Kỷ niệm 25 năm Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia và kỳ Giải thưởng 2018-2019

Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (GTKTQG) do Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội KTS Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cùng phối hợp tổ chức từ năm 1994, định kỳ 2 năm một lần, nhằm thúc đẩy sáng tạo kiến trúc, tôn vinh các tác giả – tác phẩm kiến trúc xuất sắc trên toàn quốc, góp phần định hướng phát triển kiến trúc cũng như nâng cao nhận thức xã hội về kiến trúc.

Năm 2019 ghi dấu 25 năm GTKTQG và 12 kỳ Giải thưởng. Qua 25 năm, Hội đồng GTKTQG đã nhận được 1788 tác phẩm tham dự trên tổng số 9 thể loại với 16 hạng mục tác phẩm: Kiến trúc Nhà ở; Kiến trúc công cộng; Kiến trúc công nghiệp; Kiến trúc bảo tồn, tôn tạo; Thiết kế nội – ngoại thất; Thiết kế đô thị, cảnh quan; Đồ án quy hoạch xây dựng; Ấn phẩm kiến trúc; Tác phẩm xuất sắc tại Việt Nam của KTS nước ngoài. Trong số các tác phẩm đó, Hội đồng GTKTQG đã trao 14 giải Vàng/ Nhất, 86 giải Bạc/ Nhì, 187 giải Đồng/ Ba, 183 giải Khuyến khích/ Giải thưởng Hội đồng cho các tập thể và cá nhân tác giả – tác phẩm đoạt giải. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng tặng Bằng khen cho nhiều KTS Trẻ tiêu biểu, các đơn vị/ cá nhân tích cực tham gia các kỳ Giải thưởng.

25 năm qua, GTKTQG đã ghi nhận nhiều thành tựu của giới KTS trong nước cũng như đóng góp của các KTS nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Càng ngày, GTKTQG càng thể hiện rõ vai trò của mình trong việc:

  • Ghi nhận, phát hiện tài năng cùng những nỗ lực của giới KTS đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước;
  • Tạo nên những chuyển biến trong nhận thức xã hội, giúp mọi người hiểu rõ hơn về vai trò, chức năng của kiến trúc, về bản chất văn hóa và tính xã hội sâu sắc của kiến trúc trong đời sống;
  • Động viên, khích lệ tư duy sáng tạo và trách nhiệm xã hội của các thế hệ KTS Việt cũng như đóng góp của KTS quốc tế tại lãnh thổ Việt Nam;
  • Thúc đẩy hoạt động sáng tạo kiến trúc theo các xu hướng tiến bộ, bền vững;

Với mong muốn Kiến trúc Việt Nam ngày càng phát triển, các cơ quan đồng tổ chức GTKTQG đã có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới Giải thưởng từ nội dung, cơ cấu giải đến hình thức xét giải cũng như tổ chức trao giải, nhằm thu hút hơn nữa sự tham gia của giới KTS cũng như sự quan tâm của xã hội, đồng thời hướng đến các chuẩn mực quốc tế. 25 năm qua, GTKTQG đã chứng kiến sự đổi thay và phát triển tài năng của 3 thế hệ KTS:

  • Thế hệ đầu tiên gồm các KTS lão thành đã kiên trì, nỗ lực trong các thiết kế gắn kết kiến trúc hiện đại với bản sắc truyền thống và đã đoạt giải Nhất, Nhì GTKTQG những năm 90 như các KTS: Nguyễn Khôi Nguyên, Trần Đức Nhuận, Lê Hiệp, Nguyễn Trực Luyện, Nguyễn Thúc Hoàng, Lương Anh Dũng…;
  • Thế hệ thứ hai với tài năng chín muồi, trưởng thành trong thời kỳ đất nước phát triển mạnh mẽ nên đã cho ra đời nhiều tác phẩm quy mô lớn, dây chuyền công năng phức tạp được thiết kế chắc tay, như KTS Nguyễn Tiến Thuận, Đặng Kim Khôi, Khương Văn Mười, Nguyễn Văn Tất, Nguyễn Trường Lưu,…;
  • Thế hệ thứ ba là thế hệ KTS 7X, 8X đầy sáng tạo, nhiệt huyết với những ý tưởng mới, tiệm cận với xu hướng kiến trúc thế giới, kiến trúc có trách nhiệm với xã hội như Võ Trọng Nghĩa, Hoàng Thúc Hào, Nguyễn Hoàng Mạnh, Nguyễn Hòa Hiệp, Đoàn Thanh Hà, Trần Ngọc Phương, Nguyễn Tuấn Anh…
Nhà ở xã hội Hưng Thịnh
Tác giả: KTS Trần Vũ Lâm, KTS Nguyễn Trung Dũng, KTS Phan Minh Sơn

Nhiều tác phẩm – tác giả được trao GTKTQG đã tiếp tục đoạt các Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, Giải thưởng Kiến trúc ARCASIA (của Hội đồng KTS khu vực châu Á) và Giải thưởng Kiến trúc UIA (của Liên hiệp Hội KTS Thế giới)…, mang lại niềm tin và tự hào cho kiến trúc Việt Nam.

Nét chung của các tác phẩm đoạt GTKTQG là sự bứt phá, sáng tạo trong bối cảnh khó khăn, hướng đến xu hướng kiến trúc tiến bộ cho hoạt động nghề nghiệp, phục vụ tốt hơn cho người dân và xã hội như: Kiến trúc xanh và bền vững, kiến trúc cộng đồng… GTKTQG là bức tranh toàn cảnh phản ánh thực trạng môi trường hành nghề của KTS Việt Nam trong sự canh tranh của thị trường kiến trúc – xây dựng với sự tham gia của nhiều KTS quốc tế. Giải thưởng cũng có thể được coi là cuộc đấu tranh không khoan nhượng với các quan niệm kiến trúc hoài cổ, hướng ngoại, chạy theo lợi nhuận của một bộ phận chủ đầu tư không nhỏ trong xã hội.

Để phát huy hơn nữa vai trò của GTKTQG, Ban Tổ chức sẽ tiếp tục tìm kiếm, phát hiện những tác phẩm mới, đề xuất các giải pháp kiến trúc để giải quyết các vấn đề xã hội, đồng thời cân nhắc đổi mới cơ cấu giải thưởng để thu hút nhiều tác phẩm kiến trúc chất lượng tham gia các kỳ tiếp theo.

Nối tiếp truyền thống tốt đẹp, GTKTQG 2018 – 2019 nhận được 158 hồ sơ tác phẩm tham dự (tăng 32% so với kỳ giải thưởng trước) trên 8 thể loại và 15 hạng mục, con số này cũng phản ánh sự khởi sắc trong lĩnh vực kiến trúc – xây dựng những năm gần đây sau thời kỳ trầm lắng. Đây cũng là tín hiệu mừng cho kiến trúc nước nhà khi giải thưởng đang nhận được sự quan tâm của đông đảo của giới KTS trong và ngoài nước.

Theo Điều lệ Giải thưởng, Hội đồng xét giải năm nay gồm 15 thành viên với thành phần là đại diện Lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực kiến trúc – quy hoạch, quản lý đô thị – hoạch định chính sách… Hội đồng đã làm việc trên nguyên tắc đảm bảo tính trung thực, khoa học, công bằng, khách quan, thông qua hình thức phân tích, thảo luận trên cơ sở hồ sơ, khảo sát thực tế và tôn trọng đa số khi bỏ phiếu – kết quả giải thưởng phải đạt từ 2/3 số phiếu tán thành.

Trường liên cấp hội nhập quốc tế Ischool Quảng Trị
Tác giả: KTS Nguyễn Xuân Minh cùng cộng sự

Nhìn chung, các tác phẩm dự Giải kỳ này có quy mô không lớn nhưng thể hiện đậm chất kiến trúc với nhiều giải pháp thú vị. Đặc biệt là hạng mục nhà ở có sự bứt phá của kiến trúc nhà ở nông thôn theo hướng giản dị, tự nhiên, gắn kết với truyền thống văn hóa và môi trường sống của người Việt qua nhiều thế hệ. Nhà Bắc Hồng là một giải pháp thiết kế thành công nhằm xây dựng không gian ở tại nông thôn theo nếp sống mới, vừa tiện nghi vừa truyền thống, tạo ra sự kết nối các thế hệ trong gia đình thông qua các không gian sinh hoạt chung trong và ngoài nhà, sân vườn, cây cỏ với triết lý “Xa mà Gần”. Nhà Phễu cũng là một thiết kế độc đáo, mang lại nhiều cảm xúc cho không gian ở đô thị hiện đại trong khi Nhà ở xã hội Hưng Thịnh là một điển hình khác về giải pháp tổ chức không gian chung cư hợp lý, thông thoáng, tiết kiệm mà vẫn đầy đủ tiện ích phục vụ cộng đồng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân với ngân sách hạn hẹp.

Hội đồng Giải thưởng đánh giá cao các thiết kế gắn kết công trình kiến trúc, quy hoạch với môi trường bản địa và cộng đồng, xã hội, tạo được không gian sống và học tập, làm việc tiện nghi, thích ứng với khí hậu vùng miền. Nhiều công trình trường học dự giải kỳ này được thiết kế tốt, không còn máy móc, dập khuôn theo mô hình cũ mà đi theo xu hướng tiến bộ, ngôn ngữ kiến trúc chắt lọc – không rườm rà, tổ hợp hình khối đơn giản, dây chuyền công năng mạch lạc, khúc chiết, kết hợp cảnh quan sân vườn nhuần nhuyễn với các giải pháp chiếu sáng, thông gió và che chắn nắng… làm tăng thêm tính thẩm mỹ cũng như giá trị sử dụng của công trình, đem lại hiệu quả cao cho nhà đầu tư như Trường liên cấp hội nhập quốc tế Ischool Quảng Trị, Trung tâm Đào tạo Học viện Viettel…

Trung tâm Đào tạo Học viện Viettel
VTN Architects

Các đồ án quy hoạch kỳ này cũng gây ấn tượng bởi những nghiên cứu kỹ lưỡng từ hiện trạng kinh tế, văn hóa, xã hội và dân cư, trong đó đặc biệt chú trọng đánh giá, phát hiện và phát huy những giá trị đặc trưng độc đáo từ điều kiện địa hình, cảnh quan tự nhiên của địa phương. Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Pleiku đã rất thành công khi đưa ra những giải pháp về điều chỉnh động lực và mục tiêu phát triển đô thị theo hướng “Thành phố vì sức khỏe” dựa trên nguồn lực thiên nhiên Pleiku gồm hệ thống núi lửa dương và âm, liên kết với các hồ nước và dòng suối, uốn lượn uyển chuyển theo địa hình cao thấp, đã gợi ý cho những giải pháp và định dạng hình thái không gian đô thị hợp lý, có cá tính, đậm chất Tây Nguyên từ tổng thể đến chi tiết theo hướng hiện đại và có bản sắc.

Nổi bật trong hạng mục Thiết kế đô thị – Thiết kế cảnh quan là Cầu Vàng ở Đà Nẵng với ý tưởng kiến trúc độc đáo, như một dải lụa mềm mại vắt ngang Bà Nà được nâng đỡ bởi hai bàn tay đá khổng lồ, đã thực sự tạo ấn tượng mạnh về một công trình vừa thơ mộng, tinh tế, vừa hùng vĩ và tráng lệ. Bên cạnh đó, đồ án Thiết kế cảnh quan Khu đô thị sinh thái biển Lạc Việt quy mô không lớn nhưng được nhóm tác giả khéo léo khai thác không gian dòng suối chạy dọc theo lõi khu đô thị thành trục cảnh quan chính, các giải pháp chi tiết được nghiên cứu sâu theo hướng sinh thái và sử dụng năng lượng sạch, phù hợp với từng khu vực chức năng và tăng cường khả năng thông thoáng tự nhiên cho khu đô thị.

Trong số các hạng mục giải thưởng năm nay, hạng mục Thiết kế Nội thất chưa thu hút được nhiều tác phẩm tốt tham gia, mặc dù trên thực tế có rất nhiều cá nhân và đơn vị tham gia lĩnh vực này, cũng như có rất nhiều tác phẩm thiết kế và thi công nội thất chất lượng cao. Hy vọng là các nhà thiết kế nội thất sẽ đóng góp nhiều giải thưởng cao trong mùa tới.

Hạng mục Ấn phẩm Kiến trúc kỳ này cũng gây ấn tượng mạnh với số lượng ấn phẩm tham dự kỷ lục là 22 cuốn sách với các tác giả trong nước và nước ngoài ở nhiều độ tuổi. Trong đó, có tác giả gửi tới 14 đầu sách kiến trúc. Thú vị nhất trong số các ấn phẩm kiến trúc kỳ này là cuốn “Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật” đề cập những vấn đề lý luận và phê bình nghệ thuật Việt Nam, về bản chất của Nghệ thuật, cũng như mối quan hệ phức tạp giữa truyền thống và hiện đại, giữa tính quốc tế và tính địa phương trong lĩnh vực hội họa và kiến trúc ở nước ta.

Năm nay, cơ cấu GTKTQG có hạng mục giải thưởng cho tác phẩm có giải pháp ứng dụng công nghệ mang tính đột phá nhưng rất tiếc là Hội đồng đã không chọn được tác phẩm nào đáp ứng tiêu chí của giải. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn cần được khuyến khích nhiều hơn vào những mùa giải tới vì trong kỷ nguyên cách mạng 4.0, các KTS cần có những thiết kế ứng dụng công nghệ mới để kịp thời thích ứng với xu hướng phát triển của kiến trúc thế giới.

Kết thúc Kỳ GTKTQG 2018-2019, Hội đồng đã quyết định trao 01 Giải Vàng, 11 Giải Bạc, 22 Giải Đồng, 01 Giải cho Tác phẩm Kiến trúc được cộng đồng yêu thích và trao Bằng khen cho 06 KTS Trẻ tiêu biểu có thành tích đạt giải cao, 01 Bằng khen cho Cá nhân tích cực tham dự Kỳ Giải. Kết quả này là sự ghi nhận trân trọng nhất đối với các tác phẩm – tác giả kiến trúc, những người đang nỗ lực khẳng định vai trò của kiến trúc – quy hoạch trong đời sống xã hội. Để đạt được những thành công này, chúng ta gửi lời cảm ơn tới các chủ đầu tư/ các nhà quản lý đã có những tư tưởng tiến bộ, văn minh khi ra quyết định đầu tư vào những ý tưởng thiết kế kiến trúc độc đáo, sáng tạo và mang lại tiện nghi cho người sử dụng cũng như lợi ích xã hội cho rộng rãi cộng đồng.

KTS Nguyễn Tấn Vạn
Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
Chủ tịch Hội đồng GTKTQG 2018 – 2019

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2019)