Văn hóa Miền Trung với kiến trúc nhà thờ tộc họ – Các giá trị cần được lưu giữ và bảo tồn

1. Mở đầu

Văn hóa Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước, khi tiếp biến với các nền văn hóa khác càng trở nên phong phú và đa dạng. Mỗi nghiên cứu, tìm hiểu các giá trị văn hóa, sẽ góp phần làm rõ thêm các giá trị văn hóa, bản sắc của người Việt Nam, gìn giữ được cốt cách, bản sắc văn hóa dân tộc phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước [1]. Bài báo nghiên cứu các nhà thờ văn hóa tộc họ của vùng đất Bảo An thuộc Xã Điện Quang, Huyện Điện Bàn, Tỉnh Quảng Nam, mong muốn đề xuất các giải pháp phù hợp trong thời gian đến để xử lý đúng mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế, kinh tế với văn hóa, xem đây là một trong những động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững.

Bản đồ trục đường xây dựng nhà thờ Tộc họ tại Làng Bảo An1

Trong nhận thức của người Việt, mọi vật chung quanh đều có linh hồn và cùng tham gia vào cuộc sống với con người; người Việt nhận thức trong con người có hai phần, phần thể xác là cõi tạm, phần hồn là tồn tại vĩnh viễn ở một thể trạng gắn bó với họ hàng, thân tộc [4], và người Việt có quan niệm khi chết đi là được sống ở một thế giới khác, thế giới vĩnh hằng và không có thời gian. Sợi dây huyết thống và quá trình gắn bó với nhiều kỷ niệm đã giúp con cháu tự nhận thức trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với ông bà, cha mẹ mình và xa hơn nữa là ông bà tổ tiên – những người mình không thể hoặc chưa từng gặp, gắn bó.

Do đó, tục thờ cúng tổ tiên là một loại hình tín ngưỡng cổ truyền mang tính phổ quát của người Việt Nam, “mọi người đều thờ cúng tổ tiên, mọi người đều thờ ông bà”[5]. Thờ cúng tổ tiên đã trở thành thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam với ý thức “chim có tổ, người có tông” và những kết tinh này tiếp tục được nhân dân trân trọng, thừa nhận, tạo nên những giá trị đạo đức quý báu của con người Việt Nam. Vì vậy mà gia đình nào cũng có bàn thờ thờ cúng tổ tiên, tưởng nhớ các bậc sinh thành, các vị tổ tiên của gia đình. Bên cạnh đó, các gia đình khác trong làng xã cũng gắn bó, quần cư lâu dài với nhau đã xây dựng nên sợi dây liên kết chặt chẽ, bền vững trở thành gia đình lớn, tức là dòng họ – đơn vị huyết thống. Và chính làng xã, văn hóa, kinh tế, xã hội đã trở thành các yếu tố quan trọng để phát triển tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Việc thờ cúng tổ tiên cũng góp phần giáo dục quan niệm của người Việt trong tư tưởng về duy trì nòi giống, lưu truyền tôn thống để nối dõi tông đường; nhắc nhở mọi người về người đã khuất và tưởng nhớ đến họ; là dịp để con cháu cầu mong tốt đẹp cho bản thân, gia đình được hạnh phúc, bình an; và được các hệ tư tưởng tôn giáo khác bổ sung hoàn chỉnh để thể chế hóa thành một thứ đạo: Đạo tổ tiên – Đạo Ông Bà.

Hình ảnh Một buổi lễ cúng tại Nhà thờ Tộc Phan – Bảo An, 2018 (Ảnh tác giả)

Người Việt thực hiện tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, trước hết là thờ cúng tổ tiên dòng tộc, không chỉ bằng niềm tin tín ngưỡng mà còn thực hiện bởi đạo lý làm người – một đạo lý mang đậm màu sắc nhân văn của nền văn minh nông nghiệp lúa nước cổ truyền [8].

Nhà thờ Tộc Phan Bảo An (Ảnh tác giả)

2. Tổng quan về nhà thờ tộc tại Việt Nam

Ở người Việt, để quản lý dòng tộc, các dòng họ thường tự xây dựng một bộ máy tổ chức riêng. Bộ máy tổ chức này được gọi là Hội đồng gia tộc, có nhiệm vụ tự quản lý tông tộc mình, định hướng và giáo dục nhân cách con cháu hướng tới các giá trị văn hóa: Chân, thiện, mỹ… Để quản lý dòng tộc, các dòng họ thường có tộc ước. Tộc ước là những văn bản truyền miệng hoặc thành văn thường được soạn thảo bởi Hội đồng gia tộc trong đó có nhiều điều khoản quy định rõ ràng về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của các thành viên trong nội tộc.

Để lưu giữ văn hóa, vừa là nơi sinh hoạt dòng tộc, tổ chức các ngày hội lễ, thờ cúng tổ tiên, mỗi dòng tộc đều mong muốn xây dựng nhà thờ cho tộc họ mình. Và nhà thờ tộc được ví như gian thờ, nhà thờ của một dòng họ – nơi trang nghiêm nhất. Mỗi nhà thờ được xây dựng, quy mô kiến trúc, tính bề thế, thống nhất được thể hiện qua sự đoàn kết trong tộc họ, tính tổ chức chặt chẽ, sự phân công phân nhiệm cho từng thành viên và đặc biệt là sự thành đạt về địa vị, kinh tế của con cháu trong xã hội để đóng góp nguồn lực nhà thờ, chăm sóc hương hỏa thường ngày.

Vì nhà thờ họ là công trình tâm linh mang nhiều ý nghĩa thực tế phong phú, là nơi thể hiện tấm lòng thành kính của con cháu đối với tổ tiên dòng họ, là nơi gắn liền tình đoàn kết trong dòng họ, xóm làng, tùy thuộc vào thói quen của từng địa phương mà cách thức bố trí không gian của nhà thờ tộc họ cũng có khác nhau: Nhà thờ họ miền Trung sẽ khác với nhà từ đường miền Bắc, miền Nam. Nguyên nhân chính là do phong tục tập quán vùng miền khác nhau, hệ tư tưởng khác nhau. Điều này bắt nguồn từ nhiều yếu tố liên quan đến phong tục, tập quán, điều kiện khí hậu, vật liệu địa phương và kinh tế. Tuy nhiên dù có sự khác biệt nhiều hay ít thì các mẫu nhà thờ họ sẽ luôn có những điểm chung trong bố cục. Mà từ đó hình thành được sự khác nhau qua cách trang trí, thêm bớt các chi tiết nhỏ và cấu trúc nhà từ đường chính.

Qua nghiên cứu cụ thể 17 nhà thờ tộc họ trên địa bàn Thôn Bảo An, Xã Điện Quang, Huyện Điện Bàn, Tỉnh Quảng Nam2, trục đường DT601B xuyên suốt 3 xã Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang với rất nhiều nhà thờ các tộc họ3. Vì vậy, bài báo chọn phân tích 17 nhà thờ này để giới thiệu những đặc trưng riêng của nhà thờ tộc họ đại diện cho khu vực Miền Trung.

 

Lễ hội Thanh minh, nghi lễ rước bài vị và cúng bái thủy tổ tộc họ tại Xã Điện Quang (ảnh tác giả)

Qua nghiên cứu, không gian nhà thờ tộc họ có một số thành phần chính.

  • Tường rào: là phần kiến trúc bao quanh nhà thờ, ngăn không gian riêng của nhà thờ biệt lập với các công trình, khu vực lân cận; xác định ranh giới chính xác của khu đất xây dựng nhà thờ. Trong ranh giới này, các yếu tố về văn hóa, đạo lý, ứng xử… cũng từ đó mà quan niệm rõ ràng hơn, ý thức hơn.
Tường rào Nhà thờ Tộc Ngô, Bảo An
  • Cổng nhà thờ (tam quan): Cổng nhà thờ họ thể hiện sự uy nghiêm, tạo ấn tượng và được thiết kế theo kiểu tháp chỉ thiên với bốn cột chân quỳ. Trên trụ cổng được chạm trổ chi tiết và các câu đối. Cầu kỳ hơn thì có thêm mái che trang trí phù điêu giống mái gian thờ chính. Mỗi khi có điều kiện kinh tế, các tộc họ họp bàn và nâng cấp xây dựng hình thức cổng nhà thờ quy mô hơn.
Tộc Mai Quý, Kỳ Lam (ảnh tác giả)
  • Bình phong nhà thờ: hay còn gọi là cuốn thư, bình phong có ý nghĩa về mặt phong thủy như tiền án đối với công trình chính là nhà thờ. Trên bức bình phong, các chi tiết hoa văn được trang trí tỉ mỷ, tinh xảo.

Một số nhà thờ tộc, việc xây dựng các bình phong có thể được biến thể bằng nhiều hình thức như núi tự nhiên hoặc hòn giả sơn, nhân tạo; những công trình có quy mô nhỏ hơn thì bình phong được làm bằng gạch đá hoặc có thể là một bờ rào, hàng cây, một phiến. Các đề tài trang trí trên bình phong cũng đa dạng, chủ yếu là những con vật trong Tứ linh, gồm long(rồng)-lân-phượng-quy (rùa).

Bình phong Nhà thờ Tộc Huỳnh
Bình phong Nhà thờ Tộc Huỳnh
  • Khuôn viên nhà thờ: Trong khuôn viên nhà thờ, tùy điều kiện về không gian mà có cách thức tổ chức khác nhau. Có nơi bố trí hòn giả sơn để điều tiết phong thủy, tạo tính thẩm mỹ cho khuôn viên công trình hoặc cũng là nơi tổ chức các hoạt động hội họp dòng tộc. Đối với các nhà thờ tộc họ, khuôn viên đất xây dựng nhà thờ có quy mô vừa phải nên trong xây dựng thường chú trọng tạo sân lớn phía trước công trình để tổ chức các hoạt động nghi lễ hoặc là nơi tụ tập con cháu khi có tổ chức hội họp. Sân nhà thờ cũng góp phần tạo nét bề thế cho công trình chính.
Nhà thờ Tộc Mai Quý, Kỳ Lam (Phải) – (Ảnh tác giả)
  • Sân nhà thờ họ: Phía trước mặt nhà thờ họ là sân nhà thờ . Sân có thể rộng hay hẹp là tùy thuộc vào diện tích khu đất của dòng họ hay gia đình dành cho từ đường dòng họ hay từ đường gia đình. Khu vực này còn được trưng dụng làm nơi tập trung trong các buổi lễ nhà thờ họ.
  • Từ đường: Đây là phần kiến trúc chính có quy mô lớn nhất trong quần thể nhà thờ tộc họ, tọa lạc tại vị trí trung tâm trong khuôn viên nhà thờ. Công trình kiến trúc này thường được xây dựng theo kiểu kiến trúc nhà 5 gian, hay nhà 3 gian truyền thống của Việt Nam.

Tại gian thờ chính (ở chính giữa), bàn thờ tổ được làm 2 cấp hoặc 3 cấp. Cấp 1 ở ngoài thông là bàn ô sa, án gian thờ hoặc sập thờ. Cấp 2 thông thường là 1 bàn án hành hoặc 1 chiếc kệ đặt trên bàn thờ chính dùng để đặt ngai thờ và bài vị tổ. Bàn thờ án hành thông thường cao 1m47 thường đặt bàn thờ này ở trong cùng gian thờ chính cao nhất dùng để đặt ngai thờ hoặc khám thờ ở chính giữa. Phía trước bàn thờ án hành là bàn thờ ô sa, thông thường cao 1m27.

Bàn thờ này đặt ở gian chính, được bài trí bộ đồ thờ tam sự, ngũ sự, mâm bồng, óng hương, đài nến, bát hương, đỉnh đồng. Hai bên gian hồi (bên tả và hữu nhà thờ họ) một bên sẽ lập một thờ bà cô, ông mãnh và một bên lập bàn thờ cho nhà chi trường hoặc một bàn thờ bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bà cô ông mãnh là từ dân gian dùng cho những người chết trẻ, chưa lập gia đình. Người ta cho rằng vì chết trẻ nên bà cô ông mãnh rất linh thiêng.

  • Về chi tiết kiến trúc, hoa văn trong trang trí: Nhà thờ họ không cầu kì như đối với các công trình Đình, Chùa, Đền, Miếu… nhưng về cơ bản cũng có những nét đặc trưng riêng để phân biệt với các công trình kiến trúc tâm linh khác.
Các chi tiết hoa văn trang trí trên Nhà thờ Tộc Trần Ngọc – (Ảnh tác giả)

Về hình thức kiến trúc, Nhà thờ họ khá gần gũi với kiến trúc nhà ở dân gian; còn về công năng, Nhà thờ họ là công trình tín ngưỡng để thờ cúng Tổ tiên. Đây là hai yếu tố chính tạo nên phong cách kiến trúc của Nhà thờ họ [9]. Bên cạnh đó, Nhà thờ họ thuộc sở hữu tư nhân, thường do một dòng họ đứng lên xây dựng, vì vậy mà Nhà thờ họ mang tính cá thể cao, có kiến trúc giản đơn, nhỏ bé chứ không mang nhiều tính cộng đồng, hoành tráng như những công trình tín ngưỡng công cộng. Hiện nay kết cấu Nhà thờ họ được làm bằng bê tông cốt thép giả gỗ do giá thành rẻ hơn, bền chắc hơn. Theo truyền thống thì Nhà thờ họ thường được xây tách riêng khỏi nhà ở, có thể nằm trên một mảnh đất riêng biệt, có thể nằm trên khuôn viên đất ở của vị trưởng họ.

Như vậy, Văn hóa tổ chức cộng đồng của dòng họ có nhiều biểu hiện trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt. Ngoài việc tế tự – thờ cúng tổ tiên của con trưởng, chi trưởng dòng họ thì công trình nhà thờ họ là đặc điểm tiêu biểu để tiếp tục phát triển và duy trì các nghi thức trong việc thực hiện tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Với nguyên tắc phụ quyền của dòng họ người Việt, con trai trưởng có trách nhiệm khói hương thờ phụng Thủy tổ và việc thờ cúng tổ tiên giúp gắn kết lâu bền các mối quan hệ huyết thống dòng tộc theo phía người cha. Nhưng nguyên tắc này cũng không quyết định tất cả mà được linh hoạt ứng xử. Theo nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng thì đây chính là “Nguyên lý mẹ của nền văn hóa Việt Nam”. Và mỗi dòng họ có ý thức thành lập nhà thờ tộc họ để thờ cúng tổ tiên, duy trì mối quan hệ dòng tộc, huyết thống đồng thời tự thiết lập cơ chế quản lý, bộ máy tổ chức và phương thức vận hành riêng – đây cũng là một trong những đặc điểm nổi bật của người Việt – Tính tự quản.

3. Giá trị kiến trúc và văn hóa của nhà thờ tộc họ

3.1. Về kiến trúc

Các nhà thờ tộc họ tồn tại ở hai dạng, chung trong khuôn viên đất ở với gia đình hoặc có khuôn viên riêng biệt và đại diện tộc họ cử người trông giữ. Vì vậy mà mỗi dạng nhà thờ có hình thức bố trí khác nhau. Bố cục nhà thờ luôn thực hiện nguyên tắc đăng đối qua trục thần đạo (trục tưởng tượng đi qua chính giữa nhà thờ).

Phối cảnh Nhà thờ Tộc Phan (Chính) – Bảo An

Cho đến hiện nay, các nhà thờ luôn thực hiện nghiêm nguyên tắc này: Từ hình khối kiến trúc, trang trí trên kiến trúc, sắp xếp các ban thờ, bài trí nội thất đến bố trí sân vườn cảnh quan phía trước… Về mặt phong thủy, có hai yếu tố luôn được quan tâm khi chọn đất xây dựng Nhà thờ họ là hướng đất và thế đất. Tuy nhiên, ngày xưa quan niệm chọn hướng không quá phức tạp như hiện nay do đất đai rộng rãi, qua thuật phong thủy, nếu hướng Nam lại ở thế đất xấu thì người Việt linh hoạt mà bố trí theo hướng đất khác hoặc có những “thủ thuật” để khắc chế hướng xấu4. Khi thế đất tự nhiên không sẵn có các yếu tố cần thiết đó, người xưa có thể khắc phục bằng cách đào hồ, ao, giếng nước làm điểm tụ thủy; xây bình phong, non bộ làm án; đắp đất trồng cây tạo thế tay ngai…

Cũng như các loại hình kiến trúc truyền thống khác, vấn đề trang trí nhà thờ tộc họ cũng được người xưa quan tâm. Nhưng do quy mô đầu tư nhỏ nên trang trí thường đơn giản, khiêm tốn hơn so với các công trình kiến trúc tín ngưỡng khác của cộng đồng, đặc biệt là hầu như không có các trang trí bên ngoài công trình hoặc nếu có thì cũng được đơn giản hóa tới mức tối đa. Không những vậy, do điều kiện kinh tế và quy mô của dòng tộc mà các tộc họ vẫn có những nhà thờ đơn giản, ít chú trọng đến các chi tiết kiến trúc mà chỉ đảm bảo những yêu cầu thiết yếu của một không gian thờ cúng tổ tiên.
Trang trí ở Nhà thờ họ chủ yếu tập trung bên trong công trình và phân thành hai loại chính:

  • Thứ nhất là trang trí trên các cấu kiện kiến trúc, do đây là những trang trí cố định không thể tháo rời nên thường có cùng phong cách nghệ thuật ở thời kỳ xây dựng và ít thay đổi. Trang trí trên cấu kiện kiến trúc xuất phát từ mục đích vừa làm đẹp vừa làm giảm sự thô mộc, nặng nề của cấu kiện gỗ, song tùy thuộc vào khả năng đầu tư mà mức độ trang trí có thể nhiều, ít khác nhau ở từng Nhà thờ họ. Trang trí trên kiến trúc Nhà thờ họ rất ít dùng hình tượng rồng mà hay sử dụng các hình tượng thuần túy mang tính trang trí (như hình hoa lá, hình kỷ hà…), hoặc các biểu tượng thiêng (như hình vân xoắn, hình đao mác…).
  • Thứ hai là trang trí trên các đồ vật nội thất, như bàn thờ, hương án, hạc, lư hương, cửa võng, hoành phi, câu đối… thường có sự bổ sung, thay đổi theo thời gian nên các trang trí trên mỗi vật dụng có phong cách khác nhau. Ngày nay, các nhà thờ tộc họ khi được xây dựng cũng luôn chú trọng đến các chi tiết kiến trúc truyền thống, ngày càng nhiều vật liệu gỗ được sử dung với các nét chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ.

3.2. Về văn hóa tinh thần

Trong kiến trúc nhà thờ họ, do gắn liền với quan niệm Nho giáo, nhà thờ là nơi thờ cúng tổ tiên – những người có quan hệ huyết thống với gia đình và không phải là nơi thờ phụng vua chúa nên các chi tiết kiến trúc không thể hiện tính quyền lực, ít sử dụng hình tượng rồng trên kiến trúc. Tuy vậy, trên các đồ thờ vẫn thường được chạm rồng do quan niệm thần thánh hóa tổ tiên của người Việt, tất nhiên cũng chỉ được chạm rồng 4 móng mà không được chạm rồng 5 móng. Do biến động lịch sử và ảnh hưởng của nhiều quan niệm, cộng với tính linh hoạt của người Việt, các quy định và ảnh hưởng của Nho giáo trong cuộc sống xã hội ngày càng mờ nhạt, các chế định xã hội và cộng đồng cũng lỏng lẻo dần trước những trào lưu văn hóa và những nhu cầu mới. Nên xây dựng Nhà thờ tộc họ cũng không còn tuân thủ các quan niệm và quy ước như trước mà ngày càng đa dạng, phong phú hơn.

Nhà thờ Tộc Phan (Chính), Bảo An (ảnh tác giả)

4. Kết luận

Một trong những giá trị vật chất phản ánh văn hóa phi vật thể của tộc họ là các nhà thờ dòng tộc ở Việt Nam. Những mong muốn, đạo lý, tổ chức, quan hệ và thành tựu của tộc họ được xây dựng trong một thời gian dài và lưu giữ tại các nhà thờ của tộc họ. Thông thường, một Nhà thờ họ điển hình được xây dựng với những hạng mục tối thiểu nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các thành phần theo quan điểm truyền thống. Nhưng đến thời điểm hiện tại, với nhiều quan niệm khác nhau, nhiều hình thức Nhà thờ họ tỏ ra không phù hợp, thậm chí các quy chuẩn xây dựng, trang trí ngày càng mơ hồ và khó phân định với các công trình tôn giáo khác. Dẫn đến, công trình thường có hình thức kiến trúc rườm rà, lai tạp, hay thậm chí là quá đơn giản,… ngày càng đánh mất cốt cách riêng. Nếu không có những quy ước được thể chế hóa, hay các nghiên cứu có giá trị định hướng tư tưởng, quan niệm thì trong tương lai, những hạn chế phân tích ở trên sẽ ngày càng bành trướng, mất đi những nét đẹp tinh túy được đúc kết từ bao đời nay.

Qua phân tích 17 nhà thờ tộc họ trên địa bàn Thôn Bảo An, Xã Điện Quang, chi tiết ngoại thất thường phản ảnh những đặc điểm kiến trúc vào thời điểm xây dựng và ít thay đổi, trong khi những đặc điểm trang trí nội thất và vật dụng bên trong nhà thờ được tu bổ, tôn tạo và sắm sửa thường xuyên hơn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhà thờ tộc họ ít nhiều biến đổi theo nhu cầu sử dụng và mất đi nhưng giá trị đặc trưng tồn tại nhiều đời. Dẫn đến hình thức bị xô lệch, hoặc rườm rà mặc dù hình thức kiến trúc nhà thờ họ phát triển theo hướng gần gũi với kiến trúc nhà ở dân gian và có chức năng là công trình tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Đây là hai yếu tố chính tạo nên đặc trưng phong cách kiến trúc nhà thờ họ.

TS.KTS Lê Minh Sơn
Ths.KTS Phan Thanh Trung
TS.KTS Phan Bảo An
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2021)


Ghi chú:

  1. Bản đồ được UBND xã vẽ lại theo bản đồ vẽ tay năm 1934.
  2. Theo gia phả các họ lâu đời nhất trong làng, thì tổ tiên của ba gia đình Phan, Nguyễn, Ngô ở Bảo An đều gốc huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang, Nghệ An (có gia phả ghi thêm họ Phạm, Thái), sau đó có thêm các họ Huỳnh, Lương, Lê, Bùi, Đặng… Trong đó có những họ không phải từ Nghệ An vào, như họ Lương gốc Quảng Đông di cư sang Việt Nam (1679) nhập cảnh vào cảng Đại Chiêm và Đà Nẵng
  3. Riêng đoạn qua làng Bảo An là nơi có 17 nhà thờ tộc họ được xây dựng.
  4. Thế đất tự nhiên được coi là đẹp khi lưng có thế tựa (phía sau cao hơn phía trước), hai bên có thế tỳ “tả Thanh long, hữu Bạch hổ” (thế tay ngai), mặt trước thoáng đãng có dòng lưu thủy từ phải qua trái và có tiền án

Tài liệu tham khảo

  • [1] Vượng Trần Quốc Văn hóa Việt Nam – Tìm tòi và suy ngẫm [Tập san] // Tạp chí văn hóa nghệ thuật. – Hà Nội : NXB Văn hóa Dân tộc, 2000. – trang 56-77.
  • [2] Thêm Trần Ngọc Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện tại [Sách]. – HCM : NXB ĐH Quốc gia TP HCM, 2015.
  • [3] Giàu Trần Văn Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam [Sách]. – Hà Nội : NXB Chính trị Quốc gia, 2011.
  • [4] Vượng Trần Quốc Cơ sở Văn hóa Việt Nam [Sách]. – Hà Nội : NXB Giáo dục, 1998.
  • [5] Nga Đinh Kiều Ban Tuyên giáo Chính phủ [Báo Online] // Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên – bản sắc văn hóa của người Việt. – 04 08, 2020. – http://btgcp.gov.vn.
  • [6] Vạn Đặng Nghiêm Cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam [Sách]. – TP Hồ Chí Minh : NXB ĐH Quốc gia TP HCM, 2003.
  • [7] Diên Chu Xuân Cơ sở văn hóa Việt Nam [Sách]. – TP HCM : NXB ĐHQG TP HCM, 2002.
  • [8] Anh Đào Duy Việt Nam văn hóa sử cương [Sách]. – Hà Nội : [s.n.], 1938.