Từ khái niệm khu dân cư sinh thái trên thế giới đến bản chất khu đô thị sinh thái ở Việt Nam

Bài 2: Lấy ví dụ tại Hà nội

(tiếp theo “Khái niệm khu dân cư sinh thái trên thế giới (lấy ví dụ tại Pháp)” – TCKT 05-2016)

Mặc dù nằm trên đất của tỉnh Hưng Yên nhưng Ecopark vẫn được xem là một khu đô thị sinh thái của Hà Nội bởi đối tượng dân cư ở đây vẫn gắn bó với cuộc sống đô thị Hà Nội. Được giải thưởng Công trình Kiến trúc xanh Việt Nam 2012 của Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhưng khu đô thị này vẫn gây tranh cãi về tính sinh thái khi xét trên quan điểm chuyển đổi công năng sử dụng đất đai, hòa nhập môi trường nhân văn, liên kết, gắn bó với các cộng đồng dân cư hiện hữu.
Nguồn: (http://aquabay.ecopark.com.vn)

Xem thêm: Từ khái niệm khu dân cư sinh thái trên thế giới đến bản chất khu đô thị sinh thái ở Việt Nam – Bài 1: Khái niệm khu dân cư sinh thái trên thế giới (lấy ví dụ tại Pháp)

Các khu đô thị Việt Nam tiếp cận khái niệm sinh thái

Sau năm 1986, thời kỳ mở cửa và hội nhập của nền kinh tế đã làm thay đổi nhanh chóng diện mạo các đô thị của Việt Nam. Các tiềm năng và nguồn lực đô thị vốn ngủ quên trong thời kỳ kinh tế bao cấp trước đó nay được đánh thức, khai thác và tận dụng triệt để. Diện tích các thành phố Việt Nam liên tục mở rộng bởi quá trình đô thị hoá mạnh mẽ về mặt hình thức nhưng lại không thể hiện đúng bản chất và nhu cầu của xã hội. Nói cách khác, các chủ dự án tìm mọi cách phát triển dự án của mình trên những vùng đất rộng lớn, thường là đất nông nghiệp bao quanh đô thị, thông qua những hình ảnh phối cảnh hấp dẫn, hướng đến sự hội nhập thê giới với các công trình chọc trời, hiện đại và giàu sang quen thuộc có thể thấy ở bất cứ quốc gia nào trên trái đất mà không mấy quan tâm đến sự tổn hại của môi trường tự nhiên và văn hoá bản địa.

Những năm cuối của thập niên 90 của thế kỷ 20, mô hình dự án khu đô thị mới (KĐTM) ra đời tại Việt Nam dựa trên sự cởi mở hơn về quan niệm tài nguyên và kinh tế đô thị (mà quan trọng nhất là đất đai), về sự sẻ chia quyền lực trong quy hoạch và thiết kế không gian đô thị vốn độc quyền bởi các cơ quan nhà nước trước đây, về sự tham gia kiến thiết đô thị của khu vực kinh tế tư nhân và cộng đồng người dân đô thị có nhu cầu và khả năng tự cải thiện môi trường sống và dịch vụ. Tuy nhiên, sau 20 năm phát triển, nhìn lại, các thành phố Việt Nam hiện nay như những đại công trường lúc nào cũng ngổn ngang bởi các KĐTM xây dựng dở dang và không biết khi nào kết thúc. Tất cả các nguồn lực đô thị được huy động gần như bằng mọi giá để tạo dựng nên những hình ảnh năng động, hấp dẫn từ những KĐTM nhưng để rồi người ta vẫn thấy có một cái gì đó xa lạ, không thuộc về nơi chốn, địa điểm, khu vực đô thị nơi mà chúng được hình thành. Những dự án dân cư hiện đại phần nào đã giải quyết được nhu cầu vật chất trong cư trú của người dân, hiển nhiên là nổi trội hơn hẳn so với những thời kỳ khó khăn trước đó, nhưng lại nhạt nhoà, thiếu bản sắc và sự sống động vốn có của đời sống đô thị Á đông nói chung và Việt Nam nói riêng khi so sánh với các mô hình cư trú (truyền thống) khác.

Trong bối cảnh khủng hoảng vừa thừa vừa thiếu các đô thị bởi sự đầu tư tràn lan không dựa trên nhu cầu thực tế của xã hội, cộng thêm việc Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp từ quá trình biến đổi khí hậu cũng như ô nhiễm môi trường, lãng phí nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên (gây ra bởi sự phát triển không kiểm soát của các đô thị) thì khái niệm “đô thị bền vững” trở thành cứu cánh cho các giải pháp không gian đô thị. Các cụm từ “xanh”, “sinh thái”, “thân thiện môi trường” được sử dụng nhiều hơn trong các hội thảo khoa học, bắt đầu len vào các mặt của đời sống đô thị và đôi lúc lại được “thần thánh hoá” như những “phát minh mới” hay những “biện pháp tối cao” có thể chữa lành các căn bệnh môi trường đô thị Việt Nam, mặc dù nếu xét riêng trong lĩnh vực tổ chức kiến trúc và không gian cư trú truyền thống của Việt Nam, các khái niệm này đã từng được cha ông sử dụng một cách quen thuộc trong chính cuộc sống đời thường dân dã của mình.

Khu đô thị Ciputra, nguyên gốc với mục đích “Tây hoá”không gian cư trú nhằm tạo ra một tiểu Châu Âu trong lòng Hà Nội, theo trào lưu thị trường, được tái định hướng phát triển thành một cộng đồng xanh, thịnh vượng và bền vững trong khi vẫn dựa trên những không gian dự ánban đầu (vốn có nhiều cây xanh) mà ít có những thay đổi mang tính đột phátrong thiết kế tiếp cận sinh thái.

Theo xu hướng này, các dự án khu dân cư sinh thái xuất hiện ngày một nhiều – Đó có thể là những dự án đi theo hướng sinh thái ngay từ đầu hay được chuyển đổi thành dự án sinh thái, mà hiện nay chúng được phổ biến hơn dưới cái tên “khu đô thị (mới) sinh thái”. Hình ảnh thông thường dễ nhận thấy của những dự án này là phối cảnh công trình được bao quanh bởi không gian mướt cây xanh, bát ngát mặt nước, thư thái nhẹ nhàng, đối nghịch hoàn toàn với khung cảnh chật chội, oi bức và ô nhiễm của đô thị, thậm chí ngay sát bên ngoài hàng rào dự án. Hẳn nhiên những “ốc đảo sinh thái” này sẽ thu hút được nhiều khách hàng quan tâm bất động sản của dự án hơn là những dự án khu dân cư “không sinh thái” láng giềng bởi tính “mới” và “lạ” của chúng trong giai đoạn đẩy mạnh đô thị hoá tại Việt Nam (vốn đề cao bản thân kiến trúc công trình hơn là các yếu tố cảnh quan).

Có thể nhận thấy tính sinh thái thể hiện rõ ràng nhất trong những dự án dạng này là diện tích dành cho việc trồng cây xanh, tạo mặt nước cảnh quan tương đối lớn, đóng vai trò là những không gian trung tâm, chi phối các hoạt động sống của người dân cũng như thu hút khách vãng lai. Và đây cũng chính là thế mạnh khi so sánh với những dự án khác, đặc biệt là trong việc quảng cáo với khách hàng. Tuy nhiên, chỉ một số ít dự án phát triển mở rộng yếu tố cây xanh, mặt nước dựa trên những yếu tố cảnh quan tự nhiên sẵn có của địa hình trong khu vực dự án, còn lại, đa phần đều là nhân tạo – Nghĩa là các chủ dự án phải bỏ ra một khoản kinh phí lớn đưa những hệ thực vật, động vật từ một nơi khác về để cấy vào một cách “tự nhiên hoá”, sau đó thêm những khoản kinh phí khác để có thể duy trì được chúng (tất nhiên, chi phí bỏ ra, bằng cách này hoặc cách khác, sẽ được chia cho người dân chi trả).

Vấn đề là ở các dự án này, ngoài cây xanh, mặt nước, những yếu tố tạo sinh thái khác không được đề cập và không xuất hiện, hoặc xuất hiện một cách yếu ớt. Như vậy, tính sinh thái của một dự án chủ yếu được thể hiện đơn thuần qua những con số diện tích cây xanh, mặt nước thay vì những đề xuất, tính toán cụ thể và kỹ thuật về hiệu suất khả năng tiết kiệm năng lượng, hiệu quả mang lại từ chúng (cả trên phương diện vật chất lẫn tinh thần) trong việc vận hành các công trình, trong cuộc sống người dân cũng như những tác động cho tổng thể hay một phần đô thị bên ngoài ranh giới dự án. Điều đó có nghĩa là người ta vẫn dùng cách thức thiết kế phổ biến, sau đó bổ sung thêm nhiều hơn diện tích cây xanh, mặt nước để khoác chiếc áo sinh thái cho một khu đô thị. Nói cách khác, dưới con mắt của các nhà chuyên môn, bản chất các vấn đề sinh thái chưa được giải quyết rõ ràng. Các yếu tố “4 giảm 1 tăng” (giảm tiêu thụ năng lượng, giảm ô tô, giảm tiêu thụ nước, giảm rác thải, tăng tính đa dạng sinh học) xuất hiện rất mờ nhạt trong các nguyên tắc và quan điểm thiết kế cũng như trong quá trình thực hiện và vận hành những khu đô thị sinh thái này.

Tuy nhiên, nhìn lại trên phương diện pháp lý thì cho đến thời điểm này, Việt Nam lại chưa có một văn bản nào đủ mạnh, đủ hiệu quả định nghĩa về khu đô thị sinh thái cũng như đề ra những yêu cầu, tiêu chí để xác định, đánh giá tính sinh thái và mức độ sinh thái hoá tại các khu đô thị sinh thái. Chính vì vậy, trước yêu cầu của thực tiễn đời sống cũng như nắm bắt các xu hướng phát triển trong tương lai, các khu đô thị sinh thái đa phần được thiết kế và phát triển tự phát, tính sinh thái trong mỗi dự án được quyết định bởi các chủ dự án mà không (phải) qua một sự tham vấn, đánh giá hay thẩm định – Nghĩa là xảy ra tình trạng các chủ dự án gọi khu đô thị của mình là “sinh thái” thì cả xã hội đô thị mặc nhiên công nhận đó là “sinh thái”. Điều này đã góp phần làm cho các khu đô thị “eco” của Việt Nam trở thành các khu đô thị có nhiều cây xanh, mặt nước hơn là theo đúng nghĩa của từ này và theo những kinh nghiệm, khái niệm trên thế giới. Như vậy, tính “sinh thái” phần nào chỉ được thể hiện trên bề nổi của các khu đô thị thay vì là sự thay đổi theo chiều sâu bản chất tiếp cận thiết kế, xây dựng và vận hành chúng.

Khu đô thị Vinhomes Riverside Long Biên, Hà Nội (tên cũ Vincom Village) cũng thể hiện tính sinh thái thông qua một hệ thống mặt nước (nhân tạo) hoành tráng và dày đặc nhằm thể hiện ý tưởng tái hiện “thành phố Venice” bên cạnh những đồng cỏ và những rặng dừa xanh?
Nguồn: http://vhr.vn

Lấy ví dụ tại Hà Nội

Cùng với TP. HCM, Hà Nội là một trong 2 thành phố lớn của Việt Nam có số lớn lượng các KĐTM, nhằm giải quyết bài toán cải thiện tiện ích nhà ở cũng như điều kiện sống của những thị dân vốn ngày càng năng động, có thể tự mình tạo ra các nguồn lực kinh tế và sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho môi trường cư trú của mình. 2 thành phố này cũng chứng kiến sự phân cấp trong phân phối nhà ở thông qua các dự án dân cư được thiết lập theo từng vị trí đô thị khác nhau, hướng đến các đối tượng khách hàng khác nhau.

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thị trường bất động sản tại Hà Nội, các chủ dự án, muốn bán được hàng, phải tìm cách làm bật lên được những ưu việt của dự án mình so với các dự án khác. Và họ thường lựa chọn phương cách “Tây hoá” dự án (tạo ra những khu đô thị mang phong cách sống phương Tây kiểu “tái hiện Châu Âu trong lòng Hà Nội”), hoặc “sinh thái hoá” dự án (tạo ra những khu đô thị sinh thái, xanh mát, thoáng đãng trong lòng một Hà Nội chật chội, ngột ngạt), hoặc kết hợp cả 2 (những khu đô thị sinh thái kiểu phương Tây). Tuy nhiên, ngay cả khi đến những nước phương Tây, người ta cũng không thể tìm được “bản gốc” của các khu đô thị kiểu này. Nói cách khác, các chủ dự án này chọn giải pháp tạo sự đối nghịch giữa môi trường sống bên trong và bên ngoài dự án, để những người Hà Nội, vốn đang hoang mang trước những vấn đề cuộc sống đô thị đương đại, có thể tạm quên đi trong một khung cảnh đô thị khác được tạo ra một cách nhân tạo. Như vậy, xét trên khía cạnh quảng cáo, các phương cách “Tây hoá” và “sinh thái hoá” khu đô thị đã thành công phần nào khi đánh đúng vào tâm lý khách hàng muốn tìm ra một sự khác biệt trong cuộc sống, có thể mua được bằng tiền và hiển hiện ngay lập tức. Chính vì vậy, đối tượng khách hàng lựa chọn những dự án này thường là những người có mức thu nhập tương đối cao trong xã hội, họ chỉ quan tâm đến những yếu tố “nhìn thấy được” (theo kiểu “thấy đẹp là được” thay vì chú ý đến việc tiết kiệm hay giảm thiểu các chi phí vận hành môi trường sống của họ). Các chủ dự án, để phục vụ đối tượng khách hàng này, sẵn sàng đầu tư trong các khu đô thị của mình những yếu tố cây xanh, mặt nước, chỉ đơn thuần mang tính trang trí thay vì để chúng tham gia vào toàn bộ quá trình vận hành sinh thái, ít nhất là trong phạm vi dự án.
Do điều kiện đất đai đô thị, những “ốc đảo sinh thái” này đa phần được bố trí ở các khu vực ngoại ô hoặc trên địa phận những tỉnh láng giềng và được kết nối mong manh với Hà Nội bằng những trục đường lớn với giao thông chủ yếu bằng ô tô cá nhân. Ngày ngày, những “thị dân sinh thái” này vẫn phải di chuyển, làm việc, thực hiện các nhu cầu cá nhân tại Hà Nội, tức là mặc dù sống trong một khung cảnh sinh thái, đa phần các dịch vụ và tiện ích công cộng đô thị mà họ sử dụng lại nằm ngoài bối cảnh này. Như vậy, với những cư dân này, thì tính sinh thái tại nơi cư trú trở thành yếu tố để thoả mãn nhu cầu ngắm nhìn hơn là để tác động thay đổi bản chất cuộc sống của họ. Lúc này, chưa kể đến những ảnh hưởng vượt ra bên ngoài dự án thì những mục tiêu sinh thái hoá xã hội đô thị đã khó có thể thực hiện được toàn vẹn ngay chính bên trong lãnh thổ của khu đô thị sinh thái.

Một cách quảng cáo thuộc hàng “kinh điển” của các khu đô thị sinh thái với tiền cảnh là các gia đình đầy đủ, hạnh phúc, thành đạt và hậu cảnh là những ngôi nhà hiện đại mướt mát màu xanh của cây cối nhằm nhấn mạnh tính khác biệt với thực tế khung cảnh đô thị và đánh mạnh vào tâm lý mong muốn một cuộc sống thanh bình của những thị dân vốn đang phải chịu nhiều áp lực từ cuộc sống đô thị

Tình trạng thường thấy là vào các ngày trong tuần, các khu đô thị sinh thái thường vắng vẻ bởi sự thưa thớt các hoạt động sống, tương tác giao tiếp của cư dân và bởi sự hạn chế các hoạt động dịch vụ đô thị thông thường (chủ yếu diễn ra trên đường phố) để giữ vẻ trong lành và thuần khiết cho khu đô thị. Theo phương diện này, các khu đô thị sinh thái lại nghiêng về ý nghĩa các “khu nghỉ dưỡng sinh thái” nhiều hơn. Những ngày cuối tuần hoặc lễ tết, khu đô thị sinh thái lại trở thành một kiểu “khu du lịch sinh thái” thu hút khách bởi những hoạt động tương tác với môi trường được xếp đặt thay vì tính tự nhiên vốn có của một khu dân cư.

Hà Nội nằm giữa một vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng rộng lớn với những làng quê Bắc Bộ được ví như những quần thể cư trú sinh thái bởi tính tự cung, tự cấp và tự cân bằng giữa bối cảnh môi trường tự nhiên, môi trường sản xuất nông nghiệp. Bản thân Hà Nội cũng được ví von như một cái làng lớn với đời sống xã hội đô thị không thể nào tách rời khỏi nguồn cung vật chất và văn hoá của khu vực làng xã nông nghiệp, thủ công nghiệp bao quanh nó. Sự mở rộng đô thị với cơn bão đô thị hoá đi qua những làng quê này đã cuốn đi phần nào tính sinh thái truyền thống của chúng, đôi khi được thay thế bởi tính sinh thái hiện đại của các khu đô thị sinh thái mới cấy ghép đan xen bên cạnh và không có sự tương tác nào được thiết lập với những ngôi làng sinh thái cũ. Thay vì yếu tố xanh truyền thống như những khu vườn, những cánh đồng, những mặt nước ao hồ mương rạch…, vừa tô điểm làm đẹp không gian và cảnh quan tự nhiên, vừa có thể khai thác để sản xuất ra các sản phẩm phục vụ đời sống hàng ngày của con người, thì bây giờ người ta sẵn sàng thay thế chúng bằng những yếu tố xanh hiện đại là các thảm cỏ, các bể cảnh, các sân golf, các công viên… chỉ đơn thuần mang tính trang trí, phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi giải trí của những thị dân, mà để vận hành, chăm sóc và duy trì chúng, người ta lại phải sử dụng nhiều nguồn lực con người và đôi khi cả những biện pháp tác động gây tổn hại đến môi trường.

Hướng tới một đô thị tương lai sinh thái thực sự

Sinh thái đô thị sẽ là mục tiêu lớn không chỉ Hà Nội mà cả các thành phố lớn khác của Việt Nam đều phải hướng đến cho một tương lai phát triển bền vững. Tuy nhiên, cách làm “sinh thái” hiện nay, mà Hà Nội là một điển hình, lại cho thấy những bất ổn hơn là sự yên tâm, tin tưởng khi bản chất những khu đô thị sinh thái lại hoàn toàn phục vụ cho trang trí và quảng cáo, chứng tỏ sự khác biệt thông qua đẳng cấp sống bởi những yếu tố “nhìn thấy được” chứ không mang đến những thay đổi trong quan niệm, cách ứng xử đối với môi trường sống và môi trường tự nhiên cho các cư dân bằng những ý tưởng sinh thái thực sự trong một nỗ lực chung – Góp phần sống tốt cho toàn đô thị.

Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn của Việt Nam nói chung có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh kiến trúc đô thị hiện nay, nó tập hợp nhiều vấn đề đô thị cần giải quyết, đồng thời cũng là nơi để thử nghiệm các đề xuất trước khi được thể chế hoá áp dụng trên phạm vi rộng hơn, một cách hệ thống hơn. Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các chủ dự án các khu đô thị sinh thái khi không có bất cứ một hướng dẫn, tiêu chuẩn nào để định hướng họ theo một “chuẩn sinh thái” đúng nghĩa, phù hợp với các điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội của Việt Nam. Mặt khác, chính cách làm đơn lẻ và tự phát hiện nay của họ lại mang lại một hệ luỵ lớn khi cả xã hội đô thị hiện hiểu sai về tính sinh thái của một khu dân cư hay một đô thị vốn đang được biết đến một cách đơn giản là “nhiều cây xanh và mặt nước (trang trí)”. Vấn đề là đôi khi các yếu tố này lại đang là những đại diện hiện đại cho một cuộc sống đô thị coi trọng sự phát triển bề nổi hơn là theo chiều sâu, đi ngược tinh thần của phát triển bền vững.

Tiếp cận sinh thái luôn là một phương pháp thú vị nhưng không phải là mới trong kiến trúc và đô thị. Nó làm cho những yếu tố đô thị, mặc dù là nhân tạo do các tác nhân cơ bản của đô thị (chính quyền, nhà thiết kế, chủ dự án và cộng đồng thị dân) kiến thiết nên, lại trở thành một phần thú vị cấy ghép vào nhưng vẫn tôn trọng tính liên tục của môi trường tự nhiên. Đã đến lúc, Việt Nam cần nhìn lại và có những quan điểm tiếp cận sinh thái đúng bản chất của phát triển bền vững hơn.

TS.KTS Trần Minh Tùng
Trường ĐH Xây dựng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 6/2016)