Sinh viên với cuộc thi giải thưởng kiến trúc năm 2017

Nếu như trước đây, việc học nghề và thực hành kiến trúc chỉ gói gọn trên giảng đường, sách vở lý thuyết thì ngày nay, để theo kịp dòng chảy hiện đại, nhiều bạn trẻ đã sẵn sàng thử thách bản thân khi tham gia vào các cuộc thi và họ đã thành công với những giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế. Nhân dịp đầu xuân mới, Tạp chí Kiến trúc trân trọng giới thiệu một số gương mặt tiêu biểu với những giải thưởng cao trong các cuộc thi dành cho sinh viên năm 2017 vừa qua. Hy vọng rằng những chia sẻ này sẽ khơi gợi cảm hứng học tập và sáng tác của các bạn sinh viên kiến trúc. Chúc các bạn sẽ thành công hơn nữa trong tương lai!


“Học nghề kiến trúc với niềm tin “Cứ đi rồi sẽ đến!”

SV Nguyễn Việt Tiến
ĐH Kiến trúc Đà Nẵng

Điều tôi tâm đắc với đồ án Temporary House là thời gian thi công nhanh cùng giá thành rẻ, tính thực tế cao nên người dân có tự làm được bằng cách lắp ghép giàn giáo xây dựng thành khung chịu lực với những tấm tre được đan sẵn từ trước, sau đó lắp theo từng module nên cũng phù hợp với sự điều chỉnh theo nhu cầu của người dân, thậm chí có thể ứng dụng với nhiều mô hình như trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà vệ sinh công cộng.

Quá trình đồng hành cùng Cuộc thi thiết kế giải pháp nhà ở cho vùng thiên tai đã giúp tôi thu được những kinh nghiệm quý báu, đồng thời rèn luyện các kỹ năng về tư duy sáng tạo và kỹ năng mềm. Sau cuộc thi, tôi cũng nghiệm ra rằng mỗi KTS cần nhận thức rõ vị trí của bản thân khi hành nghề, nhất là trách nhiệm với xã hội khi có thể giúp đỡ những người kém may mắn. Ngoài ra, tôi cũng rất mong là những bạn sinh viên khóa dưới hãy mạnh dạn tham gia các cuộc thi kiến trúc – Tuy sẽ gặp những khó khăn và có lúc muốn bỏ cuộc nhưng hãy có một niềm tin là “Chỉ cần đi là sẽ đến” để tiếp tục nỗ lực, cố gắng hoàn thành bài thi.

Đồ án “Temporary House” – Giải Đặc biệt do KTS Shigeru Ban lựa chọn tại Cuộc thi Thiết kế Giải pháp nhà ở cho vùng thiên tai

“Các cuộc thi là cơ hội để SV Kiến trúc trải nghiệm và học hỏi”

SV Nguyễn Thùy Dung
ĐH Kiến trúc TP. HCM

Ý tưởng của phương án “Hồ biến” nhằm mang đến trải nghiệm mới về nhà ở: Nơi vừa có thể là 1 căn nhà, vừa có thể là nhà kho, gian hàng hoặc phần mở rộng thêm,…Tôi cùng hai bạn Phạm Xuân Toàn và Võ Nữ Phương Anh đã tính đến giải pháp mang tính khả thi cao khi sử dụng vật liệu xây dựng nhẹ và hợp lý, cấu trúc có thể thu gọn, có thể phóng lớn, có thể di chuyển và được điều chỉnh tùy vào mục đích sử dụng mà vẫn tôn trọng các tiêu chuẩn về sinh thái, xã hội, kinh tế và tính bền vững.

Theo tôi, các cuộc thi, giải thưởng, hoạt động workshop,… là cơ hội hiếm có cho các bạn sinh viên. Bởi lẽ, mỗi hoạt động sẽ mang đến rất nhiều điều lý thú, trong quá trình nghiên cứu đề tài sẽ thu thập được rất nhiều tài liệu bổ ích, giúp chúng ta có cái nhìn mới, tiếp nhận nhiều khía cạnh trong việc thiết kế, chỉ cần cố gắng để vượt qua giai đoạn “lên ý tưởng” sẽ thấy hứng khởi để tiếp tục nhận về thành quả xứng đáng. Đó là những trải nghiệm, kiến thức và cả những kỉ niệm bên những người bạn đồng hành.

Trong quá trình học tập và tìm hiểu về kiến trúc, tôi luôn tâm đắc câu nói của KTS Lord Norman Foster: “Là một KTS, bạn phải thiết kế cho hiện tại, nhận biết được quá khứ, còn tương lai thì không biết được”.

Đồ án “Hồ biến” – Giải Nhất cuộc thi Thiết kế “Ngôi nhà mơ ước”, hạng mục SV kiến trúc

“Kiến trúc là một “con đường dài” mà tôi mới chỉ khởi hành”

SV Nguyễn Minh Kha
Trường ĐH Công nghệ TP. HCM

“The Origami Colour Box’’ hướng đến một ý niệm mới về mô hình nhà vệ sinh công cộng ‘’Không che lấp’’, “Phi giới tính’’ và ‘’Phi đối tượng sử dụng’’, nhằm giải quyết các vấn đề về quan niệm xã hội, tâm lí và tính an toàn, đặc biệt là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội (người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em và trẻ em gái). Đặc biệt, đồ án thể hiện mong muốn về một không gian nhà vệ sinh công cộng có thể kết hợp với không gian sinh hoạt cộng đồng thân thiện nằm ngay trung tâm, phục vụ đa dạng đối tượng sử dụng.

Khi thực hiện đồ án, tôi và bạn Nguyễn Ngọc Minh Khánh (ĐH Kiến trúc TP.HCM) đã có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, với quan niệm xem kiến trúc như một “Con đường dài”, những cuộc thi, giải thưởng là những “Con hẻm thú vị” trên hành trình cùng những người thầy, người bạn có cùng đam mê, nên chúng tôi đã động viên nhau quyết tâm hoàn thành bài thi. Quá trình làm việc với những tranh luận về ý tưởng hay học hỏi từ phương pháp làm việc đã trở thành những trải nghiệm đáng quý và bổ ích cho quá trình học tập và hành nghề sau này.

Đồ án: “The Origami Colour Box” – Giải FAT2017 – Thiết kế nhà vệ sinh công cộng

“Tôi phải đặt mình vào bối cảnh khi tìm ý”

KTS Đào Duy Tùng:
Tốt nghiệp ngành Kiến trúc trường ĐH Xây Dựng năm 2017

“The Flamiwave” là một công trình phức hợp phục vụ chức năng ở – thương mại – dịch vụ cho người dân thành phố Havana (Cuba). Được xây dựng trên nền những ngôi nhà bỏ hoang ven biển, đồ án gợi mở về hình ảnh như con sóng đang đánh vào bờ kết hợp với điệu múa truyền thống “Flamenco” là những tà váy đầy màu sắc, liên tưởng đến một khởi đầu cho kỷ nguyên kiến trúc mới tại đô thị già cỗi như Havana. Không còn những tòa nhà hình hộp đặc trưng chủ nghĩa cộng sản, cũng không còn những hình ảnh cũ của một nền văn hóa lâu đời mà người Tây Ban Nha đã để lại trong lịch sử Cuba, đồ án được thiết kế như một làn sóng mới đang đắm mình trong điệu Flamenco giữa đại dương bao la – the Flamiwave.

Trong quá trình thực hiện bài dự thi, do không có điều kiện để sang Cuba khảo sát khu đất nên đã gặp những khó khăn nhất định khi tìm kiếm nguồn tài liệu nghiên cứu về lịch sử và đô thị của Cuba. Thậm chí, tôi đã phải cố gắng đặt mình vào bối cảnh để cảm nhận được cách sống và suy nghĩ như một người Cuba cùng những câu hỏi như: “Liệu có cần xây dựng thêm một công trình như bao công trình khác đã từng gắn bó với cuộc sống bấy lâu nay? Liệu Cuba có cần một cú hích để thay đổi và vươn mình phát triển với thế giới?”

Đối với tôi, cuộc thi và giải thưởng kiến trúc luôn là sân chơi năng động và bổ ích giúp đổi mới được tư duy, tạo ra được thêm nhiều năng lượng cho lối “suy nghĩ vượt giới hạn” (Think out of the box) khi thực hành kiến trúc.

Đồ án “The Flamiwave” – Giải Nhất Xưởng thiết kế kiến trúc quốc tế AIAC 2017

“Mỗi công trình là một câu chuyện sáng tạo”

KTS Đường Văn Mạnh: Tốt nghiệp ngành Kiến trúc trường ĐH Xây Dựng năm 2017

Đồ án “The Third Arrow” tổng hợp những kiến thức, kĩ năng mà tôi có được trong suốt quá trình học. Đồ án đã đưa ra một bức tranh mang tính thực tế, xã hội, con người bản xứ và hướng đi tới một tương lai mới.

Là một sinh viên vừa ra trường, chắc chắn tôi chưa thể khẳng định một triết lý sáng tác, hay phong cách thiết kế riêng, nhưng theo tôi, điều quan trọng hơn cả là tính thực tế, sự tồn tại trong cảm xúc, sự ảnh hưởng tới nếp sống người sử dụng những sản phẩm kiến trúc do mình tạo ra. Mỗi công trình là một câu chuyện sáng tạo, theo một cách riêng, nhưng để sản phẩm tồn tại, được chấp nhận thì khi thiết kế KTS phải nhắc thật kĩ để luôn dung hòa song song giữa sáng tạo và thực tiễn, vẫn khác biệt nhưng phải luôn trong tầm tay. Những gì tôi làm không cao siêu, không bóng bẩy mà tất cả đều là những logic đơn giản và đời thường.

Trong thời gian tới, tôi vẫn tập trung cho việc tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để chuẩn bị cho những chặng đường mới, cũng có thể sẽ thử sức trong các cuộc thi với vai trò KTS. Theo tôi, học kiến trúc hay ngành nghề nào cũng vậy, chỉ cần học tập, nghiên cứu với sự say mê, xác định được mục tiêu và có trách nhiệm thì chắc chắn sẽ có thành quả xứng đáng.


“Tôi mong muốn kết hợp được 3 yếu tố Kiến trúc Con người – Địa phương trong một công trình hiện đại”

KTS Lê Kiến Quốc:
Tốt nghiệp ngành Kiến trúc trường ĐH Kiến trúc TP HCM năm 2017

“Sa Đéc vẫn còn rất đẹp, rất đơn sơ”, đó là những ý niệm ban đầu khi hình thành đồ án “Trung tâm triển lãm cây – hoa kiểng Sa Đéc” – đồ án đặc thù cho một khu vực có bề dày lịch sử phát triển làng nghề trồng hoa tại TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Mong muốn của tôi là tạo ra được một cụm công trình giúp người dân có điều kiện quảng bá sản phẩm của mình rộng rãi và chuyên nghiệp hơn, tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động của làng nghề. Đồng thời, thông qua sử dụng vật liệu địa phương và việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong thiết kế, tôi cũng mong muốn tạo ra một công trình hiện đại với sự hòa quyện của ba yếu tố: Kiến trúc, con người và địa phương.

Trong quá trình thực hiện đồ án tốt nghiệp, tôi đã nhận được sự hỗ trợ tận tình từ cô giáo Lê Thị Minh Tâm và thầy giáo Phan Lâm Nhật Nam, những người đã có những ý tưởng dẫn dắt và định hướng quan trọng. Đặc biệt, vì đề tài gắn liền với sông nước miền Tây nên trong quá trình tìm ý tưởng các thầy, cô đã giới thiệu và khuyến khích tôi xem những bộ phim về Nam bộ như: Đất Phương Nam, Mùa Len Trâu,…

Tôi hiện đang công tác tại Công ty Nagecco và sẽ tiếp tục tập trung học hỏi, phát triển chuyên môn kiến trúc trong thời gian tới.

Đồ án: “Trung tâm triển lãm cây – hoa kiểng Sa Đéc” – Giải Nhất Giải thưởng Loa Thành 2017 chuyên ngành Kiến trúc – Quy hoạch

“Làm kiến trúc như khai thác khoảng sản của tự nhiên”

KTS Tăng Vĩnh Anh Duy: Tốt nghiệp ngành Kiến trúc trường
ĐH Kiến trúc TP HCM năm 2017

Bảo tàng lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của tự nhiên và cảm nhận của con người khi đi trên những đồi cát, giống như những không gian trôi nổi, không giới hạn. Công trình hướng tới sự hài hòa với bối cảnh, trở thành một không gian nhẹ nhàng nhưng đầy bí ẩn trong vùng địa lý tự nhiên độc đáo. Theo tôi, làm kiến trúc như khai thác “khoáng sản” của tự nhiên, vẫn có sự khẳng định cần thiết ở bên ngoài, tuy nhiên sự hòa hợp và chuyển tiếp nhẹ nhàng phải thể hiện qua không gian nội tại bên trong.

Thầy giáo Phạm Phú Cường là người đã luôn luôn theo sát, định hướng tốt nhất cho đồ án của tôi. Thầy luôn khuyến khích tự do trong sáng tác, từ những ý tưởng rất sơ phác ban đầu, quá trình làm các mô hình nghiên cứu, cho đến giai đoạn hình thành các hồ sơ kĩ thuật. Thầy đã khuyên tôi nên đọc cuốn “Hoàng Tử Bé” trong giai đoạn “bế tắc” khi tìm ý, để vượt qua những suy nghĩ lối mòn và hướng đến sự tự do. Trong quá trình tìm ý, cần thiết nghiên cứu thông qua nhiều mô hình concept để tìm ra phương án tốt nhất dựa trên những góp ý khách quan và rõ ràng của thầy hướng dẫn.

Hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội cho các KTS trẻ, sinh viên kiến trúc Việt Nam giao lưu với các bạn quốc tế.

Đồ án: “Bảo tàng tự nhiên vùng bán hoang mạc Duyên hải Nam Trung Bộ” – Giải Nhất Giải thưởng Loa Thành 2017
chuyên ngành Kiến trúc – Quy hoạch

An Du
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2018)