Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, người dân Thủ đô và du khách có dịp trải nghiệm tuyến tàu đặc biệt mang tên “Hành trình Di sản” do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thiết kế phục vụ, dành riêng cho 9 ngày Lễ hội diễn ra từ 18/11-26/11. Đây là hoạt động ý nghĩa, phục vụ nhu cầu đi lại của mọi người đến trải nghiệm Lễ hội, đồng thời nhìn lại ký ức cũ bằng trải nghiệm mới đầy sáng tạo.
“Tuyến tàu Di sản” – chuyến tàu kết nối lịch sử và di sản 2 bên bờ sông Hồng
“Tuyến tàu Di sản” có hành trình đi qua 3 điểm là ga Hà Nội – ga Long Biên – ga Gia Lâm, qua cầu Long Biên lịch sử. Điểm xuất phát từ ga Hà Nội và kết thúc tại ga Gia Lâm, từ đó khách tham quan đi bộ đến Nhà máy Xe lửa Gia Lâm để tham gia các hoạt động tại Lễ hội.
Chuyến tàu gợi nhắc hoài niệm khi đưa hành khách qua các nhà ga có tầm quan trọng đặc biệt trong lịch sử đường sắt Việt Nam. Ga Hà Nội, ga Long Biên, ga Gia Lâm đã chứng kiến những đổi thay của các giai đoạn lịch sử, lưu giữ những ký ức và phản ánh một phần lịch sử hình thành và phát triển Hà Nội.
Cụ thể, mỗi chuyến tàu bố trí 5 toa chở khách (khoảng 280 chỗ ngồi) và 2 toa để phục vụ triển lãm nghệ thuật. Số lượng chỗ có thể tăng lên tùy thuộc vào nhu cầu của khách tham gia. Các dịch vụ phục vụ trong quá trình trình vận hành tàu cũng được thử nghiệm nhằm mang đến cảm giác trọn vẹn nhất tới du khách.
Với giá vé chỉ 20.000đ/lượt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội đã nỗ lực trong công tác tổ chức chạy tàu phục vụ Lễ hội, vận hành chuyến tàu với một mức giá hỗ trợ nhất cho du khách tham quan.
Ngoài ra, trên 2 toa đặc biệt của chuyến tàu nghệ thuật này, hành khách cũng sẽ được thưởng lãm các tác phẩm nằm trong khuôn khổ triển lãm “Chuyển động ngoại biên #2” do Không gian nghệ thuật Heritage Space giới thiệu. Những tác phẩm được gắn cố định trên ô cửa kính nhưng đoàn tàu không ngừng chuyển động ra xa trung tâm thành phố.
Quyết định “chuyển mình” các nhà ga lịch sử
Ông Đặng Sỹ Mạnh – Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chia sẻ, Tổng Công ty đã chủ động phát huy vai trò phối hợp của mình với Sở Văn hoá, UBND quận Gia Lâm, Ban tổ chức Lễ hội và các nghệ sĩ trong việc tổ chức các hoạt động của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023. Không chỉ về không gian, địa điểm, Tổng Công ty còn chủ động tham gia ngay từ giai đoạn khảo sát, đóng góp ý tưởng, thi công thực tế…
Công tác chuẩn bị, từ việc cải tiến đến thiết kế, sắp đặt toa tàu, không gian nghệ thuật tại các địa điểm được lên kế hoạch, chuẩn bị chu đáo suốt nhiều tháng bởi Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các nghệ sĩ. Không gian 3 nhà ga: Gia Lâm, Long Biên, Hà Nội được cải tạo, bày trí, phân khu các hạng mục, nhằm đem đến trải nghiệm độc đáo, liền mạch; đúng với tinh thần “Dòng chảy” của tuyến tàu nói riêng, lễ hội nói chung.
Tại 3 nhà ga Gia Lâm, Long Biên, Hà Nội, triển lãm “Thí điểm Kiến trúc & Sắp đặt Không gian Ga” được thực hiện bởi KTS Đặng Ngọc Tú và cộng sự là triển lãm đầu tiên được phối hợp thi công, sắp xếp giữa 3 nhà ga có tuổi đời lịch sử này. Mang chủ đề “Dòng chảy” (Flow), triển lãm là sự kết nối tinh tế giữa 3 di sản công nghiệp tiêu biểu của Hà Nội.
Ngoài ra, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm sẽ trở thành địa điểm chính của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023, được tái thiết kế một phần, trở thành không gian sáng tạo thông qua các Pavilion, triển lãm, các hoạt động nghệ thuật trình diễn…
Dù đang là cao điểm sản xuất, sửa chữa, trùng tu các toa tàu phục vụ cho dịp Tết, tuy nhiên, Nhà máy vẫn nỗ lực đóng góp, xây dựng các hoạt động trải nghiệm ấn tượng nhất cho người tham gia. Nhà máy đã di chuyển các đầu máy cũ nặng hàng trăm tấn, tạo điều kiện và đảm bảo an toàn cho các nghệ sĩ tới thi công, đảm bảo nguồn điện, phối hợp cùng với UBND quận Gia Lâm vệ sinh, cải tạo không gian các sân ga, sẵn sàng cho các hoạt động tái thiết không gian, nghệ thuật, sáng tạo… của Lễ hội.
Cũng tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng lại biểu tượng của ngành đường sắt với thí điểm sắp đặt “Ký ức đầu máy xe lửa hơi nước”. Những chiếc đầu máy mang tên Tự lực là một trong những chứng nhân lịch sử tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, minh chứng cho ý chí tự lực, tự cường, sự nỗ lực vượt khó của đội ngũ Cán bộ nhân viên ngành Đường sắt Việt Nam.
Sự cởi mở của ngành đường sắt với cộng đồng sáng tạo
Tiếp nối lịch sử vẻ vang, với tinh thần “Đoàn kết, Đổi mới, Sáng tạo”, những năm gần đây, ngành Đường sắt đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Tổng Công ty đã có những định hướng nâng cao chất lượng dịch vụ bằng các sản phẩm công nghiệp mới, chủ động sản xuất đầu máy, toa xe, tăng tỷ trọng công nghiệp, tỷ lệ nội địa hóa; đầu tư xây dựng các cơ sở công nghiệp đường sắt hiện đại, từng bước thích ứng với cơ chế kinh tế thị trường…
Ông Đặng Sỹ Mạnh – Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nhấn mạnh: “Ngoài 3143km đường sắt qua 43 tỉnh thành phục vụ giao thông vận tải, chúng tôi còn đang khai thác tài sản chung của đất nước này như những “di sản sống đang hoạt động”, những kiến trúc vừa hội tụ hình, lý và khí. Ngành đường sắt có rất nhiều di sản quý giá, truyền thống lịch sử vẻ vang, quá khứ hào hùng nhưng cũng rất cởi mở, rất mong muốn góp mình vào hoạt động sáng tạo của địa phương, đóng góp cho sự phát triển của thế hệ sau.”
Những hoạt động sáng tạo trên nền di sản công nghiệp như “Tuyến tàu Di sản” là cơ hội tạo ra những trải nghiệm mới, biến di sản công nghiệp thành tổ hợp văn hóa sáng tạo, tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới và thu hút đầu tư; tạo ra việc làm, thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá Thủ đô, hướng đến phát triển bền vững. Với tầm nhìn chuyển đổi này, nhiều di sản công nghiệp khác cũng có tiềm năng trở thành tổ hợp văn hóa sáng tạo mới hấp dẫn.
Tuyến tàu Di sản muốn truyền thông điệp về ý thức bảo tồn, tôn vinh và phát huy di sản lịch sử với tinh thần sáng tạo hiện đại. Đây hứa hẹn sẽ là một trong những hoạt động thú vị, được mong chờ nhất tại Tuần lễ Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023.
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 với danh nghĩa tổ chức bởi UBND Thành phố Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam, do Sở Văn hoá thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc triển khai với sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc UN-Habitat, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, UBND quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình và các quận, huyện, cùng các đơn vị, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và hàng trăm nhà sáng tạo, nghệ sĩ… phối hợp thực hiện.
© Tạp chí Kiến trúc