Những mẫu nhà nông thôn miền Bắc được yêu thích nhất cuộc thi thiết kế nhà ở nông thôn

Cuộc thi thiết kế kiến trúc: “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn” do Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam và Diễn đàn Mái đẹp nhà sang phối hợp tổ chức đã đi đến hồi kết với sự đồng tình về chuyên môn của HĐGK lẫn sự ủng hộ của bạn đọc. TCKT xin được chia sẻ những mẫu nhà nổi bật nhất vòng thi bình chọn cuộc thi của hạng mục nhà ở Miền Bắc, mong rằng các thiết kế nổi bật trong cuộc thi sẽ chung tay tìm ra các mẫu thiết kế nhà ở phù hợp với từng vùng miền, ứng dụng các giải pháp xanh phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, mà vẫn giữ được nét đặc trưng văn hóa địa phương.

Được phát động từ tháng 11/2018, Cuộc thi Thiết kế kiến trúc “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam” đã thực sự trở thành một sân chơi chuyên môn hữu ích, nơi giao lưu, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm của giới kiến trúc sư và cộng đồng.
Ngày 17/04/19, trong khuôn khổ Liên hoan KTS trẻ toàn quốc lần thứ VIII tại Vũng Tàu, Hội Đồng Giám khảo cuộc thi thiết kế kiến trúc: “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam” đã có buổi làm việc để tìm ra 40 phương án xuất sắc nhất vào vòng chung kết cuộc thi. Theo báo cáo từ BTC, cuộc thi năm nay đã thu hút 184 bài dự thi đến từ 41 tỉnh, thành trên cả nước tham dự 4 hạng mục: Nhà ở miền Bắcnhà ở miền Trungnhà ở miền Đông Nam Bộ và nhà ở miền Tây Nam Bộ. Sau đó, qua hệ thống bình chọn đã chọn ra được Top 10 thiết kế do cộng đồng bình chọn và Top 10 thiết kế do HĐGK bình chọn và Giải thưởng thiết kế được yêu thích nhất.

TCKT xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc các tác phẩm xuất sắc nhất miền Bắc.

  1. LA1508 – Phan Công Hùng – Giải Nhất chung cuộc, Giải thiết kế được yêu thích nhất

Khu đất xây dựng nằm trong khu vực xã Quảng Phú Cầu là nơi đây nổi tiếng với làng nghề truyền thống lằm tăm hương và nét văn hóa phong phú vẫn đang tồn tại hiện hữu. Tuy nhiên cùng với sự đi lên của nền kinh tế và áp lực của quá trình đô thị hóa nông thôn đang diễn ra mạnh mẽ, đã khiến cho những giá trị truyền thống dần bị mất đi đặc biệt giá trị mặt kiến trúc như là: những ngôi nhà truyền thống mang đậm nét đẹp của vùng đồng bằng Bắc Bộ, dần bị thay thế bởi những ngôi nhà dạng ống với không gian bí bách, khiến cho con người tách biệt với thiên nhiên tách biệt với cộng đồng mà nét đẹp của làng quê là chữ ‘‘tình’’. Vì vậy nhóm tác giả quyết định đưa một giải pháp thiết kế mang lại hơi thở mới cho bộ mặt kiến trúc tại nơi đây.

2. XT2099 – Nguyễn Xuân Tùng 

Làng văn hóa Lô Lô Chải nằm dưới chân Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, địa đầu cực Bắc Tổ quốc thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Hiện bản có khoảng 100 hộ dân với 453 nhân khẩu, trong đó dân tộc Lô Lô có 86 hộ, với 371 người.
Cùng với đó, kiến trúc nhà cửa nơi đây rất đặc biệt đó là nhà trình tường, mái lợp ngói máng. Nhưng hiện nay nét đẹp đó đang bị mai một dần bởi thế giới hiện đại. Nhiều nhà trình tường xưa giờ phá đi và thay vào đó là những ngôi nhà ống bê tông. Cùng với đó, cuộc sống của người dân trước đây rất thiếu thốn, chỉ dựa vào một vụ lúa nương, một vụ ngô trên núi đá, năm nào mất mùa thì chỉ còn mèm mén để ăn. Nhưng với tiềm năng du lịch đang dần phát triển của nơi địa đầu tổ quốc, nếu mô hình kinh doanh homestay nhà trình tường được quan tâm nhiều hơn thì không chỉ cải thiện đến nguồn thu nhập người dân mà còn là cách để giữ lại kiến trúc nhà tường trình.
Sau một quãng thời gian được đến nơi đây để trải nghiệm và tìm hiểu, đồng thời là một sinh viên theo học ngành kiến trúc nhóm tác giả mong phần nào với sự hiểu biết của mình sẽ góp phần bảo tồn vẻ đẹp văn hóa Lô Lô. Do đó những biện pháp cải tạo nhà, thay đổi để đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà vẫn lưu giữ nét đặc sắc trong kiến trúc bản đản địa; cùng với việc mang hình ảnh đó đến với cộng đồng chính là cách để gìn giữ văn hóa của dân tộc Lô Lô vốn rất đặc sắc.

3. RB9919 – Nguyễn Khắc Dương

Khu đất nghiên cứu thuộc một ngôi làng cổ của Đồng bằng Bắc Bộ; với truyền thống văn hoá có lịch sử lâu đời. Lô đất hiện trạng nằm trong làng; có mặt tiền giáp trục đường chính của làng. Mặt trước lô đất hiện trọng là ruộng lúa; cách chợ 100m, cách trung tâm làng 200m. Yêu cầu của gia chủ là thiết kế ngôi nhà tối ưu và tiện nghi về mặt công năng sử dụng nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống của ngôi nhà Bắc Bộ.
Cha ông ta trước khi xây dựng nhà thường chú ý tới khuôn viên trước và khuôn viên sau nhà. “ Trước cau sau chuối’’ đã trở thành hình ảnh quen thuộc của ngôi nhà Bắc Bộ. Ngôi nhà bố trí có sân gia công đằng trước nhà, phía sau là khu vườn trồng rau… Bước qua cổng vào đến khu vực sân trong sẽ thấy hình ảnh quen thuộc của ngôi nhà 3 gian với giàn dây leo , hàng cột hiên và cửa sổ chữ Thọ. Phòng khách tầng 1 là khu SHC của ngôi nhà được kết hợp với không gian thờ cúng tổ tiên, bếp và phòng ăn liên thông theo phong cách hiện đại. Hai phòng ngủ của ông bà bà và các bé bố trí sau nhà đảm bảo yên tình và riêng tư…
Phía sau nhà bố trí cầu thang ngoài trời dẫn lên tầng 2 là không gian của 2 vợ chồng chủ nhân ngôi nhà. Tầng 2 bố trí phòng ngủ có vệ sinh khép kín và phòng làm việc, sân giặt, phơi đồ… Mái lợp ngói tây theo phong cách truyền thống. Hệ kết cấu mái sử dụng toàn bộ thép hộp mạ kẽm đảm bảo tính bền chắc của kết cấu mái… Toàn bộ hệ kết cấu mái sử dụng xà gồ – cầu phong – lito thép hộp mạ kẽm; phía dưới hệ kết cấu là lớp trần thạch cao xương khung xương chìm, đảm bảo tính thẩm mỹ cho không gian nội thất…

4. CO1507 – Lê Duy Thanh

Xuất phát điểm vẫn là hình tượng ngôi nhà truyền thống với năm gian hai chái, với không gian chính giữa là không gian thờ và hai bên là không gian tiếp khách, sinh hoạt chung và ngủ nghỉ và xung quanh là những khu vực vụ trợ nhắm giữ tính nguyên vẹn trong cảm nhận cũng như trong tư tưởng của người dân về ngôi nhà truyền thống. Vì thế giải pháp đặt ra như một sự dịch chuyển, đưa không gian truyền thống (TĨNH) lên cao và dành không gian dưới mặt đất (ĐỘNG) cho những hoạt động cần nhiều sự tương tác, giao lưu. Tách biệt hơn hai luồng không gian để nó cùng tồn tại song song phát triển. Ngày nay với các làng nghề thủ công, cũng cần có không gian để người dân có thể làm việc và sản xuất sản phẩm. Từ 3 yếu tố: giảm diện tích đất, vườn nông nghiệp chiều đứng, nâng & giữ nguyên vẹn hiện trạng nhà cũ tạo ra một chu trình của sự phát triển xoay vòng, vừa bảo tồn được tính nguyên vẹn của nhà ở Bắc bộ vừa tạo được thêm không gian riêng cho từng hoạt động.
Chu trình “Vườn- Ao- Chuồng” khối phụ trợ kết cấu tôn thép nhẹ cũng được hệ thống liên kết với khối chính ở ngay đằng sau. Tạo nên chuỗi khép kín, một thiết lập mới cho việc chuyển hóa hiệu quả năng lượng. Không gian làng nghề bên dưới gian nhà chính sử dụng để chế biến miến, phân tách với khoảng sân nuôi trồng và chăn nuối phía sau một cách gọn gàng. Bố trí là một không gian riêng và chỉ kết nối với sân chung khiến cho dây chuyền sản xuất trở nên tinh gọn hơn, sạch sẽ hơn và khi cần cũng có thể tùy biến linh động nhiều dịp lễ tết.

5. VB2018 – Phạm Quý Linh, Đào Duy Tùng

Khối nhà mới phát triển dựa trên hình thái nhà truyền thống Bắc Bộ, đan xen các khoảng đặc rỗng, cây xanh. Không gian sinh hoạt chung không chia vách ngăn, giải phóng tối đa diện tích sử dụng, giữ nguyên cấu trúc không gian của nhà ba gian truyền thống. Chú trọng thông gió đối lưu và chiếu sáng tự nhiên cho công trình. Sân vườn sau nhà dành cho nông nghiệp khép kín, tự cung tự cấp với mô hình VAC khép kín truyền thống. Với diện tích đất lớn cùng nhiều ao, vườn và chuồng chăn nuôi, yêu cầu cần nhiều năng lượng để vận hành hệ thống bơm, tưới tiêu và chiếu sáng. Giải pháp đưa ra là sử dụng hệ thống Biogas tận dụng chất thải hữu cơ và hệ thống thu nước mưa, luân chuyển nước giữa các ao dễ dàng lắp đặt và vận hành. Tận dụng tối đa nguồn năng lượng sẵn có.

6. LT2125 – Bùi Chí Luyện

Bắt nguồn từ việc mong muốn tạo ra ngôi nhà mang đậm bản sắc nông thôn Việt Nam và trung hòa 3 yếu tố xã hội, kinh tế, môi trường, nhóm thiết kế đề xuất tạo ra một tổ hợp các modul có thể dễ dàng xây dựng lắp ghép, phát triển theo qui trình phát triển của các thành viên trong gia đình.
Hệ module 4,5×4,5m, tạo ra không gian tối thiểu về diện tích, có thể sử dụng với các chức năng khác nhau. Không gian sống kết hợp với không gian sản xuất cho từng hộ gia đình, phục vụ cho nhiều đối tượng sử dụng, ví du như hộ gia đình nhỏ 2 vợ chồng, hộ gia đình 2 thế hệ, 3 thế hệ. các không gian thay đổi linh hoạt tùy thuộc vào điều kiện kinh tế cũng như vị trí đât xây dựng. – Giải Nhất hạng mục Nhà ở Miền Bắc

7. HT2307 – Ngô Tuấn Anh – Giải Nhất hạng mục Nhà ở Miền Bắc

Ý tưởng thiết kế ngôi nhà dựa theo hình ảnh ngôi nhà truyền thống ba gian kết hợp phần trái nhà có thể là nhà kho, bếp. Phía đằng đông là một ao lớn của gia đình người chú họ góp phần cải thiện vi khí hậu mặt hướng Đông. Giải pháp khắc phục nắng hướng Tây của công trình là giữ nguyên những cây hiện trạng to như mít, ổi để che bớt ánh nắng. Hệ mái thép đua ra hơn 1m che chắn cho hàng hiên trước cửa nhà. Hình thức mái đơn lệch, dốc 2 phía trước sau cũng hài hòa với cảnh quan xung quanh, khi phía trước là cánh đồng lúa rộng lớn.
Tổng mức đầu tư ngôi nhà với chi phí ở mức trung bình, mức đầu tư của đa số các công trình thôn quê, tuy nhiên ngôi hiệu quả về lâu dài lại được đảm bảo. Không chỉ trong chức năng sử dụng, mà còn ở vấn đề môi sinh và kinh tế. Ngôi nhà như một ví dụ điển hình về mẫu nhà ở nông thôn miền Bắc hiện đại kết truyền thống dân tộc.

8. RE2019 – Đoàn Thanh Hà

Ngôi nhà được đề xuất giống như một khối đất hình hộp được xắn ra từ cánh đồng Năng lượng. Bên trong khối hộp này chứa đựng nhiều ngóc ngách của cái tổ, bên trên là bề mặt lớn để chuyển hóa năng lượng mặt trời thành điện & thu gom nước mưa. Với tên gọi là Tổ khuyến Năng – Ngôi nhà có ba phần chính gồm Bộ khung chịu lực; hệ Bao che hai lớp & phần Hoàn thiện, có thể ứng dụng vào nhiều khu vực dễ bị tổn thương khác nhau như: nông thôn, vùng thiên tai lũ lụt, khu tái định cư – thu nhập thấp. Cụm các Ngôi nhà được bố cục, ghép với nhau theo nhiều cách sẽ tạo nên một quần cư yên bình với những khoảng không gian mở liên hoàn dành cho tất cả mọi người. Tổ khuyến Năng cũng có thể được sử dụng như một không gian đa năng phục vụ các nhu cầu về Giáo dục, Y tế, Cộng đồng,…
Người sử dụng sẽ tham gia trực tiếp vào quá trình thi công Ngôi nhà và họ sẽ chủ động ngăn chia các không gian theo nhu cầu của bản thân, ngoài ra, họ cũng chính là lực lượng sản xuất ra các vật liệu (bao che & hoàn thiện) phù hợp với địa phương. Qua đó, góp phần tạo ra việc làm, hình thành nên những Tổ ấm khuyến khích phát triển Năng lượng tái tạo và mang lại sự phát triển cân bằng sinh thái cũng như sự ổn định về kinh tế cho cộng đồng dân cư ở các khu vực dễ bị tổn thương.

Xem thêm:

Bích Thuỷ – tckt.vn
© Tạp chí Kiến trúc