“Có mới nới cũ?” – Giải Nhì hạng mục Bán Chuyên Nghiệp cuộc thi Ngôi nhà mơ ước 2018-2019

Thông tin bình chọn:

  1. Hạng mục Bán chuyên nghiệp
  2. Tác giả: Nguyễn Quang Linh, Phùng Nhất Linh, Trịnh Đăng Huy, Trần Bá Anh, Trịnh Đăng Hoàng
  3. Mã số bình chọn: BC022

Đường Lâm có cấu trúc làng xóm khá hiện đại đó là đường được tổ chức ngăn nắp theo hình xương cá, bố trí nền nhà cao, sử dụng đường như thoát nước mặt, tổ chức đường làng ngõ xóm ngăn nắp, chặt chẽ, có phân cấp, tất đều rất hoàn chỉnh. Điều đó chứng tỏ rằng làng cổ Đường Lâm đã được can thiệp, có tính tiếp biến và học học chứ không chỉ đơn thuần là một làng nông nghiệp khép kín. Nhưng sau khi những ngôi nhà bình thường trở thành di tích với các cấp độ bảo tồn được áp dụng, cưỡng chế thì sự tiếp biến đó lại dậm chân tại chỗ. Dân số Đường Lâm ngày một đông, nhiều gia đình muốn cơi nới, xây nhà để đáp ứng nhu cầu sống. Các hộ trong làng tự phát xây chen nhà ống, chồng cao tầng hay biệt thự hiện đại thay thế vị trí ngôi nhà truyền thống nhưng lại bị cưỡng chế từ phía chính quyền.

Hiện nay, Làng cổ Đường Lâm có 1.500 hộ dân với hơn 6.000 nhân khẩu, hầu hết các gia đình có nhu cầu chính đáng, tăng diện tích ở theo sự tăng số lượng nhân khẩu mới. Các hộ gia đình ở đây chủ yếu có diện tích ở dưới 200 m2 chiếm phần đông, nên hầu hết người dân cũng không muốn di dời ra sinh sống bên ngoài làng cổ hiện hữu và cải tạo nhà ở trong làng cổ. Quá trình này minh chứng cho những chiến lược của dân cư làng cổ Đường Lâm bám trụ tại các làng cổ đang biến đổi sâu sắc chứ không chuyển lên thành phố sinh sống nhưng sự biến đổi này lại đang bị kìm kẹp, cưỡng chế bởi những quy định khắt khe trong khu vực bảo tồn. Trong một cuộc sống hiện đại với nhu cầu và tiên nghi thay đổi, không thể bắt người dân cứ sống trong một lớp vỏ đóng băng mãi được. Việc cấy ghép, diễn cảnh một làng cổ có tính cách sân khấu một cách bị động, cứng nhắc là không phù hợp, cần phải tiếp cận một cách chủ động hơn, phải gắn bảo tồn với phát triển, nghĩa là di sản phải là một phần của cuộc sống hiện đại.

Tuy vậy kiểu xây chen đa dạng và lộn xộn này do người dân địa phương tự thực hiện với chi phí thấp tùy theo điều kiện không gian của họ, hơn nữa cũng không được chính quyền khuyến khích tại các khu vực bảo tồn nên cách làm này lại đang phá vỡ cấu trúc và cảnh quan làng cổ một cách thô bạo và thiếu kiểm soát. Nhóm thiết kế đưa ra một phương pháp châm cứu vào các không gian chết, khuyến khích sự phát triển vùng di tích, để những di tích đóng băng kia thực sự chở thành một di sản sống và quan trọng nhất sự tiếp biến đó phải là sự tiếp biến tích cực cho những giá trị cần lưu giữ. Đồ án mạnh dạn đề xuất một mô hình nhà ở mới, không phải bản sao máy móc của nhà truyền thống, đảm bảo các tiêu chí bảo tồn, đáp ứng nhu cầu dân sinh chính đáng, tiện nghi sinh hoạt của người dân – phù hợp với luật di sản và cảnh quan đô thị để làng cổ vẫn là làng cổ, không gian kiến trúc, hơi thở của quá khứ vẫn còn.