1. Đã vào Xuân Mậu Tuất 2018, tròn nửa thế kỷ xảy ra cuộc Tổng Tiến công chiến lược Tết Mậu Thân 1968. Mùa xuân ấy, cả nước xúc động khi nghe Bác Hồ đọc thơ đêm giao thừa, nhưng với các đơn vị quân giải phóng thì đó là mệnh lệnh điểm giờ G khởi sự cuộc Tổng tấn công nhằm giải phóng miền Nam như câu thơ của Bác Hồ: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”. Trong cuộc tổng tấn công chiến lược ấy, điểm tấn công và nổi dậy ở Thành phố Huế đã thành lập chính quyền nhân dân thay chính quyền Việt Nam Cộng Hòa được hơn một tháng. Đổi lại, các đơn vị quân giải phóng và lực lượng địa phương đã phải hứng chịu mưa bom, bão đạn mà đối phương phản ứng. Không chỉ có con người hứng chịu mà còn cả các căn nhà, những đền đài miếu mạo đều hứng chịu chung số phận như con người. Một câu hát của Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: “Ta về nơi đây phố in dấu đạn…” như ghi lại sự hứng chịu này.
2. Từ sau sự kiện đó, đã có nhiều tác phẩm ở nhiều thể loại viết lại mùa Xuân đẫm máu ấy ở Huế như “Dải khăn sô dành cho Huế” của Nhã Ca, “Dòng sông phẳng lặng” của Tô Nhuận Vỹ, “Huế – Mùa mai đỏ” của Xuân Thiều… Nhưng có một tác phẩm được xây dựng từ việc trùng tu Huế – đó là tiểu thuyết mang tên “Trùng tu” của Thái Bá Lợi nhân kỷ niệm nửa thế kỷ Tết Mậu Thân 1968 đã được tái bản lần thứ tư.
Tiểu thuyết “Trùng tu” lấy chất liệu từ việc trùng tu Huế của UNESCO. Trong tiểu thuyết có 3 nhân vật: Tôi, nó và KTS Kazimierz – người Ba Lan. Nhân vật tôi chính là tác giả. “Nó” là nhân vật hư cấu từ nhiều nhân vật, được tác giả chọn để tạo ra cách kể lại toàn bộ những gì diễn ra vào Tết Mậu Thân 1968, “nó” đã già đang làm công việc trùng tu thành Huế. Có lẽ mục đích sâu xa của tác giả, bên cạnh việc trùng tu lại thành Huế qua xói mòn thời gian và bom đạn chiến tranh, thì cũng rất cần “trùng tu” lại ký ức về sự kiện đó – Để khi ta chiêm ngưỡng thành Huế, thì nhận ra những gì đã in bóng lên nó và ngược lại, khi đọc tiểu thuyết này thì ký ức sự kiện Tết Mậu Thân 1968 sống động trên những rêu phong cổ kính của Thành Huế. Bởi vậy, “Trùng tu” đã làm được một công việc “hai trong một”. Một là việc trùng tu Thành Huế vật chất, hai là trùng tu lại ký ức chiến tranh ở Thành Huế để thế hệ sau cứ nhìn vào Thành Huế vật chất thì thấy ra một thành phố sử thi qua thời gian.
3. Nhân vật KTS Kazimierz là nhân vật có thật hoàn toàn. Ông chính là KTS Kazik quê ở Warszawa được UNESCO giao trọng trách trùng tu thành Huế và thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, Thành Đồ Bàn, Tháp Chàm Phan Rang. Đó là một nghệ sỹ có thật nhưng cuộc đời của ông lại tràn đầy phong vị tiểu thuyết và huyền thoại. Những gì được Thái Bá Lợi kể về ông trong tiểu thuyết “Trùng tu” đều lấy chất liệu từ những việc có thật, nói lên tình yêu vô bờ bến của ông đối với Việt Nam. Do làm việc nhiều năm với trọng trách trên, Kazik chọn Đà Nẵng làm nơi tâm điểm để ra Huế và vào Mỹ Sơn, Hội An đầu tiên. Bởi thế, ông chơi rất thân với anh em văn nghệ Đà Nẵng. Tôi cũng đã từng được cụng ly Vodka Ba Lan có cọng cỏ trong chai với ông nhiều lần. Khách sạn Royal do ông thiết kế có dáng dấp quyển sách mở ra. KTS Kazik đã mất tại Huế năm 1997 khi đang trùng tu Thế Miếu.
15 năm sau, tôi lại được mời vào Đà Nẵng ở khách sạn Royal để viết ca khúc về Đà Nẵng. Có những đêm không ngủ được, mở cửa tầng cao nhìn ra thấy lung linh sông Hàn vì những ánh đèn trên những cây cầu, tôi bất chợt nhớ lại những năm tháng chiến tranh đã qua. Và giai điệu “trùng tu” đã loang ra: “Đêm Đà Nẵng xa xưa thời khói lửa – Đêm Đà Nẵng quá khứ một bản hùng ca – Thiêng liêng về dĩ vãng – Ký ức thời đã qua…”. Trong “ký ức thời đã qua” ấy, có nỗi nhớ về KTS Kazik, người đã có những đóng góp quan trọng với công tác trùng tu di sản kiến trúc ở Việt Nam.
Nguyễn Thụy Kha
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2017)