lai (hiện chiếm khoảng 65% thu ngân sách tỉnh). Đồng thời, cả hai ngành này cần phải thích ứng và cải tiến để đáp ứng nhu cầu và tiêu chuẩn của thị trường và du khách hiện nay.
  2. Tạo sự tương hỗ giữa các ngành: Sự tương hỗ giữa du lịch và hoạt động nông nghiệp, ngư nghiệp có thể tạo ra lợi ích tăng cường cho cả hai. Ví dụ, du lịch có thể tạo ra nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và hải sản địa phương, trong khi nông nghiệp và ngư nghiệp có thể cung cấp nguyên liệu và trải nghiệm thực tế cho du khách. Cần xây dựng cơ chế kết nối và hợp tác giữa các ngành để tạo ra một hệ sinh thái kinh tế bền vững và phát triển.
  3. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, bao gồm du lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch ẩm thực. Điều này giúp thu hút đa dạng khách du lịch và kéo dài thời gian lưu trú của họ trong khu vực.
  4. Đầu tư vào nâng cao năng lực và giáo dục để cải thiện hiệu quả lao động và khả năng cạnh tranh của ngư nghiệp và nông nghiệp địa phương. Điều này có thể bao gồm việc đào tạo nghề, kỹ thuật và quản lý cho ngư dân và nông dân, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong các ngành này; qua đó có thể tiếp tục phát triển và tạo ra thu nhập bền vững cho cộng đồng địa phương.
Ba trụ cột trong phát triển quy hoạch xây dựng và phát triển kinh tế bền vững cho đô thị ven biển Quảng Nam (Nguồn: Tác giả)

Việc duy trì và phát triển hoạt động nông – ngư nghiệp và thủ công trong bối cảnh bùng nổ du lịch và dịch vụ không phải là điều dễ dàng, nhưng thông qua sự quản lý, sự tương hỗ và đầu tư phù hợp, có thể tạo ra một mô hình phát triển bền vững và đa ngành, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng và du khách.

Kết luận

Cạnh tranh để phát triển là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Việc đẩy mạnh phát triển chuỗi đô thị kết hợp du lịch ven biển tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 là một chiến lược lớn và đặc thù của tỉnh Quảng Nam phù hợp với quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, đòi hỏi sự đồng lòng và hợp tác của các bên liên quan. Các giải pháp như quy hoạch thông minh, bảo tồn di sản văn hóa, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cùng với việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch và bảo vệ môi trường ứng phó biến đổi khí hậu đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững và thành công của khu vực này.

Tuy nhiên, để thành công trong việc phát triển đô thị kết hợp du lịch, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và sự cam kết lâu dài. Địa phương cần đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi và tạo ra các chính sách hỗ trợ phát triển tài nguyên và nguồn lực. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ, tiếp cận và sử dụng các công nghệ mới, giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường. Cộng đồng địa phương cần tham gia tích cực vào quá trình phát triển và trở thành những nhân tố quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển khu vực.

Cuối cùng, việc đánh giá và theo dõi quá trình phát triển là điều cần thiết để đảm bảo tính hiệu quả và độ tin cậy của các giải pháp. Kết quả đánh giá này sẽ cung cấp thông tin quan trọng để điều chỉnh và cải thiện quy hoạch và quản lý phát triển đô thị trong tương lai.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn
ThS. Đoàn Trần Hiệp
Khoa Kiến trúc, trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2023)


Tài liệu tham khảo:
[1] AbdeL-Latif, T., Ramadan, S. T., & Galal, A. M. (2012). Egyptian coastal regions development through economic diversity for its coastal cities. HBRC Journal, 8(3), 252-262.
[2] Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê năm 2020, NXB Thống kê, Hà Nội 2021
[3] Kay, R. and Alder, J., 1998. Coastal planning and management. CRC Press.
[4] Liên danh tư vấn lập Quy hoạch tỉnh Quảng Nam, Phương án phát triển không gian lãnh thổ; vùng liên huyện; các trục trọng điểm kinh tế và hành lang động lực; vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; hệ thống đô thị, tổ chức lãnh thổ nông thôn và nhà ở, 2022