Đồ án ‘Tháp nuôi rừng’ đạt giải nhất cuộc thi kiến trúc

Nhóm tác giả xây dựng bể thông tự nhiên để trữ nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về hàng năm, cung cấp nguồn nước sạch cho người dân. 

Đồ án “Tháp nuôi rừng” là tác phẩm của Trần Anh Duy, Phạm Duy Tân, Đại Học Kiến trúc TP HCM, giảng viên hướng dẫn Trần Đình Nam, đạt giải Nhất hạng mục Sinh viên Kiến trúc tại cuộc thi Spec Go Green International Awards 2018.

Đồ án được xây dựng dưới góc nhìn của những sinh viên kiến trúc trẻ về vấn đề môi trường tự nhiên đang dần bị phá hủy bởi con người. Diện tích rừng tràm bị biến mất nhanh chóng là kết quả của việc nỗ lực đắp kênh (đê), xây đập ngăn dòng nước từ sông Mê Kông để đẩy mạnh sản xuất lúa gạo. Sự mất cân bằng sinh thái của đồng bằng sông Cửu Long trở nên trầm trọng hơn, với nguồn phù sa đang trong quá trình bồi đắp, cùng hàng loạt các hệ lụy đi kèm như: sạt lở, lũ lụt ngoài đê, lòng sông bị cạn dần, ô nhiễm asen.

Ảnh vẽ về mô hình.

Nhóm tác giả đề xuất xây dựng, tổ chức một mô hình có chi phí thấp mang tính khả thi, tận dụng được nguồn tài nguyên có sẵn để phát triển kinh tế, đời sống, môi trường, nhưng vẫn giữ lại được những đặc trưng văn hóa truyền thống.  Nhóm tác giả chọn rừng Trà Sư làm nơi thí điểm.

Với ý tưởng tạo ra một bể thông tự nhiên để trữ nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về hàng năm, nhóm tác giả đã đưa ra giải pháp loại bỏ một số con đê để dẫn nước, phù sa nuôi dưỡng hệ thống rừng tràm và cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.

Loại bỏ một số con đê để dẫn nước và phù sa vào rừng.

Ngoài việc gìn giữ những nền tảng nông, lâm, ngư nghiệp cùng các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, nhóm tác giả còn muốn phát triển du lịch trải nghiệm chèo xuồng đường dài, trên địa hình của rừng Trà Sư. Du khách sẽ được tự do sáng tạo không gian ở của riêng mình tại khu vực homestay. Công trình là một không gian hoàn toàn rỗng, được xây dựng với hệ thống khung chịu lực, tiết kiệm chi phí.

Công trình có thể cung cấp nguồn nước sạch cho khu vực từ hệ thống lọc nước tự nhiên, tích trữ năng lượng điện bằng những tấm pin mặt trời. Đồng thời, cũng là nơi nghiên cứu, bảo tồn động thực vật, nơi có thể được đánh giá là biểu tượng đánh dấu bước ngoặt cho sự phát triển của một thời kỳ mới.

“Tháp nuôi rừng” với mô hình công năng tích hợp.

Khi hệ sinh thái động thực vật, môi trường khí hậu thay đổi tích cực, người dân sẽ được sống trong một môi trường mới, hưởng nguồn lợi từ mô hình tháp nuôi rừng, tạo cơ hội cho bản sắc văn hóa truyền thống địa phương được duy trì, phát triển.

Lê Nguyễn (VnExpress.net)